Việc thực hiện các chủ trương, dự án phát triển kinh tế, xã hội sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ của một bộ phận quần chúng nhân dân, các vấn đề xã hội như: thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu việc làm, chênh lệch giàu nghèo, chính sách khoán giữa các hộ liên kết với các nông trường thiếu bền vững, chưa tôn trọng quyền lợi của người lao động... dẫn đến tình hình khiếu kiện trên địa bàn tỉnh dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng việc phát sinh các vụ việc mới và tái phát đối với những vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là khiếu kiện về nguồn gốc đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đòi lại cơ sở cũ của các tôn giáo. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, FULRO lưu vong sẽ tăng cường lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta, kích động tập trung khiếu kiện đông người, tiến hành các hoạt động chống đối, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đặc biệt là khiếu kiện liên quan đến dân tộc, tôn giáo.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra không ít vụ việc có tính chất “điểm nóng” liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện. Năm 2001, 27 hộ dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum khiếu kiện về việc quy hoạch đất và cấp đất ở, đất sản xuất không công bằng; các đối tượng tuyên truyền “Nhà nước Đê ga” lợi dụng, kích động quần chúng làm đơn gửi các cấp chính quyền và gửi ra nước ngoài. Khi ta triển khai lực lượng bắt, xử lý đối tượng Jean Đăk (tự phong là Phó tỉnh trưởng “Nhà nước Đê ga”) thì các đối tượng cốt cán “Nhà nước Đê ga” kích động dân ra cản trở, dùng đất đá, gậy gộc đập phá xe công vụ, yêu cầu thả đối tượng Jean Đăk. Năm 2005, 107 hộ dân người dân tộc thiểu số ở các thôn Kơtu, Đăk Wơk không chấp hành chủ trương di dời đến khu tái định cư ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã bị 14 đối tượng, hầu hết là FULRO lợi dụng “Tà đạo Hà Mòn” để tuyên truyền, kích động, gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn trong thời gian dài. Vụ việc khiếu kiện, lấn chiếm, tranh chấp đất đai của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trú tại thôn Kon Rờ Bàng 1, 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum với một số hộ người Kinh đang sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phường Nguyễn Trãi, xã Đoàn Kết và khu đất vườn ươm do UBND thành phố Kon Tum quản lý trên địa bàn xã Đoàn Kết. Vụ tranh chấp đất đai tại khu thực hiện Đề án giãn dân, tái định cư các làng đồng bào dân tộc thiểu số thôn 4, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Vụ việc khiếu nại đòi trả lại đất ruộng tại thôn Tập đoàn 1, xã Đăk Blà và của 16 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trú tại thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum. Vụ việc một số người dân thôn Plei Sa, thôn Lâm Tùng thuộc xã Ia Chim, thành phố Kon Tum tranh chấp đất đai với Công ty TNHHMTV cao su Kon Tum kéo dài từ năm 2016 đến năm 2019, một số đối tượng cầm đầu chống đối đã kích động, xúi giục một bộ phận người dân thôn Plei Sa, xã Ia Chim kéo ra cản trở, có hành vi rất manh động, hung hăng, sử dụng hung khí chống người thi hành công vụ, đập phá máy móc, cố ý gây thương tích cho lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ…
Rút kinh nghiệm từ những vụ việc nói trên, để xử lý tốt những vấn đề trong công tác giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân và giải quyết các điểm nóng về chính trị - xã hội, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân hiểu và nắm rõ pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, bọn tội phạm lợi dụng tranh chấp, khiếu kiện để xúi giục, kích động gây biểu tình, bạo loạn xâm phạm an ninh quốc gia.
Thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số các vụ tranh chấp khiếu kiện bắt nguồn từ một bộ phận quần chúng do nhiều nguyên nhân cụ thể khác nhau. Chính vì vậy, để giải quyết triệt để tranh chấp khiếu kiện phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, tức là giải quyết tranh chấp khiếu kiện ngay từ cơ sở, từ trong lòng một bộ phận quần chúng có bức xúc về quyền lợi của mình. Mặt khác, có làm tốt tuyên truyền, vận động quần chúng mới đảm bảo để quần chúng thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo của mình theo đúng pháp luật không bị kẻ địch và phần tử xấu lợi dụng.
Đại đa số người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa chưa nắm được Luật hoặc nắm chưa chắc các nội dung cơ bản của Luật. Bởi vậy, cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức họp dân để vận động, tuyên truyền cho dân thông suốt những quy định của pháp luật về những vấn đề có liên quan đến công tác khiếu nại, tố cáo. Khi xảy ra khiếu nại thì việc giải quyết khiếu nại phải có cán bộ Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể tham gia từ giai đoạn đầu, các cơ quan chức năng cần phải tôn trọng ý kiến của cán bộ Hội để từ đó thảo luận đưa ra hướng giải quyết cho hợp tình, hợp lý đảm bảo quyền, lợi ích của dân.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về âm mưu của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước và những đối tượng xấu luôn tìm cách lợi dụng tranh chấp khiếu kiện để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, gây thiệt hại cho Nhà nước Việt Nam. Thực tế cho thấy các tổ chức phản động lưu vong như: Đảng “Việt Tân”, “Vì Dân”, “Đảng nhân dân hành động”… đã lợi dụng khiếu kiện để lôi kéo, lừa gạt người dân nhằm gây áp lực với chính quyền, xâm phạm an ninh trật tự.
Để xử lý những vấn đề hạn chế trong công tác giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân có thể có rất nhiều nhóm giải pháp, như việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đủ mạnh để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, hoàn thiện các cơ chế chính sách; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và đoàn thể trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện… Trong đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân hiểu và nắm rõ pháp luật về khiếu nại, tố cáo là giải pháp quan trọng góp phần tạo được tiếng nói chung giữa người dân với cán bộ, với chính quyền; qua đó ngăn chặn được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng khiếu kiện để kích động Nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Bài, ảnh: Ngô Đức Hải