Là tỉnh miền núi nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có vị trí địa lý, chính trị hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển, vùng đất Kon Tum phải hứng chịu nhiều tổn thất bởi những cuộc chiến xâm lấn của các thế lực ngoại bang. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kéo dài gần một thế kỷ, nhân dân Kon Tum đã anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách với hai lần được chọn là hướng tấn công chủ đạo của hai chiến dịch lịch sử: chiến dịch Bắc Tây Nguyên Đông - Xuân 1953-1954 và chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972. Nhân dân các dân tộc Kon Tum có truyền thống đoàn kết, anh dũng bất khuất trước quân thù; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những năm 1975 - 1985, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cùng với sự chống phá của lực lượng phản động FULRO một lần nữa giày xéo lên vùng đất này, gây biết bao tổn thất, đau thương cho nhân dân Kon Tum.
Cũng chính những năm tháng hào hùng ấy, phẩm chất anh hùng, cách mạng trong đồng bào các dân tộc Kon Tum lại được nêu cao và phát huy triệt để; già, trẻ, gái, trai đều xông pha ra trận. Cùng với lực lượng bộ đội chủ lực - là những người từ các quê hương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Thái Bình…nhân dân Kon Tum đã đồng sức, đồng lòng chiến đấu đến ngày toàn thắng. Họ đã lập nên những chiến công hiển hách, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong số đó, có nhiều người đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ; rất nhiều người mẹ đã vĩnh viễn mất chồng, mất con trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có những người như mẹ Y Hleo, bản thân và gia đình đã đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và sau ngày đất nước thống nhất (1975) lại phải chứng kiến sự hy sinh anh dũng của chồng, con trong cuộc chiến chống FULRO. Và, có nhiều người mẹ, bản thân vừa là chiến sĩ, vừa là mẹ của những liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc…
Nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của những người lính anh dũng, những người mẹ Việt Nam anh hùng đã cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 29-8-1994 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định 176-CP ngày 20-10-1994 của Chính phủ về thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20-10-2012 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định 56/2013/NĐ-CP ngày 22-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; trong những năm qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã sát cánh cùng với gia đình, thân nhân các mẹ, các anh lập hồ sơ, đề nghị Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Theo đó, những năm 1995-2002, tỉnh Kon Tum có 60 bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và từ năm 2003 đến nay có thêm 64 bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu cao quý này.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành các địa phương thường xuyên tiến hành việc thăm hỏi, hỗ trợ, chăm lo, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân bằng những phần quà có ý nghĩa về vật chất và tinh thần; phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa” và coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đồng thời là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân. Rất tiếc là, hầu hết các Mẹ do tuổi cao, sức yếu đã mất; hiện toàn tỉnh chỉ còn hai Bà mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng Y Tría, (đang sinh sống tại làng Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) và Mẹ Đặng Thị Thu (hiện đang sinh sống tại phường Duy Tân, thành phố Kon Tum). Sự hiện diện của các Mẹ vừa là nguồn động viên, chỗ dựa tinh thần vừa là “chốn đi về” để các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh có cơ hội được gặp gỡ, chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ những năm tháng cuối đời.
Đặc biệt, nhằm tôn vinh cuộc đời, tấm gương cao đẹp của các “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2003 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo biên soạn và phát hành tập sách “Chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Kon Tum” vào dịp kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975-16/3/2003). Từ năm 2018 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành việc sưu tầm, biên soạn sách “Chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Kon Tum, tập 2”. Tập sách phản ánh chân dung của 65 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (gồm mẹ Nguyễn Thị Chanh đã được phong tặng trước đây, nhưng chưa được thể hiện trong tập sách xuất bản năm 2003) và 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh được phong tặng, truy tặng từ sau năm 2002. Đến nay, công tác rà soát, biên tập đã hoàn tất, dự kiến tập Sách sẽ được in, phát hành nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/71047-2021). Đây là hình thức tôn vinh có ý nghĩa tinh thần lâu dài, là niềm tự hào không chỉ của thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh hiện nay mà cả các thế hệ mai sau.
Bài, ảnh: Trần Thị Sáu