1. Về phương án đón người dân của tỉnh từ các tỉnh, thành phố phía Nam về địa phương: UBND tỉnh giao Sở Lao động - TBXH làm đầu mối, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh phương án/kế hoạch đón người lao động, người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đang có dịch COVID-19 về tỉnh Kon Tum bảo đảm phòng, chống dịch theo quy định. Hoàn thành trong ngày 20/7/2021.
2. Về vận chuyển hàng hóa từ vùng dịch đi/đến tỉnh Kon Tum:
2.1. Tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa có lái xe, phụ xe thuộc đối tượng cách ly y tế (chỉ tính lái xe, phụ xe cho mỗi phương tiện vận chuyển hàng hóa) vào địa bàn tỉnh giao nhận hàng hóa phải đủ điều kiện và có giấy nhận diện (được đi vào luồng xanh) theo hướng dẫn, quy định của Bộ Giao thông vận tải hoặc phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 03 ngày (kể từ ngày lấy mẫu).
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính thì khử trùng phương tiên vận tải, rồi đổi lái xe, phụ xe (đảm bảo yêu cầu 5K, chú ý giữ khoảng cách tiếp xúc trên 02m) vào tỉnh giao nhận hàng hóa; hoặc giao nhận hàng hóa tại Chốt (đảm bảo theo Mục 3 Công văn này); hoặc nếu tại Chốt lấy mẫu để chuyển đi xét nghiệm (người được xét nghiệm trả phí theo giá dịch vụ), chờ khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì được vào tỉnh giao nhận hàng hóa.
2.2. Đối với đơn vị vận tải, phương tiện vận tải và lái xe, phụ xe khi vào địa bàn tỉnh:
Cập nhật hướng dẫn cách ly phòng dịch trên Trang thông tin điện tử Sở Y tế tỉnh Kon Tum. Nếu thuộc đối tượng cách ly tập trung hay cách ly tại nhà cần chuẩn bị trước xét nghiệm RT-PCR âm tính SARS-CoV-2 có giá trị trong vòng 03 ngày (kể từ ngày lấy mẫu).
Chuẩn bị phương án vận chuyển hàng hóa (số lượng phương tiện, hành trình, dự kiến điểm đến, dừng nghỉ, ngày giờ phương tiện hoạt động...); danh sách phương tiện, lái xe, phụ xe (nếu có); thông tin về xét nghiệm và tiêm phòng cho lái xe, phụ xe (nếu có); các nội dung khác cần thiết, có liên quan đến việc vận chuyển.
Khai báo y tế trung thực, cụ thể, rõ ràng tại Chốt; cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong quá trình vận chuyển và giao nhận hàng hóa; đăng ký nơi giao nhận hàng hóa theo quy định; chỉ đến nơi giao nhận hàng hóa và rời khỏi địa bàn tỉnh (hoặc về nơi cách ly); ngoài ra, không được dừng, đỗ, tiếp xúc với người dân trên địa bàn tỉnh.
Ghi lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch nước sát khuẩn, khử khuẩn phương tiện vận chuyển,… Yêu cầu sử dụng điện thoại mở kết nối mạng liên tục, có cài đặt các ứng dụng Bluezone, tokhaiyte.vn để khai báo, theo dõi y tế. Phương tiện kinh doanh vận tải luôn đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động liên tục (kể cả khi phương tiện dừng, đỗ).
Đơn vị vận tải hoặc đơn vị, tổ chức thuê vận chuyển cử một đầu mối để nhận hàng hóa; tuyệt đối không tổ chức giao hàng cho từng cá nhân hay gom nhận hàng của từng cá nhân tại khu vực bố trí theo mục 3 của Văn bản này.
2.3. Tổ chức giao nhận hàng hóa tại một điểm cố định của mỗi huyện/thành phố để đảm bảo công tác kiểm soát dịch bệnh:
Giao UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải tổ chức điểm giao nhận hàng tại bến xe (hoặc địa điểm phù hợp) của huyện/thành phố; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm COVID-19 từ khu vực giao nhận hàng hóa và bến xe.
Các yêu cầu phải thực hiện tại điểm giao nhận hàng: (a) Khu vực giao nhận hàng hóa được khoanh vùng bằng dải phân cách mềm; (b) Trong khu vực giao nhận hàng luôn đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc trên 02m; đầy đủ khẩu trang; sát khuẩn tay thường xuyên; phun khử trùng định kỳ; (c) Người giao hàng đặt hàng hóa tại một điểm, xong khử khuẩn bề mặt hàng hóa (lau bằng Chloramin B); sau đó, người nhận hàng đến nhận. Luôn đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc trên 02m; (d) Bố trí camera giám sát liên tục; cử lực lượng giám sát liên tục, ghi chép lại họ tên, địa chỉ, số điện thoại của tất cả người giao và nhận hàng (bên giao - bên nhận; để phục vụ cho công tác truy vết); (e) Người nhận hàng về phải tự theo dõi sức khỏe 14 ngày; (g) Người phục vụ tại khu vực giao nhận hàng phải được lập danh sách theo dõi và test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 định kỳ 03 ngày/lần.
2.4. Về giám sát phương tiện và người vận chuyển hàng hóa:
Giao Công an tỉnh chủ trì, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố và phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm giám sát phương tiện và người vận chuyển hàng hóa từ Chốt đến nơi giao nhận hàng và đến khi rời khỏi địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm nếu để phương tiện và người vận chuyển hàng hóa dừng, đỗ, tiếp xúc với người dân ở địa điểm ngoài khu vực giao nhận hàng hóa.
Vị trí số 5, 9 trong Quy chế hoạt động Chốt (Công an huyện, thành phố) chịu trách nhiệm cấp Phiếu kiểm soát phương tiện giao thông (theo mẫu) cho xe, người đến nhưng không cư trú/lưu trú trên địa bàn tỉnh; dán trước kính xe để lực lượng chức năng kiểm soát cho các phương tiện giao thông được phép lưu thông đến vị trí giao nhận hàng hóa đã đăng ký.
Thiết lập hệ thống giám sát bảo đảm chắc chắn các phương tiện vận chuyển hàng hóa chấp hành nghiêm: Chỉ đến nơi giao nhận hàng hóa và rời khỏi địa bàn tỉnh (hoặc về nơi cách ly); ngoài ra, không được dừng, đỗ, tiếp xúc với người dân trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên tuần tra xử phạt nghiêm tất cả các phương tiện giao thông liên tỉnh dừng, đỗ trên địa bàn tỉnh mà không có Phiếu kiểm soát phương tiện giao thông hoặc ở quá thời gian quy định.
Tổ chức kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa rời địa bàn tỉnh (nếu quá thời gian cho phép, yêu cầu khai báo lịch trình và xử lý nghiêm).
2.5. Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, Ban quản lý bến xe: Cập nhật thường xuyên liên tục vào phần mềm bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19. Yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị và tuyên truyền, vận động hành khách thực hiện khai báo y tế, khai báo y tế điện tử tại địa chỉ tokhaiyte.vn hoặc phần mềm Bluezone hoặc sử dụng mã QRcode để kiểm tra tại các điểm kiểm soát dịch; triển khai việc khai báo y tế thông qua mã QRcode được dán tại những nơi dễ thấy như: Cổng ra, vào bến, phòng chờ, quầy bán vé…; ghi chép và lưu trữ đầy đủ thông tin hành khách (họ, tên, địa chỉ cư trú, số điện thoại) di chuyển trên các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, đặc biệt là hành khách đi và đến từ các tỉnh, thành phố đang có dịch để kịp thời triển khai truy vết khi cần thiết. Thực hiện kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả hành khách, nhân viên phục vụ, lái phụ xe trước khi vào bến xe; đảm bảo 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Xây dựng phương án xử lý khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và bố trí khu vực cách ly đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả.
2.6. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện chịu trách nhiệm: Đối với xe, lái xe, phụ xe cư trú/lưu trú lại trên địa bàn tỉnh thì sau khi giao hàng phải được chuyển ngay đến cơ sở cách ly tập trung (nếu đối tượng cách ly tập trung) hoặc về cách ly tại nhà theo quy định (kết quả xét nghiệm âm tính để vào tỉnh vẫn áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định); khử trùng phương tiện.
2.7. Sở Y tế chỉ đạo tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp có nhu cầu xét nghiệm dịch vụ tại Chốt; giám sát xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người phục vụ khu vực giao nhận hàng (miễn phí theo yêu cầu phòng chống dịch). Tổ chức chặt chẽ việc kiểm soát khai báo y tế tại chốt, đảm bảo không bỏ sót đối tượng có yếu tố nguy cơ theo khai báo y tế.
https://kontum.gov.vn/pages/detail/38433/Chuan-bi-don-nguoi-dan-cua-tinh-tu-cac-tinh-thanh-pho-phia-Nam-ve-dia-phuong-va-dam-bao-viec-van-chuyen-hang-hoa-trong-phong-chong-dich-COVID-19.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn