Năm Mão nói chuyện phiếm về Mèo 

Năm Mão nói chuyện phiếm về Mèo

Thứ tư - 18/01/2023 08:42
Mèo không chỉ đi vào cuộc sống vật chất của con người mà còn gắn với nhiều ý nghĩa tinh thần, tính cách mang ẩn dụ sâu xa…
Năm Mão nói chuyện phiếm về Mèo
Trong 12 con giáp, Mèo xếp hàng thứ tư, sau hổ. Xét về hình dáng và thức ăn thì hổ và mèo có nét tương đồng (cả 2 loài đều ăn thịt sống), nên dân gian gọi mèo là tiểu hổ. Chẳng biết tổ tiên của mèo từ một loài thú ăn thịt sống hoang dã được con người thuần dưỡng ra sao, chỉ biết rằng kể từ khi trở thành vật nuôi sống chung với con người, mèo là loại thú cưng rất được con người yêu mến, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Mèo không chỉ đi vào cuộc sống vật chất của con người mà còn gắn với nhiều ý nghĩa tinh thần, tính cách mang ẩn dụ sâu xa. Ít có con vật nào mà lại “đa nhân cách” như loài mèo. Ở loài vật này, ta thấy vừa có những mặt tốt vừa có mặt xấu dường như là đối nghịch nhau. Nó vừa giản dị, gần gũi lại vừa bí ẩn, ma quái. Nó vừa tượng trưng cho sự từ tốn, hiền lành, nền nếp lại là hình ảnh xấu về sự nhếch nhác, lông bông, tinh ranh…
Trước hết hãy nói về những mặt tốt, tính tích cực của loài mèo. Đức tính tốt cần được nhắc đến của Mèo đó là sự hiền lành, dễ gần gũi. Bước đi, bước nhảy của Mèo rất nhẹ nhàng, êm ái; Mèo là con vật mà khi rơi từ trên cao xuống sẽ biết thu mình để tiếp đất nhẹ nhàng và không hề bị chấn thương; hoặc khi đã chui lọt đầu qua lỗ tường thì thân hình sẽ lọt theo, đúng như các cụ vẫn nói “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Giác quan của Mèo rất thính nhạy, định hướng cực tốt. Ích lợi không thể chối bỏ của Mèo là khả năng bắt Chuột; nói cách khác mèo là khắc tinh của Chuột … Chính vì vậy, Mèo được dân gian nhìn nhận với thái độ yêu mến, bao dung. Hình tượng mèo trong ngôn ngữ dân gian mang những ý nghĩa ẩn dụ hết sức nhân văn, thể hiện qua một số câu tục ngữ, thành ngữ:
“Mèo lành ai nỡ cắt tai” - ý nói người tốt thì không ai nỡ xử tệ.
“Ăn nhỏ nhẻ như Mèo” - là kiểu ăn từ tốn, từng miếng một. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết na nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị chê bai bởi “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”.
“Mèo uống nước bể biết bao giờ cạn” muốn khuyên mọi người biết tiện tặn trong chi tiêu thì không sợ túng thiếu.
“Chó giữ nhà, Mèo bắt chuột” - ý nói ai cũng có nghề nghiệp, công việc của mình, đừng có tị nạnh nhau và cũng đừng can thiệp vào công việc của nhau. Vì vậy khi làm việc trong tập thể, đừng có tự đề cao mình theo kiểu “Mèo khen Mèo dài đuôi” bởi mỗi người đều có sở trường riêng của mình, chưa biết ai sẽ hơn ai “Mèo nào cắn Mỉu nào.
“Rình như mèo rình chuột” thể hiện sự kiên nhẫn, siêng năng cho đến khi công việc thành công. “Mèo nhỏ bắt chuột con” là ý khuyên hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc. Tuy nhiên “Mèo con bắt chuột cống” là việc làm đáng khen bởi người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi.
Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi nhận ra rằng, dù Mèo là vật cưng nhưng những ẩn dụ tiêu cực từ mèo lại khá nhiều. Những ẩn dụ tiêu cực ấy thể hiện qua thái độ của dân gian khi dùng mèo để nói về những khía cạnh khác nhau của con người và cuộc sống.
Khi chỉ về vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn hoặc kém tài thì Nhân dân lấy hình ảnh “Mèo mù vớ được cá rán”. Làm ơn cho kẻ có thể hại mình thì chẳng khác nào “Chuột cắn dây buộc mèo”; hoặc làm những việc liều lĩnh, nguy hiểm như “Chuột gặm chân mèo”. Hay chỉ hạng người khi thấy của người khác để hớ hênh cái mà mình thích thú thì không thể bỏ qua, chẳng khác chi “Mỡ để miệng mèo” hay “Mèo nào chẳng ăn vụng mỡ”. Nhiều khi là sự mê tín thiếu căn cứ như “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”.
Dân gian cũng mượn hình tượng mèo để nói về thái độ ứng xử trong cuộc sống, như: “Mèo tha miếng thịt xôn xao / Hùm tha con lợn thì nào thấy chi” hoặc “Kễnh tha con lợn không sao / Mèo tha miếng thịt xôn xao cả làng” để nói đến kẻ có quyền hành làm việc sai trái thì không sao, nhưng khi kẻ dưới phạm lỗi nhỏ thì cũng bị trừng phạt nặng; song khi quyền lợi của những người có vị thế bị xâm phạm thì chẳng khác nào “Hùm mất hươu hơn cả mèo mất thịt”. Để xử lý tình huống “mắt sáng như mèo thấy mỡ” thì dân gian đã có cách thức đối phó “Chó treo, mèo đậy”; câu này cũng có ý khuyên răn phải cảnh giác đề phòng kẻ gian.
Mèo là thú cưng nhưng khi mèo cưng trở thành “mèo mù” trong câu “Chó gio mèo mù” thì nó tượng trưng cho những vật vô giá trị, đần độn, ngu ngốc; hoặc “Chó khô, mèo lạc” ám chỉ những loại người lang thang vơ vẩn, không có hiểu biết. Đôi khi là những thứ đồ bỏ đi, lăn lóc, không ai muốn nhận đến mức “Chó tha đi, mèo tha lại ”. Cưng chiều là như vậy nhưng khi nổi giận thì người ta cũng “Chửi chó, mắng mèo” hoặc “Đá mèo, quèo chó” - trút sự bực tức qua những vật nuôi trong nhà hoặc bằng cách chửi mắng vu vơ. Vậy nên ai ở trong hoàn cảnh khó khăn mới biết thông cảm “Có ăn nhạt mới biết thương mèo”.
Mèo còn được sử dụng trong những ví von về cách ứng xử trong gia đình. Có câu ca dao: “Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt / Vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai” khuyên các đấng ông chồng không nên nuông chiều vợ quá, mà cũng không nên hiếp đáp vợ quá. Nuông chiều thì vợ lờn mặt, lâu dần sẽ lấn áp quyền chồng; còn hiếp đáp thì vợ buồn rầu, gia đình mất hòa khí, mất hạnh phúc. Khi xã hội phát triển với nhiều sắc thái thì “mèo” cũng được dùng làm từ lóng để chỉ những tiểu tam, trà xanh, bồ nhí của mấy ông có chức, có tiền, để rồi nhiều ông phải vào tù ra tội, thân bại danh liệt vì mấy em “mèo” này.
Hình tượng Mèo còn tượng trưng cho những nét tính cách con người. Như chỉ những đối tượng sống buông thả, không đứng đắn, thiếu giáo dục thì nói một cách khinh bỉ, đồ “Mèo mả, gà đồng” hoặc “Mèo đàng, chó điếm”. Thậm chí có khi là sự đánh giá mang tính cay nghiệt “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”; hoặc như: “Mèo hoang lại gặp chó hoang / Anh đi ăn trộm, gặp nàng bứt khoai” ám chỉ những kẻ vô lại mới kết bè, tựu đảng với nhau. Hay ám chỉ những kẻ tinh ranh quỷ quyệt lâu ngày trở nên khôn ngoan nguy hiểm thì có câu “Mèo già hóa cáo”; còn khi nói về những người lớn tuổi nhưng không có tính quyết đoán, làm gì cũng sợ sai thì có câu “Mèo già lại thua gan chuột nhắt”; khi chỉ những kẻ không còn phương kế sinh nhai thì là “Mèo mù móc cống”. Nói về những kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn thì “Buộc cổ mèo, treo cổ chó ”. Những người khi thấy lợi thì dễ bị cám dỗ kiểu “Như mèo thấy mỡ”, có gì vi phạm hoặc bí mật riêng tư thì giấu kỹ kiểu “Giấu như mèo giấu c*t” hoặc “Im ỉm như mèo ăn vụng” cốt để giấu giếm hưởng lợi một mình.
Hạng người khi có lợi thì tận hưởng, khi lợi ích bị xâm hại thì “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm” để nài nỉ, xin xỏ. Nài xin không được thì buồn rầu “Tiu nghỉu như mèo cắt tai” hoặc thẫn thờ, ngơ ngác, tiếc rẻ đến mức “Lôi thôi như mèo sổ chuột”. Thông qua con mèo, Nhân dân còn có ý phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người “Chó chê mèo lắm lông”; và để chỉ những người gần nhau mà không hòa thuận thì người ta thường bảo “Cãi nhau như chó với mèo”.
Trong công việc khi buộc phải dùng một người trong một việc không đúng với sở trường, khả năng của người đó thật chẳng khác nào “Không có chó bắt mèo ăn c*t”. Do đó, người được giao việc cũng phải biết liệu sức “Mèo cào không xẻ vách vôi ” để mà biết từ chối, khước từ những việc vượt quá sức mình, nếu không thì sẽ chuốc lấy thất bại chẳng khác nào “Mèo vật đụn rơm” hoặc bị chê cười: “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”.
Nói chuyện về nhà mèo thì nhiều lắm, đại loại là có hay có dở, có mặt tốt và chưa tốt. Nhưng tựu chung lại như Nhà thơ Tú Mỡ đã viết về cách ứng xử của mèo: “Trong gia súc, nó xem chừng cao thượng nhất/ Nó chẳng chui luồn, khuất tất một ai/ Ai vuốt ve, nó cũng vuốt ve chơi/ Ai trở mặt nó tức thời trở mặt”… Năm Quý Mão 2023 đang đến gần, chúng ta hãy kỳ vọng vào những điều tốt đẹp và nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thắng lợi hơn những năm qua.


Bài, ảnh: Nguyễn Quang Thuỷ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

CV.2411.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 5-2024

Lượt xem:209 | lượt tải:32

TÀI LIỆU

Hội nghị đánh giá việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2023-2024

Lượt xem:70 | lượt tải:27

TÀI LIỆU

phục vụ HN quán triệt NQ41 của BCT về vai trò đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới

Lượt xem:269 | lượt tải:125

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Lượt xem:297 | lượt tải:134

CV.2400.BTGTU

dự HN quán triệt Nghị quyết 41 của BCT về vai trò doanh nhân trong thời kỳ mới

Lượt xem:302 | lượt tải:256

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí tháng 4-2024

Lượt xem:757 | lượt tải:75

CV.2384.BTGTU

phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị của BBT và kế hoạch của BTVTU tháng 4-2024

Lượt xem:1024 | lượt tải:188


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm94
  • Hôm nay5,865
  • Tháng hiện tại338,977
  • Tổng lượt truy cập30,870,099
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây