Năm 2005, 4 quốc gia là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký thỏa thuận Đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, thỏa thuận này được mở rộng, trở thành TPP với vai trò dẫn dắt của Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tháng 3-2010, vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ở Melbourne, Australia. Trong 5 năm tiếp theo, nội dung đàm phán tăng từ 24 chương lên 30 chương và đến ngày 5-10-2015, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman thông báo các cuộc đàm phán kết thúc.
Ngày 4-2-2016, tại Aukland, New Zealand, đại diện của 12 quốc gia là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam chính thức ký kết TPP.
Nếu trở thành hiện thực, TPP sẽ chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu, với các thành viên bao trùm một thị trường 800 triệu dân, tổng sản phẩm GDP lên tới 27,5 nghìn tỷ USD. Một con số khổng lồ!
Nhưng đến tháng 11-2016, ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ với câu thần chú “Nước Mỹ trên hết”.
Đến ngày 23-1-2017, ba ngày sau khi chính thức vào Nhà Trắng, văn bản đầu tiên ông Donald Trump ký thành luật chính là Sắc lệnh Tổng thống về việc Mỹ rút khỏi TPP.
Việc Mỹ rút lui là đòn choáng váng giáng vào TPP, bởi đây không phải là chuyện “cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Từ chỗ chiếm tới 40% GDP toàn cầu và thị trường xấp xỉ gần 800 triệu dân nếu được ký kết với đầy đủ 12 thành viên, khi Mỹ dứt áo ra đi, TPP tụt xuống còn 14% GDP toàn cầu và thị trường ước tính cũng còn lại chỉ khoảng 500 triệu dân.
Những con số như vậy có thể khiến nhiều người cho rằng, “con tàu” TPP sẽ bị “trật đường ray”, khó có thể tiếp tục hành trình mà thiếu đi một “hành khách” là Mỹ. Công sức khó nhọc của 5 năm với 40 vòng đàm phán cam go tưởng chừng như tan thành mây khói.
Tuy “chợ có thể không vui” nhưng vẫn họp tiếp! 11 thành viên còn lại của TPP, với vai trò dẫn dắt của Nhật Bản, tiếp tục những cuộc đàm phán tỉ mỉ, kiên nhẫn.
Bước ngoặt kịch tính diễn ra tại Đà Nẵng của Việt Nam, tháng 11-2017, ở Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Các nhà đàm phán của 11 thành viên TPP còn lại lao vào các phiên thảo luận trong những căn phòng đóng kín, có phiên xuyên đêm, có phiên tưởng chừng như đã thành công nhưng bị tạm hoãn do vắng mặt một thành viên nào đó. Sự khôn khéo, linh hoạt, mềm dẻo nhưng không kém phần cương quyết của nước chủ nhà Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào việc ra đời của Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
TPP đổi tên thành CPTPP nhưng vẫn giữ lại những nội dung cơ bản nhất của TPP. Trong số 1.000 điểm của TPP trước đây, chỉ có 22 điểm bị “treo”, không đưa vào CPTPP.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới chỉ sau hiệp định của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định về khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Hơn thế nữa, nó còn là một hiệp định “mở” bởi trong Hiệp định CPTPP ký ở Chile có một điều khoản quan trọng: Mở cửa cho các thành viên mới gia nhập, kể cả những nước ngoài khu vực vòng cung Thái Bình Dương.
Khi đề cập đến khả năng mở rộng thêm thành viên của CPTPP, dường như người ta không chỉ liên hệ đến những nền kinh tế, bằng cách này hay cách khác đã bày tỏ mong muốn tham dự “siêu hiệp định” thương mại này như: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan hay Anh (hậu Brexit).
Mỹ, quốc gia mà không nghi ngờ gì nữa, luôn có một vai trò hàng đầu trong bất kỳ một thỏa thuận kinh tế thương mại mang tính toàn cầu nào, chính là “đối tượng” được quan tâm nhiều nhất.
Khi một siêu cường kinh tế như Mỹ rút đi, để lại khoảng trống mênh mông thì đương nhiên sẽ có những cường quốc khác muốn thế chỗ và mở rộng tầm ảnh hưởng! Rút khỏi TPP, Mỹ đã tự nguyện từ bỏ vai trò gánh vác trách nhiệm, trao quyền quyết định ra các quy tắc thương mại toàn cầu vào tay người khác! Đấy chính là một trong những tổn hại mang tính chiến lược về địa chính trị mà một nước Mỹ, đặc biệt là “Nước Mỹ trên hết”, càng phải tính đến.
Những tổn hại cũng còn có thể tính bằng tiền. Khi tiến trình đàm phán TPP diễn ra suôn sẻ, người ta đã tính cụ thể ra được GDP của Mỹ sẽ tăng 131 tỷ USD nhờ việc tham gia TPP. Đến khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP, chẳng những con số đó không còn mà còn tính ra được là Mỹ mất ít nhất 2 tỷ USD, tuy không lớn đối với nền kinh tế Mỹ nhưng là một biểu tượng cho thấy “Nước Mỹ trên hết” không chắc chắn mang lại lợi ích hoàn toàn, kể cả trong ngắn hạn.
Vậy nên sau một năm trời, có lẽ Tổng thống Donald Trump cùng đội ngũ các cố vấn của mình đã phải suy tính thiệt hơn. Bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos tháng 1-2018, Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố về khả năng Mỹ có thể quay lại TPP “với những điều khoản sửa đổi” nào đó. Tháng 2 vừa qua, 25 Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã viết “tâm thư” bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố ở Davos của ông Trump về khả năng quay lại TPP.
Tính đến sức nặng của nền kinh tế Mỹ cộng với những tuyên bố của giới chức Mỹ, hoàn toàn có thể hình dung ra kịch bản của một quá trình thương lượng mới, không phải bắt đầu từ số 0, về việc Mỹ quay lại TPP dưới tên gọi mới CPTPP.
Việc chính thức ký kết CPTPP ở Chile đã đánh dấu một trang mới trong cuốn biên niên sử thương mại thế giới. Nó cho thấy các nền kinh tế, dù chưa phải là siêu cường, đã biết nắm bắt lấy cơ hội để tái định hình luật chơi thương mại toàn cầu.
Các thành viên CPTPP đã tự mình vẽ nên diện mạo của một cơ chế thương mại đa phương, rộng mở, đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, trong một cuộc chơi không có ai bị bỏ lại phía sau và tất cả đều được hưởng lợi.
Nguồn tin: Qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn