1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025
- Trong hai ngày (4 và 5-8) diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kon Rẫy lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Dự Đại hội có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Nhật - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ trưởng Tổ cấp ủy phụ trách huyện Kon Rẫy; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; cùng 149 đại biểu của 52 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đại diện hơn 1.600 đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX gồm 39 đồng chí; bầu 16 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí; bầu Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Quang Thạch được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy.
- Trong hai ngày (6 và 7-8), diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đăk Tô lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dự Đại hội có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Tấn Phục - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; các thành viên Tổ chỉ đạo Đại hội huyện; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và 286 đại biểu, đại diện hơn 1.900 đảng viên trong Đảng bộ.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Tô khóa XVII gồm 39 đồng chí; bầu 18 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí A Hơn - Phó Bí thư Huyện ủy (khóa XVI) được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy khóa XVII.
* Từ ngày 5 đến ngày 7-8, Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại thành phố Kon Tum
Theo đó, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, HĐND thành phố Kon Tum tiến hành tiếp xúc cử tri tại các phường: Duy Tân, Thắng Lợi, Ngô Mây, Thống Nhất; các xã: Chư Hreng, Đoàn Kết, Đăk Blà, Vinh Quang, Hòa Bình, Đăk Cấm và Đăk Năng.
Tại Hội nghị tiếp xúc, đại diện Tổ đại biểu HĐND 2 cấp thông báo với cử tri kết quả Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, HĐND thành phố (nhiệm kỳ 2016-2020); phổ biến, giải thích và vận động cử tri cùng tham gia thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, HĐND thành phố đã ban hành tại Kỳ họp thứ 10; thông báo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 10 và lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
* Lãnh đạo tỉnh tiếp khách
- Chiều 5-8, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi tiếp Đoàn Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh do Hòa thượng Thích Quảng Xả - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh dẫn đầu đến thăm. Tham gia buổi tiếp, có Lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và lãnh đạo các cơ quan liên quan.
Thay mặt Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, Hòa thượng Thích Quảng Xả trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong hoạt động Phật sự của Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh. Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục vận động các chức sắc, tăng ni, Phật tử của tỉnh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ thiện, nhân đạo nhằm góp phần xây dựng địa phương... Hòa thượng gửi lời chúc tốt đẹp đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và bày tỏ sự tin tưởng trên cương vị mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sẽ làm tốt nhiệm vụ, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn những lời chúc tốt đẹp của Hòa thượng và ghi nhận những đóng góp của Giáo hội Phật giáo tỉnh trong việc phát huy nền tảng dân tộc để tạo động lực về mặt tinh thần cho người dân. Đồng chí khẳng định, trên cơ sở quy định của pháp luật, tỉnh sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để các tổ chức tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động bình thường; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, Giáo hội Phật giáo tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng hành với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà.
- Sáng 6-8, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đã đến thăm, chúc mừng Linh mục Đỗ Hiệu nhân dịp Linh mục được bổ nhiệm làm Tổng Đại diện Giáo phận Kon Tum.
Tại buổi thăm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng Linh mục vừa được Tòa Giám mục Kon Tum bổ nhiệm làm Tổng Đại diện Giáo phận Kon Tum. Đồng thời bày tỏ mong muốn với vị trí mới được bổ nhiệm, Linh mục Đỗ Hiệu tiếp tục hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo trong Giáo phận hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và có nhiều cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Linh mục Đỗ Hiệu chân thành cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh; mong muốn lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm đến tổ chức tôn giáo và tạo điều kiện thuận lợi để Linh mục hoàn thành nhiệm vụ mới được Tòa Giám mục Kon Tum giao phó.
* Chiều 2-8, Chính phủ tổ chức HN trực tuyến với 63 tỉnh, thành để bàn bạc, thảo luận nhằm đề ra các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các giải pháp quyết liệt của ngành Y tế, các địa phương đã tổ chức khoanh vùng, ngăn chặn ổ dịch kịp thời; biểu dương tinh thần trách nhiệm các bác sĩ đang ở tuyến đầu.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, xác định rõ dịch có nguy cơ lây lan rộng, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, các bộ, ngành, địa phương cần xác định tinh thần không được lơ là, chủ quan; cần khởi động ngay hệ thống ngăn ngừa, ứng phó với dịch; tăng cường quản lý chặt chẽ biên giới; tiếp tục kiểm soát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, tổ chức thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, đồng thời làm tốt công tác điều trị; kêu gọi người dân khai báo y tế, nhất là những trường hợp có yếu tố dịch tễ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, quan điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 lần này theo phương châm “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ và mỗi thôn, làng là một thành luỹ” nhằm ngăn không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, phải kiên quyết thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội….
Cũng tại Hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa lưu ý các sở, ngành, địa phương tỉnh Kon Tum thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu, đồng thời, tập trung phát triển kinh tế-xã hội.
* Chiều 3-8, Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh tổ chức họp về công tác chuẩn bị và công tác phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đồng chí Trần Thị Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 toàn tỉnh có 4.317 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 4.092 thí sinh THPT và 225 thí sinh giáo dục thường xuyên, tổng số thí sinh tự do là 297 thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 toàn tỉnh sẽ tổ chức thành 12 điểm thi, với 190 phòng thi.
Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đã cơ bản hoàn thành. UBND các địa phương phối hợp với các trường có thí sinh đăng ký dự thi tại trường để chuẩn bị nơi ăn, ở cho học sinh, đặc biệt là học sinh người DTTS của các trường PT DTNT và học sinh của các trường khác về dự thi nếu có nhu cầu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2020 chủ động rà soát lại nhiệm vụ của mình để triển khai thực hiện; tập huấn riêng cho số giáo viên làm nhiệm vụ coi thi tại các điểm dự phòng.
Đối với ngành Y tế, khử khuẩn các phòng thi, phối hợp với đoàn viên thanh niên tình nguyện làm công tác đo thân nhiệt cho thí sinh, cán bộ, giáo viên tại các điểm thi; trang bị chai nước diệt khuẩn tại các phòng thi; bố trí xe cấp cứu và cán bộ y tế trực tại các điểm thi trong suốt thời gian thi; đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Các huyện, thành phố rà soát lại cơ sở vật chất, tiến hành khử khuẩn, dọn dẹp vệ sinh tại các điểm thi dự phòng. Các giáo viên được trưng tập coi thi đi từ vùng dịch về phải thông báo ngay để có phương án thay thế. Công tác phòng, chống bão lũ cần được tăng cường để các thí sinh vùng sâu, vùng xa đến điểm thi kịp thời, an toàn; tăng cường công tác kiểm tra tất cả các khâu thi. Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện đối với các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em được đi thi đúng quy định.
* Để đảm bảo Kỳ thi diễn ra tốt đẹp, đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT tại thành phố Kon Tum (vào chiều 5-8) và huyện Đăk Glei (vào ngày 6-8). Theo đánh giá, nhìn chung công tác chuẩn bị các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm an ninh, công tác phòng dịch…tại các địa phương này cơ bản đảm bảo đầy đủ, an toàn cho Kỳ thi…
* Cùng với cả nước, sáng 9-8, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra với môn thi Ngữ Văn, thời gian thi là 120 phút.
Theo số liệu từ Ban thư ký Hội đồng thi của tỉnh, tổng số thí sinh của tỉnh dự thi ở 12 điểm thi là 4.269 em. Kết thúc buổi thi đầu tiên có 21 thí sinh vắng mặt.
Trong buổi sáng 9/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi của tỉnh Trần Thị Nga trực tiếp kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Lê Lợi và tặng quà cho đội thanh niên tình nguyện.
Trước khi thí sinh vào điểm thi, các đội thanh niên tình nguyện phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thi tổ chức hướng dẫn thí sinh rửa tay sát khuẩn, cấp khẩu trang, đo thân nhiệt cho tất cả cán bộ, thí sinh tại điểm thi đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã phân công các đoàn kiểm tra tại các điểm thi. Kết thúc buổi thi đầu tiên diễn ra an toàn, nghiêm túc, không xảy ra vi phạm qui chế thi.
* Ngày 4-8, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại huyện Tu Mơ Rông.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của huyện trong việc phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan trong công tác chuẩn bị kỳ thi. Đồng chí cũng lưu ý huyện cần rà soát, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia kỳ thi..
Về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cách thức phòng chống thiên tai cho người dân để giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại khi có thiên tai xảy ra…Đề nghị các cơ quan liên quan chủ động phối hợp với huyện rà soát, tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo khu vực nguy hiểm khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra; bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông chính và một số tuyến đường xung yếu...
* Sáng 6-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các tỉnh, thành để triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đây là cơ hội vàng giúp Việt Nam và EU đẩy mạnh hợp tác, cùng phát triển. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.
Theo Hiệp định, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những giải pháp, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để vận hành, khai thác hiệu quả “con đường cao tốc” Hiệp định EVFTA mang lại cho đất nước ta.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là hiệp định thế hệ mới mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam và các đối tác. Do đó, để vượt qua những thách thức, khó khăn, các bộ, ngành, địa phương cần có quyết tâm cao hơn nữa, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để hiện thực hóa các nội dung của Hiệp định EVFTA; căn cứ vào chương trình hành động của Chính phủ để triển khai, thực hiện cho phù hợp với bộ, ngành mình; thường xuyên rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo sát sao, quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Hiệp định EVFTA; tăng cường phối hợp trong quá trình thực hiện để tránh chồng chéo, phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất…
* Ngày 7-8, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thăm, động viên và trao tiền hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, 154 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) đã được trao tặng cho các đoàn viên công đoàn đang làm việc tại 14 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà và huyện Ngọc Hồi. Tổng số tiền hỗ trợ là 77 triệu đồng, được trích từ nguồn kinh phí dự phòng năm 2020 của Liên đoàn Lao động tỉnh và do cán bộ công đoàn chuyên trách toàn tỉnh ủng hộ mỗi người 3 ngày lương.
* Chiều 9-8, đoàn công tác của Tỉnh đoàn đến thăm, động viên đội tình nguyện tiếp sức mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Trường THPT Quang Trung (TT Sa Thầy, huyện Sa Thầy).
Nhân dịp này, đoàn công tác đã tặng quà các chiến sĩ trong đội tình nguyện tiếp sức mùa thi tại huyện Sa Thầy.
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Từ ngày 02 đến ngày 09-8, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, tỉnh Kon Tum đã kịp thời ban hành nhiều văn bản:
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ngày 04-8-2020 ban hành Công văn số 3119 CV/BTGTU về việc tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các địa phương, đơn vị trong tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về các nội dung: (1) Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19. (2) Tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”, “người dân cần bình tĩnh và tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế”. (3) Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, phát huy tốt hệ thống truyền hình, truyền thanh không dây, mạng xã hội…Chú ý lan tỏa, tạo làn sóng thông tin tích cực trong phòng, chống dịch. (4) Tiếp nhận, chia sẻ thông tin về dịch bệnh từ những nguồn chính thống. (5) Nhận diện và đấu tranh phòng ngừa đối với các thông tin xấu, độc. (6) Kịp thời báo cáo cho cấp ủy, chính quyền, Ban Tuyên giáo, lực lượng công an về những trường hợp đăng tải thông tin xấu, độc. Tăng cường theo dõi, cung cấp địa chỉ, danh sách các trang mạng xã hội, tài khoản Facebook… đưa tin sai sự thật để người dân cảnh giác. Chú trọng thông tin, chia sẻ, lan tỏa các tin, bài đấu tranh phản bác các hoạt động lợi dụng dịch bệnh để tung tin giả.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn để các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông, tuyên truyền cổ động phòng, chống dịch Covid-19 gắn với việc phòng chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết trên địa bàn.
- UBND tỉnh liên tiếp ban hành các Văn bản: 2808/UBND-NNTN; 2146/TB-VP;
2824/UBND-NNTN; 2831/UBND-KGVX; 2879/UBND-KTTH; 2916/UBND-KGVX …chỉ đạo một số nội dung chủ yếu sau: (1) yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ lớn có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản và tính mạng của nhân dân do thiên tai; (2) chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid- 19. Trong đó, thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; (3) chỉ đạo các các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai Công văn số 1129-CV/TU ngày 20/7/2020 của Ban TVTU về thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; (4) yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc vận động Nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động, tự giác thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; không hoang mang, lo lắng và tiếp tục tin tưởng, ủng hộ. Mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ, mỗi thôn, xóm, làng, bản, khu phố… là pháo đài, cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh…
* Ngày 03/8/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2824/UBND-NNTN yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý và sử dụng đá sau nổ mìn.
Để chấn chỉnh tình trạng trên và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường, tránh thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu: (1) Sở Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nội dung Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp; cung cấp thông tin về Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khối lượng đá sau nổ mìn, nhu cầu sử dụng đá sau nổ mìn đến các địa phương nơi có công trình và các cơ quan liên quan của tỉnh để thực hiện công tác quản lý nhà nước theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc không tuân thủ nội dung Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, không thực hiện đúng quy trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật. (2) Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Thuế và UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức quản lý khối lượng đá được tạo ra do nổ mìn theo quy định; hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đá sau nổ mìn thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật trước khi khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; đồng thời tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về các hành vi sai phạm trong khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, việc tập kết đá sau nổ mìn không theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt làm ô nhiễm môi trường.
* Ngày 04/8/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2839/UBND-KTTH về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 13/7/2020 của HĐND tỉnh về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 36/2012/NQ-HĐND ngày 13/12/2012 của HĐND tỉnh về ban hành danh mục các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng được sử dụng quỹ đất để tạo vốn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị có liên quan đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ và ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 36/2012/NQ-HĐND đảm bảo phù hợp với thực tiễn ở địa phương và quy định hiện hành. Rà soát lại tất cả các dự án đã được đưa vào danh mục nhưng không hiệu quả, chưa thực hiện
(nhất là các dự án đã kéo dài nhiều năm) hoặc không thực hiện, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi danh mục hoặc triển khai bằng các hình thức khác để quỹ đất được khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh tạo ra các dự án treo, quy hoạch treo…
* Ngày 04/8/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2846/UBND-KTTH về việc triển khai giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai kịp thời các giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ, cụ thể: (1) Tiếp tục quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng và Nghị quyết số
08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Chương trình số 51-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 740/KH-UBND ngày 28/3/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XV về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. (2) Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao; đồng thời, đơn vị phải tăng mức trích lập vào quỹ phúc lợi đủ để giải quyết chế độ, chính sách cho số hợp đồng lao động này khi chấm dứt hợp đồng lao động. (3) Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để kịp thời thay cho số giáo viên và viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 02 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 02 buổi/ngày). Khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2412/UBND-HTTH ngày 06/7/2020; đồng thời, hằng năm phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức và tổ chức tuyển dụng để thay thế cho số giáo viên, nhân viên y tế còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế. (4) Đối với cấp học mầm non, tiểu học tại các địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phải bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 02 buổi/ngày theo quy định.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc và kịp thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nội dung trên theo đúng quy định và Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ; đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn vướng mắc (nếu có) trong việc hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế….
* Ngày 05/8/2020, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 260/TB-UBND về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum được xây dựng lộ trình trong việc thực hiện chế định Thừa phát lại, cụ thể: (a) Lộ trình 1: Từ năm 2020 - 2025, phát triển 02 Văn phòng Thừa phát lại, gồm: Cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại ở thành phố Kon Tum và 01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Ngọc Hồi; (b) Lộ trình 2: Từ năm 2025 - 2030, phát triển thêm 04 Văn phòng Thừa phát lại, gồm: Cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Kon Rẫy; 01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Đăk Tô; 01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Sa Thầy; 01 Văn phòng Thừa phát lại ở huyện Đăk Hà.
Thủ tục xin thành lập liên hệ Sở Tư pháp
(qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh).
* Ngày 06/8/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2900/UBND-KTTH chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện Công văn số số 3841/BNV-CTTN ngày 02/8/2020 của Bộ Nội vụ về việc bố trí công tác Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ.
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Glei, Ia H'Drai thực hiện việc bố trí công tác đối với các Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ trên địa bàn theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ tại Công văn số 3841/BNV-CTTN.
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Glei, Ia H'Drai bố trí kinh phí chi trả lương cho các Đội viên có nhu cầu nguyện vọng tiếp tục được công tác tại địa phương cho đến khi có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
* Ngày 07/8/2020, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2917/UBND-KGVX yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan; các cơ quan Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và bạch hầu, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch SXHD, bạch hầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBNDtỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Huy động cộng đồng và các lực lượng xã hội tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy tạo thành phong trào rộng rãi, triệt để và toàn diện trong phạm vi toàn tỉnh nhằm hạ thấp chỉ số muỗi và chỉ số lăng quăng/bọ gậy trong thời gian ngắn nhất để giảm nhanh sự lan truyền bệnh SXHD, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, làm thay đổi hành vi vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh tại địa phương…
* Ngày 07/8/2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2893/UBND-KTTH triển khai Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 24/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 01/7/2020.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, cụ thể:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để ổn định giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới…
Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hệ thống kiểm soát khâu trung gian, kênh phân phối, cung ứng từ lò mổ đến các đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn….
Sở Tài chính: Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Phối hợp với các ngành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về giá trong việc thực hiện niêm yết, kê khai, đăng ký giá đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá theo quy định….
Sở Y tế: Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các ngành chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của Luật giá năm 2012 và các Nghị định 109/2013/NĐ-CP, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ…
Sở Giao thông vận tải: Kiểm soát chặt chẽ phương án kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng Taxi, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Sở Xây dựng: Theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là giá thép, giá cát; chủ động đề xuất biện pháp điều hành giá vật liệu xây dựng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo mục tiêu ổn định giá thị trường vật liệu xây dựng, không gây biến động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung trong năm 2020.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Nghiên cứu, triển khai thực hiện Thông báo số 251/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ tại địa phương mình. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và giám sát thông tin mạng, không để những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường; chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, các cấp, các ngành, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng và tạo sự đồng thuận trong dư luận….