Trước đó, ngày 14-02-2020, tại tài khoản facebook cá nhân của mình, M.T.N.B đã đăng tải bài viết có nội dung: “Nhật Bản kiểm soát gắt mà lên con số nhiễm dịch bệnh 247 người, còn VN thì chỉ có 16 người chứng tỏ VN mình quá giỏi phải không ah? Các bạn có thấy lạ không”. “nghe con bạn thân ở SG bên Q9 có 2 bé bị nhiễm mà không ai dám đăng lên”. Mặc dù sau đó, M.T.N.B đã xóa bài viết. Tuy nhiên, bài viết cũng xuất hiện nhiều bình luận xung quanh thông tin trên cho rằng “cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm, chưa kịp thời cách ly người đang sống ở vùng dịch; che giấu thông tin người bệnh..."; các thông tin trên đã gây hoang mang, lo lắng trong dư luận ở địa phương.
Ngày 18-02-2020, qua triển khai các biện pháp xác minh, Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Kon Tum phối hợp cùng Công an thành phố Kon Tum tiến hành làm việc đối với M.T.N.B. Tại đây, M.T.N.B đã thừa nhận hành vi đã đăng tải, chia sẻ một số thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng. Đồng thời viết cam kết không đăng tải những nội dung sai sự thật, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội.
Cũng tại đây, Cơ quan An ninh đã phân tích, giải thích để chủ tài khoản hiểu được những hoạt động của bản thân là vi phạm pháp luật; kết hợp chỉ rõ những tác động, ảnh hưởng của hành vi đó đối với dư luận xã hội.
Cùng với sự phát triển của đời sống, các trang mạng xã hội đã ngày càng có những ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức, tình cảm, thái độ hành vi của con người và toàn xã hội. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn có không ít người cho rằng mạng xã hội là môi trường “ảo” nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm. Suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm bởi việc tung tin thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi và hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ có hình phạt tương ứng. Cụ thể:
- Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (ngày 13/11/2013), người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”
- Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
- Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.
Đây là bài học sâu sắc cho những ai dùng mạng xã hội đăng tải những thông tin sai sự thật theo kiểu “nghe nói”, “nghe đồn”, chưa qua kiểm chứng gây hoang mang trong quần chúng nhân dân và làm tổn hại đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Trong thời gian tới, Công an tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định đối với việc đưa thông tin lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ lên môi trường mạng.
Bài, ảnh: Hoài Nhung