Những ngày này, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona đang là mối quan tâm hàng đầu của cả thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh này. Tại Việt Nam, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đang được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước chung tay chống dịch với tinh thần quyết tâm cao nhất thì trên mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân vì nhiều mục đích khác nhau đã đăng tải, chia sẻ tin, bài sai sự thật về tình hình dịch bệnh gây hoang mang dư luận quần chúng nhân dân.
Thời gian vừa qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch như: Có hàng chục trường hợp nhiễm bệnh ở địa phương; ở địa phương khác đã có người nhiễm bệnh vi rút Corona; ngay bên cạnh bạn có người đã nhiễm bệnh, cần hành động gấp; có trường hợp người Trung Quốc tử vong tại khu công nghiệp VSIP (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), lưu ý mọi người phải cẩn thận... Gần đây, sáng ngày 06/02/2020, Công an TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Như Ý (18 tuổi, ngụ xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng xã hội (facebook) về dịch viêm đường hô hấp cấp do virut Corona gây ra. Trước đó, khoảng 13h, ngày 31/1/2020, trong lúc vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang để thăm người thân, tại đây Ý đã sử dụng trang facebook cá nhân tên “Halen Trần” đăng tải dòng trạng thái phản ánh không đúng sự thật có liên quan đến dịch cúm do virus Corona gây ra với nội dung “…sợ quá bệnh viện đa khoa Rạch Giá vừa nhập vô 1 ca nhiễm virus Corona…”. Sau đó, dòng trạng thái này được chia sẻ ồ ạt và nhiều người bình luận khiến người dân trong tỉnh hoang mang.
Điều đáng chú ý, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tất cả những thông tin thiếu kiểm chứng về dịch bệnh Corona đều được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và tạo dư luận hoang mang trong người dân. Hiện Công an các đơn vị, địa phương cả nước đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết, yêu cầu gỡ bỏ. Bên cạnh đó, tiếp tục làm rõ hơn 41 trường hợp không hợp tác hoặc có những biểu hiện không thực hiện việc xử phạt này để củng cố tài liệu và xử lý hình sự nếu đủ điều kiện. Tất cả các trường hợp bị triệu tập đều có cam kết, nếu tái phạm và xét thấy đủ điều kiện sẽ xử lý hình sự để tránh gây hoang mang cho nhân dân.
Hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật tác động lớn đến tâm lý người dân, gây hoang mang, lo sợ trong cộng đồng. Những đối tượng tung tin giả vì nhiều mục đích khác nhau, có thể do mưu đồ trục lợi, hay đơn giản chỉ là thu hút sự chú ý từ mọi người nhằm có nhiều view, nhiều like, hoặc thậm chí nắm bắt thông tin không đầy đủ, kịp thời, không kiểm chứng và vô tư đăng lên trang facebook cá nhân mà không hề nghĩ hậu quả gây ra trong cộng đồng. Thậm chí, có những trường hợp, giả vờ bị nhiễm virut Corona để làm video clip, chỉnh sửa kết quả xét nghiệm dương tính virut Corona giả mạo rồi đăng trang cá nhân để gây sự chú ý, câu like từ cộng đồng mạng. Vậy mới thấy, ý thức sử dụng mạng xã hội trong một bộ phận người dân còn khá hạn chế. Chỉ vì những sở thích cá nhân, tâm lý tò mò, thích gây sự chú ý, họ đã vô tình đẩy cả xã hội vào tâm lý hoang mang, rối bời.
Hậu quả của những hành vi này là hết sức nguy hại. Dù chỉ là tâm lý chơi đùa, vô lo vô nghĩ nhưng hậu quả gây ra đối với cộng đồng là rất lớn. Bởi ai trong chúng ta đều hiểu rằng, khi dịch bệnh Corona đang có xu hướng lây lan nhanh và bùng phát thành đại dịch, tại Việt Nam hiện đã có hơn 10 người dương tính với virut này thì tâm lý lo lắng của người dân đối phó với dịch bệnh là điều tất yếu. Khi đã ở tâm lý lo lắng, mọi thông tin tiêu cực về dịch bệnh dù đúng hay sai đều tác động mạnh mẽ đến tinh thần của họ dẫn đến hành vi tiêu cực như tiếp tục chia sẻ, truyền miệng những thông tin sai sự thật. Cùng với đó, hệ lụy thấy rõ nhất là việc người dân đi xếp hàng, chen chúc, thậm chí là tranh giành nhau mua khẩu trang y tế, dung dịch vệ sinh diệt khuẩn để phòng dịch, điều này đã tạo cơ hội cho kẻ làm ăn bất chính găm hàng, tăng giá đột biến... Đây đều là diễn biến tâm lý đám đông dễ hiểu khi điều mà họ quan tâm, chú ý bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm.
Lo ngại hơn, những hành vi này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội. Một khi dư luận xã hội xôn xao, tâm lý người dân không yên, hoang mang vì những tin đồn thất thiệt sẽ khiến tình hình phòng, chống dịch bệnh càng thêm khó khăn, phức tạp. Trong công điện gửi các đơn vị trực thuộc và Công an các tỉnh, thành phố, Bộ Công an cũng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý người tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát trong nước.
Vậy, để không bị nhiễu loạn thông tin, nảy sinh tâm lý hoang mang, trong những ngày này, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Từ những khuyến cáo của Bộ Y tế và các sở, ngành, địa phương về kỹ năng phòng ngừa dịch bệnh, người dân cần thực hiện nghiêm túc, không để lây lan dịch bệnh.
Về tình hình diễn biến dịch bệnh ở từng địa phương và trên cả nước, hằng ngày, đều được các cơ quan báo chí chính thống, các bộ, ngành, địa phương thông báo cụ thể và khuyến cáo đầy đủ. Vì vậy, khi tiếp cận thông tin, cần có sự chọn lọc, chỉ tiếp thu thông tin từ báo, đài, kênh truyền hình chính thống; tuyệt đối không tin, không nghe, đăng tải, chia sẻ thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận quần chúng. Mỗi người dân và cả nước cần bình tĩnh chung tay phòng, chống dịch bệnh Corona, đừng để những tin đồn thất thiệt gây ra những hậu quả không đáng có!
Hồ Thị Khánh Vi