Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí A Pớt, Phó Bí thư TTTU; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành liên quan; Ban Giám đốc Công an tỉnh và trưởng, phó các phòng của Công an tỉnh.
Chỉ thị số 23-CT/TW được ban hành trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương khóa XI và tình hình thực tiễn công tác bảo đảm TTATGT hiện nay.
Tại Chỉ thị số 23-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương thống nhất đánh giá sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chuyển biến tích cực hơn. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với giai đoạn trước (giai đoạn 20120-2022 giảm so với 10 năm trước 37% về số vụ; 29% số người chết; 44% số người bị thương).
Tuy nhiên, TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét. Việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng. Một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.
Nguyên nhân của tình trạng trên do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT; đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm TTATGT chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; công tác quản lý nhà nước về TTATGT có mặt còn hạn chế; ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt 4 mục tiêu, yêu cầu, đó là: (1) Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT; (2) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác bảo đảm TTATGT; (3) Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nâng cao đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước về TTATGT; (4) Huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong bảo đảm TTATGT.
Để đạt được những mục tiêu, yêu cầu nêu trên, Chỉ thị số 23-CT/TW xác định rõ 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT.
Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới cơ sở phải quán triệt và cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT.
Thứ tư, tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT.
Thứ sáu, khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
Tin, ảnh: Nguyễn Quang Thuỷ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn