Nhận được Quyết định số 1135-QĐ/TU, ngày 12-4-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc thành lập đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, Nhà gian DK1 năm 2024”, tuy thời gian gấp gáp, nhưng tôi đã cố gắng sắp xếp công việc và chuẩn bị cho mình một số tư trang tối thiểu để lên đường…, vì đây là cơ hội hiếm có, là mong ước của tôi trong bấy lâu nay.
Đoàn công tác tỉnh Kon Tum gồm 15 thành viên, di chuyển bằng phương tiện xe ô tô xuống thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - Nơi tàu sẽ xuất cảng. Khoảng cách đường bộ chỉ hơn 300 km. Trong tôi, một cảm giác vô cùng phấn khởi và vui sướng - cảm giác rất giống với chuyến xe rời quê hương đi nhập trường đại học cách đây hơn 20 năm …
Đúng 8 giờ 30 phút ngày 17-4-2024, Tàu KN-491 rời đất liền vươn ra Biển Đông. Mỗi phút, mỗi giờ trên tàu, tôi dần cảm nhận được không khí ấm cúng, vui tươi trên “mái nhà chung” – mái nhà Đoàn công tác số 9 – Tàu Kiểm ngư KN-491. Ở đây, tất cả đều được sự quan tâm của Thủ trưởng đoàn và các vị lãnh đạo của các địa phương, đơn vị cùng đi; bên cạnh đó là sự an toàn, chu đáo, tận tâm, tận tình của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kíp Tàu KN-491. Trong hải trình, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tâm linh được Đoàn tổ chức, đã góp phần thắt chặt tình cảm quân – dân và mối quan hệ tình hữu giữa các đại biểu trong Đoàn.
Lần đầu tiên trong đời được “mục sở thị” các hòn đảo, Nhà giàn quý giá và thiêng liên của Tổ quốc, cảm nhận của tôi xin gói gọn trong hai từ cảm phục. Với cảnh tượng trước mắt, trong đầu tôi luôn luôn đặt câu hỏi “Với điều kiện khó khăn của ngày xưa, không biết bằng cách nào mà các bậc cha ông của chúng ta đã phát hiện và gìn giữ được những bãi chìm, bãi nổi giữa biển cả bao la rộng lớn vậy”. Đây thực sự là công lao to lớn mà thế hệ sau nhất thiết phải khắc cốt ghi tâm, phải biết gìn giữ…
Ngày nay, tuy điều kiện đã có nhiều thuận lợi hơn, song đối với Biển Đông của chúng ta, với các đảo, nhất là những hòn đảo chìm và hệ thống các Nhà giàn DK1 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, lẫn cả sự hiểm nguy. Khí hậu ở các đảo và Nhà giàn rất khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt, thiếu rau củ quả, thiếu sóng điện thoại, thiếu dịch vụ internet, thiếu tình cảm gia đình… Hơn nữa, các đảo và nhà giàn của chúng ta còn luôn phải đối diện với các lực lượng nước ngoài thường trực đe dọa.
Dẫu vậy, các cán bộ, chiến sĩ của chúng ta trên các đảo, nhà giàn mặc dù hầu hết tuổi đời còn rất trẻ, nhưng ý chí, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm thì hoàn toàn không non trẻ. Các anh chấp nhận gác lại gia đình, người thân, bạn bè phía sau để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu; ngày đêm vững tay súng bám biển, giữ trời, ra sức khắc phục khó khăn, thiếu thốn. Thăm vườn rau tăng gia của cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Núi Le B – một trong những đảo chìm có điều kiện khó khăn nhất, các đại biểu không khỏi trầm trồ khen ngợi. Trung úy Phan Văn Đạt, cán bộ Thông tin Đảo Núi Le B tâm sự: “Em đã tham gia công tác ở các đảo đến nay đã được hơn 60 tháng. Tuy nhiên, nếu đơn vị còn cần thì em vẫn tiếp tục xung phong”. Tôi cảm nhận rằng, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn ai cũng khắc ghi sự kiện Gạc Ma 1988, sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân năm đó, và ai cũng thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”.
Người dân Kon Tum hầu hết chỉ quen với núi, với rừng bạt ngàn, hùng vĩ. Biển, đảo đối với họ vẫn là khái niệm còn xa lạ. Qua chuyến công tác này, được chứng kiến tận mắt biển, đảo, nhà giàn, với tình cảm và trách nhiệm của một cán bộ làm công tác tuyên giáo, tôi nhất định sẽ cố gắng đưa hình ảnh của biển, đảo, cuộc sống sinh hoạt và bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên biển, đảo của chúng ta đến gần hơn với người dân Kon Tum.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải