Xã Ia Chim có 2.597 hộ, trên 3.500 khẩu. Xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2015; đang xây dựng NTM nâng cao. Với diện tích đất nông nghiệp lớn, bằng phẳng, xã được nhận định là có tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp lớn nhất thành phố Kon Tum, đặc biệt là phát triển cánh đồng mẫu lớn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xã có tiềm năng phát triển cánh đồng mẫu lớn, hiện đã có 858ha cà phê, trên 3.000ha cao su, 240ha sắn, 185ha cây ăn quả, trên 10.600 con gia súc, 23.000 gia cầm; 4 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 94 bộ cồng chiêng. Toàn xã còn 33 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo.
Xã Ia Chim kiến nghị: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất khoảng trên 30ha cho các hộ thiếu đất; sớm xây dựng cầu từ bến du lịch Ia Chim qua xã Ya Ly, huyện Sa Thầy; hỗ trợ đầu tư cứng hóa 41km đường giao thông liên thôn và nội đồng; khảo sát đầu tư mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao để người dân tham gia dự án; thu hút đầu tư du lịch lòng hồ Ya Ly...
Bí thư Tỉnh ủy vui mừng trước thành quả phát triển KT-XH của địa phương thời gian qua. Đồng chí đề nghị xã tập trung phát triển hiệu quả, chất lượng các sản xuất nông nghiệp trên địa bàn với lợi thế về tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, đất đai như hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị xã lưu ý đảm bảo an ninh trật tự nông thôn; nghiên cứu tiếp tục tập trung lãnh đạo nâng cao hiệu quả, chất lượng của cây cao su tiểu điền và cà phê để người dân vươn lên làm giàu. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã phù hợp với cao su, cà phê, mắc ca và cây ăn quả (bơ, sầu riêng, mít) thì cần nhân rộng, phát huy.
Ngoài ra, quan tâm đời sống của thành viên HTX; thu hút, tập hợp nhiều hơn thành viên tham gia vào HTX, THT. Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là 200ha sắn hiện nay. Rà soát, tổ chức tập huấn nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; nếu có điều kiện các thôn, làng tiếp tục cho ra đời HTX tập hợp nông dân tham gia. Xã tiên phong thực hiện làm điểm mô hình NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu của thành phố Kon Tum; đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dân vận để đảm bảo an ninh trật tự nông thôn và quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân.
Đối với thành phố Kon Tum, Bí thư đề nghị phải xây dựng kế hoạch quy hoạch phát triển đất, phát triển KT-XH cho xã Ia Chim cụ thể. Đối với hộ thiếu đất ở, đất sản xuất thì nghiên cứu tham mưu đề xuất với tỉnh giải quyết. Lãnh đạo thành phố và xã phải tiếp tục năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo để xã Ia Chim ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Đối với Công ty cao su đứng chân trên địa bàn xã, tạo điều kiện để người dân ở đây được nhận khoán, được làm công nhân cho Công ty để có thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
* Chiều cùng ngày 26/5, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh, thành phố Kon Tum đã tới thăm bà con thôn Lâm Tùng và thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum.
Trao đổi với bà con 2 thôn, Bí thư Tỉnh ủy mong rằng già làng, thôn trưởng và chính quyền xã tăng cường công tác tuyên truyền, để bà con không tin, không nghe thời lời kẻ xấu xúi giục; thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên bà con tích cực lao động sản xuất, có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, hướng tới làm giàu.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chính quyền xã, thành phố vào cuộc nghiên cứu giúp bà con đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng cây trồng; tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa dân làng với chính quyền địa phương và giữa dân làng với đội sản xuất của Công ty Cao su đứng chân trên địa bàn.
Công ty Cao su tạo điều kiện cho người dân 2 thôn được nhận khoán, được vào làm công nhân cho Công ty. Chính quyền xã, thành phố địa phương vận động các mạnh thường quân hỗ trợ làm nhà và tư liệu sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn; tạo điều kiện cho bà con được vay vốn thoát nghèo. UBND tỉnh và UBND thành phố sớm phê duyệt hồ sơ cấp đất sản xuất cho người dân thiếu đất đủ điều kiện được cấp đất trong diện để xuống giống kịp thời vụ vào tháng 6 tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn bà con 2 thôn tiếp tục đoàn kết, không tin, không nghe và không làm theo lời kẻ xấu xúi giục, giữ gìn an ninh trật tự thôn làng, cố gắng chăm chỉ làm ăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Bà con 2 thôn Lâm Tùng và Plei Sar sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, một số hộ nhận khoán cạo mủ cho nông trường cao su Ia Chim.
Thôn Lâm Tùng có 236 hộ, 986 khẩu (DTTS chiếm trên 49%). Thôn có 144,7ha cây trồng các loại (cà phê 38ha, cao su tiểu điền 59ha, cao su nhận khoán 26ha...); canh tác xen canh gần 210ha; có 22 hộ nhận khoán cho nông trường cao su Ia Chim. Chăn nuôi được gần 3.600 con gia súc. Thu nhập bình quân 38 triệu đồng đến 40 triệu đồng/người/năm. Thôn có 35 hộ giàu, 94 hộ khá; còn 8 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo.
Thôn Plei Sar có 319 hộ, 1.252 khẩu, đa số là dân tộc Rơ Ngao và Ja Rai. Thôn có trên 145ha cây trồng các loại (cà phê 28,6ha, cao su tiểu điền 68,8ha...); canh tác xen canh gần 210ha; có 47 hộ nhận khoán cho nông trường cao su Ia Chim. Thu nhập bình quân 38 triệu đồng/người/năm. Thôn có 35 hộ giàu, 40 hộ khá; còn 3 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo.
Sau khi thăm bà con 2 thôn, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã đi thăm mô hình chuối tiêu hồng của bà con tổ hợp tác thôn Plei Sar liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm, quy mô 10ha, dự kiến sẽ mở rộng lên 19ha.
BBT tổng hợp từ kontum.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn