Trương Quang Trọng - người chiến sĩ Cộng sản kiên trung 

Trương Quang Trọng - người chiến sĩ Cộng sản kiên trung

Thứ sáu - 06/12/2019 13:34
Hình ảnh đồng chí Trương Quang Trọng và các anh em tù chính trị đã đi vào lịch sử - một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung, của những người Cộng sản; tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng.
Chân dung Trương Quang Trọng (nguồn: baoquangngai.vn)
Chân dung Trương Quang Trọng (nguồn: baoquangngai.vn)
Trương Quang Trọng sinh năm 1906, người con ưu tú của quê hương Phú Nhơn, huyện Sơn Tịnh (nay thuộc phường Trương Quang Trọngthành phố Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Trương Quang Trọng sớm tham gia phong trào đấu tranh của học sinh tại những ngôi trường nơi ông học học tập.
Từ giữa năm 1926 cho đến tháng 8 năm 1929 là những năm tháng hoạt động cách mạng hết sức sôi động, đồng chí đã đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, đồng chí có công lớn trong Ban vận động thành lập Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi. Ngày 19 tháng 8 năm 1929 đồng chí bị thực dân Pháp bắt giữ. Sau một thời gian bị giam ở nhà lao Quảng Ngãi, thực dân Pháp kết án 9 năm khổ sai, 4 năm quản thúc. Đầu năm 1931, chúng chuyển đồng chí cùng một số tù nhân khác vào lao Quy Nhơn và đến tháng 6 năm 1931 bị đày lên Ngục Kon Tum. Trong đợt này có cả các đồng chí: Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Lê Viết Lượng, Bùi San…là những cán bộ trung, cao cấp của Đảng.
Khi đưa tù chính trị lên giam giữ tại Kon Tum, thực dân Pháp nhằm mục đích: Nhanh chóng giảm bớt số lượng tù nhân bị giam giữ chật kín ở nhà đày các tỉnh đồng bằng; dùng sức lao động của tù nhân để làm đường giao thông phục vụ cho mưu đồ cai trị của chúng; lợi dụng nơi rừng núi xa xôi, dân cư thưa thớt cách xa các trung tâm đô thị và đồng bằng nhằm cách ly tư tưởng Cộng sản; đồng thời để giết dần, giết mòn các tù nhân chính trị mà không sợ tai tiếng và dư luận lên án. Với âm mưu thâm độc đó, từ cuối tháng 12-1930 đến giữa năm 1931 thực dân Pháp đã đày gần 300 tù chính trị từ nhà lao các tỉnh đồng bằng lên giam giữ tại đây.
Chúng đã trấn áp tù nhân bằng roi vọt, báng súng, gậy gộc và lập tức đưa ngay tù nhân lên công trường làm đường 14. Công trường làm đường với đèo, dốc hiểm trở, cây cối âm u nhưng công cụ lao động lại hết sức thô sơ. Ngoài những hình thức đánh đập thông thường hàng ngày, bọn lính còn bày ra những trò chơi man rợ để giết hại anh em tù. Với cách đối xử tàn bạo, dã man ấy, chỉ trong 6 tháng (từ tháng 12 năm 1930 đến tháng 6 năm 1931) làm đoạn đường dài 15 km từ Đăk Pao đi Đăk Pek, 295 người tù chính trị đã bị chết một cách thê thảm, chỉ còn lại chừng 1/3 sống sót trong cảnh ốm yếu, da bọc xương. Tháng 6-1931, mùa mưa đến, thực dân Pháp đưa 92 tù nhân còn sống về giam tại thị xã Kon Tum nhưng chỉ có 81 người sống sót.
Đầu tháng 7-1931, Chi bộ binh ở Lao trong bị khủng bố, địch đưa đồng chí Ngô Đức Đệ (Bí thư Chi bộ binh, lúc này đã bị tan rã) ra giam giữ ở Lao ngoài. Đồng chí Ngô Đức Đệ vốn đã quen biết, từng làm việc với đồng chí Trương Quang Trọng và các đồng chí Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Lê Viết Lượng, Bùi San…Tại đây, sau khi nghe đồng chí Ngô Đức Đệ thông báo tình hình tù nhân làm đường, sự đàn áp, đày đọa tù nhân của địch, tình hình của chi bộ binh, chi bộ đường phố... các chiến sĩ cách mạng cốt cán đã bàn bạc thống nhất, nhanh chóng hình thành “Ban phụ trách nhà lao” để tổ chức anh em tù chính trị đứng lên đấu tranh và phân công các đồng chí trong Ban lãnh đạo phụ trách các nhiệm vụ. Đồng chí Trương Quang Trọng (số tù 303) cùng với Nguyễn Huy Lung (số tù 299) và Hồ Độ (số tù 302) có nhiệm vụ phụ trách xây dựng nội bộ về tư tưởng và tổ chức. Dù biết rằng con đường đấu tranh đó sẽ rất đau thương, tàn khốc, nhưng Trương Quang Trọng và các đồng chí của mình đã đứng lên với quyết tâm: sẵn sàng chấp nhận lấy cái chết của mình để đổi lấy sự sống cho đồng chí, anh em “Sau khi ta chết rồi, họa may mấy trăm anh em mới còn phương sống” (theo hồi ký của đồng chí Ngô Đức Đệ).
Ban phụ trách nhà lao hạ quyết tâm: Muốn sống, không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh mà Đảng đề ra. Muốn bảo đảm cuộc đấu tranh thắng lợi, nhất định chúng ta phải làm cho anh em đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao. Phải đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, có kế hoạch chu đáo. Với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng đối phó, với quyết tâm đấu tranh đến cùng, sáng ngày 12-12-1931, khi bọn cầm quyền tiến hành thực hiện chính sách ly gián tù nhân và chuẩn bị đưa một số tù còn lại lên Đăk Pek lần 2, đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị ở Lao ngoài, trong đó có nhiều đồng chí trong đội cảm tử, quyết tử và Ban phụ trách nhà lao như Trương Quang Trọng, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Hồ Độ,... Anh em tù nhân đã đồng tâm đóng chặt cửa, hô khẩu hiệu phản đối đi làm đường, phản đối chế độ thực dân cai trị... kiên quyết không chịu lên công trường Đăk Pek lần thứ hai.
Trước sự phản đối quyết liệt của tù nhân, bọn công sứ, giám binh, nhiều binh lính kéo đến bao vây xung quanh nhà lao. Anh em tù vẫn xiết chặt hàng ngũ và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu, đồng thời dùng gậy gộc chống lại, không để cho bọn địch vào định bắt từng người đưa đi. Theo lệnh công sứ, viên đội Mulê cầm súng, tiến lại cửa nhà lao gọi: “Thằng tù số 299 đâu?”. Anh em trong nhà lao đồng thanh trả lời: “Không có tù số 299! Đả đảo đi Đăk Pek”. Nhưng đúng lúc ấy, đồng chí Trương Quang Trọng đang đứng ở hàng đầu đã phanh áo, chỉ vào ngực, nói bằng tiếng Pháp “Le voici” (nó ở đây). Tên Mulê lập tức bóp cò, đồng chí Trương Quang Trọng hi sinh.
Hành động anh dũng chết thay cho đồng đội của đồng chí Trương Quang Trọng và tội ác giết người không gớm tay của bọn cầm quyền Pháp đã thôi thúc anh em đấu tranh quyết liệt hơn, sẵn sàng đương đầu với súng đạn. Bọn địch điên cuồng nã súng tàn sát đẫm máu anh em tù chính trị làm 8 người chết, 8 người bị thương.
Tại Lao trong, sáng ngày 13-12-1931, số anh em tù còn lại đã tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí, đồng đội đã hi sinh. Trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn lường, tù nhân càng siết chặt đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh đến cùng. Chiều cùng ngày, Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân đối với chính quyền thực dân Pháp cũng được đưa ra. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp và đưa ra các yêu sách đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm thực hiện. Trong đó đòi quyền được ăn uống, được thuốc men khi đau ốm cho tù nhân; bãi bỏ chế độ đánh đập, bắn giết, gông cùm và các hình phạt khắc nghiệt; đòi quyền được đọc sách báo và viết thư từ cho người thân…
Cùng với những yêu sách đưa ra, anh em tù chính trị kiên quyết đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết đến cùng của tù chính trị, sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp một lần nữa nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực làm cho 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức áp giải, phân tán số tù nhân còn lại, dập tắt cuộc đấu tranh. Cả hai đợt đấu tranh trực diện, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí.
Tuy vậy, sau cuộc đấu tranh này nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị có án nhẹ và một số tù thường phạm; phải nhượng bộ bằng việc thay đổi chế độ lao dịch của tù, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 4-1934, thực dân Pháp phải xóa bỏ ngục Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết với tinh thần quyết liệt, chấp nhận hy sinh của các tù nhân chính trị vì mục tiêu cao cả "Chết để sống", "Chết một người để cứu muôn người" đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách kiên trung của đồng chí Trương Quang Trọng và các chiến sĩ Cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng tàn bạo của quân thù. Sự hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí nói riêng và các anh em tù chính trị trong ngục Kon Tum đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người; tạo cho dư luận trong nước và thế giới được rõ hơn về chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; đã lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ "tự do", "bình đẳng", "bác ái" của bọn thực dân Pháp.
Hình ảnh đồng chí Trương Quang Trọng và các anh em tù chính trị đã đi vào lịch sử - một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung, của những người Cộng sản; tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng. Tấm gương ấy, tinh thần ấy đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

Trần Thị Sáu

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

CV.2411.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 5-2024

Lượt xem:212 | lượt tải:32

TÀI LIỆU

Hội nghị đánh giá việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2023-2024

Lượt xem:70 | lượt tải:27

TÀI LIỆU

phục vụ HN quán triệt NQ41 của BCT về vai trò đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới

Lượt xem:271 | lượt tải:126

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Lượt xem:300 | lượt tải:136

CV.2400.BTGTU

dự HN quán triệt Nghị quyết 41 của BCT về vai trò doanh nhân trong thời kỳ mới

Lượt xem:304 | lượt tải:258

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí tháng 4-2024

Lượt xem:760 | lượt tải:75

CV.2384.BTGTU

phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị của BBT và kế hoạch của BTVTU tháng 4-2024

Lượt xem:1027 | lượt tải:188


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập49
  • Hôm nay7,245
  • Tháng hiện tại340,357
  • Tổng lượt truy cập30,871,479
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây