Quyết định ra đời giữa bối cảnh các chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) chứa nội dung tiêu cực, phản cảm, phát ngôn gây thù hận, xúc phạm danh dự cá nhân... tràn lan trên mạng xã hội. Cần rốt ráo chấn chỉnh hoạt động này theo những quy tắc vừa được ban hành, vừa bảo đảm quyền tự do cá nhân, kinh doanh, vừa lành mạnh mạng xã hội.
Tại Việt Nam, người dùng thường sử dụng tính năng livestream cho các mục đích chính như: kinh doanh online, để được nổi tiếng, được công nhận hay tăng lượng theo dõi... Việc lợi dụng livestream để thực hiện các hành vi tiêu cực không phải mới nhưng diễn biến ngày càng phức tạp và mức độ cũng nghiêm trọng hơn. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội, trong đó có livestream để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật (chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác);
sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "rác" livestream nhan nhản trên mạng xã hội mỗi ngày. Nhìn một cách khách quan, bên cạnh các vấn đề căn cơ từ cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, hiện tượng này cũng cần đặt trong tổng thể về trình độ dân trí, xã hội và nhu cầu thưởng thức các giá trị tinh thần của công chúng.
Theo thống kê, năm 2020 có 64% dân số nước ta sử dụng điện thoại thông minh, trong đó, người dùng đã dành 25% thời gian sử dụng thiết bị này để lướt Facebook và 12% thời gian xem Youtube. Như vậy, trung bình có khoảng 24 triệu người dành 37% thời gian trong ngày (khoảng hơn 8 giờ) cho mạng xã hội. Trong số này, một bộ phận không nhỏ quan tâm đời tư cá nhân, những video giải trí nhảm nhí. Vì thế, không khó hiểu khi có tới gần nửa triệu lượt người theo dõi một cá nhân livestream chỉ để "bóc phốt" những thị phi trong giới giải trí. Chưa kể, không ít người, nhất là giới trẻ còn thích thú với những video tràn ngập yếu tố bạo lực, các phát ngôn gây thù hận, kích động...
Chính bởi thị hiếu như vậy, nên những người cung cấp nội dung tất yếu sẽ phát triển theo hướng đó, để thu hút nhiều lượt like, lượt view, tăng tương tác cho kênh của mình, từ đó tăng nguồn thu từ quảng cáo.
Chấn chỉnh, xử lý những vi phạm trên mạng xã hội, trong đó có livestream là việc cần thiết và cần được làm rốt ráo bởi "rác mạng" không chỉ tác động tiêu cực đến dư luận mà còn ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Gần đây, các cơ quan quản lý cũng ra nhiều văn bản, quyết định với mục đích, quyết tâm cao dọn "rác mạng".
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành là động thái cần thiết và đúng lúc. Tuy không có tính bắt buộc thực thi như một văn bản pháp luật nhưng Bộ quy tắc cũng tạo khuôn khổ quan trọng để có những chính sách rõ ràng, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Ðồng thời, có tác dụng định hướng, giúp điều chỉnh hành vi của người sử dụng, cách thức để ứng xử lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
KHÁNH MINH
https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/can-tuan-thu-bo-quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-652090/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn