Tin tức tổng hợp tuần 3 (tháng 07-2018) 

Tin tức tổng hợp tuần 3 (tháng 07-2018)

Chủ nhật - 22/07/2018 14:21
Hình có tính chất minh họa (Hình Internet)
Hình có tính chất minh họa (Hình Internet)
1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Tin nhân sự trong tuần: Sáng 16-7, Tỉnh ủy tổ chức Lễ công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ đối với Ban Nội chính Tỉnh ủy. Theo đó, đồng chí Đặng Văn Thành - Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Ban Nội chính Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.
* Chiều 13-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động cộng tác viên dư luận xã hội (DLXH) cấp tỉnh 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Đồng chí Nguyễn Hồng Tâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động của đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp tỉnh đã cơ bản đi vào nề nếp. Hàng tuần (vào sáng thứ 5) các cộng tác viên nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, tâm trạng DLXH, những vấn đề nóng và nổi cộm ở địa phương, ngành và đơn vị mình gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý. Chất lượng, hiệu quả thông tin do các cộng tác viên cung cấp ngày càng được nâng lên. 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các đồng chí cộng tác viên DLXH tại các huyện, thành phố tổ chức điều tra dư luận xã hội về tình hình kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Tuyên giáo…nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở và các đồng chí cộng tác viên nắm vững một số vấn đề cơ bản về công tác DLXH, vận dụng tốt hơn cho công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH trên địa bàn, kịp thời tham mưu giúp cấp ủy xử lý, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các đồng chí cộng tác viên DLXH của tỉnh trong năm vẫn còn một số hạn chế, đó là: Hoạt động nắm bắt, xử lý và phản ánh thông tin DLXH từ tỉnh đến cơ sở của các đồng chí cộng tác viên mặc dù có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung hiệu quả còn chưa cao, nhiều báo cáo dư luận xã hội còn sơ sài, ít thông tin, chưa đi sâu phân tích, đánh giá, dự báo đạt hiệu quả các luồng tư tưởng có thể phát sinh phản ứng tiêu cực đang tồn tại trong cán bộ đảng viên và nhân dân đối với các chủ trương, quyết sách kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn, nhất là những bức xúc trên lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tình hình khai thác trái phép khoáng sản, lâm sản, vấn đề ô nhiễm môi trường,  vệ sinh an toàn thực phẩm ... để tham mưu, đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền các cấp giải quyết….
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận sự nỗ lực của cộng tác viên DLXH cấp tỉnh thời gian qua. 6 tháng cuối 2018, hoạt động nắm bắt và định hướng DLXH, cần tiếp tục đổi mới theo yêu cầu nhạy bén, tích cực, khách quan, dự báo đúng tình hình và tham mưu xử lý hiệu quả. Cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: (1) Nâng cao trách nhiệm từng đồng chí cộng tác viên trong việc nắm bắt và định hướng DLXH trên địa bàn mình phụ trách. (2) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh công tác ở Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện điều tra dư luận xã hội giữa nhiệm kỳ các cuộc điều tra dư luận xã hội theo kế hoạch (Điều tra kết quả sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh năm 2018). (3) Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh.
* Chiều 16-7, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh lần thứ 14 khóa VII, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác hội 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018; lấy ý kiến góp ý của các đại biểu vào dự thảo các văn bản trình tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 – 2023. 
* Trong hai ngày (16 và 17-7), Tỉnh đoàn tổ chức ra quân chiến dịch thanh niên tình nguyện hè gắn với hành quân xây dựng cơ sở năm 2018 tại mặt trận xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) và mặt trận xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông).
* Sáng 17-7, HĐND huyện Ia H’Drai tổ chức kỳ họp thứ 6, nhiệm kỳ 2016-2021.
Kỳ họp đã xem xét, biểu quyết thông qua Tờ trình miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện với ông Nguyễn Văn Lộc do chuyển công tác giữ chức Bí thư Huyện ủy; ông Nguyễn Hữu Tháp, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch HĐND huyện do chuyển công công tác giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Hồng Tâm do chuyển công tác giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Các đại biểu HĐND huyện đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Huyện ủy giữ chức danh Chủ tịch HĐND huyện khóa X, nhiệm kỳ 2016-2021 với tỷ lệ phiếu bầu 100%.
* Ngày 18/7, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Kon Tum khóa XI tổ chức Hội nghị lần thứ 13.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Đức Tuy chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, tránh tư tưởng trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; sớm rà soát các tiêu chí để có lộ trình, giải pháp phát triển cụ thể, phù hợp; rà soát quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn để kịp thời điều chỉnh phù hợp với sự phát triển; quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với thu nhập của người dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới; nêu cao quyết tâm đưa thành phố đạt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
* Chiều 18-7, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với các ngành để giải quyết khó khăn về biên chế giáo viên trên địa bàn huyện Ia H’Drai.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Ia H’Drai tiếp tục giữ ổn định đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện, đồng thời chủ động vận động các doanh nghiệp, các công ty cao su trên địa bàn huyện tích cực tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục nhằm giải quyết các khó khăn trước mắt về biên chế giáo viên trên địa bàn.
Về tạo nguồn biên chế giáo viên để điều hòa cho huyện Ia H’Drai nói riêng và các đơn vị còn thiếu nói chung trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá lại nhu cầu giáo viên trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất định mức giáo viên phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn và đảm bảo thấp hơn so với định mức tối đa quy định của Trung ương. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch của UBND tỉnh; đăng ký làm việc với bộ, ngành Trung ương có liên quan để xem xét về chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh...
* Sáng 18-7, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh đã chủ trì buổi làm việc bàn giải pháp xây dựng các xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố cần tập trung và phát động lại phong trào xây dựng nông thôn mới một cách mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa đến từng người dân trên địa bàn; các cơ quan liên quan đến các tiêu chí nông thôn mới phải bám sát các xã mục tiêu năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2020, trực tiếp làm việc với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố liên quan để hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng tiêu chí chưa đạt. Đồng chí lưu ý, các địa phương cần xác định mục tiêu trước mắt, dài hạn để tập trung xác định trọng tâm đầu tư, lồng ghép đảm bảo hoàn thành việc xây dựng các xã mục tiêu nông thôn mới; tránh việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả; đồng thời phải có giải pháp về lâu dài để cải thiện và xây dựng thành công các tiêu chí mềm khó đạt như về sản xuất, giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập của người dân.
* Từ ngày 15 đến 22-7, tại Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum, Bộ Tham mưu BĐBP tổ chức tập huấn công tác thông tin năm 2018 cho các đồng chí là Chủ nhiệm, trợ lý thông tin và thợ sửa chữa của BĐBP các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và Hải đoàn 48.
Đợt tập huấn nhằm nâng cao trình độ sử dụng, xử lý các thông số kỹ thuật thông tin, phục vụ tốt cho chỉ huy các cấp trong chỉ huy, chỉ đạo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
* Chiều 19-7, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh lần thứ 4, năm 2018 tổ chức họp phiên thứ nhất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 Trần Thị Nga chủ trì cuộc họp.
Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4, năm 2018 dự kiến được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 29/12/2018 đến ngày 1/1/2019. Địa điểm diễn ra các hoạt động là thành phố Kon Tum và một số huyện. Đối tượng tham gia được mở rộng với sự góp mặt của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang và một số tỉnh của nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan. Hoạt động chính của Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần này gồm triển lãm di sản văn hóa, trình diễn cây nêu truyền thống, trải nghiệm các trò chơi dân gian; tái hiện, triển lãm không gian mùa giữ rẫy; lễ hội đường phố với chủ đề Sắc màu văn hóa, liên hoan văn hóa ẩm thực, liên hoan tạc tượng gỗ dân gian;, trưng bày một số gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh Kon Tum và các tỉnh bạn, giới thiệu và tổ chức các tour du lịch dã ngoại.
* Chiều 19-7, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ II (nhiệm kỳ 2018 – 2023), nhằm đánh giá tình hình hoạt động công đoàn, phong trào công nhân viên chức lao động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
* Tối 19-7, tại Nhà tập luyện và thi đấu TDTT tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ khai mạc Giải cầu lông tỉnh Kon Tum mở rộng năm 2018.
Tham gia giải có trên 200 vận động viên của 15 đoàn thuộc các tỉnh: Kon Tum (9 đoàn), Đăk Lăk, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Quảng Ngãi; thi đấu ở 6 nhóm tuổi: 16 – 30, 31 – 40, 41 – 45, 46 – 50, 51 – 55 và từ 56 tuổi trở lên.
Giải diễn ra từ nay đến ngày 22/7.
* Ngày 19-7, Huyện ủy Đăk Tô tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng cho 315 cán bộ, đảng viên các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện.
Theo kế hoạch, Lớp dành cho quần chúng tổ chức vào ngày 20-7 với 236 đại biểu tham gia; Lớp dành cho cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục tổ chức từ ngày 01 đến ngày 03/8 cho khoảng 800 đại biểu.
* Chiều 19-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác báo chí quý II năm 2018. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo, trong quý II - 2018, báo chí truyền thông của tỉnh đã tập trung tuyên truyền về Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV và Kỳ họp lần thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XI; các buổi làm việc của Trung ương tại tỉnh về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân vận; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; tổng kết Nghị quyết Trung ương 27, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về phát triển toàn diện trẻ em trên địa bàn tỉnh. Báo, đài thông tin kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, phát triển kinh tế- xã hội; tuyên truyền đậm nét các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh như: Lễ tiễn đưa và Lễ viếng, truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia; Đại hội Công đoàn tỉnh Kon Tum lần thứ X; Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VI-2018; tổng kết năm học 2017 – 2018 và kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng đánh giá cao về công tác phối hợp của các đơn vị trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh; các vấn đề báo chí phản ánh được các cơ quan chức năng kịp thời tiến hành xác minh, kiểm tra làm rõ và xử lý, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý III-2018, báo chí tập trung tuyên truyền một số nhiệm vụ sau: Việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết Trung ương 7, khóa XII của Đảng; kết quả Kỳ họp lần thứ 6, HĐND tỉnh khoá XI; kết quả phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2018; công tác chuẩn bị và tổ chức Ngày khai giảng năm học 2018-2019; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ; đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh, tập trung biểu dương, cổ vũ các tấm gương điển hình cá nhân và tập thể trong các lĩnh vực công tác, các phong trào thi đua; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
* Sáng 20-7 tại Trường Chính trị tỉnh, Hội đồng Tuyển dụng công chức khối Đảng khai mạc kỳ thi tuyển dụng công chức cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể năm 2018.
Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 21-22/7 với sự tham gia của 85 thí sinh. Các thí sinh trải qua các môn thi: Kiến thức chung, nghiệp vụ chuyên ngành, tiếng Anh và tin học. Qua kỳ thi sẽ chọn 41 thí sinh đạt thành tích cao nhất.
* Ngày 20-7, Sở Công Thương tổ chức trao chứng nhận cho 4 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây nguyên năm 2018.
Theo Quyết định của Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 73 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được cấp giấy nhận lần này. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 4 sản phẩm gồm cà phê ĐakMark túi lọc chồn của Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng, cà phê Da Vàng 28 của hộ kinh doanh cà phê Da Vàng, nước ép trái sim rừng và nước ép chanh dây của Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn.
Các sản phẩm này sẽ được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại.
* Sáng 20-7, đoàn đại biểu thanh niên kiều bào tham gia Chương trình Trại hè Việt Nam 2018 đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm tại Di tích lịch sử quốc gia Nhà ngục Kon Tum và tham quan Bảo tàng tỉnh.
Tại Di tích lịch sử quốc gia Nhà ngục Kon Tum, 120 đại biểu thanh niên đến từ 29 quốc gia đã dâng hoa, thắp hương trước tượng đài và 2 ngôi mộ chung của các chiến sỹ cộng sản hy sinh trong cuộc đấu tranh Lưu huyết và đấu tranh Tuyệt thực diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16/12/1931; tham quan các hiện vật, di ảnh, cùng ôn lại truyền thống, lịch sử 2 cuộc đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng tại Ngục Kon Tum. Đoàn đã đến tham quan Bảo tàng tỉnh, giúp các thanh niên hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Kon Tum, về phong tục tập quán, về đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trại hè Việt Nam 2018 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các cơ quan, địa phương tổ chức từ ngày 10 đến ngày 25/7, với chủ đề “15 năm – Nối vòng tay lớn”. Chương trình nhằm giúp thế hệ trẻ kiều bào có điều kiện tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn văn hóa, lịch sử lâu đời và truyền thống yêu nước của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để các bạn trẻ trau dồi vốn tiếng Việt, hiểu thêm về đường lối phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
* Chiều 20-7, Sở GD&ĐT tổ chức thông tin với các cơ quan báo chí về kì thi THPT Quốc gia năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Kì thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Kon Tum được tổ chức nghiêm túc, khách quan, trung thực, đúng quy chế. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT với đại diện các cơ quan báo chí tại buổi làm việc. Cũng tại buổi cung cấp thông tin, Sở GD&DTD tỉnh Kon Tum khẳng định ý kiến phản ánh trên Báo Vietnamnet về kết quả kì thi THPT Quốc gia tại tỉnh Kon Tum là thiếu cơ sở, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc đưa tin và ảnh hưởng đến ủy tín của tỉnh Kon Tum; đề nghị Báo Vietnamnet có trách nhiệm giải thích làm rõ những nội dung mà Sở GD&ĐT kiến nghị.
Trước đó, vào lúc 6h27 phút ngày 20/7, Báo Vietnamnet đăng thông tin với tựa đề “Điểm thi Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu có sự khác thường”. Sau đó, một số cơ quan báo chí khác cũng đăng nhiều thông tin liên quan đến kết quả kì thi THPT của tỉnh Kon Tum. Nội dung các bài báo nghi ngờ kết quả.
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 16/7/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1910/UNND-KGVX yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ngành: Y tế, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Kon Tum, các đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phát hiện và xử lý theo quy định các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sở Y tế rà soát, trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản phù hợp quy định về chuyên môn kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; quy trình kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm nâng cao sức khỏe con người; đề xuất thực hiện thống nhất và xã hội hóa công tác giám định, kiểm định.  Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử lý theo quy định đối với các vi phạm.  Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng qua các trang mạng xã hội không đúng quy định.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền giả, nhập lậu, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện việc cấp phép, quản lý các cơ sở, hộ kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, phát hiện và tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm, triệt các hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ chức năng thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm; nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống, tố giác; lên án các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền giả, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát; thông tin, tuyên truyền, vận động người dân phát hiện, tố giác những hành vi sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
* Ngày 16/7/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 729/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Tư pháp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung chính của quy hoạch gồm:
Về sắp xếp mạng lưới các đơn vị sự nghiệp:
Năm 2018: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Tư pháp gồm: Phòng Công chứng số 1; Phòng Công chứng số 2; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản. Đồng thời củng cố, kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm.
Giai đoạn 2019 - 2025: Tiếp tục duy trì 04 đơn vị như năm 2018 để củng cố tổ chức và phát triển chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp.
Định hướng đến năm 2030: Giữ ổn định các đơn vị như giai đoạn 2019-2025. Tiếp tục củng cố tổ chức và phát triển chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về thực hiện cơ chế hoạt động tài chính:
Căn cứ vào tình hình tài chính và điều kiện thực tế tại địa phương, định hướng cho các năm tiếp theo giao cho các đơn vị quyền tự chủ theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ để có cơ chế hoạt động cho phù hợp.
Giai đoạn 2018 - 2019: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Phòng Công chứng số 1; Đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; Phòng Công chứng số 2; Đơn vị do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.
Giai đoạn 2020 - 2025: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Phòng Công chứng số 1; Phòng Công chứng số 2; Đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; Đơn vị do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.
Giai đoạn 2025 - 2030: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Phòng Công chứng số 1; Phòng Công chứng số 2; Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; Đơn vị do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.
* Ngày 16/7/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 20/2018/QĐ-UBND về Quy định quản lý xây dựng và sử dụng chung công trình kỹ thuật viễn thông thụ động với hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Quy định gồm có 04 chương với 16 điều nhằm điều chỉnh, quy định  trongviệc quản lý xây dựng, cải tạo, khai thác và sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động với hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nêu trên.
Quy định đề ra 10 nguyên tắc áp dụng quản lý trong xây dựng và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động với hạ tầng kỹ thuật khác, cụ thể: (1) Việc xây dựng, sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động với hạ tầng kỹ thuật khác phải tuân thủ đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch về viễn thông theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền; bảo đảm yêu cầu về an toàn, cảnh quan, môi trường, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. (2) Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc bắt buộc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật (trừ các công trình thuộc danh mục các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia) trong các trường hợp sau: Các tổ chức, cá nhân không tự thỏa thuận được với nhau trong việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật dùng chung (sau đây viết tắt là HTKTDC). Sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị. Sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phục vụ hoạt động viễn thông công ích, phòng, chống thiên tai và quốc phòng - an ninh. (3) Các doanh nghiệp viễn thông có nhu cầu sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật mà không thỏa thuận được với chủ sở hữu công trình HTKTDC thì báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phương án giải quyết phù hợp. (4) Cáp, dây thuê bao, thiết bị viễn thông được phép lắp đặt trong các công trình hạ tầng kỹ thuật. Việc sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, viễn thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác được thực hiện theo nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo cảnh quan, môi trường, phù hợp với quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (5) Đối với các công trình nhà cao tầng, khu chung cư, khu thương mại và các công trình công cộng khác trong khu vực đô thị, chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý phải thiết kế và xây dựng HTKTDC để các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt hệ thống thiết bị viễn thông khi có nhu cầu cung cấp dịch vụ. (6) Việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải được thực hiện thông qua hợp đồng và giá thuê theo quy định hiện hành của Nhà nước. Chủ đầu tư của công trình có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho đơn vị quản lý vận hành ký hợp đồng sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật với tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chung theo mẫu được quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-BXD ngày 02/4/2013 của Bộ Xây dựng ban hành Mẫu hợp đồng sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật và hợp đồng quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung. (7) Khi di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để giải phóng mặt bằng theo quyết định thu hồi đất của Nhà nước, các đơn vị sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật phải chấp hành theo phương án mà chủ dự án đã thống nhất với đơn vị cho thuê theo quy định của pháp luật. (8) Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng quy định về việc xây dựng và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động với hạ tầng kỹ thuật khác để gây sức ép, cạnh tranh không lành mạnh, phá hoại tài sản của các tổ chức, cá nhân cùng sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật. (9) Tại một vị trí, hướng, tuyến đã tồn tại hạ tầng kỹ thuật, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp đặt thiết bị kỹ thuật viễn thông phải phối hợp sử dụng chung hạ tầng đó mà không được xây dựng mới các hạ tầng kỹ thuật viễn thông cùng loại. Trong trường hợp không còn khả năng để sử dụng chung, các tổ chức, cá nhân phối hợp cải tạo, nâng cấp hạ tầng hiện hữu để sử dụng chung. Trường hợp không có khả năng cải tạo thì xem xét việc xây dựng hạ tầng mới trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. (10) Việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động thuộc danh mục các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia do cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định.
Ngoài ra, Quy định có nêu cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động như: Xây dựng và sử dụng chung trạm BTS; hệ thống cột treo cáp; hệ thống cống, bể cáp... cũng như việc cải tạo, di dời cột treo cáp và chỉnh trang làm gọn cáp viễn thông; cải tạo, di dời cột ăng ten, nhà trạm BTS; cải tạo hệ thống cống, bể, cáp và quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/7/2018.
* Ngày 17/7/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1920/KH-UBND thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Theo Kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra, đó là:
Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật về hợp tác xã cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ Luật Hợp tác xã năm 2012, cũng như vai trò và lợi ích của hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác xã và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 như: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật Hợp tác xã 2012 (như công nợ, tỷ lệ vốn góp, thủ tục giải thể bắt buộc và chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác, chế tài xử lý vi phạm Luật...) cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển.
Thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ hợp tác xã; tham mưu bố trí kinh phí để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo, thực hiện xây dựng và tổng kết mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân rộng, tổng kết các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, từng bước khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã, cụ thể như: Kiện toàn, bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã; Xây dựng mô hình thí điểm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện cán bộ và thành viên hợp tác xã, gắn với đề án đào tạo nghề cho nông thôn, theo hướng tạo nguồn cán bộ quản lý chuyên nghiệp cho hợp tác xã, đặc biệt là Giám đốc hợp tác xã và tạo đội ngũ cán bộ kề cận trong thành viên hợp tác xã.
* Ngày 17/7/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1916/KH-UBND về việc thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại Hợp tác xã nông nghiệp, giai đoạn 2018-2020
Theo đó, mục tiêu là tuyển chọn 03 cán bộ có trình độ chuyên môn về làm việc tại 03 hợp tác xã nhằm giúp các hợp tác xã đổi mới tổ chức quản lý, cơ cấu sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; sản xuất hàng hoá đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến hoặc công nghệ cao.
Tiêu chuẩn cán bộ trẻ phải có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, kế toán, quản trị kinh doanh... phù hợp với nhu cầu và hoạt động chính của hợp tác xã; độ tuổi không quá 30 tuổi; có nguyện vọng làm việc lâu dài tại hợp tác xã.
Mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG xây dựng nông mới: Hỗ trợ mỗi hợp tác xã trả lương cho 01 cán bộ/01 hợp tác xã với mức hỗ trợ 3.090.000 đồng/người/tháng x 7% mức lương cho người lao động đã qua học nghề (Nghị định 141/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ). Các khoản phải trích nộp theo quy định của pháp luật hiện hành như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn... do hợp tác xã và người lao động chi trả theo quy định hiện hành.
Lựa chọn Hợp tác xã nông nghiệp: Ưu tiên lựa chọn các hợp tác xã đáp ứng tiêu chí tại Công văn số 5862/BNN-KTHT ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Ngày 17/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 359/QĐ-UBND kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng, gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Phó Chủ tịch thứ nhất của Hội đồng, thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều hành hoạt động thường xuyên của Hội đồng; Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Các ủy viên: Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh; Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh.
Tổ chức, hoạt động của Hội đồng: Thành viên Hội đồng làm việc kiêm nhiệm, hoạt động theo Quy chế và Chương trình công tác do Chủ tịch Hội đồng ban hành. Hội đồng có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác, quản lý con dấu của Hội đồng theo quy định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng: Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát động các phong trào thi đua theo thẩm quyền. Định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng; tham mưu việc sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong từng năm và từng giai đoạn. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát các phong trào thi đua và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Kon Tum.
* Ngày 18/7/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 747/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2023, định hướng đến 2030.
Theo đó, mục tiêu cụ thể:
Lĩnh vực văn hóa: Đến năm 2030, các cơ sở ngoài công lập và các lực lượng tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa đảm bảo từ 40 - 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa tuỳ theo từng loại hình, lĩnh vực và huy động vốn từ xã hội chiếm khoảng 49%.
Lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT): Đến năm 2030: Phát triển ít nhất 02 cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập, thành lập ít nhất 05 câu lạc bộ thể dục, thể thao chuyên nghiệp; duy trì và phát triển cơ sở tư nhân, các tổ chức đang đầu tư xã hội hóa các cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ các hoạt động thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; Phấn đấu vận động tài trợ đạt 60% tổng kinh phí tổ chức các giải thể thao, hội thao cấp tỉnh và 30% tổng kinh phí tổ chức các giải thể thao cấp huyện; Vận động xã hội hóa thể thao thành tích cao phấn đấu đạt từ 15% đến 20% tổng kinh phí hoạt động không thường xuyên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao Kon Tum; Vận động tài trợ xây dựng các cơ sở luyện tập TDTT trong toàn tỉnh, có thể đáp ứng nhu cầu tập luyện thường xuyên cho 35% dân số trong toàn tỉnh; Các cơ sở thể thao ngoài công lập và các lực lượng khác tham gia vào quá trình xã hội hóa TDTT đảm bảo đáp ứng tối thiểu từ 70% đến 80% nhu cầu dịch vụ TDTT tùy theo từng loại hình.
Lĩnh vực du lịch: Đến năm 2030: Thu hút 60 - 70% vốn doanh nghiệp đầu tư vào chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch; Thu hút 60 - 70% vốn doanh nghiệp tham gia chương trình đầu tư nâng cấp hệ thống khu du lịch, điểm du lịch và sản phẩm du lịch; Vận động 40 - 50% doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong địa bàn tỉnh cùng tham gia chương trình quảng bá xúc tiến du lịch theo phương châm “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm”.
Đề án xác định các nội dung thực hiện: 
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa: Đối với hoạt động văn hóa cơ sở;các hoạt động văn hóa chuyên ngành, các thành phần kinh tế khác được tham gia (lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, điện ảnh, di sản văn hóa, mỹ thuật - nhiếp ảnh, thư viện).
Xã hội hóa lĩnh vực thể thao: Đối với thể dục thể thao quần chúng; thể thao trường học; thể thao thành tích cao.
Xã hội hóa các hoạt động du lịch: Quảng bá, xúc tiến du lịch;kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Các nhóm giải pháp thực hiện: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa; về cơ chế chính sách; công tác quản lý nhà nước; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất; công tác thanh tra, kiểm tra...
UBND tỉnh giao các sở, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch,Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Cục thuế tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện theo nội dung và giải pháp của Đề án đã được phê duyệt.
* Ngày 18/7/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1944/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 308/QĐ/TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là 100% đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất Chương trình phát thanh.
100% người làm việc tại đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
100% đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố được trang bị hệ thống truyền thanh không dây và hoạt động thường xuyên.
100% đài truyền thanh cấp xã thuộc địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp được sóng truyền thanh của đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố.
100% các thôn (làng), khu dân cư được trang bị cụm loa truyền thanh không dây phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.
Hàng tháng xây dựng ít nhất 01 chương trình phát thanh tiếng dân tộc ở địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Nâng cấp 50% đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố và trạm phát lại truyền thanh - truyền hình theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (Nội dung số 8 - Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở).
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 4 nhóm giải pháp: Kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng; nâng cao chất lượng nội dung Chương trình và thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố với các đơn vị sự nghiệp khác trên địa bàn.
* Ngày 18/7/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1951/UBND-KGVX về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động của các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội Chữ thập đỏ tỉnh chủ động rà soát, đề xuất chủ trương, biện pháp nhằm đảm bảo cho các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các hoạt động xã hội nhân đạo, hiến máu, hiến mô tạng nhân đạo, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, phòng ngừa, ứng phó thảm họa và xây dựng cộng đồng an toàn. Trong quá trình thực hiện công tác nhân đạo cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện nghiêm các quy định tại Quy chế số 104/QCPH-UBND-UBMT ngày 19/6/2018 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về quản lý hoạt động từ thiện, nhân đạo trên địa bàn tỉnh
Yêu cầu các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở nội dung đề xuất của Hội Chữ thập đỏ tỉnh và căn cứ vào nhiệm vụ, thẩm quyền được giao xem xét, tham mưu UBND tỉnh xử lý các nội dung kiến nghị của Hội Chữ thập đỏ tỉnh theo đúng quy định pháp luật hiện hành; đồng thời phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện; đặc biệt là tạo điều kiện trong tham gia xây dựng các chính sách an sinh xã hội liên quan đến hoạt động nhân đạo và tham gia thực hiện các chương trình, dự án vì mục tiêu nhân đạo trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của tỉnh Hội; cấp kinh phí đối ứng để Hội triển khai các hoạt động từ các nguồn vận động được theo quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thành phố phối hợp, tạo điều kiện và hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho Hội Chữ thập đỏ cùng cấp triển khai nhiệm vụ công tác, phát triển các cơ sở hoạt động chữ thập đỏ và các dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo trên địa bàn quản lý theo quy định; chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp định kỳ rà soát, xác định các “địa chỉ nhân đạo” cần trợ giúp và hằng năm cấp kinh phí hoạt động và kinh phí để các cấp Hội tại địa phương triển khai các nhiệm vụ đặc thù do Nhà nước giao.
* Ngày 19/7/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1967/UBND-KGVX chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh quảng cáo, rao vặt không đúng quy định trên địa bàn tỉnh. Theo đó UBND tỉnh yêu cầu:
UBND các huyện, thành phố: Tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền về hoạt động quản lý, chấn chỉnh, tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định trên địa bàn; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông báo đến người dân tự tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định trên gốc cây, tường nhà, cột điện, cột đèn... phát huy tinh thần tự quản của người dân. Duy trì thực hiện việc tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định trên địa bàn; Tổ chức và phát động Ngày Chủ nhật xanh - sạch đẹp nhằm phát huy vai trò tình nguyện, trách nhiệm của cộng đồng, thanh niên trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh khu phố.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:Tiếp tục hướng dẫn và chỉ đạo công tác tuyên truyền, cổ động trực quan  về hoạt động chấn chỉnh, tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định trên địa bàn tỉnh; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo, rao vặt không đúng quy định trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông:Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, tạp chí, bản tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan trong tỉnh, huyện tuyên truyền về xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan: Tích cực phối hợp thực hiện công tác về quản lý, chấn chỉnh và ra quân tháo dỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 1682/KH-UBND ngày 27/6/2018 của UBND tỉnh.
* Ngày 20/7/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1976/UBND-KGVX về chỉ đạo công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân khi thiên tai xảy ra năm 2018.
Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân theo chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Thông báo số 121/TB-UBND ngày 11/7/2018.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, nắm chắc tình hình thiếu đói trên địa bàn quản lý để có các biện pháp cứu trợ kịp thời, tuyệt đối không để người dân nào bị đói; kịp thời thăm hỏi, động viên, giải quyết chính sách cho các đối tượng bị thiệt hại, trong đó ưu tiên nhóm đối tượng là người có công, gia đình chính sách, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.
Giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, tổng hợp tình hình thiếu đói do thiên tai trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo công tác cứu trợ đột xuất (nếu có) theo như hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 2734/LĐTBXH-BTXH ngày 11/7/ 2018.
 
 
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới

TÀI LIỆU

HN tổng kết báo chí năm 2024; trao giải Búa liềm vàng tỉnh lần thứ IV

Lượt xem:119 | lượt tải:114

TÀI LIỆU

phục vụ HN tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024

Lượt xem:449 | lượt tải:157

KL.103.TW

“về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”

Lượt xem:106 | lượt tải:245

CV.1500.TU

Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Lượt xem:1048 | lượt tải:275

TÀI LIỆU

phục vụ giao ban báo chí tháng 11-2024

Lượt xem:221 | lượt tải:126

CV.2759.BTGTU

về định hướng triển khai Giải Búa liềm vàng của Đảng bộ tỉnh lần thứ V-năm 2025.

Lượt xem:264 | lượt tải:157

KH.175.TU

tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Lượt xem:257 | lượt tải:274
 
pxyk2025
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay15,134
  • Tháng hiện tại353,593
  • Tổng lượt truy cập35,308,752
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây