Giảm nghèo bền vững để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa 

Giảm nghèo bền vững để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ hai - 28/11/2016 14:37
Giảm nghèo bền vững là một trong những biện pháp cơ bản để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trên lĩnh vực này, qua đó giữ ổn định xã hội, góp phần vào thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giảm nghèo - định hướng lớn, lâu dài trong đường lối của Đảng

Do xuất phát điểm của nền kinh tế, cùng trình độ tổ chức, quản lý xã hội của đất nước khi bước vào giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn thấp, nên vấn đề bảo đảm an sinh xã hội trong đó có xóa đói, giảm nghèo, giảm nghèo bền vững đã được Đảng, Nhà nước xác định là mục tiêu, biện pháp cần tiến hành kiên trì, bền bỉ trong một thời gian dài. Xóa đói, giảm nghèo vừa nâng cao chất lượng nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; vừa góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; giảm bớt chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư; vừa thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới, dù mới chỉ ở thời kỳ quá độ.

Qua các kỳ đại hội, quan điểm của Đảng về xóa đói, giảm nghèo, giảm nghèo bền vững từng bước được xác lập, làm rõ và hiện thực hóa trên thực tế qua sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này được thực hiện thông qua việc ban hành các chính sách hướng tới các đối tượng bị thua thiệt, áp dụng cho những vùng, miền chịu nhiều khó khăn, không thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội do thiên tai, xa các trung tâm kinh tế - xã hội; bằng các biện pháp đầu tư đặc biệt, các chủ trương, chính sách ưu đãi. Các nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo từ ngân sách nhà nước; từ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế.

Từ thực tế đất nước, bắt đầu từ Đại hội VI (năm 1986) trong nhận thức của Đảng chấp nhận sự phân hóa nhất định trong một số lĩnh vực giữa các tầng lớp nhân dân, đồng thời coi việc từng bước hạn chế sự phân hóa đó là nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện, bởi đó chính là mục tiêu của Đảng: lo cho mọi người dân đều có cơ hội, có điều kiện để phát triển và đều được hưởng những thành quả do sự nghiệp xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng mang lại. Tại Đại hội VII, Đảng ta khẳng định bước đầu thực hiện “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”(1). Đại hội VIII, Đảng “thừa nhận trên thực tế còn có bóc lột và sự phân hóa giàu nghèo nhất định trong xã hội”, nhưng khẳng định “luôn quan tâm bảo vệ lợi ích của người lao động… coi trọng xóa đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện công bằng xã hội…”(2), đồng thời, nhấn mạnh “Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội”(3) bằng nhiều biện pháp, trong đó có xóa đói, giảm nghèo. Sau 10 năm, đến Đại hội X, Đảng ghi nhận: “Công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, đã thu được nhiều kết quả tốt thông qua việc trợ giúp điều kiện sản xuất, tạo việc làm, cải thiện kết cấu hạ tầng, nhà ở, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; động viên các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng và các tầng lớp dân cư tham gia”(4). Tuy nhiên, “Kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn lớn. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra”(5). Nguyên nhân của những thiếu sót, trong đó có vấn đề xóa đói giảm nghèo được Đại hội X xác định và chỉ rõ. Đại hội cũng rút ra nhiều bài học, trong đó nhấn mạnh: “khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo”. 

Thực hiện có hiệu quả giảm nghèo bền vững chính là bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nội dung xuyên suốt để Đảng ta kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tư tưởng: “Công bằng xã hội thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất, lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, cũng như ở điều kiện phát triển năng lực của mọi thành viên trong cộng đồng”(6), đã trở thành căn cứ lý luận để Đảng ta lãnh đạo công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Đến Đại hội X, Đảng khẳng định: “càng đi vào kinh tế thị trường, càng phải chăm lo tốt hơn phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân”(7). Đây chính là quyết tâm, là lời hứa của Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân về mục tiêu của Đảng.

Những biện pháp cơ bản chính là: “Đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức thực hiện xóa đói, giảm nghèo theo hướng phát huy cao độ nội lực và kết hợp sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của quốc tế. Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ giúp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững; kết hợp chính sách của Nhà nước với sự trợ giúp trực tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của những người khá giả cho người nghèo, hộ nghèo, nhất là đối với những vùng đặc biệt khó khăn. Ngăn chặn tình trạng tái nghèo… Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tham gia công cuộc xóa đói, giảm nghèo”(8), và “Đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức xóa đói, giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm để xóa đói, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện và khuyến khích người đã thoát nghèo vươn lên làm giàu và giúp đỡ người khác thoát nghèo”(9), trong đó “tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”(10). Mục tiêu được thực hiện với các biện pháp như: “các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ... đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn”(11). Các chỉ tiêu cụ thể là: “tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65% - 70%...; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0% - 1,5%/năm”(12).

Cả hệ thống chính trị và các ngành, các giới tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Ngày 21-5-2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo”. Tiếp đó, ngày 27-12-2008 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Đây là những cơ sở để tổ chức, huy động quyết tâm, nguồn lực của các cấp, các ngành, các địa phương vào thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Sau đó, từ thực tế xóa đói, giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1971/QĐ-TTg, về việc cho 30 huyện khác, nằm ngoài chương trình thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội cũng rất khó khăn, tỷ lệ nghèo cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng bằng 70% của huyện trong chương trình thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

Quốc hội khóa XIII, tại Kỳ họp thứ 7 đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13, về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2324/QĐ-TTg, ngày 19-12-2014, về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Ngân sách nhà nước đã ưu tiên tập trung nguồn lực cao nhất cho các huyện nghèo, xã nghèo và người nghèo nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh các chính sách giảm nghèo chung nói trên, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, như chính sách chăm sóc, giao khoán và bảo vệ rừng; chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; chính sách tăng cường hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo…. Theo thống kê, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, có 20.189 tỷ đồng từ ngân sách và các nguồn huy động đã được hỗ trợ cho các huyện nghèo (chưa kể kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung như: mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nhà ở…). Bên cạnh đó, một loạt biện pháp như: giao đất sản xuất đúng đối tượng, ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề, bao tiêu và trợ giá sản phẩm, các chương trình xã hội như: chống sốt rét, bướu cổ, dân số kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng… được thực hiện đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong xóa đói, giảm nghèo.

Về phía các cơ quan chức năng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và các nhu cầu xã hội cơ bản. Thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Các bộ, ngành và địa phương triển khai Nghị quyết số 80/NQ-CP đã được phê duyệt tại Quyết định số 1200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hỗ trợ áp dụng một số cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

Hiện nay, các nhóm chính sách giảm nghèo tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo (mỗi năm có trên 2 triệu lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn); tín dụng; y tế; hỗ trợ sản xuất và sinh hoạt (hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất); nhà ở (hỗ trợ xây nhà ở cho các hộ nghèo khu vực hay có thiên tai); trợ giúp pháp lý; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Các bộ, ban, ngành cũng có những chương trình phối hợp, nhằm quan tâm chăm lo toàn diện mọi mặt đời sống đồng bào các dân tộc. Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đã thực hiện kết hợp quân - dân y, gần đây nhất là giai đoạn 2009 - 2014. Qua đó, chăm sóc sức khỏe nhân dân từ cơ sở; thực hiện phòng dịch; đáp ứng các tình huống khẩn cấp; góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu, từng bước nâng cao nhận thức cho đồng bào…

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên quan tâm tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân ủng hộ đóng góp nguồn lực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo; tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân nói chung, người nghèo nói riêng để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện ở các cấp, các ngành để bảo đảm tính hiệu quả của các chính sách. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về phân công giúp đỡ các huyện nghèo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có sự thống nhất với địa phương. 

Một số địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù và tổ chức thực hiện như: chính sách hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo trên địa bàn, hỗ trợ chi phí đồng chi trả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đi khám chữa bệnh; hộ mới thoát nghèo được tiếp tục hưởng một số chính sách trong vòng 02 năm như: khám chữa bệnh, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ cho mỗi điểm bán trú dân nuôi có từ 30 học sinh trở lên 01 suất lương tối thiểu/người/tháng cho người nhận quản lý, chăm sóc học sinh bán trú. Các tỉnh khu vực Tây Bắc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo với số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng, tiêu biểu là Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa…

Để tiếp tục thực hiện giảm nghèo bền vững 

Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hiện có, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mục tiêu giảm nghèo đa chiều

Các chủ trương, chính sách hiện nay về giảm nghèo đều đã và đang phát huy tốt tác dụng. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, cần có sự tổng kết theo từng giai đoạn, nhằm bổ sung kịp thời những thay đổi cần thiết, nhất là về chuẩn nghèo, hướng tới giảm nghèo đa chiều bền vững. 

Bên cạnh đó, quan tâm thích đáng việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm tính hiệu quả của chương trình, nâng cao mọi mặt đời sống bộ phận đồng bào thua thiệt, cũng như khẳng định tính đúng đắn và ưu việt của chính sách giảm nghèo bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nâng cao nhận thức về xóa đói, giảm nghèo thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền

Trong các biện pháp xóa đói, giảm nghèo, giáo dục về nhận thức cho các đối tượng đói nghèo có vai trò rất quan trọng. Nhìn chung, không có ai muốn rơi vào hoàn cảnh thua thiệt cả về vật chất cũng như tinh thần với đa số xung quanh. Do đó, bên cạnh việc trợ giúp các điều kiện về cuộc sống, sản xuất, thì cần thiết phải có những biện pháp thích hợp nhằm khơi dậy lòng tự tôn của bộ phận thiệt thòi này. Vì trong thực tế, không phải không có những người có tâm trạng ỷ lại, không quyết tâm vượt qua hoàn cảnh để nâng dần chất lượng cuộc sống của gia đình và bản thân. Các chính sách xã hội thành công không chỉ đem lại lợi ích nhất thời, mà chính là đặt nền tảng để hướng tới tương lai phát triển lâu dài. Xã hội hỗ trợ cho mỗi người sẽ không bền vững và lâu dài bằng chính từng nhóm người, mỗi một người quyết tâm vươn lên khỏi hoàn cảnh khó khăn. Chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững chính là để giúp đỡ, thúc đẩy bộ phận người dân thiếu những điều kiện cần thiết trong việc xây dựng cuộc sống của mình ngang với mức sống của đại đa số, vươn lên được, đồng thời được trang bị những kỹ năng, điều kiện để không bị tụt trở lại nghèo đói. Điều này đã được chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững”(13). 

Tập trung phát triển kinh tế địa phương và liên vùng làm nền tảng

Các chính sách xã hội trợ giúp chỉ là một khía cạnh để thực hiện giảm nghèo bền vững, chủ trương phát triển vùng, liên vùng cũng như định hướng phát triển của mỗi địa phương chính là biện pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững ở những khu vực có đông đồng bào nghèo. Qua các nhiệm kỳ, Đảng ta luôn có chủ trương phát triển kinh tế các vùng, miền. Với các khu vực còn khó khăn, sự quan tâm, ưu đãi về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, về chủ trương đặc thù trên từng lĩnh vực, các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng… đều được Đảng và Nhà nước xây dựng và thực hiện. 

Do nhiều khó khăn, các địa phương nghèo chưa thể ngay lập tức phát triển kinh tế sánh với các trung tâm kinh tế lớn, nhưng có thể từng bước xây dựng được nền tảng kinh tế vững chắc dựa trên đặc điểm thế mạnh của mình, kết hợp liên kết kinh tế vùng, làm cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xã hội, trong đó có giảm nghèo bền vững./.

---------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI,VII,VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 231
(2) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, đã dẫn, tr. 459-460
(3) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, đã dẫn, tr. 576
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 157
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, đã dẫn, tr. 63
(6) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, đã dẫn, tr. 424
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, đã dẫn, tr. 182
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, đã dẫn, tr. 217
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia-ST, Hà Nội, 2011, tr. 229 
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, đã dẫn, tr. 229
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, đã dẫn, tr. 123,124,125
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 81
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, đã dẫn, tr. 300

Theo Nguyễn Hoàng Việt/Tạp chí Cộng sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
Điện thoại: 0260.3862301
Fax: 0260. 3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Website: http://https://tuyengiaokontum.org.vn/
Văn bản mới

CV.2411.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 5-2024

Lượt xem:208 | lượt tải:32

TÀI LIỆU

Hội nghị đánh giá việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2023-2024

Lượt xem:69 | lượt tải:27

TÀI LIỆU

phục vụ HN quán triệt NQ41 của BCT về vai trò đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới

Lượt xem:268 | lượt tải:125

TÀI LIỆU

Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Lượt xem:296 | lượt tải:134

CV.2400.BTGTU

dự HN quán triệt Nghị quyết 41 của BCT về vai trò doanh nhân trong thời kỳ mới

Lượt xem:301 | lượt tải:256

TÀI LIỆU

Giao ban báo chí tháng 4-2024

Lượt xem:756 | lượt tải:75

CV.2384.BTGTU

phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị của BBT và kế hoạch của BTVTU tháng 4-2024

Lượt xem:1023 | lượt tải:188


bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay5,576
  • Tháng hiện tại338,688
  • Tổng lượt truy cập30,869,810
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây