Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy“Về đẩy mạnh xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn”, LLVT tỉnh tổ chức triển khai hiệu quả công tác dân vận, chăm lo đời sống Nhân dân. Từ năm 2012 đến nay, LLVT tỉnh tổ chức tuyên truyền 312 buổi cho 33.889 lượt người; cử 25 đợt/228 cán bộ, nhân viên Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở xuống địa bàn nắm tình hình cơ sở, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với Nhân dân.
Đại tá Trịnh Ngọc Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, dấu ấn đậm nét nhất là trong hơn 10 năm qua, LLVT phối hợp các cơ quan, đơn vị thăm, tặng 61.232 suất quà với số tiền gần 35,5 tỷ đồng; tặng 11.950 bánh chưng cho 5.900 hộ nghèo; giúp 104 hộ nghèo; hỗ trợ 42.270 kg lương thực; hỗ trợ xây dựng 29 nhà Đại đoàn kết, trị giá 1,45 tỷ đồng; sửa chữa, làm mới nhà cho 82 hộ; cấp thuốc 7.400 lượt/475 triệu đồng; phối hợp tham gia làm 169 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 1 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại làng Ya De, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, trị giá 1,4 tỷ đồng; tặng 16 con bò cho 14 hộ gia đình nghèo, trị giá 128 triệu đồng; giúp 26 học sinh nghèo vượt khó, trị giá 180 triệu đồng; tặng quần áo, chăn màn cho người nghèo 12.750 bộ; huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận giúp Nhân dân 68.768 ngày công; hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, phân bón trị giá 256 triệu đồng.
Công tác dân vận của LLVT Kon Tum luôn gắn với chủ trương “Giảm nghèo bền vững”, phong trào “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, hành trình Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt, đoàn kết quân - dân, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Để làm tốt nhiệm vụ trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh kết hợp xây dựng khu vực phòng thủ đã được định hướng, lồng ghép trong các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm, dài hạn và trong các chương trình, đề án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Chủ động phối hợp tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phù hợp với các định hướng về quốc phòng, an ninh; xây dựng mới các quy hoạch tổng thể, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố, quy hoạch khu vực phòng thủ, gắn với huy động các nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các xã vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, tiến hành tổ chức khảo sát, triển khai xây dựng một số khu vực kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn các huyện biên giới. Xây dựng, mở rộng các công trình giao thông quan trọng và giao thông đến trung tâm các xã, đường tuần tra biên giới, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch khu vực phòng thủ. Phát triển các ngành kinh tế gắn với tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp quốc phòng, bảo đảm phát triển kinh tế theo hướng lưỡng dụng, vừa phục vụ dân sinh vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống. Thẩm định chặt chẽ về quốc phòng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo đúng chức năng, thẩm quyền; đề nghị phê duyệt vị trí đóng quân và bàn giao đất quốc phòng cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế - xã hội.
Bài, ảnh: Nguyễn Thanh Hải
(Đảng uỷ Khối CQ&DN tỉnh)