Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên Tổ cấp ủy phụ trách huyện; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn; các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ngọc Hồi.
Tại cuộc làm việc, theo gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân những mặt hạn chế của địa phương như: Tiềm năng, lợi thế của huyện chưa được phát huy đúng mức; tổng giá trị sản xuất còn thấp; hoạt động của một số ngành nghề thương mại, dịch vụ gặp khó khăn; chương trình mỗi xã một sản phẩm triển khai còn chậm; kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch, đất đai, xây dựng và trật tự đô thị đôi lúc chưa quyết liệt; công tác quản lý và bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra vi phạm; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt kế hoạch đề ra; công tác giảm nghèo chưa thật bền vững; buôn bán ma túy, pháo nổ các loại qua biên giới còn phức tạp; tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm ma túy; tai nạn giao thông chưa được kiềm chế...
Huyện Ngọc Hồi là trung tâm trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào- Campuchia với Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và là nơi giao nhau giữa các tuyến quốc lộ 14, 14C, quốc lộ 40 và đường Hồ Chí Minh, chiến lược quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện; có đường biên giới dài 64,533 km giáp với nước bạn Lào và Campuchia. Tổng diện tích tự nhiên gần 83.400 ha với 17 dân tộc sinh sống tại 8 xã, thị trấn; trong đó có 5 xã biên giới, 1 xã đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện 16.791 hộ/61.900 khẩu (đồng bào DTTS trên 57%). Đảng bộ huyện Ngọc Hồi có 55 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 11 đảng bộ, 44 chi bộ trực thuộc với 2.372 đảng viên.
Năm 2020, mặc dù phải thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhưng huyện Ngọc Hồi đã thực hiện tốt kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2020 với 10/11 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Đến nay, toàn huyện có 5/7 xã đạt chuẩn NTM, 01 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu. Tổng giá trị sản xuất 6.680 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 340,2 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương 374,4 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 96% kế hoạch vốn giao.
Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 7.507 ha. Diện tích cây lâu năm đạt 18.318 ha. Tổng đàn gia súc đạt 29.730 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản 315 ha. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị liên kết cho kết quả tích cực.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt kết quả quan trọng. Hiệncó 153 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động; 42 doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ đồng. Toàn huyện có 22/33 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,05%.
Tại cuộc làm việc, huyện Ngọc Hồi đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục xác định huyện Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là một trong các vùng kinh tế động lực của tỉnh, để thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, xây dựng huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.
Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm của huyện: Đường trung tâm phía Nam; bờ kè sông Pô Cô; đường liên xã Đăk Ang - Đăk Nông - Đăk Rơ Nga và 01- 02 cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Pô Kô kết nối với tuyến đường này. Đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao xem xét, nâng cấp, mở rộng đoạn đường tuần tra biên giới đoạn từ đường Ngọc Hồi - Dốc Muối đến Cột mốc ba biên.
Ngoài ra, quan tâm nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ vào trung tâm huyện; sớm điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y để huyện xây dựng Đề án xây dựng huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn đô thị loại IV; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu giấy trên địa bàn tỉnh, để khai thác có hiệu quả vùng nguyên liệu tại chỗ; sớm phê duyệt Phương án bảo vệ rừng bền vững tạo việc làm và nâng cao thu nhập ổn định dân cư các xã biên giới; ban hành Kế hoạch thu hồi diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng và sử dụng vào mục đích lâm nghiệp; Kế hoạch phát triển cây ăn quả; có chính sách thu hút doanh nghiệp vào liên kết đầu tư kết hợp với bao tiêu sản phẩm dược liệu.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh có chủ trương hỗ trợ hộ liên kết với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; sớm đề nghị Bộ Công thương bổ sung quy hoạch điện năng lượng mặt trời; đánh giá lại việc thực hiện đề án sáp nhập các đơn vị sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh; có chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc thiểu số rất ít người (Brâu)...
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hồi, đặc biệt là trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, Ngọc Hồi đã có sự “thay da đổi thịt” lớn, nhất là trong xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và chỉnh trang, phát triển đô thị - Đây là tiền đề cho thị trấn Plei Kần trong tương lai đạt đô thị loại IV.
Đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hồi chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Trước tiên, nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại trong phát triển KT-XH thời gian qua. Cây mắc ca hiện đang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương trong cả nước, vì vậy, đề nghị huyện nghiên cứu, xem xét về việc phát triển mở rộng diện tích cây trồng này. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, trong đó có cây mắc ca.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố để 5 xã đã đạt chuẩn xã NTM tiếp tục đạt xã NTM nâng cao hoặc xã NTM kiểu mẫu; năm 2022 phấn đấu xã Sa Loong đạt chuẩn NTM, năm 2023 xã Đăk Ang đạt chuẩn NTM; năm 2024 huyện Ngọc Hồi đạt huyện NTM; phấn đấu thoát nghèo 1%/năm; năm 2025 đạt đô thị loại IV.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý không được để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy, hạn chế thấp nhất số vụ vi phạm vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép không có nguồn gốc; lực lượng QLBVR thường xuyên, liên tục triển khai công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng; tích cực tuyên truyền người dân tham gia trồng rừng mới và quản lý bảo vệ rừng.
Lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên liên tục đối với công tác phòng, chống ma túy; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy nhất là những địa bàn trọng điểm như xã biên giới Pờ Y, thị trấn Plei Kần; lực lượng chức năng thường xuyên, liên tục tấn công, truy quét các loại tội phạm trên địa bàn.
Tuyên truyền giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, không để đời sống văn hóa bị mai một và mất đi bản sắc văn hóa; phấn đấu 100% thôn, làng đồng bào DTTS phải có bộ cồng chiêng và có đội cồng chiêng.
Đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hồi phải năng động, sáng tạo hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo để kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển xứng đáng với tiềm năng, lợi thế và giữ vững quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới cũng như trong nội địa...
Dương Nương
https://kontum.gov.vn/pages/detail/37702/Ban-Thuong-vu-Tinh-uy-lam-viec-voi-Ban-Thuong-vu-Huyen-uy-Ngoc-Hoi.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn