Tin tức tổng hợp tuần (từ 06-04 đến 12-04-2020) 

Tin tức tổng hợp tuần (từ 06-04 đến 12-04-2020)

Chủ nhật - 12/04/2020 18:33
Hai học sinh Trường TH Nguyễn Bá Ngọc (xã Sa Bình, Sa Thầy) đã xin phép bố, mẹ đập heo đất, dành 780.000 đồng tiền tiết kiệm mua quà tặng CBCS đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt liên ngành. (ảnh: baokontum.com.vn)
Hai học sinh Trường TH Nguyễn Bá Ngọc (xã Sa Bình, Sa Thầy) đã xin phép bố, mẹ đập heo đất, dành 780.000 đồng tiền tiết kiệm mua quà tặng CBCS đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt liên ngành. (ảnh: baokontum.com.vn)
1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Chiều 06-4, Hội LHPN huyện Sa Thầy tổ chức hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại xã Ya Xiêr; tặng khẩu trang và xà phòng cho phụ nữ và trẻ em nghèo.
Theo đó, Hội đã phát 500 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; đến tận nhà người dân trên địa bàn xã Ya Xiêr để tặng 1.700 khẩu trang vải và 200 bánh xà phòng Lifebuoy cho người già, phụ nữ và trẻ em nghèo.
Hội cũng đã hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn đúng cách và tiến hành đo thân nhiệt cho người dân.
Toàn bộ kinh phí để mua 1.700 khẩu trang và 200 bánh xà phòng Lifebuoy do Hội LHPN huyện Sa thầy vận động các tập thể, cá nhân trên địa bàn huyện đóng góp.
* Chiều 06-4, ca khúc “Tổ quốc gọi” của tác giả Dương Văn Lợt (hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) mang nội dung tuyên truyền, cổ vũ toàn dân chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được nhóm ca sĩ của tỉnh Kon Tum, gồm Ngọc Hương, Thùy Dung, Yến Nhi, Đình Trọng, Phan Thích, Thanh Hải thu âm với sự hòa âm-phối khí của Trọng Nghĩa trình bày.
Đây là ca khúc đầu tiên của giới văn nghệ sĩ tỉnh Kon Tum viết về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tác giả Dương Văn Lợt đã sử dụng điệu dance với ngôn từ trau chuốt, âm điệu vui nhộn, hào sảng thúc giục, cổ vũ toàn dân tham gia “cuộc chiến không tiếng súng” với tất cả tấm lòng của người dân Việt Nam cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh.
* Sáng 07-4, đồng chí Trần Thị Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ tì buổi làm việc với Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin-Truyền thông, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
Theo đánh giá của Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng, chống Covid-19 trên các phương tiện truyền thông, báo chí được tăng cường, triển khai nhanh chóng, hiệu quả.
Các cơ quan báo chí, truyền thông của địa phương như Báo Kon Tum, Đài Phát thanh-Truyền hình Kon Tum, Cổng thông tin Điện tử tỉnh và một số cơ quan báo chí Trung ương đã tăng cường thời lượng, nội dung thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cấp, các ngành, các địa phương; tuyên truyền về những mô hình hay, cách làm tốt góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các trang thông tin của sở, ngành và các địa phương đã cập  nhật, đăng tải kịp thời các văn bản  chỉ đạo, điều  hành  của  Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Công tác tuyên truyền trực quan trên pano, áp phích và qua hệ thống truyền thanh cơ sở được đẩy mạnh. Hệ thống truyền thanh cơ sở phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền về chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến mọi người dân, nhất là vùng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin nhanh chóng, chính xác về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải pháp triển khai quyết liệt của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời thông tin về các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của địa phương trong việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid -19.
Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý các thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, không chính xác về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan biên dịch các tin, bài sang 4 thứ tiếng là Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng và Gia Rai để tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cũng như những khó khăn, vướng mắc, đồng chí Trần Thị Nga đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh từ khi thành lập đến nay.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 nào; tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, lơi lỏng. Để thực hiện được mục tiêu của tỉnh là không để có người dương tính với Covid-19, các cơ quan tuyên truyền cần phải chú trọng, tăng cường hơn nữa thông tin tuyên truyền để người dân nắm bắt, hiểu đúng các chủ trương của Trung ương, địa phương, những khuyến cáo, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của ngành chức năng. Trong đó, chú ý tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ, Công điện số 05/CĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND tỉnh; tuyên truyền người dân tích cực tham gia khai báo y tế, giúp nhân dân hiểu rõ để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng; thông tin đầy đủ, kịp thời về giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân; tích cực thông tin về kết quả điều trị tích cực, các mô hình tốt, sự đồng lòng, chung sức của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh.
Đồng chí Trần Thị Nga lưu ý, Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh phối hợp với các địa phương khai thác, phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở trong việc phổ biến thông tin, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, điều chỉnh thời gian tuyên truyền phù hợp với từng khu dân cư; chọn lọc những nội dung chính, trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu.
* Sáng 07-4, Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng 400 khẩu trang vải 2 lớp kháng khuẩn, hỗ trợ các lực lượng của Bộ CHQS tỉnh phòng, chống dịch Covid -19.
400 khẩu trang kháng khuẩn được Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ đợt này sẽ được cấp phát cho cán bộ, chiến sỹ, đội ngũ y – bác sỹ của Bộ CHQS tỉnh trực tiếp tham gia phục vụ, chăm sóc công dân tại các cơ sở cách ly y tế trên địa bàn tỉnh.
Đợt này, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng trao tặng 1.600 khẩu trang vải kháng khuẩn cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công ty Môi trường Đô thị Kon Tum, Trung tâm Phục vụ hành chính công và cán bộ, nhân viên Liên đoàn Lao động tỉnh.
* Trong 3 ngày (07 đến 09-4), đồng chí Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại huyện Đăk Hà, Tu Mơ Rông và Sa Thầy.
Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Thị Nga đề nghị các địa phương tiếp tục quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy, Công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc phòng, chống dịch Covid-19; phát động phong trào may, ủng hộ khẩu trang vải cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa trong độ tuổi đến trường; đồng thời dự trữ khẩu trang phục vụ cho các em học sinh khi đến trường. Khẩn trương thực hiện khai báo Y tế theo hướng dẫn của ngành Y tế và các cơ quan liên quan.
Rà soát chính xác, không bỏ sót đối tượng để đề nghị hưởng chính sách từ nguồn hỗ trợ an sinh xã hội. Tiếp tục xây dựng các phương án phòng, chống dịch, trong đó bố trí cơ sở vật chất, dự phòng các khu cách ly; quản lý chặt tuyến biên giới, các chốt ra, vào huyện nhằm rà soát, ngăn chặn đối tượng đi từ vùng dịch vào địa bàn huyện.
* Ngày 08-4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố nhằm đánh giá tác động dịch bệnh, hạn hán và các giải pháp, kịch bản điều hành thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách Nhà nước năm 2020.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan
Với sự chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn kịp thời và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong tỉnh chưa có trường hợp nào dương tính với bệnh Covid-19; tiến độ thu ngân sách đảm bảo (Thu NSNN trên địa bàn quí I là 753 tỷ đồng, đạt 21,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 112,6% cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phần nào cũng bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 là không lớn so với các địa phương khác. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về phòng chống dịch Covid-19; đồng thời, để có sự chủ động trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với tình hình dịch bệnh và hạn hán trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra trong thời gian tới, tránh ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng tình huống cụ thể, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp, kịch bản điều hành thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 3 kịch bản:
Kịch bản 1: Dịch bệnh được kiểm soát trong Quý I, nhưng vẫn ảnh hưởng trong Quý II/2020. Trên địa bàn tỉnh không có trường hợp dương tính với vi rút Covid-19. Toàn tỉnh cố gắng bức tốc để phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát trong Quý II, nhưng vẫn ảnh hưởng trong Quý III/2020, dẫn đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách không đạt kế hoạch; Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến Quý III và ảnh hưởng đến Quý IV/2020. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách đạt thấp so với kế hoạch.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương triển khai ngay một số giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách địa phương năm 2020 trong tình hình hụt thu do hạn hán, dịch bệnh Covid-19.
Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án giả định đối với từng kịch bản, trước mắt là xây dựng phương án dịch Covid-19 kết thúc trong quý II, cần quan tâm phát triển lĩnh vực nào, giảm lĩnh vực nào để đảm bảo kinh tế - xã hội được phát triển thông suốt.
Đồng chí lưu ý, các công trình xây dựng cơ bản đã được bố trí vốn phải tiếp tục tăng khối lượng lên, ngành xây dựng phát triển mới “kéo theo” nhiều ngành nghề khác phát triển; cần tăng cường chăn nuôi, trồng trọt phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Các ngành phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai của ngành mình: Kế hoạch thu - chi ngân sách và kế hoạch phòng, chống Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngay sau cuộc họp này, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện thu NSNN đạt kết quả cao nhất; đồng thời áp dụng các biện áp điều hành chi do tác động dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị, địa phương mình kịp thời.  
“Yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trên địa bàn tỉnh, định kỳ báo UBND tỉnh qua Sở Kế hoạch và Đầu tư” - Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.
* Sáng 08-4, Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức trao tặng một số trang thiết bị, vật tư hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho Khu cách ly y tế tập trung tại Trường Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Ngọc Hồi.
Theo đó, đã trao tặng 20 cây quạt điện, 100 bánh xà phòng, 100 dung dịch rửa tay khô và 2 mô hình tuyên truyền với tổng giá trị gần 20 triệu đồng.
Trước đó, Tỉnh đoàn cũng đã trao một số vật tư hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid -19 cho Khu cách ly y tế tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ngọc Hồi.
* Sáng 08-4, Ủy ban MTTQVN thành phố Kon Tum tổ chức tiếp nhận 120 triệu động từ các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tiến Dung hỗ trợ 50 triệu đồng; Công ty cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum hỗ trợ 50 triệu đồng; các doanh nghiệp thực hiện các công trình của UBND thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng.
Với số kinh phí được hỗ trợ trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể sẽ vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia may 100.000 chiếc khẩu trang y tế. Thời gian thực hiện 15 ngày (từ ngày 8-23/4/2020), sau đó sẽ cấp phát miễn phí cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ người đồng bào DTTS trên địa bàn.
* Sáng 09-4, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng cơ sở 1 (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum), Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, Bộ CHQS tỉnh đã trao quyết định cho 34 công dân hoàn thành 14 ngày cách ly y tế tập trung.
34 công dân đều từ Lào về nước qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong ngày 26/3. Trong quá trình cách ly, các công dân có tinh thần hợp tác tốt, chấp hành tốt nội quy, quy định nơi cách ly.
Như vậy, tính đến thời điểm này, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng cơ sở 1 đã có 4 đợt, với 120 công dân được Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid -19, Bộ CHQS tỉnh trao quyết định hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung, trở về địa phương.
* Chiều 09-4, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 (từ ngày 31/3/2020 đến ngày 8/4/2020) và triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch thời gian tới.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lãnh đạo chỉ huy và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Sư đoàn đã quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; ban hành chỉ thị, kế hoạch điểu chỉnh ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 và kế hoạch tiếp nhận, cách ly y tế đối với người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về cách ly tại đơn vị. Tổ chức dồn dịch và giãn cách nơi sinh hoạt, nơi ăn, ở của bộ đội theo đúng quy định. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và chủ động tổ chức huấn luyện, luyện tập của các tổ phòng, chống dịch theo nội dung đã xác định. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “chống dịch như chống giặc”.
Trong thời gian tới, để làm tốt công tác phòng, chống dịch cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân, Đảng ủy, chỉ huy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Sư đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là ngành quân y tích cực chủ động đề ra nhiều biện pháp sáng tạo trong phòng, chống dịch Covid-19; làm tốt công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, cơ số thuốc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của cấp trên khi có lệnh và theo yêu cầu của địa phương; đồng thời chủ động trong công tác phòng dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
* Nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời các chốt kiểm soát, kiểm dịch, khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn huyện Ia H'Drai, ngày 9-4, Huyện đoàn Ia H'Drai đã đến thăm, động viên, trao tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
16 phần quà trao tặng lần này bao gồm khẩu trang, xà phòng rửa tay, quạt điện, lương thực, thực phẩm… được các chi đoàn cơ sở trên địa bàn huyện ủng hộ với tổng trị giá trên 7 triệu đồng.
* Chiều 09-4, Ủy ban MTTQVN thành phố Kon Tum trao tặng 1 tấn gạo cho 68 hộ nghèo, cận nghèo thôn Plei Chum Đăk Choah, phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum).
Tất cả số gạo này được gia đình ông Nguyễn Bắc Thái - tổ dân phố 3, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum tài trợ giúp các hộ nghèo, cận nghèo trong thôn Plei Chum Đăk Choah vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.
Ngoài việc vận động hỗ trợ gạo, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố còn đẩy mạnh kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ may khẩu trang y tế và ủng hộ các nhu yếu phẩm khác tặng các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
* Sáng 10-4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội với các bộ, ngành và các tỉnh thành trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Dự họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở.
Báo cáo trình bày tại Hội nghị đánh giá, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, ảnh hưởng mạnh tới tâm lý, đời sống người dân trong xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân... Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất tính từ năm 2011 tới nay; dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn.
Tham gia ý kiến thảo luận tại Hội nghị, các bộ và nhiều tỉnh thành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh… chia sẻ gánh nặng và khó khăn với các doanh nghiệp và người dân, đồng lòng, quyết tâm cao với Chính phủ thực hiện các chỉ thị và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Chính phủ đề ra, hướng tới các đối tượng là doanh nghiệp, người lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Hội nghị tập trung đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…
Các ngành Ngân hàng, Tài chính, Công thương, Giao thông Vận tải... đã kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330 nghìn tỷ đồng. 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo thực hiện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các cơ quan Trung ương và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện ngay các giải pháp thuộc thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền. Quyết tâm thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
* Ngày 10-4, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trí Khải chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Y tế tháng 4 năm 2020 và triển khai khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 3 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 4 năm 2020; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là triển khai cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 1229-TB/TU ngày 08/4/2020 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và Công văn số 1173/UBND-KGVX ngày 09/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Qua lắng nghe các báo cáo, ý kiến đề xuất, kiến nghị, thảo luận của các đại biểu tại các điểm cầu, kết luận Hội nghị đồng chí Lê Trí Khải yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế ngoài các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể được nêu trong Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 3 và nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 4 năm 2020; trong thời gian tới khẩn trương triển khai hiệu quả công tác Covid-19 cụ thể như sau: (1) Biểu dương toàn thể công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Y tế tỉnh trong thời gian qua đã nỗ lực không mệt mỏi để triển khai, thực hiện tích cực công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa tuyệt đối không được lơ là, chủ quan mà phải tiếp tục khẩn trương hơn nữa việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và của ngành Y tế đã ban hành, cụ thể là Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 28/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở y tế; trong đó chú trọng triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo số 1229-TB/TU; Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Công văn số 1173/UBND-KGVX; lưu ý thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản mới ban hành của cấp trên để chủ động tham mưu kịp thời cho cấp ủy và chính quyền đị phương chỉnh sửa các Phương án, Quy trình, quy định... về công tác phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương. (2) Tăng cường hiệu quả hoạt động của các chốt Y tế kiểm tra y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với người đi bộ và người đi mô tô vào địa bàn tỉnh (tất cả đều phải qua kiểm tra y tế); Đối với ô tô có điểm dừng trên địa bàn tỉnh kiểm tra y tế tất cả mọi người trên ô tô, còn đối với ô tô chỉ đi ngang qua địa bàn tỉnh kiểm tra tất cả hành khách có điểm dừng chân trên địa bàn tỉnh; lưu ý việc phối hợp thông báo với đơn vị địa phương biết rõ thông tin người chuẩn bị về địa phương nhằm giám sát chặt chẽ và thực hiện đúng quy định cách ly đồng thờ phân bổ nhân lực hợp lý nhất là vào các giờ cao điểm để tránh ùn tắt giao thông. (3) Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và Sở Y tế chủ động phân công đầu việc hợp lý và khoa học tham mưu các quy chế phối hợp và quy trình thực hiện tại 5 chốt kiểm tra và Tổ liên ngành kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 hoạt động, Phối hợp với Tiểu ban điều trị xây dựng gấp Phương án thành lập Bện viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 (4) Ngành Y tế tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, tập huấn qua hệ thống giao ban trực tuyến của ngành Y tế hoặc qua các phần mềm Zoom, Skype, Google Hangout, VSee... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bảo đảm việc xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố rà soát và lập dự toán mua sắm trang thiết bị, thuốc hóa chất, sinh hóa phẩm, vật tư y tế bảo đảm cho công tác phòng và điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án cách ly trong cơ sở Y tế theo Quyết định số 1551/QĐ-BYT ngày 3 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “ Hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19. (5) Chủ động giám sát và kiểm soát tốt các dịch bệnh khác như: Sốt xuất huyết, sốt rét, dại, sởi, thủy đậu, bạch hầu, tay chân miệng... không để dịch bùng phát và lan rộng.
* Sáng 10-4, Đoàn phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) tổ chức trao tặng 250kg gạo với tổng trị giá gần 3,3 triệu đồng cho 25 hộ đồng bào DTTS nghèo tại thôn Plei Đôn (phường Quang Trung).
Số tiền trên được trích từ Quỹ “Nuôi heo đất” do các đoàn viên thanh niên phường Quang Trung đóng góp nhằm giúp đỡ các gia đình đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19.
Trước đó, Đoàn phường Quang Trung cũng đã xây dựng 10 mô hình tuyên truyền trực quan Chibi với các nội dung tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổng kinh phí thực hiện mô hình khoảng 4 triệu đồng.
* Ngày 10-4, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) tổ chức trao tặng 1.000 chiếc khẩu trang vải cho các em học sinh nghèo đồng bào DTTS tại thôn Kon Hring và thôn Đăk Cang (xã Diên Bình) - đây là những học sinh đang học tập tại trường.
Số khẩu trang trên do cán bộ, giáo viên của nhà trường tự may để ủng hộ các em học sinh nghèo có khẩu trang đeo phòng dịch bệnh Covid-19.
* Với tinh thần đoàn kết các tôn giáo cùng phòng, chống dịch Covid- 19, sáng 12-4, tại nhà thờ Phương Quý (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), Ban Từ thiện Thành Hội Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tổ đình Vĩnh Nghiêm trao tặng 500 suất quà cho bà con giáo dân Giáo xứ Phương Quý.
Tiếp nhận 500 suất quà (mỗi suất gồm 10kg gạo, 1 thùng mì tôm và khẩu trang kháng khuẩn phòng dịch Covid-19) từ đại diện Ban Từ thiện Thành Hội Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, linh mục Nguyễn Văn Bình, quản nhiệm Giáo xứ Phương Quý xúc động cho biết, đây là những phần quà rất thiết thực đối với bà con giáo dân, nhất là những gia đình hoàn cảnh khó khăn trong những ngày ở nhà phòng dịch. Linh mục cũng cho biết, hôm nay, ngày 12/4 dù có Thánh lễ Phục sinh, song nhà thờ và bà con giáo dân đều tự giác thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, không tổ chức Thánh lễ tại nhà thờ, từ linh mục đến bà con giáo dân đều thực hiện mang khẩu trang để phòng dịch bệnh.
Đại đức Thích Đồng Sỹ, Ủy viên thường trực Ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, việc trao tặng 500 suất quà cho Giáo xứ Phương Quý là một trong nhiều hoạt động của Ban Từ thiện Thành Hội Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ đình Vĩnh Nghiêm tại khu vực Tây Nguyên. Tất cả hoạt động từ thiện này đều được thực hiện với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” và lá lành đùm lá rách; không phân biệt phật tính ở đâu, tất cả đều là con dân nước Việt; không phân biệt là tôn giáo nào, cùng đoàn kết để phòng chống dịch Covid- 19.
* Sáng 12-4, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng cơ sở 1 (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức trao quyết định hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung cho 56 công dân.
Đây là những công dân từ Lào về nước qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y vào ngày 29/3.
Trong 56 người được công nhận hoàn thành thời gian cách ly y tế đợt này có 17 công dân tỉnh ta, 39 người còn lại là công dân của nhiều tỉnh thành (gồm: Gia Lai, Quảng Nam, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định và Hà Nội). Trong thời gian thực hiện cách ly y tế tập trung, 56 công dân đã chấp hành nghiêm các quy định của khu cách ly y tế; có tinh thần hợp tác tốt, chấp hành tốt nội quy, quy định nơi cách ly.
Sau khi trao quyết định cho các công dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tất cả hành lý và phương tiện giao thông trước khi các công dân này rời khu cách ly y tế tập trung trở về địa phương.
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 04/4/2020, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1100/UBND-KTTH yêu cầu Sở Tài chính thông báo tạm cấp kinh phí đợt 1 là 18 tỷ 866 triệu đồng kịp thời cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 theo quy định.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Tài chính theo dõi, phối hợp các ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung dự toán kinh phí đợt 2 theo tình hình diễn biến dịch bệnh xảy ra thực tế tại địa phương cho phù hợp. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện thanh quyết toán nguồn kinh phí trên; tổng hợp toàn bộ kinh phí thực tế thực hiện, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ theo đúng Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ và Quyết định 437/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ động triển khai thực hiện tạm cấp kinh phí cho các đơn vị trực thuộc có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được phân công và các tình huống dịch bệnh diễn ra theo kế hoạch được phê duyệt và tình hình thực tế theo diễn biến dịch bệnh phát sinh; đồng thời tổng hợp báo cáo nhanh tình hình diễn biến, kinh phí đã chi thanh toán phòng, chống dịch giao cho đơn vị thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng Ban Chỉ đạo), Sở Tài chính (Trưởng tiểu ban hậu cần, vật chất) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Từ ngày 29 tháng 3 năm 2020 trở đi, thực hiện thanh toán các chế độ đặc thù theo quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ “về một số nội dung chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19” (trong đó: Mức hỗ trợ tiền ăn cho người áp dụng biện pháp cách ly y tế là 80.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế, các chế độ đặc thù khác thực hiện theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ; đối với các đơn vị, địa phương đã thực hiện mức hỗ trợ tiền ăn 57.000 đồng/ngày cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế sau ngày 29 tháng 3 năm 2020 đến nay thì thanh quyết toán theo mức thực tế đã chi).
Từ ngày 28 tháng 3 năm 2020 trở về trước, thực hiện theo mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ như sau:
Mức hỗ trợ tiền ăn đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại các đơn vị được giao nhiệm vụ cách ly y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum (trong doanh trai quân đội và các khu cách ly tập trung của tỉnh) với mức 57.000 đồng/người/ngày; tiền mua nước uống 5.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ: không quá 14 ngày/người/đợt.
Mức chi các nhu yếu phẩm cần thiết cấp không thu tiền cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế là 105.000 đồng/người/đợt-14 ngày (gồm: bột giặt, xà phòng tắm, dầu gội, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, khăn mặt, tạp chí, dụng cụ cấp dưỡng, bát, đũa).
Mức chi hỗ trợ thêm tiền ăn đối với người lao động thường trực (bao gồm các chốt kiểm tra, Tổ liên ngành kiểm tra và các lực lượng tham gia phòng chống dịch) tham gia chống dịch 24/24 giờ với mức 29.000 đồng/người/phiên trực (ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác của các lực lượng được hưởng tại đơn vị theo quy định hiện hành). Riêng công chức, viên chức, người lao động ngành y tế đã được hưởng mức hỗ trợ 29.000 đồng/người/phiên trực thì không được hưởng chế độ tiền ăn (15.000 đồng/người/phiên trực theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 2 của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ).
Đối với các khoản chi phí liên quan đảm bảo phục vụ tại các khu cách ly tập trung (như tiền điện, nước sinh hoạt, nhiên liệu, công tác tuyên truyền…) thực hiện thanh toán theo thực tế phát sinh và đúng quy định hiện hành.
Các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm tổng hợp, cập nhật đầy đủ hồ sơ, thủ tục mua sắm trang thiết bị, tài sản, dụng cụ, các nhiệm chi liên quan theo số lượng, chủng loại, tiêu chuẩn, định mức, nhiệm vụ thực tế phát sinh đảm bảo đúng quy định và quyết toán kinh phí phòng, chống dịch bệnh theo quy định hiện hành. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về kết quả thực hiện nhiệm vụ trên.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo phân công, phân cấp nhiệm vụ, chủ động bố trí ngân sách cấp huyện (bao gồm: Dự phòng, các nguồn hợp pháp khác) để thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh, kể cả chi phí vận chuyển đối tượng bị cách ly từ nơi ở đến các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh thuộc nhiệm vụ thực hiện của các huyện, thành phố và các nhiệm vụ phát sinh khác có liên quan đến đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid - 19 trên địa bàn theo quy định. Tổng hợp kinh phí thực tế thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương gửi Sở Tài chính để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
* Ngày 04/4/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 760/STNMT-CCBVMT về việc hướng dẫn công tác xử lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đối với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các bộ phận chuyên môn liên quan, UBND cấp xã hướng dẫn người dân tập kết rác thải, sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng nơi quy định.
Đôn đốc, giám sát các đơn vị làm dịch vụ vệ sinh môi trường tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực cách ly tập trung, chợ dân sinh, siêu thị... bố trí đầy đủ thùng thu chứa rác có nắp đậy tại các khu vực công cộng; thực hiện nghiêm túc và thường xuyên thu gom, vận chuyển rác thải, chất thải phát sinh trên địa bàn quản lý; quản lý vận hành quy trình xử lý rác thải tại các nhà máy xử lý, quy trình chôn lấp tại các bãi chôn lấp rác thải theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn phòng dịch; trang bị bảo hộ lao động đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh cho người lao động.
Kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn phòng dịch.
Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình công tác bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn trong việc thực hiện quản lý, xử lý chất thải.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường; Tăng cường giám sát vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế và khử khuẩn nước thải y tế, đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ.
Chỉ đạo các đơn vị tham gia hoạt động xử lý chất thải y tế (đơn vị vận chuyển chất thải y tế đến các cụm xử lý, các cum xử lý chất thải y tế nguy hại theo Quyết định số 1024/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh Kon Tum) thực hiện tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo đúng quy trình kỹ thuật đã được cấp phép, đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định; đồng thời trang bị và thực hiện các biện pháp kiểm soát an toàn phòng dịch bệnh cho người lao động và quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải (trang bị bảo hộ lao động, khẩu trang, hoá chất khử khuẩn, thực hiện biện pháp khử khuẩn an toàn trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý…).
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên phương tiện thông tin đại chúng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở; vận hành các công trình, biện pháp xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; phân loại, thu gom, chuyển giao xử lý chất thải đảm bảo tần suất, không để tồn đọng chất thải ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là chất thải phát sinh trong sinh hoạt cá nhân liên quan đến hoạt động phòng ngừa dịch bệnh (khẩu trang, găng tay,…); tăng cường công tác vệ sinh môi trường tại cơ sở và thực hiện giám sát môi trường định kỳ đảm bảo quy định.
Chi cục Bảo vệ môi trường xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra thường xuyên công tác bảo vệ môi trường và việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các cơ sở cách ly trên địa bàn, thường xuyên cập nhập thông tin để chỉ đạo xử lý.
* Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 05/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra việc tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết trên địa bàn.
Cụ thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đơn vị đầu mối báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm việc tạm dừng hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết (dịch vụ karaoke, mát xa, quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động, các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, tập luyện; các cơ sở du lịch, tham quan, các điểm vui chơi, giải trí; hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng) trên địa bàn tỉnh để phòng chống dịch Covid 19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 04/CĐ-CTUBND ngày 27 tháng 3 năm 2020 và Văn bản số 1037/UBND-KTTH ngày 01/4/2020; hằng ngày báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh trước 14h để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện nêu trên của các địa phương và báo cáo định kỳ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy theo quy định.
* Ngày 06/4/2020, UBND tỉnh ban hành văn bản 1123/UBND-KGVX yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan hành chính, sự nghiệp; các cơ quan ngành dọc, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Công điện 05 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2601/VPCP-KGVX ngày 03 tháng 4 năm 2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, sáng ngày 05 tháng 4 năm 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, tiếp theo Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 31 tháng 03 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận và yêu cầu các đơn vị, địa phương:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:
a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
b) Các trường hợp khẩn cấp như: Cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…;
c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 Văn bản này.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 02 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người này với người kia.
2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; điện; nước; nhiên liệu,…); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có các biện pháp: Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế; yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp; tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa, đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc và ngược lại, bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.
Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch thì phải dừng hoạt động. Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và các cơ quan có liên quan rà soát, đề xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định và công bố cơ sở sản xuất, công trình không thiết yếu để tạm dừng hoạt động, phòng tránh dịch bệnh Covid-19.
3. Tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, gồm: Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ karaoke, mát xa, quán bar, rạp chiếu phim, sân vận động; các dịch vụ vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống tại chỗ (trừ các trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đăng ký hoạt động và áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định; dịch vụ giao hàng tại nhà hoặc mua đem về); các điểm truy cập internet và cung cấp trò chơi điện tử công cộng; các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu; các cơ sở du lịch, tham quan...; các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao theo hình thức tập trung đông người (Gym, Yoga, Bóng đá, Tennis, Cầu lông...), khuyến khích người dân lựa chọn lại hình thể thao phù hợp để tự tập luyện tại nhà.
4. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.
Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, chỉ đạo bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện thuộc trường hợp được lưu thông nói trên qua lại giữa các huyện, xã trong tỉnh.
Giao Sở Y tế hướng dẫn việc xử lý đối với người và phương tiện vào tỉnh; việc khai báo y tế, điều tra dịch tễ và cách ly y tế đối với người vào tỉnh; xử lý đối với trường hợp tài xế, phụ xe vận chuyển các trường hợp hết thời gian cách ly về địa phương.
5. Về tổ chức làm việc tại công sở và giải quyết thủ tục hành chính
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; chủ động rà soát, xây dựng vị trí công việc cần thiết phải đến cơ quan làm việc. Đối với các cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh nghỉ học chỉ thực hiện trực lãnh đạo để giải quyết công việc phát sinh nếu có.
b) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; tổ chức họp, làm việc trực tuyến đối với các cuộc họp của cơ quan theo quy định tại khoản 3 Điều 33 và khoản 2 Điều 34 Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
c) Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã (sau đây gọi là Bộ phận Một cửa):
- Cơ bản tạm dừng tiếp nhận trực tiếp thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp (trừ lĩnh vực Đăng ký biện pháp giao dịch đảm bảo). Căn cứ số lượng hồ sơ phát sinh để bố trí nhân viên làm việc nhằm duy trì việc tiếp nhận, giải quyết những thủ tục hành chính thật sự cần thiết (gồm thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, thủ tục hành chính của doanh nghiệp và người dân), không để gián đoạn, làm ảnh hưởng đến điều hành kinh tế - xã hội và những vấn đề cấp thiết của người dân. Khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh; sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính để hạn chế việc người dân, doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc trực tiếp (kể cả thủ tục hành chính tiếp nhận trước ngày 01 tháng 4 năm 2020 đã có kết quả giải quyết).
- Bố trí nhân viên thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ trực tuyến cho tổ chức, cá nhân; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp đảm bảo trong công tác phòng chống dịch khi thực hiện giao dịch.
6. Công tác kiểm soát nguồn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19
a) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tổ chức lực lượng kiểm soát tại lối vào các chợ, siêu thị, yêu cầu người dân phải rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi vào chợ, siêu thị và có biện pháp phân luồng từng nhóm nhỏ một, yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu, hạn chế nhiều người vào chợ cùng một lúc. Có phương án chấm dứt hoạt động (hoặc tạm dừng hoạt động) đối với các chợ, điểm bán hàng tự phát dọc các tuyến đường.
- Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không chấp hành dừng tổ chức các nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo; xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành tạm dừng hoạt động (kể cả rút giấy phép), đặc biệt là các tiệm ăn, giải khát khu vực chợ, vỉa hè, kết hợp với việc lập lại trật tự đô thị theo Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 09 tháng 01 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai các lĩnh vực đột phá; tăng cường xử phạt hành chính các trường hợp không chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội.
b) Các lực lượng chức năng (nòng cốt là lực lượng công an) kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người điều khiển phương tiện khai báo cụ thể hành trình, trường hợp các phương tiện khai báo không trung thực thì có biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định; đồng thời kiểm đếm số lượng hành khách trên xe tại cả chốt kiểm soát đầu vào và chốt kiểm soát đầu ra để kịp thời phát hiện, làm rõ trường hợp có hành khách xuống xe dọc đường trên địa bàn tỉnh để có biện pháp kiểm tra y tế và tổ chức cách ly theo quy định.
c) Ngành Y tế, Ban Chỉ đạo cấp huyện kiểm tra, tổ chức lại hoạt động của các bộ phận nhằm đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tại các chốt kiểm soát các ngõ vào tỉnh, việc phun thuốc khử trùng phải được thực hiện ngay tại chốt kiểm soát. Đối với các trường hợp chống đối xử lý nghiêm khắc theo quy định.
7. Tiểu ban Tuyên truyền Ban Chỉ đạo Phòng chóng dịch bệnh COVID-19 các cấp và các cơ quan truyền thông:
a) Tiếp tục tổ chức tuyên truyền bằng tất cả các hình thức trên báo, đài, mạng xã hội, hệ thống thông tin truyền thanh không dây để tuyên truyền đến từng xã, thôn, làng, tổ dân phố, gia đình để người dân biết, thực hiện nghiêm, triệt để biện pháp giãn cách xã hội. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đối với các hành vi không chấp hành; các hành vi vi phạm có thể xử lý hình sự theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30 tháng 3 năm 2020.
b) Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân khai báo y tế trên hệ thống NCOVI để theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động phong trào may, ủng hộ khẩu trang vải cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa trong độ tuổi đến trường; đồng thời dự trữ khẩu trang phục vụ cho các em học sinh khi đến trường.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân nghiêm túc triển khai, thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, phản ảnh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) để xử lý kịp thời.
* Ngày 07/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1127/UBND- NC về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid- 19.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, đặc biệt lưu ý các hành vi vi phạm về khai báo y tế (không khai báo, khai báo không trung thực); trốn cách ly, không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường…
Nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương tiến hành điều tra, xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự (nếu có).
* Ngày 07/4/2020, UBND tỉnh ban hành văn bản 1130/UBND-KGVX yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó:
Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phốTiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19; không được lơ là, chủ quan, chần chừ; tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng nhân dân, huy động tổng lực, phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, khẩn trương hơn, đặc biệt là thực hiện nghiêm các giải pháp cấp bách, không làm suy giảm mức độ và các yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 31 tháng 3 năm 2020 và Văn bản số 1123/UBND-KGVX ngày 06 tháng 4 năm 2020 về giãn cách xã hội trong 02 tuần.
Cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, phương pháp làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, phát triển nền kinh tế số.
Đẩy mạnh dự trữ, bảo đảm sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện tốt việc cung ứng đủ lượng thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân với chất lượng, giá cả phù hợp; chú trọng quan tâm, chăm lo bảo đảm đời sống cho người nghèo.
Sở Y tế: Hoàn thành sớm công tác chuẩn bị cho tình huống phức tạp và lên các phương án vận hành; Chủ trì, xây dựng đầy đủ kịch bản đối với trường hợp dịch lan rộng theo hướng chủ động hơn nữa, không để rơi vào tình trạng bị động, lúng túng; hết sức lưu ý việc rà soát, sàng lọc để phát hiện và xử lý kịp thời các ca nhiễm, ổ dịch mới trong cộng đồng
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở bảo trợ xã hội, các nhà dưỡng lão, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam.
Thực hiện việc tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1551/QĐ-BYT ngày 03 tháng 4 năm 2020.
Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để tiếp nhận nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cho công tác phòng, chống dịch để sử dụng kịp thời, hiệu quả với kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng Thông tin điện tử tỉnh: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện cách ly toàn xã hội, nhất là về việc mọi người hạn chế tối đa ra ngoài và di chuyển, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin khi làm việc tại nhà và các biện pháp cấp bách ; chú trọng thông tin về các tấm lòng nhân ái, tấm gương tốt tích cực hưởng ứng công tác phòng, chống dịch và lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
* Ngày 07/4/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 327/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 278, ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh về việc thành lập các cơ sở cách ly trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định 327, danh sách cơ sở cách ly tập trung giai đoạn 1 trên địa bàn tỉnh gồm 6 cơ sở với quy mô tiếp nhận khoảng 1.560 người. Bao gồm cơ sở 1 và cơ sở 4 Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai – huyện Ngọc Hồi, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường THCS và PTTH Liên Việt, Trường PTDT Nội trú tỉnh.Quyết định 327 của UBND tỉnh cũng công bố danh sách cơ sở cách ly tập trung thành lập giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh gồm 4 cơ sở với quy mô tiếp nhận khoảng 750 người. Bao gồm Trung tâm GDNN&GDTX huyện Đăk Glei, Trường PTDT Nội trú huyện Đăk Glei, Trung tâm GDNN&GDTX huyện Đăk Tô và Trung tâm GDNN&GDTX huyện Đăk Hà.
Trước đó, ngày 26/3/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 278 về việc thành lập các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Kon Tum bao gồm 14 cơ sở cách ly tập trung với quy mô tiếp nhận 2.930 người và thành lập 7 cơ sở cách ly tập trung dự phòng với quy mô tiếp nhận 308 người.
* Ngày 07/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh ký ban hành văn bản số 1136/UBND-KGVX ban hành Chương trình công tác năm 2020.
Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, gồm: Ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum (Phiên bản 2.0); lựa chọn và ban hành mô hình tham chiếu về kết nối mạng trên địa bàn tỉnh; Xây dựng Trục kết nối chia sẻ dữ liệu (LGSP); xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệuđiện tử tỉnh gắn với triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh. …..Đặc biệt, nhiệm vụ “Phối hợp VNPT Kon Tum và các đơn vị liên quan đề  xuất  triển  khai thử  nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC)” được đăng ký là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban Chỉ đạo giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cụ thể hóa Chương trình công tác trọng tâm năm 2020 vào chương trình công tác tháng và kế hoạch làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng tháng có đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tại phiên họp thường kỳ hằng tháng, sơ kết 06 tháng và tổng kết năm 2020.
Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với các nhiệm vụ mà cơ quan, đơn vị chủ trì theo đúng quy định và Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh; Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện.
* Ngày 08/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định 336/QĐ-UBND chuyển nhiệm vụ Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum.
Theo đó, chuyển nhiệm vụ Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum tại Quyết định số 1100/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thành lập Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum từ Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sang cho Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tham gia Ban Chỉ đạo với tư cách Ủy viên.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum đặt tại Sở Thông Tin và Truyền Thông.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1100/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thành lập Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum.
* Ngày 08/4/2020, UBND tỉnh ban hành văn bản 1139/UBND-KGVX yêu cầu các ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm biện pháp cách ly y tế tại nhà/lưu trú để phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Ban Chỉ đạo) cấp huyện:
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát và chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp xã để đảm bảo việc tổ chức cách ly y tế cho các trường hợp cách ly tại nhà/lưu trú kịp thời, nghiêm ngặt, chặt chẽ, đúng quy định; chú ý không bỏ sót các trường hợp đã được Ban Chỉ đạo tỉnh gửi về các địa phương, không để phát sinh người tiếp xúc với các trường hợp này.
- Phân công thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện phụ trách trực tiếp các xã/phường/thị trấn để kiểm tra, giám sát, đôn đốc Ban Chỉ đạo cấp xã kịp thời ra quyết định cách ly tại nhà/lưu trú và cấp giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly y tế đối với người được cách ly.
- Chỉ đạo việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã để kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo đối tượng cách ly y tế tại nhà/lưu trú thực hiện và chấp hành nghiêm túc các nội dung quy định đối với người được cách ly; các thành viên trong hộ gia đình, nơi cư trú, nơi ở phải chấp hành nghiêm túc quy định cách ly y tế tại nhà/lưu trú.
- Phân công cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) để mọi người biết, liên hệ khi cần thiết.
- Chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly tại nhà/lưu trú không tuân thủ theo yêu cầu cách ly y tế.
- Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nắm chắc và báo cáo đầy đủ các trường hợp cách ly tại nhà cho Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh; đồng thời tổ chức thực hiện công tác báo cáo các trường hợp cách ly y tế khác trên địa bàn đầy đủ, đúng quy định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Trưởng Ban Chỉ đạo cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về các trường hợp cách ly tại nhà/lưu trú không chấp hành nghiêm ngặt các nội dung quy định đối với người được cách ly hoặc bỏ trốn cách ly y tế.
2. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng Công an, dân quân địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo cấp xã thường xuyên kiểm tra, rà soát đảm bảo các trường hợp cách ly tại nhà chấp hành nghiêm ngặt các nội dung quy định đối với người được cách ly; chịu trách nhiệm chính đối với những trường hợp người cách ly y tế bỏ trốn cách ly theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế cách ly y tế đối với những trường hợp không tuân thủ theo yêu cầu cách ly y tế tại nhà/lưu trú.
3. Sở Y tế
- Chỉ đạo cán bộ y tế các địa phương hướng dẫn cụ thể việc tổ chức cách ly tại nhà/lưu trú, đặc biệt lưu ý các nội dung yêu cầu đối với người được cách ly phải chấp hành nghiêm ngặt.
- Cán bộ y tế địa phương thực hiện việc kiểm tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe các trường hợp cách ly y tế tại nhà/lưu trú theo quy định; báo cáo kịp thời và chuyển cách ly tại cơ sở y tế ngay các trường hợp có dấu hiệu sốt/ho/khó thở/viêm phổi.
- Chỉ đạo đảm bảo việc thu gom rác thải y tế của người được cách ly và xử lý đúng quy định không để lây nhiễm ra cộng đồng.
4. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo thực hiện việc cách ly y tế tại nhà/lưu trú nghiêm ngặt, đúng theo quy định của Bộ Y tế.
* Ngày 08/4/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1155/UBND-NNTN về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa dông, sét, gió và lốc xoáy trên địa bàn tỉnh nằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh cũng như các tình huống bất thường.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các tổ chức, cá nhân và Nhân dân trên địa bàn chủ động phòng tránh hiện tượng mưa dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới.
Tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh trên địa bàn; tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng an toàn của các pa nô, áp phích, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, có khả năng chống chịu được sức gió mạnh khi có mưa dông, gió lốc xảy ra; chỉ đạo các chủ đầu tư dự án triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khi thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, vận hành cần cẩu tại các công trình đang thi công, nhất là đối với các công trình trên cao.
Tuyên truyền và hướng dẫn cho Nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh; sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai bất thường xảy ra, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quảthu dọn cây xanh bị ngã đổ và xử lý vệ sinh môi trường một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, theo quy định.
Tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại về nhà ở, trụ sở, cây trồng, vật nuôi và các công trình, kiến trúc khác (nếu có) để giúp người dân khắc phục hậu quả do sự cố mưa dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ra nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân.
Công ty Điện lực Kon Tum chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố, tiến hành cắt điện cục bộ tại nơi mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của mưa dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Sửa chữa, khắc phục ngay các sự cố để đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Công ty Cổ phần môi trường đô thị Kon Tum phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh ven đường, công viên, khu dân cư để chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây mục rỗng, sâu bệnh, tán lá lớn… đảm bảo an toàn, không để cây xanh ngã đổ do mưa dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây thiệt hại, đặc biệt là tính mạng của người dân trong khi tham gia giao thông. Khi xảy ra sự cố về cây xanh ngã đổ, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục các sự cố cây xanh nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh cũng như các tình huống bất thường xảy ra trên địa bàn và có biện pháp khắc phục nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, theo quy định.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (qua Văn phòng thường trực trước 07h và 16h hàng ngày và qua hệ thống tin nhắn Viver số: 0828.008.558; Email: pcttvietnam@mard.gov.vn), đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
* Ngày 08/4/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1160/UBND-NNTN yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19; đặc biệt là việc thực hiện nghiêm, quyết liệt Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 31/3/2020, Công văn số 533/UBND-KGVX ngày 25/02/2020 và Công văn số 1063/UBND-KGVX ngày 03/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh. Không chủ quan, lơ là, phải chủ động trong mọi tình huống; luôn quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ: Thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm. Trong đó, chất thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị lây nhiễm, khu vực cách ly (cách ly tập trung tại các khu vực quân đội, cách ly tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác theo quy định) phải được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn và đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Chỉ đạo ưu tiên xử lý tại chỗ chất thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở y tế, cụm cơ sở y tế tại địa phương có công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, có thể xử lý tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, các cơ sở xử lý chất thải y tế, các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng và các loại khẩu trang đã qua sử dụng, thải bỏ.
Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm được xử lý tất cả tại các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Sở Tài chính chủ trì phối hợp các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh đảm bảo về kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế (bao gồm cả trang thiết bị, vật tư đồ bảo hộ cho cán bộ thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải y tế trong các cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung); kinh phí vận hành các công trình bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế, các khu vực cách ly tập trung.
* Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Văn bản số 1229-TB/TU ngày 08/4/2020 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành văn bản 1173/UBND-KGVX ngày 09/4/2020 yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung:
1. Chủ động chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khi có Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo đúng chế độ, đối tượng theo quy định theo tinh thần tại Thông báo số 972/TB-VP ngày 02 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Ủy ban nhân tỉnh về Kết luận của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại cuộc họp nghe các ngành báo cáo về việc triển khai chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
2. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn tỉnh; đồng thời nắm kỹ, giải thích rõ về quy trình xử lý đối với từng trường hợp cụ thể trong công tác phòng, chống dịch để người dân hiểu, chấp hành theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 1159/UBND-KGVX ngày 08 tháng 4 năm 2020 về công tác phòng, chống dịch Covid- 19 trên địa bàn tỉnh.
3. Quản lý tốt các khu cách ly tập trung, đảm bảo phòng ngừa lây nhiễm chéo dịch bệnh; đồng thời thực hiện nghiêm quy trình phòng chống dịch bệnh đối với các khu cách ly khi không còn người cách ly để chủ động tiếp nhận, cách ly những trường hợp mới theo yêu cầu.
4. Thực hiện các biện pháp giám sát các trường hợp cách ly tại nhà để phòng, chống dịch theo quy định, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng (nếu có) theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 1139/UBND-KGVX ngày 08 tháng 4 năm 2020 về thực hiện nghiêm biện pháp cách ly y tế tại nhà/lưu trú để phòng, chống dịch Covid-19.
5. Tiếp tục rà soát, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, đảm bảo đáp ứng tốt các cấp độ dịch trên địa bàn.
* Ngày 11/4/2020, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1199/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 31/3/2020, trước hết đến hết ngày 15/4/2020.
Theo đó, UBND các huyện, thành phố chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời theo đúng quy định hiện tượng người dân không chấp hành Chỉ thị, Công điện, tụ tập đông người, không giữ khoảng cách an toàn, tham gia giao thông đông đúc, ra ngoài không đeo khẩu trang…; yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, ở tại nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, không tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi cộng cộng… Chính quyền các cấp lưu ý triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phải đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, không để người dân hoang mang, đồng thời không để lơi lỏng, bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn, lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Sở Y tế khẩn trương phát hiện các ca nhiễm, ổ dịch trong cộng đồng và cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để, dứt khoát. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc khai báo y tế. Tăng cường năng lực xét nghiệm bảo đảm phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo các cơ sở y tế có quy trình chặt chẽ về đón tiếp, khám bệnh, điều trị đối với người đến khám bệnh nhằm ngăn ngừa việc lây nhiễm bệnh. Chú trọng việc phòng ngừa lây nhiễm, bảo đảm an toàn cho lực lượng làm việc tại các cơ sở cách ly và trong các cơ sở y tế.
Tập trung huấn luyện chuyên môn, việc sử dụng máy thở, phác đồ điều trị tốt nhất… cho các tuyến; chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị, thuốc men cho trường hợp dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Chủ trì xây dựng kế hoạch đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc phân luồng cách ly, khử khuẩn trong trường hợp tại nơi làm việc, ký túc xá có người lao động được xác định mắc Covid-19; tiếp tục thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động. Đối với người lao động sau khi đi công tác về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nếu đã thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ cá nhân, các quy định phòng chống dịch trong quá trình đi công tác thì được tiếp tục làm việc và phải thực hiện đúng các quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, hạn chế tối đa người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, trừ các trường hợp đặc biệt.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương tiếp tục chuẩn bị sẵn cơ sở cách ly, bảo đảm chủ động, sẵn sàng tiếp nhận thực hiện cách ly tập trung số lượng lớn.
Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, chuyên sâu, ứng dụng để chế tạo, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết cho phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh; phát triển và ứng dụng mạnh các tiện ích phục vụ đời sống người dân và phòng, chống dịch.
Sở Ngoại vụ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện tốt việc hợp tác, hỗ trợ Lào, Campuchia trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Tiểu ban Tuyên truyền tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, công khai minh bạch về các biện pháp phòng, chống dịch để nhân dân yên tâm, tin tưởng. Tập trung truyền thông về các nhân viên y tế, lực lượng quân đội (trong đó có biên phòng), công an, những tấm lòng nhân ái, những tấm gương người tốt, việc tốt; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật.
* Tại Văn bản số 1198/UBND-KGVX ngày 11/4/2020, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 các cấp tiếp tục triển khai giám sát y tế đối với các trường hợp đã hoàn thành cách ly.
Cụ thể, đối với những trường hợp hết thời hạn cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung mà chưa được lấy mẫu hoặc đã lấy mẫu xét nghiệm nhưng chưa có kết quả thì giải thích, vận động công dân và vẫn phải tiếp tục thực hiện cách ly y tế cho đến khi có kết quả xét nghiệm; đồng thời chỉ quyết định kết thúc cách ly y tế cho những trường hợp hết thời hạn cách ly y tế có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Khi phát hiện những trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại cơ sở cách ly, lập tức đưa trường hợp bị nhiễm vào cơ sở điều trị gần nhất để điều trị theo quy định. Các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh tại cơ sở cách ly tiếp tục cách ly 14 ngày kể từ ngày phát hiện ca bệnh.
Chủ tịch UBND và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo tổ chức việc rà soát, lập danh sách và giao nhiệm vụ cho Trạm y tế thực hiện quản lý sức khỏe và giám sát về y tế 14 ngày (kể từ ngày kết thúc cách ly y tế) đối với tất cả các trường hợp đã hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung (căn cứ theo văn bản thông báo của các cơ sở cách ly tập trung tại các tỉnh/thành phố trên toàn quốc và các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Kon Tum bao gồm cả cách ly tập trung tại các cơ sở y tế); đã hoàn thành thời gian cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú (theo quyết định của Ban Chỉ đạo/UBND xã, phường, thị trấn).
 
 
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

TÀI LIỆU

HN tổng kết báo chí năm 2024; trao giải Búa liềm vàng tỉnh lần thứ IV

Lượt xem:89 | lượt tải:100

TÀI LIỆU

phục vụ HN tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024

Lượt xem:359 | lượt tải:138

KL.103.TW

“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”

Lượt xem:73 | lượt tải:232

CV.1500.TU

Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Lượt xem:970 | lượt tải:264

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí tháng 11-2024

Lượt xem:196 | lượt tải:121

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:238 | lượt tải:152

KH.175.TU

tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Lượt xem:222 | lượt tải:263
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập152
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm151
  • Hôm nay11,069
  • Tháng hiện tại216,477
  • Tổng lượt truy cập35,171,636
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây