Tham gia các hoạt động có đồng chí Nguyễn Kim Thái, Phó Trưởng ban, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các đoàn viên CĐCS Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.
Trong thời gian 01 ngày, được sự phối hợp của Đảng uỷ, UBND xã Măng Bút (huyện Kon Plông), Công đoàn cơ sở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đến thăm, động viên và tặng quà cho 04 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại thôn Măng Bút, xã Măng Bút (thôn được phân công phụ trách, giúp đỡ); tổ chức cho đoàn viên tham quan, tìm hiểu về Di tích lịch sử Cách mạng Chiến thắng Măng Bút và đời sống, phong tục tập quán của Nhân dân xã Măng Bút hôm nay.
Trước những năm 1974, Măng Bút được Mỹ- Ngụy xây dựng thành một trong số cứ điểm quan trọng ở vùng Đông Trường Sơn. Tại trung tâm Quận lỵ Măng Bút, một sân bay dã chiến được xây dựng phục vụ cơ động vận chuyển lực lượng và vũ khí, đạn dược của địch. Trên mặt đất, hệ thống đồn bốt dày đặc. Riêng hệ thống công trình quân sự đều được làm ngầm dưới lòng đất. Người dân Xê Đăng ở Măng Bút bị dồn vào ấp chiến lược, sống cảnh “cá chậu chim lồng” cơ cực. Ở cứ điểm này, địch bố trí 500 quân thường trực, không chỉ được trang bị pháo binh, mà còn có cả máy bay yểm trợ.
Những năm tháng kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, người dân ở xã Măng Bút, huyện Kon Plông một lòng đi theo cách mạng, theo Đảng, góp phần đánh thắng các thế lực xâm lược, giải phóng quê hương. Chiến thắng Măng Bút 20-8-1974 có ý nghĩa quan trọng, tạo bàn đạp để giải phóng tỉnh Kon Tum, đồng thời giúp hàng ngàn người dân Xê Đăng nhánh Ca Dong ở khu vực này thoát khỏi ách kìm kẹp của chế độ cũ.
50 năm sau chiến thắng Măng Bút, khu vực sân bay dã chiến của địch năm xưa đã trở thành tuyến đường xương sống nối trung tâm xã Măng Bút với các thôn, làng gần, xa. Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội xã Măng Bút, huyện Kon Plông cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương. Di tích lịch sử Cách mạng Chiến thắng Măng Bút luôn là điểm đến của người dân, nhất là thế hệ trẻ trong xã. Truyền thống cách mạng của người dân Măng Bút là điểm tựa vững chắc, là sức mạnh đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của vùng đất nơi đây.
Thông qua các hoạt động nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc trong đoàn viên CĐCS Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đồng thời làm tốt công tác an sinh xã hội hướng về cơ sở, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
Tin, ảnh: Lê Trung Phương