Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, trong những năm gần đây, công tác dân tộc càng được được quan tâm, đẩy mạnh. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 14-CT/TU và các văn bản liên quan về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các các chính sách dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong 5 năm qua, các cấp, ngành đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 2.941 lượt người có uy tín và tổ chức cho người có uy tín thăm quan, học tập kinh nghiệm (mỗi năm 01 đợt) tại các tỉnh, thành trong nước; thăm hỏi 17.862 lượt người có uy tín nhân dịp tết Nguyên đán, khi người có uy tín ốm đau, khó khăn...; cung cấp Báo Dân tộc và Phát triển, báo ảnh Kon Tum cho người có uy tín. Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 cho 7.599 lượt hộ đồng bào DTTS, với tổng kinh phí thực hiện là 101.435,3 triệu đồng. Đối với các DTTS rất ít người, giai đoạn 2016-2025, đã đầu tư xây dựng mới 02 công trình giao thông, sửa chữa 01 công trình thủy lợi, 01 nhà rông và 02 nhà ở truyền thống; xây dựng mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, vật tư phân bón, chuồng trại chăn nuôi; tập huấn nâng cao năng lực, trình độ sản xuất… Việc bố trí, sắp xếp dân cư, phát triển hạ tầng cơ sở; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm, đã triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giãn dân tại làng Xộp, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy; tiếp tục thực hiện Đề án di dân bố trí sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai. Đến nay, có khoảng 98,15% hộ DTTS có đất ở; 97,8% hộ DTTS có đất sản xuất. Quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách miễn, giảm học phí, nội trú, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên là người DTTS rất ít người, trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người DTTS theo quy định. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm; đã triển khai hiệu quả chương trình vay vốn giải quyết việc làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động có nhu cầu, tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, các loại vật tư, tư liệu phục vụ cho việc phát triển sản xuất. Từ năm 2018 đến nay đã cho vay giải quyết việc làm cho 11.088 lao động (trong đó DTTS là 7.600 lao động, chiếm 68,54%). Thực hiện chính sách về giáo dục, nòng cốt là Đề án "về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020". Giai đoạn 2018-2021, tỉnh đã chỉ đạo huy động các nguồn lực tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho học sinh vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần duy trì sĩ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn. Đã ưu tiên bố trí vốn Trung ương từ Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn để thực hiện đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng cho 51 trường phổ thông dân tộc bán trú và 81 trường phổ thông có học sinh bán trú, với số tiền 93.949 triệu đồng; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương để thực hiện sửa chữa các hạng mục cho 21 trường PTDT bán trú với số tiền là 20.312 triệu đồng.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 15.943 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó hộ nghèo DTTS là 15.215 hộ, chiếm 95,43%); 8.857 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 6,03% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó hộ cận nghèo DTTS 7.936, chiếm tỷ lệ 89,60%).
Công tác giáo dục tiếp tục chuyển biến tích cực; tỷ lệ huy động trẻ DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học ra lớp tăng; chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS ngày càng được nâng lên. Lĩnh vực y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư; hầu hết nguồn lực y tế, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; 100% trạm y tế có bác sỹ; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; công tác đào tạo, nâng cao năng lực y tế cơ sở được chú trọng. Chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định; từ năm 2018 – 2022, tổng số người được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT là 920.780 người (người DTTS do ngân sách nhà nước đóng: 902.009 người; người DTTS được nhà nước hỗ trợ đóng: 18.771 người). Công tác sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các di sản, bản sắc văn hoá, nghề truyền thống tiêu biểu của đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm thực hiện; đã sưu tầm, ghi chép được trên 150 bài chiêng cổ của đồng bào các DTTS tại chỗ; hỗ trợ 15 bộ cồng chiêng, trống; tổ chức 15 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang; tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; xây dựng mô hình điểm sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum và tổ chức các lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó, chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng DTTS trên sóng phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử tổng hợp được nâng cao; đã sản xuất, phát sóng các chương trình bằng tiếng phổ thông và 4 tiếng DTTS: Bahnar, Xê đăng, Jẻ Triêng và JaRai.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở; tổ chức đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý cán bộ là người DTTS đã được các cấp ủy chỉ đạo thực hiện thường xuyên; đội ngũ cán bộ là người DTTS tăng về số lượng, chất lượng và được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm gắn với công tác sử dụng, quản lý (Từ năm 2018-2021, CBCCVC người DTTS là 3.592 người (tỷ lệ 20,29%); đại biểu Quốc hội là 03/6 (tỉ lệ 50%); đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh là 25/51 (tỉ lệ 49,02%), cấp huyện 140/316 (tỉ lệ 44,3%), cấp xã 1.035/2.162 (tỉ lệ 47,87%). Giai đoạn năm 2018-2022 có 4.098 lượt cán bộ, công chức là người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng).
Nhìn chung trong những năm qua, nhất là sau khi có Chỉ thị số 14-CT/TU, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm và thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện; công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục và các hoạt động văn hóa, thể thao đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được nâng lên; đã phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…; qua đó, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nói trên, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao; công tác giảm nghèo chưa bền vững; việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc có lúc chưa kịp thời, tiến độ còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra; việc giải quyết các vấn đề trong một số dự án tái định canh, tái định cư cho đồng bào DTTS còn tồn tại, bất cập…
Trên sở những kết quả, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, phục vụ đời sống tinh thần của người dân; ưu tiên rà soát và có giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề còn bất cập của một số dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng DTTS.
Ba là, thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân tộc các cấp nói riêng. Xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ cốt cán, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Trong đó, thường xuyên phát động và nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, điển hình tiên tiến trong hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, tích cực lao động sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải