Hội thảo có sự tham dự của trên 40 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong công tác nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh và các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài. Hội thảo đã nhận được 10 bài tham luận của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và nghe các ý kiến thảo luận trực tiếp của đại biểu dự hội thảo. Nội dung tham luận, thảo luận đã tập trung làm rõ thêm thực trạng vấn đề xung đột xã hội và nhận diện, ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực tài nguyên - môi trường; văn hoá - xã hội; vấn đề an ninh và xung đột ở các địa bàn khu vực biên giới; vấn đề xung đột do thực hiện các chương trình, dự án, liên quan đến lâm, nông trường…
Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định rằng, đây là một đề tài khó, phạm vi nghiên cứu rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực, biên độ thời gian nghiên cứu dài (20 năm). Trong 20 năm (2000-2020), trong cả nước (nói chung) và ở tỉnh Kon Tum (nói riêng), đã xảy ra nhiều vụ việc xung đột trên các lĩnh vực, với các mức độ khác nhau. Dù ở mức độ nào, các vụ xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều gây ra những tổn thất về vật chất và tinh thần cho các bên, thậm chí có vụ còn tước đi mạng sống của con người và gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, truyền thống văn hóa, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, là cơ hội cho những thế lực thù địch, các đối tượng bất đồng chứng kiến lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin giữa người dân với Đảng và chính quyền; do vậy, cần phải có sự nghiên cứu nghiêm túc để xây dựng hệ thống các giải pháp nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh từ sớm, ngay từ cơ sở.
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Huỳnh Quốc Huy đã thay mặt cơ quan chủ trì và nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu và yêu cầu các thành viên nghiên cứu rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các chuyên đề nghiên cứu để xây dựng báo cáo tổng kết đề tài, xây dựng hệ thống các giải pháp thiết thực, phù hợp, có tính khả thi cao.
Tin, ảnh: Trịnh Đình Lâm