Một số điển hình tiêu biểu người dân tộc thiểu số trong học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh
Thứ năm - 04/04/2024 16:00
Trong 03 năm qua (2021-2023), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, đó là những đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn là người đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng và phát triển kinh tế, giúp cải thiện đời sống của người dân.
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24-02-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, trong 03 năm qua (2021-2023), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, đó là những đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn là người đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng và phát triển kinh tế, giúp cải thiện đời sống của người dân.
Đồng chí A Khưn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tu Thôn, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông luôn được nhiều người biết tới là người bí thư chi bộ giỏi về công tác dân vận, sống mẫu mực và là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó buộc anh phải nghỉ học từ năm lớp 9 để phụ giúp cha mẹ tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho các em. Với quyết tâm không chịu đói nghèo, ngay sau khi nghỉ học anh đã nung nấu ý chí đưa gia đình mình thoát khỏi hộ nghèo để vươn lên làm giàu. Sau 3 năm tập trung phát triển kinh tế với nhiều mô hình như trồng keo, mì, cau kết hợp cùng chăn nuôi, anh đã đưa kinh tế hộ gia đình mình vươn lên thoát khỏi hộ nghèo và từng bước trở thành hộ khá trong thôn. Với sự cố gắng không mệt mỏi, ngày 05-6-2011 anh đã được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam; được chi bộ giúp đỡ, anh ngày càng trưởng thành và có điều kiện để vươn lên làm giàu và tập trung vận động, giúp đỡ nhiều hộ gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo. Năm 2015, anh được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó bí thư Chi bộ; đến năm 2017, anh tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tu Thôn, trở thành đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn đầu tiên của xã Đăk Nên.
Từ khi nhận trọng trách này, A Khưn luôn xác định mình là Bí thư Chi bộ thì phải gương mẫu trong cuộc sống, đi đầu trong việc thực hiện mô hình làm kinh tế giỏi. Từ một gia đình nghèo, đến nay, gia đình A Khưn đã có 5 sào ruộng lúa, 1 ha mì, 2 ha keo, 3 ha cau, 1 ha quế và chăn nuôi 8 con bò sinh sản. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, A Khưn đã lãnh đạo tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho Nhân dân trong thôn tập trung mở đường đi các khu sản xuất, thực hiện mô hình phát triển kinh tế có giá trị như trồng cau, keo, sả za va... đoàn kết giúp nhau thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới. Bản thân A Khưn còn trực tiếp giúp đỡ những hộ gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống; trong năm đã tập trung vận động Nhân dân trong thôn giúp đỡ 01 hộ gia đình bị hỏa hoạn làm lại căn nhà mới. A Khưn cũng trực tiếp hỗ trợ tiền, lúa gạo để họ ổn định cuộc sống; hướng dẫn trực tiếp cho 03 hộ gia đình thực hiện các mô hình như trồng mỳ, keo, cau và chăn nuôi và 03 hộ này đã được thoát nghèo. Đời sống của Nhân dân trong thôn ngày càng được nâng lên.
Tại thôn Đăk Si, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, người dân luôn phấn khởi khi nói về Đảng viên Xiêng Var Nùng, người dân tộc Triêng, là cán bộ nghỉ hưu. Bởi, đồng chí luôn gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật và vận động Nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Trong sản xuất, đồng chí luôn tìm tòi học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp. Hiện gia đình đồng chí có 3 ha cao su, 1,5 ha cà phê, hơn 3000 m2 ruộng nước, 1000 m2 mặt hồ nuôi cá; ngoài ra còn chăn nuôi đàn bò sinh sản, hàng năm cho thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng, giúp cải thiện đời sống gia đình. Trong lao động và sinh sống, đồng chí được cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân kính trọng giới thiệu bầu làm già làng và người có uy tín của thôn.
Bày tỏ suy nghĩ về Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, đồng chí A Kên - Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Tê Pên, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô chia sẻ “Nếu như trước đây, người dân trong thôn chỉ muốn được là hộ nghèo để hưởng chế độ, chính sách; quen với lối canh tác cũ, trồng cây mì, cây lúa hiệu quả kinh tế thấp thì giờ đây họ từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững”. Từ một công chức cấp huyện, nung nấu ý chí phát triển kinh tế tại quê nhà, năm 2017 anh từ bỏ công việc ổn định để về phát triển kinh tế gia đình và từng bước vận động các hộ dân trong thôn tham gia cùng với anh. Qua thời gian tìm tòi, anh đã quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo hướng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Năm 2022, anh tham gia Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Cộng đồng thôn Tê Pên, trồng thử nghiệm thành công cây Hoàng Sin Cô, vận động 07 hộ gia đình tham gia Hợp tác xã. Vận động thành lập 01 Tổ hội nghề nghiệp nuôi heo sọc dưa với 12 hộ tham gia, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Bản thân anh, là Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, nhận thấy so với cây mì, việc trồng cây dược liệu, nuôi heo sọc dưa mang lại giá trị kinh tế cao hơn và phù hợp với tập quán canh tác của bà con trong thôn; hơn nữa, việc thành lập các tổ hợp tác là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển hàng hóa với quy mô tập trung hơn. Vậy nên, anh đã đứng ra thành lập và vận động người dân tham gia vào hợp tác xã và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đồng chí A Dinh, sinh ra và lớn lên tại thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, được người dân cả xã Đăk Tăng biết đến là một người năng nổ, dám nghĩ, dám làm và luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Vốn sinh ra và lớn lên tại nơi có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Là đảng viên thuộc Chi bộ thôn Đăk Tăng, với bản tính cần cù, năng động và được sự hướng dẫn, quan tâm, động viên của cán bộ, anh đã cùng với gia đình, khai hoang được 5 sào ruộng, trồng 1,5 ha cây cà phê, nuôi 18 con trâu, 30 con gia cầm và có 01 ao cá. Để mang lại hiệu quả kinh tế, anh đã không ngừng học hỏi từ cán bộ xã và những người làm kinh tế một số địa phương khác để áp dụng những sáng kiến, giải pháp khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất cho phù hợp. Nhờ đó đã triển khai thành công mô hình kinh tế “Vườn- Ao- Chuồng”, mỗi năm cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Với kết quả đạt được, anh luôn nhận được sự tin tưởng của Nhân dân, cấp ủy và chính quyền địa phương nơi sinh sống; đồng thời đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng thôn làng; đã có nhiều hộ đến tham quan học tập và áp dụng. Mỗi năm gia đình ông đã tạo công ăn, việc làm cho từ 4 đến 5 hộ gia đình, mỗi tháng thu nhập từ 3,5 triệu đồng trở lên. Cùng với đó, anh luôn cùng với các đoàn thể, Nhân dân thôn Đăk Tăng triển khai thực hiện tốt các phong trào ở địa phương như xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” thông qua hình thức vận động các đảng viên và Nhân dân xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng công trình nhà vệ sinh, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa...
Năm 2023, Kon Tum đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho 01 tập thể và 02 cá nhân, trong đó có đồng chí A Viện - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Ở thôn Đăk Rò, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô - một cán bộ thôn trẻ, nhiệt huyết trong công tác, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Anh cho biết “để nói cho bà con nghe và làm theo, trước tiên mình phải phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu trong thôn”. Nói là làm, anh đã đăng ký tham gia mô hình trồng mía theo chuỗi liên kết do xã triển khai với diện tích 0,21 ha, năm đầu thu hoạch với sản lượng 16 tấn mía bán cho nhà máy thu được 16.000.000 đồng, hiệu quả hơn hẳn so với trồng lúa một vụ trên cùng diện tích. Từ đó, anh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể và Nhân dân trong thôn tích cực làm theo, tham gia chuyển đổi đất lúa một vụ thiếu nước, đất nhà trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Không dừng lại ở đó, anh tuyên truyền cho bà con chuyển đổi từ diện tích đất đã bạc màu, đồi núi, dốc cao, trồng mỳ không hiệu quả sang trồng rừng sản xuất theo chủ trương của cấp trên. Đến nay, anh đã vận động được 80 hộ dân trong thôn tham gia trồng hơn 60 ha rừng sản xuất; tham gia liên kết với Công ty TNHH MTV Thảo dược Tây Nguyên trồng dược liệu (gừng, nghệ, sâm dây) xen dưới tán rừng với diện tích trên 15ha, hiện nay đang tiến hành thu hoạch. Ngoài hướng dẫn các hộ dân thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, anh còn vận động Nhân dân trong thôn duy trì hiệu quả mô hình “Đường điện thắp sáng”. Để giúp một số hộ dân trong thôn chưa có điều kiện xoá nhà tạm, anh đã kêu gọi hỗ trợ của cấp trên và sự giúp đỡ của bà con lối xóm, anh em trong gia đình đối ứng kinh phí để xoá nhà tạm. Trong năm 2023, thôn đã xoá được 05 căn nhà tạm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đồng chí A Vơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Măng Bút, huyện Kon Plông, năm 2008 ông đã xung phong lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum. Đến năm 2010, ông xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường, được cấp ủy giới thiệu và cán bộ, hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đăk Rơ Ông từ năm 2016 đến nay.
Với cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông cùng Ban Thường vụ Hội triển khai đến toàn thể hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo Bác, phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình hội viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sống và lao động cùng các hội viên, ông nhận thấy đời sống hội viên, Nhân dân trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn. Từ đó, ông luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi làm cách nào để chuyển biến nhận thức của hội viên, Nhân dân trong phát triển kinh tế truyền thống như trồng lúa nước… chuyển sang trồng cây công nghiệp để nâng cao đời sống. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới nếp nghĩ, cách làm cùng với sự tham gia nhiệt tình của các hội viên, nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế được hình thành như “Trồng cà phê”, “Nuôi heo nhốt chuồng”, “Nuôi trâu , bò” đã được ứng dụng thực hiện có hiệu quả, góp phần làm giàu chính đáng của hội viên.Đến nay, mức sống của hội viên Cựu chiến binh trong toàn xã đã tăng hộ khá và giảm hộ nghèo. Tính đến năm 2024, Hội Cựu chiến binh xã quản lý 7 tổ TK & VV có tổng dư nợ hơn 24 tỷ đồng cho 347 hộ vay (cả hội viên và nhân dân). Bên cạnh lãnh đạo hội viên phát triển kinh tế, ông cùng với Ban Thường vụ Hội đã tích cực động viên hội viên tham gia xây dựng quỹ hội, quỹ “Mái ấm đồng đội” hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Trong nhiệm kỳ qua, nhờ sự hỗ trợ thêm của cấp trên, Hội đã xây dựng được 1 căn nhà với số tiền 50 triệu đồng cho hội viên A Nui thôn Kon Hia 1.
Ghi nhận những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự phát triển của địa phương, các điển hình tiêu biểu người dân tộc thiểu số nêu trên nhận được rất nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành; được Tỉnh ủy Kon Tum đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen trong công tác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lựa chọn, giới thiệu làm tư liệu gửi Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2022, 2023, 2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Triệu tập HN trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; báo cáo tình hình KTXH năm 2024 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 25 tháng 9 năm 2024 Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum SĐT: 0260.3862301 Fax: 0260.3865464 Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com