1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Tin nhân sự trong tuần:
- Chiều 4-12, HĐND thành phố Kon Tum khóa XI, nhiệm kỳ 2016- 2021 tổ chức kỳ họp bất thường, bầu đồng chí Nguyễn Văn Điệu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND thành phố Kon Tum giữ chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum nhiệm kỳ 2016-2021 và bầu đồng chí Phạm Văn Khánh – Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố Kon Tum vào chức danh Ủy viên UBND thành phố Kon Tum nhiệm kỳ 2016-2021.
- Ngày 5-12, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với đồng chí Lại Xuân Lâm (được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương); miễn nhiệm chức danh Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tỉnh đối với đồng chí Bùi Thị Vui - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao thanh thiếu nhi thuộc Tỉnh đoàn Kon Tum (được điều động giữ chức vụ Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum). Bầu bổ sung chức danh Hội thẩm nhân dân Tòa án Nhân dân tỉnh đối với đồng chí Nguyễn Trọng Bình -Trưởng Ban công tác thanh niên nông thôn, công nhân đô thị Tỉnh đoàn Kon Tum.
* Từ ngày 27-11 đến 04-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV tại các huyện, thành phố của tỉnh.
(Thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri: (1) ngày 27/11, tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông; tại xã Mường Hoong, huyện ĐăkGlei; (2) ngày 28/11, tại phường Quyết Thắng, TP Kon Tum; (3) ngày 29/11, tại xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi; tại xã Diên Bình, huyện Đăk Tô; (4) ngày 30/11, tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông; tại xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy; (5) ngày 03/12, tại xã Đăk Long, huyện Đăk Hà; (6) ngày 04/12, tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy; tại xã Ia Dom, huyện IaH'Drai).
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV; thông tin về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp; nghe, tiếp thu ý kiến kiến nghị và tâm tư nguyện vọng của cử tri để phản ánh lên Quốc hội và các cơ quan liên quan.
* Chiều 30-11, tại trụ sở làm việc UBND tỉnh, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về tình hình đảm bảo an ninh trật tự năm 2018 và triển khai thí điểm bố trí Công an chính quy đảm nhiệm Công an xã trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Kon Tum, có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh và các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận những kết quả đạt được của Công an Kon Tum trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đối với chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, đồng chí nhấn mạnh: Việc lựa chọn địa bàn tỉnh Kon Tum để tiếp tục thực hiện thí điểm là hợp lý nhằm đảm bảo ANTT ở cơ sở, nâng cao hiệu quả xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời, rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên phạm vi toàn quốc...
Do đó, tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc thực hiện chủ trương đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; sắp xếp, bố trí công việc phù hợp, đảm bảo chế độ chính sách đối với lực lượng Công an bán chuyên trách, Công an viên khi bắt đầu thực hiện chủ trương.
Bộ trưởng ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Công an tỉnh và yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ, chủ động, tích cực phối hợp với địa phương để thực hiện tốt chủ trương triển khai thí điểm bố trí Công an chính quy đảm nhiệm Công an xã trên địa bàn tỉnh.
* Ngày 1-12, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hiện nay Kon Tum có 1 Ban đại diện Hội đồng Quản trị cấp tỉnh với 12 thành viên; 10 Ban đại diện cấp huyện với 216 thành viên. Thời gian qua, Ban Đại diện các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá cao kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và hoạt động của Ban đại diện Hội đồng Quản trị trong thời gian qua; qua đó, đã có nhiều nỗ lực để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban đại diện Hội đồng Quản trị phải đặc biệt chú trọng, quan tâm hơn nữa đến các tổ tiết kiệm và vay vốn, lồng ghép các tổ này vào trong các chương trình mục tiêu quốc gia; lập kế hoạch nguồn vốn sát hơn với nhu cầu thực tế, trên nguyên tắc có vay, có trả; vay dễ, trả dễ; phải xem hộ nghèo là đối tác, để hợp tác phát triển. Đồng chí ghi nhận những kiến nghị của Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và sẽ trình Trung ương xem xét, giải quyết những kiến nghị của địa phương.
* Ngày 1-12, tại xã Đăk Pne (Kon Rẫy), Huyện đoàn Kon Rẫy phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Chi đoàn Báo Kon Tum tổ chức chương trình “Đông ấm cho em gắn với tuyên truyền an toàn giao thông năm 2018” cho 269 em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Đăk Pne.
Tại chương trình, các em học sinh được nghe cán bộ chiến sĩ Công an huyện Kon Rẫy phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông; đồng thời, mỗi em được nhận một suất quà bao gồm: 1 chiếc áo ấm, 1 đôi ủng, tập tô màu, bút tô màu, bánh kẹo, sữa…
Nhân dịp này, các đơn vị cũng trao tặng 200 phần quà bao gồm: quần áo, mền, bánh kẹo cho 200 hộ dân trên địa bàn xã Đăk Pne và tặng sách cho trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Đăk Pne. Các phần quà có tổng trị giá hơn 50 triệu đồng do các đơn vị vận động được từ các nhà hảo tâm trong tỉnh.
* Chiều 1-12, bà con thôn Đăk Krăk (xã Hòa Bình, TP.Kon Tum) vui mừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư kết hợp với tổ chức Lễ khánh thành mừng nhà rông văn hóa của thôn.
Sau gần 3 tháng triển khai xây dựng, nhà rông văn hóa thôn Đăk Krăk đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhà rông xây dựng mới với chiều cao 11,5m, rộng 4,5m, dài 10m; các chân trụ, sàn nhà rông được đổ bê tông; giàn keo được làm bằng khung sắt chắc chắn; mái nhà rông được lợp bằng tôn; xung quanh tường được che phên đan bằng lồ ô vẫn giữ được hình dáng nhà rông truyền thống của đồng bào Ba Na.
Tổng kinh phí thiết kế, xây dựng nhà rông là 305 triệu đồng, trong đó, vốn chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 185 triệu đồng, UBND thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng; phần còn lại do bà con nhân dân trong thôn đóng góp và UBND xã vận động thêm từ cán bộ, nhân viên, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài địa bàn.
* Ngày 1-12, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) tổ chức Lễ trao tặng kỷ vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của các cựu chiến binh Sư đoàn 320 tặng huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
Các cựu chiến binh Sư đoàn 320 đã trao tặng huyện Sa Thầy các kỷ vật tìm được trong quá trình khảo sát và thi công Nhà bia di tích lịch sử tại điểm cao 1015 (Sacli) -1049 (Delta) và 44 kỷ vật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của các cựu chiến binh Sư đoàn 320.
* Sáng 1-12, tại huyện Ngọc Hồi, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12).
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay có chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Trong tháng hành động, tỉnh tập trung vào các hoạt động như: xét nghiệm HIV tại cộng đồng; kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện để ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm y tế; tổ chức gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương bởi HIV; vận động người nhiễm HIV tham gia và sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, tổ chức các hoạt động truyền thông…
Về mục tiêu 90 – 90 – 90 đó là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.
* Ngày 1-12, Cục Thi hành án tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019. Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa; Phó Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy Chủ trì Hội nghị.
Trong năm 2018, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đã bám sát kế hoạch trọng tâm công tác của ngành Thi hành án dân sự, kịp thời quán triệt và chủ động triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác của năm, đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu cơ bản về việc và tiền, vượt 12,3% về việc và 8,2% về tiền so với kế hoạch. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm kịp thời, đúng quy định, không để tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo.
* Ngày 1-12, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức khóa bồi dưỡng, khóa tu chuyên ngành hướng dẫn Phật tử khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đến dự Lễ, có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Bình Trọng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, địa phương liên quan.
Khóa bồi dưỡng, khóa tu diễn ra từ ngày 30/11 - 02/12/2018, với sự tham dự của hơn 2.500 chức sắc, chức việc, tín đồ phật tử của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Nội dung bồi dưỡng tập trung vào nâng cao chuyên môn, kỹ năng quản lý điều hành; hướng dẫn các mô hình sinh hoạt tu học của gia đình phật tử; chương trình hoạt động, nội quy của Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương; tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các pháp luật liên quan cho chức sắc, chức việc, tín đồ phật tử của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
* Chiều 3-12, Hội LHPN huyện Kon Plông tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Kon Plông giai đoạn 2018 – 2021.
Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Kon Plông được thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội LHPN huyện Kon Plông, với mục tiêu: Tập hợp, gắn kết các nữ doanh nhân trên địa bàn huyện; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thông tin kinh tế, giữa các thành viên; thông qua câu lạc bộ, các thành viên giúp nhau tìm kiếm thị trường, đối tác trong kinh doanh, hỗ trợ nhau phát triển doanh nghiệp theo hướng đầu tư, hợp tác lâu dài, ổn định.
Bước đầu, câu lạc bộ có 8 thành viên là những nữ doanh nhân thuộc các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa huyện Kon Plông.
* Tối 3-12, Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông tổ chức Hội thi cồng chiêng học sinh trường phổ thông và phổ thông dân tộc bán trú năm 2018.
Đây là hoạt động nhằm góp phần bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và chào mừng Tuần Văn hóa - Du lịch Kon Tum lần thứ 4, năm 2018.
* Sáng 4-12, đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam do bà Caryn R.McClelland – Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến chào xã giao lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum. Tiếp đoàn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa; lãnh đạo các sở, ngành.
* Ngày 4-12, Sở Nội vụ cùng Ban Quản lý Dự án RALG Kon Tum tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hơn 30 đại biểu Mặt trận và các đoàn thể, cán bộ phòng Nội vụ và cán bộ làm bộ phận một cửa ở 9 xã, phường thuộc các huyện Kon Plông, Đăk Hà và thành phố Kon Tum tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu được hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về khảo sát sự hài lòng của người dân qua các tiêu chí như mức độ tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước, thủ tục hành chính, công chức trực tiếp giải quyết công việc, kết quả cung ứng dịch vụ công; kết quả tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân và tổ chức. Trong chương trình tập huấn, các đại biểu được thực hành khảo sát mẫu tại bộ phận một cửa cấp xã, phường tại thành phố Kon Tum.
* Ngày 4-12, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 03/4/2015 về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới. Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an biểu dương những nỗ lực và thành tích của Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng CSGT trong công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua. Đồng chí yêu cầu thời gian tới, các lực lượng cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lực lượng CSGT phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT; tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT...
* Chiều 5-12, tại huyện Ngọc Hồi, Sở LĐ-TB&XH tổ chức Chương trình tặng học bổng và dụng cụ học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học giỏi trên địa bàn huyện bằng nguồn kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Tại buổi lễ, Chương trình đã tặng 20 suất học bổng, trị giá 1 triệu đồng/suất, cho 20 em học sinh tiểu học của 2 xã: Đăk Dục, Đăk Ang (10 em/xã) và 100 cặp sách, dụng cụ học tập, trị giá trên 460 ngàn đồng/em, cho 100 em học sinh tiểu học của xã Đăk Nông. Tổng kinh phí hỗ trợ của Chương trình tại huyện Ngọc Hồi trên 66 triệu đồng.
* Chiều 5-12, Bộ CHQS tỉnh tổ chức Hội nghị giao chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2019.
Năm 2019, dự kiến tỉnh Kon Tum giao quân cho các đơn vị quân đội khoảng 800 công dân. Tại Hội nghị, Bộ CHQS tỉnh yêu cầu các Ban CHQS huyện, thành phố cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyển quân, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị nhận quân với địa phương giao quân thực hiện nghiêm túc quyết định và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về chỉ tiêu tuyển chọn công dân nhập ngũ; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, cụ thể, đặc biệt là khâu thâm nhập hồ sơ nhập ngũ, nắm tình hình mọi mặt để công tác tuyển quân năm 2019 đạt 100%, có chất lượng, hiệu quả.
* Chiều 5-12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Sở Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị Giao ban báo chí tháng 11/2018. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh chủ trì hội nghị.
Hội nghị đánh giá, trong tháng 11/2018, công tác phối hợp chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí - xuất bản trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, giúp cho báo chí hoạt động có hiệu quả.
Báo, Đài tập trung thông tin, tuyên truyền kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII) và việc học tập, quán triệt các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng; hoạt động của đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; hoạt động tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính công; công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá các sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế xã hội của địa phương; biểu dương, cổ vũ các tập thể, cá nhân điển hình trong các lĩnh vực công tác; các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng; đưa tin các hoạt động chuẩn bị Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018; tuyên truyền về tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Lào - Campuchia.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng đề nghị, trong tháng 12/2018, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cần tập trung tuyên truyền việc tổ chức quán triệt, học tập các nội dung Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của các cấp ủy trong toàn tỉnh; kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV; việc chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân tỉnh khóa XI; việc triển khai thực hiện Chương trình số 51-CTr/TU, ngày 09-02-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện chính trị diễn ra trong tháng 12/2018; các hoạt động nổi bật diễn ra tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum năm 2018; về công bố điểm du lịch tại xã Măng Ri gắn với mô hình Sâm Ngọc Linh và việc triển lãm gian hàng, trưng bày một số hàng hóa trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông; công tác chuẩn bị vui xuân, đón năm mới 2019 của các địa phương, đơn vị trong tỉnh, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
* Ngày 6-12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu được học tập, quán triệt việc triển khai Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023; tập trung vào 05 chuyên đề gồm đổi mới việc thực hiện chức năng đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; vấn đề xây dựng nguồn lực tài chính trong tổ chức Công đoàn; đổi mới tổ chức, hoạt động Công đoàn; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Công đoàn và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của tổ chức Công đoàn.
* Trong 03 ngày (từ 05 đến 07-12), Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI đã tiến hành Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, báo cáo của các cơ quan chức năng.
Đánh giá về tình hình KT-XH năm 2018, HĐND tỉnh khẳng định: Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, nỗ lực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,28%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán; giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; xuất khẩu tăng cao; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi; lĩnh vực giáo dục, y tế tiếp tục có bước phát triển; công tác giảm nghèo và an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện; cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy được thực hiện mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được mở rộng.
Kỳ họp cũng đã tiến hành giám sát việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh và nhận thấy hầu hết kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh xem xét, giải quyết, trả lời.
Kỳ họp đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, HĐND tỉnh yêu cầu những người được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ chức trách nhiệm vụ được giao.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng thực hiện việc miễn nhiệm 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh do chuyển công tác; miễn nhiệm và bầu bổ sung Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh.
Trên cơ sở thảo luận dân chủ và xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành 26 Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu kết luận Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đề nghị lãnh đạo từng cấp, từng ngành, từng địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nắm chắc tình hình, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp mà HĐND tỉnh vừa thông qua. Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, sử dụng rừng bền vững kết hợp với kinh doanh du lịch, dịch vụ và sản xuất dưới tán rừng trên địa bàn; đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 …
Trong đó chú trọng đến việc thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” gắn với thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ, nhất là các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh, Đẳng Sâm và các loại dược liệu khác.
Hai là, tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum và dự án đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24; các dự án phục vụ thu hút đầu tư, du lịch...
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp. Trong năm 2019 phải cho ra đời được Trung tâm Hành chính công.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, chủ động theo dõi, phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan các dịch bệnh lây nhiễm; quan tâm công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tăng cường các biện pháp đấu tranh, trấn áp và xử lý kịp thời có hiệu quả với các loại tội phạm nhất là tội phạm hình sự nguy hiểm; triệt xóa các băng, nhóm tội phạm, các hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi, tín dung đen đảm bản an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đem lại bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân.
* Ngày 7-12, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng cho gần 300 cán bộ chủ chốt và đảng viên trong Đảng bộ Sư đoàn.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Sư đoàn đã giới thiệu, quán triệt, triển khai các nội dung của Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII) gồm chuyên đề: Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018 và kế hoạch năm 2019.
* Sáng 7-12, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (1997-2017). Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, có đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan và các huyện biên giới của tỉnh; lãnh đạo BCH và các đơn vị thuộc BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị lực lượng biên phòng tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự và chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho từng cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới.
Đồng chí lưu ý các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có biên giới, cần chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và lợi ích quốc gia, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới, thu hút đầu tư khu vực biên giới.
* Ngày 8-12, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện Đăk Hà và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi Cồng chiêng – Xoang học sinh các trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) chào mừng Tuần Văn hóa và Du lịch tỉnh năm 2018.
Hội thi thu hút 18 đội đến từ các Phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Rẫy, Đăk Tô, Kon Plông, Ngọc Hồi, Đăk Hà, thành phố Kon Tum và các trường PTDTNT Sa Thầy, PTDTNT Kon Rẫy, PTDTNT Kon Plông, PTDTNT Đăk Hà, PTDTNT Đăk Glei; PTDTNT Ngọc Hồi, PTDTNT Tu Mơ Rông, PTDTNT tỉnh, PTDTNT Đăk Tô.
Đây là hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước đồng thời thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh, giáo viên trong nhà trường.
* Ngày 8-12, Nhóm công tác xã hội Bàn tay ấm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn Thanh niên công an tỉnh, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh, Huyện đoàn Kon Plông, Chi đoàn Công an huyện Kon Plông tổ chức chương trình “Áo ấm mùa đông 2018” cho trẻ em, người già và hộ nghèo xã Măng Cành (huyện Kon Plông).
Tại chương trình, các đơn vị đã đến thăm và tặng quà gồm: mền, nón len, khăn quàng cổ, sữa, bánh… cho 30 cụ già trên 75 tuổi trên địa bàn xã Măng Cành.
Các đơn vị cũng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian và trao 549 suất quà bao gồm: mền, nón len, khăn quàng cổ, nhu yếu phẩm, sữa, bánh kẹo… cho 249 hộ nghèo và 300 trẻ em của xã.
Các suất quà được trao có tổng giá trị 60 triệu đồng do các đơn vị vận động được từ các nguồn xã hội hoá.
2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:
* Ngày 03/12/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3386/UBND-NCXDPL chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự trong giải quyết các bản án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp và công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo quy định. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tăng cường phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan thi hành án 02 cấp trong quá trình tổ chức thi hành án...
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Kon Tum chỉ đạo các Ngân hàng thương mại phối hợp tốt với Cơ quan thi hành án dân sự trong cung cấp thông tin về tài khoản, các khoản thu nhập, giải tỏa tài khoản... của người thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh duy trì hoạt động theo đúng quy định; kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với các vụ việc trọng điểm, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, địa phương của tỉnh để làm tốt công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh đã ban hành mới 2.155 quyết định thi hành án, 52 quyết định ủy thác thi hành án, 42 Quyết định đình chỉ thi hành án toàn bộ, 50 quyết định thu hồi thi hành án và 02 quyết định sửa đổi, bổ sung.
Đối với số việc, số tiền có điều kiện thi hành, đã giải quyết xong 2.157 việc/2.642 việc (tỷ lệ 81,6%) với số tiền khoảng 56 tỷ đồng/khoảng 174 tỷ đồng (tỷ lệ 32,6%). Thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước có điều kiện thi hành đã giải quyết được 798 việc với số tiền 3,4 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 83,47% về việc và 57,9% về tiền). Đã giải quyết được 30 vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng với số tiền khoảng 51 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 19,48% về việc và 9,08% về tiền).
Bên cạnh đó, hoạt động thi hành án dân sự, hành chính trong năm 2018 còn một số hạn chế, như: Số thụ lý và giải quyết vụ việc thấp hơn so với năm 2017, số việc, số tiền chuyển sang kỳ sau nhiều và tăng cao so với cùng kỳ năm trước; kết quả thi hành các khoản thu nộp ngân sách nhà nước về việc đạt thấp; số việc, số tiền phải thi hành về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng tăng nhưng kết quả thi hành án đối với lĩnh vực này đạt thấp...
* Ngày 03/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định 588/QĐ-UBND công nhận khu vực Măng Đen điều chỉnh, mở rộng (bao gồm các thôn thuộc xã Đăk Long) là đô thị loại V.
Theo đó, khu vực Măng Đen điều chỉnh, mở rộng có diện tích tự nhiên 14.806ha và dân số 6.913 người. Các tiêu chí phân loại đô thị đối với khu vực Măng Đen điều chỉnh, mở rộng đều đạt mức tối thiểu trở lên theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị với tổng số điểm 81,25/100 điểm.
Cụ thể, vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt 18,75/15-20 điểm; Quy mô dân số đạt 6/6-8 điểm; Mật độ dân số đạt 4,5/4,5-6 điểm; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 6/4,5-6 điểm; Trình độ phát triển hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt 46/45- 60 điểm.
* Ngày 03/12/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3387/UBND-NCXDPL chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh tại báo cáo thẩm tra kết quả công tác năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp tốt với Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp về dân sự, hành chính, nhất là khi có yêu cầu về cung cấp, xác nhận các tài liệu liên quan đến quá trình thu thập chứng cứ của Tòa án.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan; củng cố nâng cao chất lượng công tác hoà giải cơ sở; phân tích đánh giá, tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để hạn chế gia tăng tình trạng ly hôn...
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện; báo cáo Ủy ban nhân dân biết, chỉ đạo.
* Ngày 03/12/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1349/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trồng phát triển rừng và đầu tư nông-lâm kết hợp của Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum.
Dự án được triển khai tại Tiểu khu 603, 603A thuộc địa phận xã Sa Nhơn, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy với diện tích 200 ha; tổng mức đăng ký đầu tư gần 32 tỷ đồng; công suất thiết kế 60 m3 gỗ/ha/5 năm và 200.000 lượt khách du lịch/năm.
Dự kiến dự án đi vào hoạt động kinh doanh từ năm 2024. Đây là dự án cho thuê rừng gắn với thuê đất để quản lý, phục hồi, bảo vệ và làm giàu rừng kết hợp đầu tư nông lâm ngiệp dưới tán rừng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Sa Thầy nói riêng; giải quyết việc làm tạo thu nhập cho người dân trên địa bàn và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
* Ngày 04/12/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3401/UBND-HTKT yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia theo quy định tại Thông tư số 44/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 của Bộ Công Thương.
Giao Sở Công Thương thông tin rộng rãi nội dung của Thông tư trên để thương nhân, các cơ quan, tổ chức có liên quan biết, thực hiện; trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, thương nhân, các cơ quan, tổ chức có liên quan kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương để xử lý; đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biết, theo dõi.
* Ngày 04/12/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1359/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Đăk Psi 6 của Công ty CP Tư vấn xây dựng Tân Phước.
Dự án được triển khai trên sông Đăk Psi thuộc địa phận xã Đăk Long, huyện Đăk Hà và xã Diên Bình, huyện Đăk Tô. Với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 340 tỷ đồng, thủy điện Đăk Psi 6 được thiết kế với công suất 9,5 MW; điện lượng trung bình năm 37,060 triệu kWh.
Dự kiến dự án đi vào hoạt động kinh doanh từ tháng 10 năm 2020, góp phần cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, bổ sung thêm nguồn điện cho lưới điện khu vực, đem lại nguồn thu ngân sách cho huyện, tỉnh; đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
* Ngày 04/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành văn bản số 3404/UBND-NNTN yêu cầu: Sở Công Thương cung cấp thông tin về giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khối lượng đá sau nổ mìn, nhu cầu sử dụng đá sau nổ mìn, vị trí, địa điểm tập kết khối lượng đá được tạo ra do nổ mìn theo các Giấy phép đã cấp đến chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan Thuế để kiểm tra, giám sát; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện thiết kế mỏ, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, cơ quan Thuế: Theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức quản lý khối lượng đá được tạo ra do nổ mìn theo quy định của pháp luật; hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đá sau nổ mìn thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật trước khi khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; đồng thời tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết các hành vi sai phạm trong khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo quy định.
* Ngày 04/12/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3400/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025.
Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 hình thành các cơ sở công nghiệp hỗ trợ và đến năm 2025 đáp ứng khoảng 10% nhu cầu cho sản xuất công nghiệp trong tỉnh, với mục tiêu là đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, trong đó:
Giai đoạn 2019 - 2020, tập trung đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên các dự án phù hợp với hiện trạng phát triển và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: Các dự án sản xuất phụ liệu ngành may như cúc áo, khóa kéo, băng chun; dự án sản xuất các phụ tùng đặc thù của ngành dệt may như chân bàn máy khâu, máy cắt, máy kiểm vải; sản xuất đế, mũi giày và phụ liệu giày chất lượng cao; sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử; sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc phục vụ cho công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm.
Tổng kinh phí thực hiện 1 tỷ 40 triệu đồng (Nguồn kinh phí ngân sách địa phương 170 triệu đồng; nguồn kinh phí đề xuất hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Trung ương 714 triệu đồng; nguồn vốn khác 156 triệu đồng).
Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn 2019-2020 trên cơ sở rà soát đánh giá kết quả thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện 10 tỷ 915 triệu đồng (Nguồn kinh phí ngân sách địa phương 1 tỷ 931 triệu đồng; nguồn kinh phí đề xuất hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Trung ương 7 tỷ 328 triệu đồng; nguồn vốn khác 1 tỷ 656 triệu đồng).
* Ngày 04/12/2018, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3399/UBND-NNTN yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon" và triển khai Văn bản số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Theo đó, phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; Phát động phong trào và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom, phân loại các loại sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Kon Tum xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự chuyên sâu để tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa”; tác hại của nhựa dùng một lần và nilon đến môi trường và con người; các mô hình sử dụng các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần và nilon.
Đồng thời UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chỉ đạo các cấp đoàn, hội tăng cường tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường cho hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cộng đồng để cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Nguyễn Phi Em (tổng hợp)