1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Tin nhân sự trong tuần:
- Sáng 12-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Lễ công bố và trao quyết định điều động, phân công công tác đối với đồng chí Thao Hồng Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và đồng chí A Cường - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ.
Tại buổi lễ, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt trao Quyết định số 1689-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động, phân công công tác đối với đồng chí Thao Hồng Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đến nhận công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; chỉ định tham gia Đảng đoàn, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; trao Quyết định số 1691-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động, phân công công tác đối với đồng chí A Cường - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ đến nhận công tác tại Hội Nông dân tỉnh; chỉ định tham gia Đảng đoàn, giữ chức vụ Bí thư Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh.
- Sáng 12-5, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị bất thường bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và chức danh Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Hội nghị đã bầu đồng chí A Cường - Bí thư Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh vào Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023.
- Chiều 12-5, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định về công tác cán bộ đối với đồng chí Nguyễn Văn Lân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kon Plông.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hòa trao Quyết định số 277/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc bổ nhiệm có thời hạn đồng chí Nguyễn Văn Lân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kon Plông giữ chức Giám đốc Sở Nội vụ.
- Sáng 13-5, tại Hội trường Huyện ủy Đăk Tô, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Lễ công bố và trao quyết định điều động, phân công công tác đối với đồng chí A Hơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông.
Tại buổi lễ, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt trao Quyết định số 1700-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động, chỉ định đồng chí A Hơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Tô khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.
- Sáng 14-5, Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum.
Ngày 13/5/2020, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ký Quyết định số 569 về việc bổ nhiệm đồng chí Đỗ Thị Kim Thư - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh kể từ ngày 15/5/2020.
Thay mặt Tòa án nhân dân Tối cao, đồng chí Nguyễn Văn Du đã trao quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Đỗ Thị Kim Thư.
* Trước khi bổ nhiệm đồng chí Đỗ Thị Kim Thư, ông Nguyễn Văn Dũng - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao bổ nhiệm, điều động giữ chức vụ Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
- Sáng 14-5, tại Hội trường Huyện ủy Sa Thầy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Lễ công bố và trao quyết định điều động, chỉ định đối với đồng chí Dương Quang Phục - Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Văn phòng UBND tỉnh.
Tại buổi lễ, đồng chí Huỳnh Tấn Phục trao Quyết định số 1692-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động, chỉ định đồng chí Dương Quang Phục - Trưởng phòng Hành chính- Quản trị, Văn phòng UBND tỉnh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sa Thầy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.
* Sáng 11-5, Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 11 bị cáo tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Bắt người trái pháp luật”, “Giữ người trái pháp luật”, “Chống người thi hành công vụ” và tội “Cố ý gây thương tích”.
11 bị cáo gồm Y Thái, sinh năm 1984; Y Lõe, sinh năm 1988; A Nhôh, sinh năm 1950; A Khưk, sinh năm 1950; Y Cheo, sinh năm 1956; Y Hngher, sinh năm 1960; A Khách, sinh năm 1983; Y Jứi, sinh năm 1965; A Hmưk, sinh năm 1986; A Gơh, sinh năm 1987; A Chứ, sinh năm 1988. Tất cả các bị cáo đều trú tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum, trong thời gian ngày 14/03/2018, ngày 11/05/2019 trên địa bàn xã Ia Chim xảy ra các vụ việc “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Cố ý gây thương tích”, “Chống người thi hành công vụ”. Cụ thể, ngày 14/3/2018, sau khi nghe tin A Wi, A Thuên, Y Thân bị bắt giữ, Y Thái đã đánh kẻng tụ tập dân làng đến nhà rông và kêu gọi người dân đến UBND xã Ia Chim và Nông trường Cao su Ia Chim bắt người để đổi người, trong đó Y Thái, Y Lõe, A Nhôh, A Khưk, A Khách, Y Hngher, A Gơh, A Chứ bắt ông Nguyễn Khắc Hoàng Phú, Ka Rô Chinh, Phạm Văn Trường, Nguyễn Vũ Hội và bà Nguyễn Thị Hồng đưa về nhà rông và trói ông Phú, ông Chinh tại cột điện. Sau đó Y Thái, Y Lõe, A Nhôh, A Khưk, A Khách, Y Hngher, A Gơh và Y Cheo canh giữ những người bị bắt. Hành vi của Y Thái, A Khưk, A Nhôh, Y Hngher, A Khách, Y Lõe, A Gơh đã phạm vào tội “Bắt giữ người trái pháp luật”; còn hành vi của Y Cheo tham gia canh giữ những người bị bắt nên đã phạm vào tội “Giữ người trái pháp luật”; hành vi của A Chứ tham gia bắt người nên phạm vào tội “Bắt người trái pháp luật”, quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 157 Bộ luật Hình sự.
Vụ thứ 2, sau khi nghe thông tin Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tái canh cây cao su trên diện tích cao su đã khai thác, ngày 11/05/2019 Y Lõe đánh kẻng tụ tập dân làng đi cản trở, không cho công ty tái canh cao su. Trong đó A Nhôh, A Khưk, A HMưk là người thực hành tích cực; A Khách, Y Hngher, Y Cheo, Y Jứi… trực tiếp hô hào ngăn cản hoạt động bảo vệ an ninh và hoạt động đào hố trồng mới cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum. Do đó, hành vi của các bị can Y Lõe, A Nhôh, A Khưk, A Khách, Y Cheo, Y Hngher, Y Jứi, A Hmưk đã phạm vào tội “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại khoản 1, Điều 330 Bộ luật hình sự; hành vi của A Hmứk dùng cuốc bổ nhiều lần vào người ông Hoàng Xuân Hồng gây thương tích cho ông Hồng 13% là phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đã khai nhận những hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum đã tuyên bị cáo A Nhôh 49 tháng tù; bị cáo Y Lõe 51 tháng tù; bị cáo A Khưk 40 tháng tù; bị cáo A Hmưk 37 tháng tù; bị cáo A Khách 38 tháng tù; bị cáo Y Cheo 36 tháng tù; bị cáo Y Hngher 35 tháng tù; bị cáo A Gơh 20 tháng tù; bị cáo A Chứ 25 tháng tù; bị cáo Y Jứi 10 tháng tù; bị cáo Y Thái 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
* Chiều 11-5, đồng chí Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ trì buổi làm việc về một số nội dung liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Sở: Y tế, Tài chính; Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Tại buổi làm việc, các đơn vị đã báo cáo về công tác bố trí, điều chỉnh các địa điểm cách ly tập trung của tỉnh; việc triển khai thực hiện chế độ trong công tác cách ly; việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Nga ghi nhận, biểu dương những cố gắng, nỗ lực và kết quả của các đơn vị trong việc triển khai các biện pháp cấp bách để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Ủy quyền đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phê duyệt danh sách các trường hợp áp dụng biện pháp cách ly y tế và thôi áp dụng biện pháp cách ly y tế trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cách ly tập trung do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý; Thống nhất bố trí các địa điểm: Cơ sở 1 - trường Cao đẳng Cộng đồng; Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Ngọc Hồi làm cơ sở cách ly tập trung của tỉnh do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, khảo sát các địa điểm để điều chỉnh, bổ sung bố trí làm cơ sở cách ly tập trung của tỉnh, kịp thời đưa vào sử dụng ngay khi có nhu cầu. Giao các cơ quan, đơn vị tổng hợp tình hình sử dụng kinh phí đợt 1 báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 5 năm 2020.
* Ngày 11-5, Đảng ủy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 trong Đảng bộ Sư đoàn. Dự và chỉ đạo hội nghị có đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân đoàn 3.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp tổ chức quán triệt, học tập Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Quân ủy Trung ương. Thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên; quá trình thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát thường xuyên với giám sát theo chuyên đề, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất; gắn kiểm tra, giám sát tập thể cấp ủy với cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào những hạn chế, khuyết điểm; trách nhiệm của tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, những quy định và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh đó việc xem xét thi hành kỷ luật, giải quyết tố cáo, khiếu nại được thực hiện kịp thời, đúng nguyên tắc, thủ tục, đúng người, đúng lỗi phạm, chú trọng vào xử lý cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có liên đới trách nhiệm.
Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ Sư đoàn đã kiểm tra theo Điều 30, Điều lệ Đảng tại 100 tổ chức đảng, hơn 1.400 đảng viên và giám sát chuyên đề 101 tổ chức đảng, hơn 990 đảng viên, (tăng 2,22% so với nhiệm kỳ trước). Xử lý kỷ luật 47 đảng viên vi phạm.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giá sát và kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Sư đoàn 10 xác định đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, Điều lệ Đảng. Chủ động kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm, đồng thời chỉ đạo xem xét giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại đúng nguyên tắc, giải quyết kịp thời, đúng quy trình và thẩm quyền; xử lý nghiêm minh, chính xác các trường hợp vi phạm kỷ luật… góp phần xây dựng Đảng bộ Sư đoàn trong sạch vững mạnh, Sư đoàn vững mạnh toàn diện mẫu mực, tiêu biểu.
* Trong hai ngày (11 và 12-5), Đảng bộ Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhằm kiểm điểm, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua và xác định những nội dung, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Trong 5 năm qua, nhiều nội dung chỉ tiêu được Đảng bộ Phòng Chính trị thực hiện có hiệu quả như: Tham mưu và phối hợp với các cơ quan xây dựng đảng, cấp ủy địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đảng trong lực lượng dân quân tự vệ đạt trên 20%; xây dựng chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn đạt 100% chỉ tiêu; tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dự bị động viên đạt trên 13%; thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ đúng trình độ, năng lực và yêu cầu nhiệm vụ, công tác tuyển sinh quân sự, công tác bảo vệ chính trị nội bộ được làm chặt chẽ bảo đảm bí mật, an toàn cho các hoạt động của LLVT tỉnh; tham mưu Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xây dựng 5 nhà đồng đội, phối hợp xây dựng 5 nhà đại đoàn kết, xây 18 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, người có công; lập hồ sơ, thẩm định, giải quyết cho 11.340 đối tượng được hưởng chính sách theo các Quyết định 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền gần 30 tỷ đồng.
Trong 5 năm đã quy tập được 185 hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước... Tổ chức nhiều chương trình, việc làm nghĩa tình như: Khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cứu trợ nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, với vai trò là cơ quan chủ trì công tác đảng, công tác chính trị của LLVT tỉnh, Đảng bộ Phòng Chính trị đề ra nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với xây dựng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại hội Đảng bộ Phòng Chính trị đã bầu 7 đồng chí vào Ban Chấp hành khóa mới và bầu 15 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
* Chiều 12-5, đồng chí Trần Thị Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, huyện, thành phố để nghe các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Đề án củng cố, phát triển hệ thống phát thanh và truyền hình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của đề án hướng đến xây dựng Đài PT&TH tỉnh trở thành một cơ quan truyền thông phát triển mạnh ở khu vực Tây Nguyên với trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tổ chức sản xuất chương trình, truyền dẫn, phát sóng; thực hiện phát thanh, truyền hình trực tiếp các sự kiện lớn của tỉnh. Đầu tư thiết bị sản xuất chương trình truyền hình cho 10 đài TT&TH cấp huyện. Đa dạng hóa các phương thức truyền dẫn phát sóng; xây dựng hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn phát sóng trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh và được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ; hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Các đài truyền thành cấp xã thực hiện việc phát sóng và có chương trình riêng, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương. 100% người dân ở vùng sâu, vùng xa được nghe, xem các kênh truyền thanh và truyền hình; được biết các thông tin thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thế giới, quốc gia và của tỉnh, huyện, xã.
Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2021-2025 là 24,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện, nguồn đầu tư từ các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Sau khi nghe 14 ý kiến của các đại biểu, kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga nhấn mạnh, phát thanh và truyền hình là phương tiện thông tin không thể thiếu trong đời sống xã hội; là công cụ tuyên truyền hiệu quả, chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Hiện nay, phần lớn máy móc, trang thiết bị hệ thống PT&TH trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp; hạ tầng kỹ thuật các đài TTTH cấp huyện thiếu các trang thiết bị đạt chuẩn, không đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động TT&TH.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga cho rằng, việc ban hành “Đề án củng cố, phát triển hệ thống phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” là hết sức cần thiết. Đây chính là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thời gian tới, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống PT&TH nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu, lợi ích thiết thực của nhân dân; trở thành công cụ tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh tại địa phương.
Đồng chí Trần Thị Nga giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cuộc họp; phối hợp với các sở, ngành, địa phương chỉnh sửa, hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh ban hành để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
* Sáng 12-5, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường. Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu đến từ Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Kiểm lâm và hội viên phụ nữ từ 10 huyện, thành phố tham gia.
Trong thời gian qua, thực hiện khâu đột phá về ứng phó với biến đổi khí hậu, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hơn 400 hoạt động, thu hút 55.744 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Trong đó, nổi bật: Tổ chức ra mắt các mô hình “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới”, mô hình “Đường, làng, nhà tôi xanh - sạch - đẹp”; tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về bảo vệ môi tường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; phát động cuộc thi viết “Sáng kiến bảo vệ môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em nhằm giảm thiểu rủi ro, thiên tai”...
Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ còn phối hợp với tổ chức Plan vùng dự án tại Kon Tum sửa chữa, đưa vào sử dụng hiệu quả 3 công trình nước tự chảy tại xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy), xã Măng Cành (huyện Kon Plông) với tổng trị giá hơn 260 triệu đồng, góp phần thiết thực vào công tác bảo vệ môi trường.
Hội thảo là hoạt động thiết thực, qua đó giúp các cấp Hội Phụ nữ có thêm những kinh nghiệm hay, giải pháp hữu hiệu trong triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện Chủ đề năm 2020 về “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
* Sáng 12-5, Công ty Điện lực Kon Tum phối hợp với UBND thành phố Kon Tum, xã Chư Hreng tổ chức khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Y Yưn (thôn Kon Hra Klah, xã Chư Hreng).
Bà Y Yưn năm nay 66 tuổi, thuộc diện hộ nghèo. Nhiều năm qua, bà Y Yưn sống trong ngôi nhà tạm xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Ngôi nhà mới được xây dựng có diện tích gần 30m2 gồm 1 phòng khách và 1 phòng ngủ, tường gạch, mái lợp tôn. Tổng kinh phí xây dựng ước tính khoảng 60 triệu đồng, trong đó, Công ty Điện lực Kon Tum hỗ trợ 50 triệu đồng, chính quyền xã Chư Hreng vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ các loại vật liệu xây dựng trị giá khoảng 10 triệu đồng.
* Sáng 12-5, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm và tặng quà cho 3 đoàn viên công đoàn bị bệnh hiểm nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Mỗi phần quà trị giá 500 nghìn đồng. Giá trị quà tặng tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên tinh thần và thể hiện sự quan tâm của Liên đoàn Lao động tỉnh đối với đoàn viên công đoàn, viên chức và người lao động.
* Trong hai ngày (12 và 13-5), Đảng bộ xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) tổ chức Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong 5 năm qua, Đảng bộ xã Rờ Kơi tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xã Rờ Kơi nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp có hiệu quả, đem lại những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh trên địa bàn. Hầu hết các mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ xã Rờ Kơi đề ra đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Rờ Kơi đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 15%; sản lượng lương thực cây có hạt năm 2025 là 970 tấn; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 là 45 triệu đồng; tổng thu ngân sách hàng năm đạt 5.713 tỷ đồng; xóa 100% nhà tạm; 98% số hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 7%;
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) gồm 15 đồng chí và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đảng bộ cấp trên.
* Từ ngày 12 đến 14-5, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố Kon Tum phối hợp với Bưu điện thành phố chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19 của Chính phủ.
Theo đó, trên địa bàn thành phố có 3.789 đối tượng bảo trợ xã hội ở các xã, phường được hỗ trợ 5,671 tỷ đồng trong đợt này.
* Sáng 13-5, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về đảm bảo An toàn thực phẩm làm việc với Ban Chỉ đạo về An toàn thực phẩm tỉnh Kon Tum nhân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Kon Tum đã tổ chức 503 lượt phát thanh, 88 lượt phát sóng truyền hình, 10 tin, bài báo viết và báo điện tử về ATTP; tổ chức treo 338 băng rôn, sao chép và cấp phát 50 đĩa CD/DVD về thông điệp Tháng hành động vì ATTP năm 2020; Sản xuất 2.834 tờ rơi, tờ gấp; nói chuyện nhóm nhỏ cho 117 người tham dự… cho 10 huyện, thành phố.
Tỉnh Kon Tum kiến nghị một số khó khăn vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện ATTP trên địa bàn tỉnh cần được tháo gỡ.
Qua buổi kiểm tra, đoàn liên ngành Trung ương ghi nhận kết quả đạt được trong triển khai về công tác đảm bảo ATTP cũng như những kiến nghị, khó khăn tại địa phương; đồng thời, đoàn kiến nghị tỉnh Kon Tum cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP không riêng gì trong tháng hành động mà cần thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Dự kiến đoàn kiểm tra sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP cấp huyện và kiểm tra thực tế một số cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
* Trong hai ngày (13 và 14-5), Đảng bộ Quân sự huyện Kon Rẫy tổ chức Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại tá Trịnh Ngọc Trọng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Quân sự huyện Kon Rẫy đã tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương toàn diện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Quân sự huyện Kon Rẫy tập trung đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt hoạt động; xây dựng LLVT huyện vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, luôn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ Quân sự huyện khoá VIII gồm 5 đồng chí và bầu 3 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kon Rẫy lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
* Trong 2 ngày (13 và 14-5), Đảng bộ xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) tổ chức Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Sa Bình chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ người DTTS và cán bộ trẻ, nên chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, phong trào thi đua xây dựng tổ chức Đảng “trong sạch, vững mạnh” tiếp tục được duy trì tốt. Bình quân hàng năm có trên 50% tổ chức đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, không có tổ chức đảng yếu kém; kết nạp được 22 đảng viên mới, đạt 92% so với Nghị quyết.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Sa Bình phấn đấu kết nạp mới 20 đảng viên trở lên; tỷ lệ tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm đạt 20%; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; phấn đấu 100% trưởng thôn, thôn đội trưởng và công an viên là đảng viên, trong đó 60% bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; phấn đấu tổng sản phẩm xã hội đến năm 2025 đạt 255,34 tỷ đồng; tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 15%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,71 triệu đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn đạt 7,5 tỷ đồng. Đặc biệt, đến năm 2025, xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 với 13 đồng chí; đồng chí Nguyễn Minh Thuận được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã; bầu 10 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sa Thầy nhiệm kỳ 2020-2025.
* Sáng 14-5, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Lấy ý kiến Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam”.
Tham dự hội nghị có đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ban Pháp chế HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo các huyện biên giới.
Qua 5 lần lấy ý kiến, chỉnh sửa, Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam có 7 chương, 33 điều. Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung của Dự thảo Luật Biên phòng; góp ý đối với khoản 3 Điều 9 về kiểm tra thông tin, trao đổi thông tin, tại khoản 4, Điều 4 về kiểm soát xuất nhập cảnh, Điều 30 về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng…
Những ý kiến góp ý này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp và tham gia ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra.
* Ngày 14-5, Đảng bộ Quân sự huyện Ngọc Hồi tổ chức Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đến dự có đại diện lãnh đạo Đảng uỷ Quân sự tỉnh; Huyện ủy, UBND huyện; bí thư đảng ủy 8 xã, thị trấn và 55 đại biểu chính thức.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Quân sự huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, các tiềm lực trong khu vực phòng thủ từng bước được củng cố, tăng cường. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bảo đảm 100% chỉ tiêu, chất lượng tốt; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đúng tổ chức, biên chế, quy mô và hoạt động hiệu quả...
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Quân sự huyện Ngọc Hồi tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng huyện Ngọc Hồi thành khu vực phòng thủ “cơ bản, liên hoàn, vững chắc”….
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Đảng bộ Quân sự huyện Ngọc Hồi tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng đạt 100% chỉ tiêu; tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu và chất lượng đạt tốt. Hàng năm, 100% số cán bộ, chiến sỹ, cơ quan, đơn vị được huấn luyện đủ nội dung, chương trình, thời gian quy định, trong đó có trên 78% đạt loại khá, giỏi.
Với tinh thần tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ, trách nhiệm, Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Quân sự huyện khóa IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 4 đồng chí và bầu 7 đồng chí đi dự Đại hội cấp trên.
* Ngày 14-5, Đoàn công tác của Liêp hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) do ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng và giá trị cao; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nhân rộng ra các vùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; tổ chức nghiên cứu và quản lý các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Làm việc với lãnh đạo Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội cho rằng, hiện nay ngoài việc triển khai tổ chức sản xuất thì hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ có vai trò hết sức quan trọng. Qua đây, nhằm tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ trong thời gian tới, ông Lê Văn Hùng đề nghị Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen phối hợp với Liên hiệp hội tổ chức các lớp tập huấn, kiến tập hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Qua đó, giúp cho người dân có những kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là phương pháp cải tạo và nâng cấp qui trình sản xuất rau, hoa; những kiến thức, kỹ thuật cơ bản của qui trình trồng cây trong nhà màng; lợi ích và những yêu cầu trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó lựa chọn những kỹ thuật phù hợp để đầu tư sản xuất một cách có hiệu quả nhất.
* Chiều 14-5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ gắn biển và bàn giao 2 căn nhà mái ấm công đoàn, trao quyết định hỗ trợ xây dựng mới 3 căn nhà mái ấm công đoàn cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Tô.
Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã nghiệm thu và bàn giao nhà mái ấm công đoàn cho gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Quế, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) - đoàn viên công đoàn Trường Tiểu học Chu Văn An; bàn giao nhà mái ấm công đoàn cho gia đình anh A HLưng, xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô) - đoàn viên công đoàn Trường PTDTBT THCS Đăk Rơ Nga.
Các căn nhà được xây dựng rộng rãi, thoáng mát với 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, phòng bếp. Ngoài kinh phí của gia đình, từ nguồn quỹ Mái ấm công đoàn, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Quế 45 triệu đồng và gia đình anh A HLưng 50 triệu đồng.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng hỗ trợ 25 triệu đồng để gia đình chị Y Xơn, thị trấn Đăk Tô - đoàn viên công đoàn Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Đăk Tô sửa chữa nhà ở.
Nhân dịp này, LĐLĐ tỉnh đã trao quyết định hỗ trợ xây dựng mới 3 nhà mái ấm công đoàn (mỗi căn hỗ trợ 45 triệu đồng) cho 3 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Tô. Đồng thời, trao 8 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng cho đoàn viên công đoàn bị bệnh hiểm nghèo trên địa bàn huyện.
* Trong 2 ngày (14 và 15-5), Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức chương trình "Hành trình về nguồn" kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử cách mạng căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) và di tích lịch sử Điểm cao 995 - Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr và xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy).
Các hoạt động được thực hiện trong chương trình gồm: Dâng hương, ôn lại truyền thống lịch sử. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh còn tổ chức các trò chơi, tặng sách, dụng cụ học tập và các phần bánh kẹo cho các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) và Trường Tiểu học - THCS xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) với tổng kinh phí 40 triệu đồng. Số kinh phí này được Đoàn Thanh niên Công an tỉnh huy động từ nguồn xã hội hóa.
* Sáng 15-5, Hội đồng Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh tổ chức trao giấy chứng nhận cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020.
Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn; các thành viên Hội đồng và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận.
Có 12 sản phẩm của 9 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Tô và thành phố Kon Tum được công nhận đợt này. Cụ thể, các sản phẩm gồm: Sản phẩm cà phê tinh (Tinh COFFEEO) của Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà); cà phê LADUVI COFFEE của cơ sở kinh doanh Lê Thị Kim Dung (tổ 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà); cà phê nhân của Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô (Tổ 6, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà); hồng đảng sâm KORA, nấm kinh chi KORA của Công ty cổ phần KoRa (193, đường Duy Tân, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum); cao hồng đảng sâm, trà sâm và tinh dầu tiêu rừng của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thương mại Trường Tiến Măng Đen (thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông); cà phê rang xay của Hợp tác xã Dược liệu Hữu cơ Tu Mơ Rông (thôn Đăk Kinh 2, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông); nước sâm dây Ngọc Linh của Công ty cổ phần nước giải khát Ngọc Linh (29 Hùng Vương, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei); trà khổ qua rừng DATO của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (298, đường Hùng Vương, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô); cà phê sạch nguyên chất Rạng Đông của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Rạng Đông (đường Huỳnh Đăng Thơ, thị trấn Đăk Tô, Huyện Đăk Tô).
Đây là các sản phẩm đã được Hội đồng Bình chọn tổ chức chấm điểm dựa trên những tiêu chí như: Đáp ứng thị trường; khả năng phát triển sản xuất; tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật, xã hội, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ... đều đạt từ 70 điểm trở lên.
Sau khi được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, các sản phẩm này sẽ tiếp tục được tham gia bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, được phép in logo của chương trình lên sản phẩm bao bì, ưu tiên xét chọn hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương và quốc gia; tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa cơ sở sản xuất với các nhà phân phối trên cả nước để tìm kiếm hợp đồng, ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh…
* Chiều 15-5, tại Sở Ngoại vụ diễn ra Đại hội đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Kon Tum lần thứ III, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và Đại hội đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Kon Tum lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dự Đại hội có đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Kon Tum và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Kon Tum; 21 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Kon Tum đã tích cực, chủ động tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các hội đã kết nạp được 31 hội viên là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã sống, chiến đấu, làm việc tại Lào và Campuchia hiện đang sống trên địa bàn tỉnh; phối hợp vận động, tuyên truyền nhân dân và thế hệ trẻ thực hiện tốt quy chế biên giới, có ý thức bảo vệ đường biên giới hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định… góp phần tăng cường, củng cố sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia nói chung, giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia nói riêng.
Thường trực Hội và các thành viên Ban Chấp hành Hội đã tham dự nhiều hoạt động đối ngoại giữa tỉnh với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Trong đó, nổi bật như: Lễ tiễn đưa hài cốt quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến tranh tại Lào, Campuchia về nước; tham gia đoàn công tác của tỉnh sang thăm, chúc Tết tại các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia nhân dịp Tết cổ truyền. Hội đã đóng góp 20 triệu đồng để cùng với các tỉnh, thành hội trong cả nước chung tay đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa và hỗ trợ các gia đình chịu thiệt hại do sự cố vỡ đập thủy điện tại huyện Sạ-Nảm-Xay, tỉnh Attapư.
Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận và đề ra phương hướng hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Kon Tum trong thời gian tới. Theo đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho hội viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào; 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia...
Đại hội đã bầu 9 người vào Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia và 9 người vào Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Lào. Ông A Brao Bim - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ được Đại hội hiệp thương bầu giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
* Chiều 15-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.
Dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đại diện một số cơ quan, ban ngành Trung ương; một số nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 689 huyện và trên 2.000 xã trong toàn quốc, nhằm đánh giá công tác phòng, chống thiên tai năm 2019; nhận diện những tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành; đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2019 trên thế giới khoảng 150 tỷ USD.
Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 diễn ra dồn dập và khốc liệt, mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai. Cụ thể, có 8 cơn bão và 4 đợt áp thấp nhiệt đới; 222 trận dông, lốc; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tăng...
Trong năm 2019, thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích; tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng; giảm nhiều so với thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức báo động 3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức báo động 1-2. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; chủ động, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, sẵn sàng ứng phó, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; kế hoạch hành động của Ban cán sự Đảng Chính phủ ngay trong năm 2020 và hàng năm, theo từng giai đoạn; bố trí nguồn lực thích đáng để triển khai thực hiện có hiệu quả, dứt điểm các nhiệm vụ đã đề ra.
Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp.
Tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và cộng đồng bằng các hình thức phong phú, hấp dẫn, dễ áp dụng; sử dụng hiệu quả quỹ phòng chống thiên tai tại các địa phương trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó cần nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng chống thiên tai các cấp; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo.
Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ, cơ sở dữ liệu; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai các cấp...
* Ngày 15-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank) - Chi nhánh tỉnh Kon Tum và UBND huyện Ia H’Drai tổ chức trao tặng 60 con bò sinh sản cho 60 hộ nghèo của 11 thôn trên địa bàn xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai).
Đây là đợt trao tặng bò đầu tiên cho các hộ nghèo theo Đề án Hỗ trợ các hộ nghèo phát triển chăn nuôi trên địa bàn Ia H’Drai. 60 con bò sinh sản (trị giá 15 triệu đồng/con), có thể chất khỏe mạnh, đều được tiêm đầy đủ vắc xin theo quy định; là giống bò sinh sản Việt Nam theo đề nghị của người dân.
Năm 2018, tỉnh Kon Tum phê duyệt đề án hỗ trợ 500 con bò giống sinh sản cho 500 hộ nghèo tại các xã trên địa bàn huyện Ia H’Drai, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 7,6 tỷ đồng. Trong đó, 7,5 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của Viettinbank; 100 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 11/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 272/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung thủ tục hành chính ngành Xây dựng thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt 01 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc Lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật (thủ tục Cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh) .
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao đơn vị căn cứ danh mục thủ tục hành chính được phê duyệt có trách nhiệm cung cấp đúng, đầy đủ các nội dung, quy trình giải quyết, quy trình nội bộ giải quyết các thủ tục hành chính để Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh niêm yết công khai theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
* Ngày 13/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 280/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục thủ tục hành chính Sở Ngoại vụ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt
04 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Ngoại vụ tỉnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao đơn vị căn cứ danh mục thủ tục hành chính được phê duyệt có trách nhiệm cung cấp đúng, đầy đủ các nội dung, quy trình giải quyết, quy trình nội bộ giải quyết các thủ tục hành chính để Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh niêm yết công khai theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và và thay thế Phụ lục số 8 Quyết định số 370/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt danh mục thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum.
* Ngày 13/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 279/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính ngành Y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, đã phê duyệt
157 quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính ngành Y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, 03 quy trình nội bộ ngành y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh; 148 quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế; 04 quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện; 02 quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Y tế, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phân công cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các bước xử lý công việc quy định tại các quy trình nội bộ ban hành kèm theo Quyết định này.
Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan thiết lập cấu hình điện tử; đồng thời tổ chức thực hiện việc cập nhật thông tin, dữ liệu về tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính lên Hệ thống thông tin một cửa điện tử theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 484/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tỉnh Kon Tum.
* Ngày 13/5/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 471/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện, Kế hoạch tài chính năm 2020 của Dự án “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” tỉnh Kon Tum.
Dự án “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, cơ quan chủ quản là Bộ Y tế đầu tư vào 5 tỉnh Tây Nguyên nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế các tỉnh Tây Nguyên đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng cao của Nhân dân các tỉnh dự án, đặc biệt là người nghèo, đồng bào DTTS và các đối tượng thiệt thòi khác, hướng tới đạt các mục tiêu giảm tỷ suất tử vong trẻ em và cải thiện sức khỏe bà mẹ của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Tại Kon Tum, Dự án được thực hiện bởi Ban quản lý Dự án “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020, với các mục tiêu: Nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở cho Nhân dân tỉnh Kon Tum, thông qua việc cải thiện cơ sở vật chất thông qua việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa một số trạm y tế xã, cung cấp trang thiết bị y tế và hệ thống thông tin quản lý y tế cho các tuyến tỉnh, huyện, xã và túi y tế thôn bản, phát triển nguồn nhân lực y tế thông qua các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn và dài hạn về chuyên môn và năng lực quản lý và hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại cộng đồng.
Dự án gồm có 03 hợp phần: Tăng cường Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã; Cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện; Tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến.
Tổng kinh phí thực hiện Dự án kế hoạch năm 2020 (Vốn hành chính sự nghiệp) 3 tỷ 857 triệu đồng; trong đó, vốn ADB 2 tỷ 657 triệu đồng; vốn đối ứng 1 tỷ 200 triệu đồng
.
Ủy ban nhân dân giao Sở Y tế và Ban Quản lý Dự án “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” tỉnh Kon Tum phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện, Kế hoạch tài chính theo đúng quy định.
* Ngày 13/5/2020, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Quyết định 1649/QĐ-HĐPH phê duyệt Danh sách thành viên và phân công Tổ thành viên Hội đồng phối hợp.
Theo đó, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Kon Tum gồm 38 cá nhân, thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 121/QĐ-HĐPH ngày 03/8/2018 của Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng
.
Phân công Tổ thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và địa bàn phụ trách theo dõi, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện như sau:
Tổ 1: Công an tỉnh (Tổ trưởng); Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (Tổ phó); Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sở Nội vụ; Ban Dân tộc và Sở Ngoại vụ.
Địa bàn phụ trách theo dõi: Huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Glei.
Tổ 2: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Tổ trưởng); Tòa án nhân dân tỉnh (Tổ phó); Thanh tra tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh và Sở Tư pháp.
Địa bàn phụ trách theo dõi: Huyện Kon Plông, huyện Kon Rẫy.
Tổ 3: Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ trưởng); Sở Công Thương (Tổ phó); Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Văn phòng UBND tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Địa bàn phụ trách theo dõi: Thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà.
Tổ 4: Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch (Tổ trưởng); Sở Thông tin và Truyền thông (Tổ phó); Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Báo Kon Tum; Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Sở Khoa học và Công nghệ.
Địa bàn phụ trách theo dõi: Huyện Đăk Tô, huyện Tu Mơ Rông.
Tổ 5: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (Tổ trưởng); Tỉnh đoàn (Tổ phó); Hội Cựu chiến binh tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Hội Nông dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Địa bàn phụ trách theo dõi: Huyện Sa Thầy, huyện IaH'Drai.
Các Tổ thành viên Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Nghiên cứu tham mưu Hội đồng phối hợp tỉnh chỉ đạo; đồng thời, trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật theo lĩnh vực, chuyên môn của các cơ quan, đơn vị trong Tổ.
2. Căn cứ vào đối tượng, lĩnh vực PBGDPL luật được giao, các Tổ của Hội đồng phân công các thành viên hoặc nhóm thành viên phụ trách về từng loại đối tượng, lĩnh vực hoặc về từng hình thức PBGDPL để chủ động trong công việc của Tổ.
3. Các Tổ của Hội đồng được mời đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia hoạt động của Tổ để tăng cường sự phối hợp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo đối tượng, lĩnh vực PBGDPL được phân công.
4. Các Tổ có trách nhiệm tư vấn, tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan, tổ chức mà mình là đại diện làm thành viên Hội đồng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; tham gia PBGDPL cho Nhân dân; hàng năm tổng hợp kết quả, báo cáo Hội đồng và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ công tác PBGDPL chuyên ngành hoặc PBGDPL cho thành viên, hội viên của tổ chức mình.
* Ngày 13/5/2020, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh ban hành Kế hoạch số 1646/KH-BCĐ về tổ chức các hoạt động hưởng ứngTháng hành động vì trẻ em năm 2020.
Theo đó, Kế hoạch đề ra chủ đề thực hiện năm 2020 là “
Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”, được thực hiện từ ngày 01đến ngày 30 tháng 6 năm 2020.
Nội dung hoạt động bao gồm:
1. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động xã hội:
- Đẩy mạnh công tác truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 thông qua tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp, thông qua các kênh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; báo chí, mạng xã hội và truyền thông tư vấn tại cộng đồng về pháp luật, chính sách hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, in ấn băng rôn khẩu hiệu, đĩa CD tuyên truyền, xuất bản tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền...
- Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền cho trẻ em và gia đình vềphòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; ngăn ngừa giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em;
2. Hỗ trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
- Vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn tài chính để xây dựng và phát triển Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, thăm hỏi tặng quà động viên giúp đỡ trẻ emnghèo, trẻ em là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em khó khăn vùng sâu, vùng xa; đỡ đầu, trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; xây dựng các công trình phúc lợi, hỗ trợ thiết bị vui chơi giải trí, bộ đồ dùng học tập, tủ sách cho trẻ em tại cộng đồng, công trình nước sạch trong trường học; kết nối, tiếp nhận quà tặng từ Quỹ Bảo trợ Việt nam để tổ chức tặng quà, trao học bổng, sổ tiết kiệm cho, xe đạp, bảo hiểm cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Chăm sóc sức khỏe và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em: Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kết nối các nhà tài trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, các bệnh hiểm nghèo, các bệnh về khuyết tật, dị tật vận động và các dạng bệnh khác; phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng trong và ngoài tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện.
- Tổ chức thăm tặng quà và giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật, mồ côi, lang thang cơ nhỡ, trẻ em tự lao động kiếm sống, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em bị bệnh, bị thiên tai, tổ chức các hoạt động vui chơi, đặc biệt quan tâm đến trẻ em tại các xã khó khăn.
* Ngày 14/5/2020, Tiểu ban Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh ban hành Văn bản số 753/CV-TBTT đề nghị các cơ quan báo chí địa phương; Trang thông tin điện tử các Sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố; Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh; phóng viên các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại địa phương tích cực tuyên truyền việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Tiểu ban tuyên truyền Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch số 1490/KH-UBND ngày 01/5/2020 về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các văn bản, quy định hỗ trợ của Trung ương; Kế hoạch của tỉnh để các tổ chức, cá nhân và Nhân dân trong toàn tỉnh biết, thực hiện hiệu quả, đúng quy định.
Phản ánh việc chi hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền trong nỗ lực chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của Nhân dân, người lao động trên địa bàn tỉnh; Phản ánh những tấm gương tập thể, cá nhân tham gia tích cực, có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, tích cực tuyên truyền văn bản số 1590/UBND-KGVX ngày 09/5/2020 của UBND tỉnh về triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 08 tháng 5 năm 2020; trong đó, thông tin về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng; rửa tay sát khuẩn, bảo đảm vệ sinh cá nhân… để Nhân dân đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại.
Thông tin về các điểm đến an toàn với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn; đẩy mạnh du lịch nội địa; chủ động tổ chức thị trường và chuẩn bị phương án tái khởi động thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)