Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, tại Pác Bó, Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng, hoàn chỉnh về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng ta. Đồng thời, Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng ta phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng yêu nước vào một mặt trận thống nhất. Theo sáng kiến và đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Trung ương quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị... Các tổ chức quần chúng trong mặt trận Việt Minh đều mang tên “cứu quốc”.
Với chủ trương, chính sách đúng đắn, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được ngày càng đông đảo các tầng lớp, giai cấp có tinh thần yêu nước và chống đế quốc thực dân vào các hội cứu quốc như: Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Công nhân Cứu quốc... Các hội cứu quốc đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh, được thành lập ở nhiều tỉnh trong cả nước. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 02-1943) chỉ đạo mở rộng hơn nữa Mặt trận Việt Minh, liên minh với các đảng phái, nhóm yêu nước cả trong và ngoài nước. Thực hiện chủ trương đó, năm 1943, Hội Văn hoá Cứu quốc được thành lập. Tháng 6-1944, Đảng ta đã giúp những trí thức tiến bộ, yêu nước thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, thu hút họ vào Mặt trận Việt Minh. Các tổ chức thành viên của Mặt trận Việt Minh được thành lập và phát triển nhanh chóng. Đến giữa năm 1945, thành viên của Mặt trận Việt Minh đã lên tới 5 triệu người tham gia.
Đầu tháng 5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị cho các cấp sửa soạn khởi nghĩa và kêu gọi Nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục trong khu căn cứ. Để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập và lập được chiến công ngay từ những trận đầu ra quân ở Phai Khắt, Nà Ngần. Như vậy, chỉ trong một thời gian không lâu sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng chính trị và vũ trang cho cách mạng Việt Nam, chuẩn bị sẵn sàng để chuyển cách mạng Việt Nam sang thời kỳ cao trào, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, quyết định phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Để tích cực chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, các cơ sở Mặt trận Việt Minh tiếp tục được chú trọng mở rộng. Ngày 12-4-1945, Mặt trận Việt Minh đã ra lời kêu gọi “Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam” và “Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc”.
Cùng với việc củng cố, mở rộng Mặt trận, đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, Đảng và Mặt trận Việt Minh còn kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, phù hợp: “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”. Chủ trương này đã đáp ứng đúng nguyện vọng bức thiết của Nhân dân và qua phong trào này quần chúng nhân dân đã nhận rõ rằng muốn giành quyền sống cho mình phải đoàn kết dưới ngọn cờ của Việt Minh đấu tranh đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng. Với chính sách mở rộng và phát triển tổ chức Việt Minh, từ tháng 5-1945, trong phong trào thanh niên, sinh viên ở Nam Bộ đã ra đời tổ chức “Thanh niên Tiền phong”. Tổ chức này được thành lập từ Sài Gòn, sau đó lan rộng ra hầu khắp các tỉnh Nam Bộ. Ngày 11-8-1945, Chính phủ Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ngày 16-8-1945, Mặt trận Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định Tổng khởi nghĩa và kêu gọi Nhân dân toàn quốc đứng lên giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, chính quyền thống trị của đế quốc gần 100 năm và chế độ quân chủ tồn tại nghìn năm ở nước ta về cơ bản bị sụp đổ hoàn toàn.
Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi oanh liệt và nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu do có chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ dân tộc, xác định đúng kẻ thù, có những chủ trương, chính sách đúng đắn, những khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng yêu cầu cách mạng, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi bức thiết của mọi tầng lớp nhân dân, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ, trở thành ngọn cờ tập hợp sức mạnh toàn dân, là động lực cơ bản của Cách mạng Tháng Tám.
Thành công của Mặt trận Việt Minh còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác xây dựng Mặt trận, tập hợp lực lượng, đoàn kết dân tộc trong các giai đoạn cách mạng sau này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng; phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, ở trong nước hay ở nước ngoài, miễn tán thành mục tiêu chung và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng là tổ chức kế tục vai trò lịch sử của Mặt trận Việt Minh và tư tưởng, di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Ngô Đức Hải