Cách mạng tháng Tám tại Kon Tum và quá trình thành lập, củng cố hệ thống chính trị của tỉnh những tháng cuối năm 1945 

Cách mạng tháng Tám tại Kon Tum và quá trình thành lập, củng cố hệ thống chính trị của tỉnh những tháng cuối năm 1945

Thứ sáu - 10/04/2020 08:17
Mặc dù cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 tại tỉnh Kon Tum không có tổ chức Đảng và tổ chức Việt Minh lãnh đạo ngay từ đầu. Nhưng dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh, nhân dân Kon Tum đã đứng lên giành quyền làm chủ, kết thúc gần thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân phong kiến và tay sai…
Hình minh họa trên Internet
Hình minh họa trên Internet
Những ngày đầu tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật, cứu nước do Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh phát động đã thu được nhiều thắng lợi. Tình hình thế giới cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng nước ta. Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và Đồng minh vô điều kiện. Ở Đông Dương, quân Nhật hoang mang, dao động đến cực độ, bọn tay sai khiếp sợ. Đó là điều kiện khách quan vô cùng thuận lợi cho Cách mạng nước ta chuyển sang thời kỳ Tổng khởi nghĩa. Ở trong nước, ngày 12-8-1945, tại chiến khu Việt Bắc, ủy ban lâm thời khu giải phóng ra lệnh khởi nghĩa trong vùng căn cứ địa. Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) ra quyết định Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập ngay trong đêm 13-8-1945, phát Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân khai mạc ở Tân Trào (Tuyên Quang) có hơn 60 đại biểu đại diện cho nhân dân Bắc, Trung, Nam và đại biểu cho kiều bào ta ở nước ngoài đại biểu các đảng phái, các đoàn thể quần chúng, các dân tộc, các tôn giáo tham dự. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội quyết định Quốc kỳ, Quốc ca và cử Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức là Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa và Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch phát đi từ Tân Trào, thủ đô của khu giải phóng Trung ương đã truyền đi khắp đất nước và cũng đến với nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum theo các kênh thông tin khác nhau. Đây là cơ hội "ngàn năm có một" để nhân dân ta nổi dậy giành quyền làm chủ, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng đất nước.
Từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, phần lớn số xã, huyện trong vùng căn cứ địa, một số tỉnh ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ở Quảng Ngãi, ngày 14-8-1945, lực lượng vũ trang địa phương đã giải phóng hầu hết các huyện, bao vây quân Nhật ở thị xã. Làn sóng khởi nghĩa khắp nơi trong nước dội lên Kon Tum.
Những thắng lợi giòn giã của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong những ngày tháng Tám ở các tỉnh miền Trung đã tác động mạnh đến Kon Tum. Ở Kon Tum, chính quyền cai trị Nhật và bọn tay sai bù nhìn hốt hoảng, dao động cực độ. Lực lượng hiến binh Nhật lo sợ vội vàng rút chạy khỏi Kon Tum về đồng bằng chờ quân đồng minh đến giải giáp. Lực lượng của phát xít Nhật ở Kon Tum lúc này còn rất ít binh lính canh gác các kho, tổ chức thanh niên Phan Anh và những nhóm thân Nhật hoàn toàn tan rã. Một bộ phận viên chức và binh lính bảo an của chính quyền tay sai bù nhìn đang trong tình trạng nửa vời "gió chiều nào theo chiều ấy", một số khá đông đã giác ngộ hướng theo cách mạng đang cùng lực lượng thanh niên yêu nước với tinh thần chủ động và kiên quyết cách mạng trong khí thế sẵn sàng giành chính quyền. Tình hình khách quan ở  Kon Tum diễn biến rất thuận lợi.
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, huyện Ba Tơ giành chính quyền. Hai ngày sau thực hiện chỉ thị của Huyện ủy, lực lượng cách mạng Ba Tơ kéo lên giúp Kon Plông khởi nghĩa giành chính quyền. Tình hình Kon Plông lúc này đã rất thuận lợi. Tin thất thủ của đồng minh ở các tỉnh Trung châu, làm cho lực lượng binh lính Nhật đóng ở Kon Plông hoàn toàn án binh bất động. Khi lực lượng khởi nghĩa kéo đến Kon Plông không gặp phải sự cản trở nào của địch, tri huyện Nuôn và đồng trưởng bảo an Lê Phò vội vàng giao nộp vũ khí, sổ sách, ấn triện cho cách mạng. Huyện Kon Plông giành được chính quyền về tay nhân dân. Đây là địa phương giành chính quyền cách mạng tháng Tám sớm nhất ở Kon Tum.
Tại thị xã Kon Tum, quá trình chuẩn bị giành chính quyền diễn ra gấp rút: Ngày 22-8-1945, cùng với Gia Lai, thanh niên Kon Tum nhận được bức điện văn từ Việt Minh Bình Định gửi đến chỉ đạo sửa soạn giành chính quyền, nhưng vì thiếu tổ chức nòng cốt nên Kon Tum chưa hành động. Ngày 23-8-1945, Kon Tum nhận được tin Việt Minh Gia Lai sang giành chính quyền, liền tối hôm đó (23-8-1945), một số viên chức có xu hướng tiến bộ, gồm: Hoàng Lẫm, Võ Văn Dật, Tôn Thất Hy, Nguyễn Năng Tịnh.... đã tổ chức cuộc họp bàn nhất trí hành động, chuẩn bị mọi điều kiện để phối hợp với Việt Minh Gia Lai giành chính quyền. Cuộc họp phân công Võ Văn Dật phụ trách vận động thu xếp lực lượng bảo an, các vị khác lo làm việc với Tòa Tỉnh trưởng và vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Theo sự phân công, Võ Văn Dật về đồn bảo an bàn với Quản Giai-đồn trưởng Bảo an, tên này dao động, sợ sệt đã giao mọi quyền hành chỉ huy cho Võ Văn Dật. Cả đêm đó tên Hà Ngại hốt hoảng gọi điện thăm dò thái độ của lực lượng bảo an, nhưng không còn lực lượng ủng hộ.
Sáng ngày 25-8-1945, các ông Dương Thành Đạt, Trần Sanh, Nguyễn Xuân, Trần Thông, Đỗ Huyên dẫn đầu lực lượng ở Gia Lai kéo lên tỉnh Kon Tum hỗ trợ phối hợp với lực lượng tỉnh Kon Tum tổ chức giành chính quyền. Do có sự chuẩn bị trước, nên khi đoàn thanh niên Giai Lai đến đã có sự sắp hàng đón tiếp của các binh lính và các tầng lớp nhân dân. Lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh, Đoàn thanh niên cách mạng kéo đến dinh Quản đạo yêu cầu Tỉnh trưởng Kon Tum là Hà Ngại bàn giao chính quyền. Tỉnh trưởng Hà Ngại tuyên bố từ chức, bàn giao toàn bộ ấn tín, hồ sơ, trụ sở cơ quan hành chính, công sở, quân sự, kho bạc... cho cách mạng. Công việc bàn giao diễn ra nhanh gọn. Chính quyền cách mạng trong tỉnh đã hoàn toàn về tay nhân dân.
Ngay sau khi giành được chính quyền, một cuộc mít tinh đã được tổ chức ngay tại dinh tỉnh trưởng ở thị xã Kon Tum để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Trước sự có mặt của hơn 200 đại biểu là viên chức trí thức và quần chúng nhân dân ở thị xã (những người trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25-8-1945), thay mặt lực lượng tham gia giành chính quyền, ông Hoàng Lẫm công bố thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh, gồm 5 người: Chủ tịch Uỷ ban là Y sĩ Hoàng Lẫm; các ủy viên gồm: Ông Tôn Thất Hy, ông Trần Quang Tường, ông Võ Văn Dật và ông E De. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự trong tỉnh, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời quyết định: giải tán các lực lượng bảo an và thành lập bộ đội giải phóng thu hút tất cả số binh lính tình nguyện theo cách mạng. Tiến hành phiên chế lại tổ chức quân đội và phân công đồng chí Võ Văn Dật phụ trách quân sự, trực tiếp tổng chỉ huy. Việc giành chính quyền ở xã, huyện đều diễn ra nhanh gọn, do lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ với các đoàn cán bộ của tỉnh phái về để thành lập chính quyền cách mạng.
Sau khi chính quyền tỉnh tuyên bố thành lập, để lãnh đạo, tổ chức hệ thống chính quyền ngày càng vững mạnh, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đã cử các đoàn cán bộ về các huyện củng cố lực lượng, tuyên truyền vận động nhân dân, sắp xếp thành lập chính quyền mới ở địa phương. Theo đó, chính quyền các hạt (cấp huyện, thị) được thành lập gồm có 4 đơn vị: Thị xã Kon Tum (5 ủy viên), Đăk Tô (7 ủy viên), Đăk Glei (3 ủy viên), Đăk Sút (3 ủy viên). Riêng huyện Kon Plông do Việt Minh ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) lên giúp khởi nghĩa giành chính quyền sớm hơn, nên bộ máy chính quyền của huyện được thành lập trước khi có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh. Ở các xã, tổng ta không tổ chức thành lập uỷ ban; mỗi xã chỉ bầu ra 01 chủ tịch. Hầu hết những người làm việc cho Pháp cũ như tri huyện, chánh tổng, chủ làng có thái độ tốt với cách mạng thì ta đều bố trí tham gia chính quyền mới.
Ngày 25-9-1945, tại thị xã Kon Tum Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh tổ chức mít tinh ủng hộ đồng bào Nam bộ kháng chiến. Tại buổi mít tinh, Uỷ ban tuyên bố củng cố lại chính quyền cách mạng tỉnh. Bộ máy chính quyền mới gồm: (1) Hà Lượng: Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời; 2. Lê Đại Uyên: Phó chủ tịch, phụ trách kinh tế; (3) Nguyễn Hữu Phú: Ủy viên thư ký; (4) Đjuik Jonk (dân tộc Ba Na), Ủy viên; (5) Ouek (Wép, dân tộc Xê Đăng): Ủy viên; (6) Trần Quang Tường: Ủy viên; (7) Tôn Thất Hy: Ủy viên; (8) Lê Đại Lý: Ủy viên, phụ trách công tác tuyên truyền và bình dân học vụ.
 Giữa tháng 10-1945, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương tăng cường cán bộ lên tỉnh Kon Tum, tạo điều kiện xây dựng thực lực cách mạng của quần chúng và chuẩn bị ra đời tổ chức đảng, trong số đó có đồng chí Võ Thị Hồng Sâm (tức Nguyễn Thị Sâm) ở Gia Lai, đồng chí Xuân Lẫm ở Phú Yên được điều động lên công tác tại tỉnh Kon Tum. Cùng với đội ngũ cán bộ của tỉnh, của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời nhanh chóng tiến hành mạnh mẽ, sâu rộng công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng, đi sâu vào từng cơ sở quần chúng, tổ chức quần chúng lại hình thành các đoàn thể như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Phật giáo cứu quốc...
Cũng trong tháng 10-1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh Kon Tum được thành lập do Ngô Đình Sỹ chủ nhiệm, đồng chí Xuân và Võ Thị Sâm-Phó chủ nhiệm, đồng chí Phúc thư ký. Tỉnh Kon Tum đã cử ông Hồ Phương và Trần Bá (là thợ may) đi dự Hội nghị công nhân cứu nước Trung Bộ. Ngay sau đó, Hội nghị liên tịch giữa Mặt trận Việt Minh và Ủy ban lâm thời  được tổ chức để bàn biện pháp củng cố chính quyền: tiến hành củng cố chính quyền các cấp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn tỉnh: quân sự, kinh tế, thông tin, bình dân học vụ... ở vùng người Kinh, kiên quyết loại trừ những người đã làm việc trong bộ máy cũ của địch mà có biểu hiện không tốt, đối với những phần tử chống đối, phải kiên quyết trấn áp. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạm thời vẫn sử dụng những người cũ nếu được quần chúng tín nhiệm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền gây ảnh hưởng của chính quyền cách mạng trong nhân dân.
Cuối năm 1945, chi bộ Đảng ở tỉnh Kon Tum được thành lập gồm 6 đồng chí, do đồng chí Võ Thị Hồng Sâm (tức Nguyễn Thị Sâm) làm Bí thư, cùng với năm đồng chí là Nguyễn Xuân, Lê Văn Đức, Lê Tự Thắng, Lê Văn Thiêng, Lương Thị Thanh Khê. Sau đó kết nạp thêm đồng chí Trần Quốc Bảo, Nguyễn Tùng, Nguyễn Năng Tân, Phạm Thục và đồng chí Quốc. Chỉ sau thời gian ngắn phát triển kết nạp thêm đảng viên mới và tổ chức thêm một chi bộ nữa do đồng chí Lê Tự Thắng làm Bí thư, gồm các đồng chí đảng viên trong quân đội là Lê Văn Đức, Nguyễn Năng Tân, Nguyễn Tùng và đồng chí Nguyễn Thanh Nghi.
Ngày 23-12-1945, mọi công dân các dân tộc Kon Tum nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử lịch sử, bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (cuộc bầu cử ở Kon Tum sớm hơn cả nước – tổng tuyển cử ngày 6- 01-1946, vì tỉnh Kon Tum không nhận kịp thông tin hoãn của Trung ương). Cuộc Tổng tuyển cử được khẩn trương chuẩn bị và chỉ đạo rất chặt chẽ từ công tác tuyên truyền, đến vận động giới thiệu người ứng cử, lập danh sách cử tri và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn cho cuộc Tổng tuyển cử thành công. Trên địa bàn Kon Tum rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ tuyên truyền cổ động đến khắp làng xã, phố phường. Ngày 23-12-1945, toàn dân hưởng ứng và số cử tri đi bỏ phiếu rất đông, đã chọn bầu đủ với số phiếu cao tuyệt đối, ba đại biểu Quốc hội đầu tiên của Kon Tum là: Ông Đjuik Jonh (dân tộc Ba Na), ông Ouek (dân tộc Xê Đăng) và ông Lưu Phương (linh mục Thiên Chúa giáo).
Như vậy, mặc dù cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 tại tỉnh Kon Tum không có tổ chức Đảng và tổ chức Việt Minh lãnh đạo ngay từ đầu. Nhưng dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh, nhân dân Kon Tum đã đứng lên giành quyền làm chủ, kết thúc gần thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân phong kiến và tay sai. Và, ngay sau khi giành được chính quyền, do giữ mối liên hệ chặt chẽ với cả nước, hệ thống chính trị gồm chính quyền, mặt trận, đoàn thể, tổ chức Đảng nhanh chóng được thành lập và củng cố, kiện toàn trong những tháng cuối năm 1945. Cùng với quá trình này, hàng loạt chính sách về kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội nhanh chóng được thực hiện, tạo ra đời sống mới tự do, bình đẳng, đoàn kết. Những chính sách của hệ thống chính trị non trẻ ghi dấu ấn đậm nét trong đời sống, tư tưởng của nhân dân Kon Tum. Và đó là cơ sở nền tảng để thực hiện cuộc vận động toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai đến ngày giải phóng (1946-1954).


Trần Thị Sáu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

CV.2411.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 5-2024

Lượt xem:207 | lượt tải:32

TÀI LIỆU

Hội nghị đánh giá việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2023-2024

Lượt xem:69 | lượt tải:27

TÀI LIỆU

phục vụ HN quán triệt NQ41 của BCT về vai trò đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới

Lượt xem:268 | lượt tải:125

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Lượt xem:296 | lượt tải:134

CV.2400.BTGTU

dự HN quán triệt Nghị quyết 41 của BCT về vai trò doanh nhân trong thời kỳ mới

Lượt xem:301 | lượt tải:256

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí tháng 4-2024

Lượt xem:755 | lượt tải:75

CV.2384.BTGTU

phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị của BBT và kế hoạch của BTVTU tháng 4-2024

Lượt xem:1022 | lượt tải:188


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay5,042
  • Tháng hiện tại338,154
  • Tổng lượt truy cập30,869,276
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây