Theo đó, có 15 chức danh đối người hoạt động không chuyên trách cấp xã, gồm: Văn phòng Đảng ủy; Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổ chức - Kiểm tra; Tuyên giáo - Dân vận; Kinh tế - Tổng hợp; Văn hóa - Xã hội; Văn thư - Lưu trữ - Thủ quỹ; Nhân viên Thú y; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Chủ tịch Hội người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ.
Về mức phụ cấp: Chức danh Văn phòng Đảng ủy, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, phụ cấp bằng 1,5 mức lương cơ sở; Chức danh Tổ chức - Kiểm tra, Tuyên giáo - Dân vận, phụ cấp bằng 1,46 mức lương cơ sở. Các chức danh còn lại, mức phụ cấp bằng 1,4 mức lương cơ sở; riêng đối với chức danh Nhân viên Thú y, mức phụ cấp bằng 1,36 mức lương cơ sở.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã có trình độ đại học trở lên được hỗ trợ 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng; Người có trình độ cao đẳng được hỗ trợ 0,2 mức lương cơ sở/người/tháng; Người có trình độ trung cấp được hỗ trợ 0,1 mức lương cơ sở/người/tháng.
Bên cạnh đó, quy định phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (Bí thư chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận): Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới; thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã mức phụ cấp là 1,7 mức lương cơ sở/mỗi chức danh/tháng. Đối với các thôn, tổ dân phố còn lại mức phụ cấp là 1,2 mức lương cơ sở/mỗi chức danh/tháng.
Phụ cấp đối với Thôn đội trưởng bằng 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng; Phụ cấp đối với Nhân viên y tế thôn tại các thôn đặc biệt khó khăn bằng 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng; các thôn còn lại bằng 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng. Đối với Nhân viên y tế thôn (là cô đỡ thôn) vừa là đối tượng thụ hưởng chính sách tại Nghị quyết này đồng thời vừa là đối tượng thụ hưởng chính sách tại các văn bản khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.
Hỗ trợ 25 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm để chi hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố nhưng mức chi hỗ trợ không vượt quá 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng; HĐND cấp xã quyết định chức danh và mức hỗ trợ cụ thể đối với những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ngoài kinh phí hỗ trợ hoạt động trên, tùy theo điều kiện khả năng cân đối ngân sách, UBND cấp huyện, cấp xã trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ bổ sung kinh phí hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao.
Tại Nghị quyết còn quy định việc kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; Mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã...
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01-01-2024 và thay thế Nghị quyết số 36/2020/NQ-HĐND ngày 16-7-2020 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 55/2021/NQ-HĐND ngày 22-10-2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 36/2020/NQ-HĐND ngày 16-7-2020 của HĐND tỉnh.
Tô Văn Lợi: Tổng hợp