Vào một buổi trưa tháng 6 tôi tìm về gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Y Tría (thôn Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông). Biết được lý do tôi đến tìm hiểu thông tin về cuộc đời hoạt động cách mạng của Mẹ và gia đình Mẹ, mặc dù không hiểu tôi nói gì, nhưng qua sự giải thích của các con Mẹ rất mừng và ôm lấy tôi, dẫn tôi vào nhà rót nước mời uống bên cạnh bếp lửa hồng cùng với các con, các cháu của Mẹ. Năm nay đã bước sang tuổi 91, nhưng Mẹ vẫn còn minh mẫn, tuy đôi tai nghe không còn rõ lắm. Sau một hồi nói chuyện với gia đình, Mẹ dẫn tôi lên nhà trên (ngôi nhà được Sở Giáo dục và Đào tạo xây tặng vào năm 1980), Mẹ lấy cho tôi xem những tư liệu thời Mẹ còn đang hoạt động cách mạng và các Giấy khen, Bằng khen, Huân, Huy chương mà Mẹ và gia đình được vinh dự được trao tặng.
Huyện Tu Mơ Rông trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất nơi này từng là căn cứ cách mạng. Từ khi còn nhỏ Mẹ đã chứng kiến cảnh quân thù giày xéo quê hương, Mẹ sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng, chỉ có cách mạng mới giúp đồng bào mình thoát khỏi cảnh áp bức, giành lại cuộc sống bình yên cho đồng bào mình. Với niềm tin tưởng đó, năm 1959 Mẹ tham gia hoạt động cách mạng. Mẹ cùng dân làng đẩy mạnh sản xuất, thi đua lao động để tạo ra nguồn lương thực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu kháng chiến, góp phần cùng bà con, dân làng xây dựng xã thành vùng hậu cứ vững chắc, bảo đảm phục vụ hoạt động đánh địch.
Mẹ xây dựng gia đình với ông A Blanh (1920) và sinh được năm người con (3 gái, 2 trai). Năm 1953, Mẹ nhận nuôi A Hùng khi mới 5 tuổi. Chồng mẹ thoát ly từ tháng 01/1969, làm công tác Mặt trận của huyện H80. Ông đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 30 tháng 12 năm 1969, khi đang dự họp trong cơ quan Huyện ủy H80, bị địch đánh bất ngờ vào trụ sở, ông đã hy sinh.
Chồng hy sinh, nén đau thương Mẹ tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và tần tảo nuôi dạy các con khôn lớn. Noi gương cha mẹ, được các đồng chí cán bộ gần gũi, giúp đỡ, tháng 10 năm 1966, người con trai A Hùng đã lên đường nhập ngũ. Anh tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 304, Tỉnh đội Kon Tum. Sau thời gian công tác, anh được phân công chức vụ Tiểu đội phó. Ngày 30 tháng 01 năm 1968, trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, anh cùng đơn vị đánh vào thị xã Kon Tum. Trong trận đánh ác liệt đó, anh đã trúng đạn và hy sinh (do điều kiện chiến đấu ác liệt nên đồng đội không lấy được thi hài anh).
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình, các con Mẹ lớn lên đều tham gia làm cách mạng. Người con gái lớn của Mẹ là Y Bung trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chị là y tá của huyện H80 những năm 1970-1974. Anh A Phương tham gia hoạt động cách mạng những năm 1971-1975; sau giải phóng làm Phó Bí thư Xã đoàn Tu Mơ Rông; tháng 8 năm 1978, anh chuyển công tác qua Công an huyện Đăk Tô cho đến khi nghỉ hưu. Con trai A Phước là Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hà (1984-1987) và cũng là người nuôi dưỡng Mẹ. Hiện nay, các con của Mẹ đều sinh sống tại làng Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông.
Với những công lao cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của gia đình, năm 1968, Mẹ được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Quyết thắng Hạng Nhất; năm 1969, được Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Giải phóng Hạng Ba; năm 1981, được Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng bảng Gia đình vẻ vang; năm 1987, Mẹ được Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhất. Ngày 18 tháng 8 năm 2015 Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chồng mẹ năm 1987 được Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhất; Hội đồng Nhà nước Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng Huân chương chiến sỹ giải phóng Hạng Ba và Huân chương kháng chiến Hạng Nhất đối với anh A Hùng.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong và ngoài tỉnh đã thường xuyên thăm hỏi, động viên bằng những việc làm thiết thực như: thăm hỏi, động viên, nhận phụng dưỡng cho các Mẹ còn sống và xây dựng nhà tình nghĩa cho các Mẹ (năm 1980 Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây tặng gia đình mẹ ngôi nhà hiện mẹ đang sinh sống tại xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông; từ tháng 11-2017 Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời với số tiền 500.000 đ/ 01 tháng)…Bởi dù năm tháng sẽ đi qua, nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng nói chung, Mẹ Y Tría nói riêng sẽ sống mãi. Đảng, Nhà nước và Nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ những hy sinh, công lao, đóng góp của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta, lớp trẻ này nay đều hiểu rằng, cái giá của cuộc sống hôm nay là nhờ sự hy sinh của nhiều thế hệ đi trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ Việt Nam anh hùng như Mẹ Y Tría!
Bài, ảnh Nguyễn Thị Đảm