Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Tin tức tổng hợp tuần 3 (tháng 06-2017)

Nhà báo Trịnh Văn Tâm - Tổng Biên tập Báo Kon Tum, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao giải cho các vận động viên (nguồn ảnh: baokontum.com.vn)

1. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM CỦA TỈNH TRONG TUẦN:

* Sáng 12-6, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức khai mạc Giải bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lần thứ XVII.

Tham gia giải có 4 đội bóng đá nam và 4 đội bóng đá nữ với 80 cầu thủ của các đơn vị: Cơ sở Vinh Sơn 1, Cơ sở Vinh Sơn 2, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh , Trại phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum).

Đây là giải bóng đá truyền thống được tổ chức hàng năm dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; tạo cơ hội cho các em được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc rèn luyện thể dục thể thao; đồng thời cũng là một trong những hoạt động bổ ích, thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em (1-30/6/2017).

Giải diễn ra trong 3 ngày, từ 12-14/6, thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm để xếp hạng nhất, nhì, ba.

* Chiều 12-6, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với UBND xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) tiến hành kiểm tra đột xuất công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Phương Hoa (thôn Đăk Sút, xã Đăk Kroong).

Nội dung kiểm tra tập trung vào hoạt động tập kết bã sắn gây ô nhiễm nguồn nước (giếng đào) của những hộ dân xung quanh bãi tập kết theo thông tin phản ánh trong bài viết “Ô nhiễm các giếng nước gần Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa” đăng trên Báo Kon Tum điện tử ngày 11/6; lấy mẫu nước giếng để phân tích, xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm; phát hiện và chấn chỉnh ngay các sai phạm về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty TNHH Phương Hoa khẩn trương hoàn tất việc giải tỏa bãi tập kết bã sắn cạnh nhà máy, trả lại hiện trạng mặt bằng như ban đầu; hoàn thành việc lắp đặt đường ống, bồn chứa nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và các hộ có nhu cầu; hoàn tất việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt loại A và lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động liên tục.

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị UBND xã Đăk Kroong tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các yêu cầu trên của nhà máy cũng như công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới; phát hiện và thông báo kịp thời các vi phạm cho ngành chức năng; kiểm tra, xử lý việc tập kết bã sắn trên bãi bồi sông Pô Kô...

* Chiều 13-6, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ký cam kết tuân thủ các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước và thu hồi sim kích hoạt sẵn sai quy định đang lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông phổ biến, quán triệt những nội dung quan trọng, nội dung mới quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuê bao di động trả trước và quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…

Tại hội nghị, lãnh đạo 3 doanh nghiệp viễn thông là Viettell Kon Tum, Mobifone Kon Tum và Trung tâm Kinh doanh VNPT Kon Tum đã ký cam kết với Sở Thông tin và Truyền thông 8 nội dung trong việc thực hiện quản lý thuê bao di động theo đúng quy định tại Nghị định 49; cam kết thực hiện đúng theo cam kết mà các tập đoàn, tổng công ty, công ty đã ký với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 28/10/2016 về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối và thực hiện việc quản lý theo đúng quy định…

* Chiều 13-6, Sở GD&ĐT và Sở LĐTB&XH tổ chức ký kết kế hoạch liên ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 -2020, phấn đấu có 80% người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương.

Tại buổi ký kết, đại diện lãnh đạo hai đơn vị đã tham gia ý kiến, thống nhất ký kết kế hoạch liên ngành phấn đấu mục tiêu chung nâng cao dân trí, đến cuối năm 2020, 80% công dân của tỉnh đến hết tuổi 21 đạt được trình độ học vấn trung học (bao gồm trung học phổ thông và trung cấp). Trong đó, chỉ tiêu thực hiện cụ thể về đào tạo thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông là 60%; đào tạo thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp 20%. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hội nhập với giáo dục khu vực và thế giới.

Đối tượng và phạm vi áp dụng triển khai kế hoạch trên bao gồm, thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 18 tuổi đã tốt nghiệp trung học cơ sở, chưa hoàn thành chương trình trung học phổ thông, hoặc chưa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp; có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại tỉnh Kon Tum, có thể học theo một trong các chương trình trên.

Căn cứ các chỉ tiêu trên, hai đơn vị cũng thống nhất sắp tới sẽ thường xuyên phối hợp, triển khai cụ thể công tác thông tin truyền thông; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; huy động tối đa học sinh ra lớp, giảm tỉ lệ học sinh lưu ban bỏ học; nâng cao chất lượng dạy học và đào tạo nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất, làm tốt công tác chính sách đối với người học và thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách của Trung ương về hỗ trợ học sinh và mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với người học.

Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 424 cơ sở giáo dục phổ thông với tổng số 148.081 học sinh và 11.882 cán bộ quản lý, giáo viên,  nhân viên; có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, qui mô đào tạo 6.600 học viên/năm, đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện đi vào hoạt động 185 người.

* Sáng 13-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại các Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, THPT Lê Lợi và PT DTNT tỉnh.

Sau khi trao đổi, tìm hiểu tình hình công tác chuẩn bị tại điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, THPT Lê Lợi và PT DTNT tỉnh, đoàn đã trực tiếp đi kiểm tra bàn ghế, hệ thống điện, nước tại các phòng thi, khu vực sao y, chấm thi; sự chuẩn bị về nhân lực bảo vệ và y tế… Đoàn đánh giá hiện các điểm thi cơ bản thực hiện tốt sự chuẩn bị theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Trong quá trình kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị của các trường; đồng thời đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thiện sửa chữa, bổ sung bàn ghế, các bóng điện chiếu sáng, quạt mát tại các phòng thi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cần bố trí các phòng thi, phòng giám thị hợp lý, an toàn. Đặc biệt, phải chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có phương án đề phòng trường hợp mất điện và các tình huống phát sinh có thể xảy ra. Riêng đối với Trường PTDTNT tỉnh, ngay từ thời điểm này, nhà trường cần thường xuyên quản lý, đôn đốc các em sinh hoạt có khoa học, giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân và khu tập thể; hợp đồng với các điểm kinh doanh thực phẩm sạch nhằm đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tỉnh Kon Tum có 13 điểm thi với tổng số 4077 thí sinh. Tại điểm Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có 16 phòng thi, thí sinh dự thi gồm 201 học sinh của trường và 168 học sinh của Trường THPT Trường Chinh. Trường THPT Lê Lợi có 9 phòng thi, 100% thí sinh là học sinh của trường và Trường PTDTNT tỉnh có 8 phòng thi, bao gồm 114 học sinh của trường và 65 học sinh Trường THPT Phan Bội Châu. Đây đều là các điểm thi tập trung đông thí sinh của tỉnh.

* Ngày 14-6, Huyện đoàn Ngọc Hồi tổ chức Lễ ra quân triển khai Chiến dịch mùa hè xanh tình nguyện gắn với hành quân hướng về cơ sở năm 2017 theo chủ đề “Tuổi trẻ Ngọc Hồi chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị”.

Với phương châm “Mỗi thanh niên một hành động, mỗi cơ sở Đoàn có ít nhất một hoạt động tình nguyện”, Ban Thường vụ Huyện đoàn Ngọc Hồi đã phát động các phong trào thi đua thực hiện các công trình, phần việc thanh niên chào mừng đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2017-2022). Đồng thời, kêu gọi mỗi cơ sở Đoàn xây dựng, thực hiện các công trình, phần việc cụ thể, thiết thực gắn với chương trình công tác năm 2017 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo kế hoạch, trong thời gian diễn ra chiến dịch (từ ngày 14/6 đến ngày 6/7), lực lượng đoàn viên thanh niên sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức làm đường bê tông liên thôn dài hơn 300m tại thôn 3 (xã Đăk Kan); sửa chữa mặt đường, nạo vét kênh mương hai bên đường, đoạn qua thôn Hào Lý (xã Sa Loong) dài hơn 500m; tổ chức sinh hoạt kỹ năng cho đoàn viên thanh niên, sinh hoạt hè cho các em học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lồng ghép tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống tai nạn đuối nước, giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên... và tặng quà cho một số gia đình chính sách trên địa bàn xã Đăk Kan và Sa Loong.

Ngoài ra, lực lượng đoàn viên thanh niên cũng sẽ tổ chức các buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường và chỉnh trang đô thị tại các trục đường chính, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên địa bàn thị trấn Plei Kần và khuôn viên khu hành chính huyện Ngọc Hồi.

Ngay sau lễ ra quân, lực lượng đoàn viên thanh niên đã tiến hành đổ bê tông đường liên thôn thôn 3, xã Đăk Kan.

* Ngày 14-6, Hội Cựu chiến binh huyện Đăk Glei tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Nhiệm kỳ 2012 – 2017, các cấp Hội CCB huyện Đăk Glei không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Các cấp Hội đã tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phát hiện những vấn đề nảy sinh, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng kịp thời giải quyết, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các cấp Hội đã động viên CCB nêu cao tinh thần tự lực tự cường, giúp nhau làm kinh tế, phấn đấu giảm nghèo và vươn lên làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực, hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.

Phát huy truyền thống Bộ độị Cụ Hồ, với tinh thần Trung thành – Đoàn kết – Gương mẫu – Đổi mới, nhiệm kỳ 2017 – 2022, cán bộ, hội viên CCB huyện Đăk Glei tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ VI đã đề ra, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đại hội đã bầu 14 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội CCB huyện nhiệm kỳ 2017 – 2022 gồm 14 ủy viên, bầu 18 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Hội CCB cấp trên.

* Ngày 14-6, 3 đồn Biên phòng là Sa Thầy, Hồ Le, Sê San thuộc BĐBP tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp (giai đoạn 2017-2021) với các nông trường trực thuộc Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray.

Theo đó các đồn Biên phòng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và cán bộ, công nhân các Nông trường Cao su trên địa bàn các xã biên giới tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANCT và TTATXH. Phối hợp với các nông trương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng các điểm sáng về kinh tế, văn hóa xã hội tại các xã Biên giới. Huấn luyện quân sự, nghiệp vụ và hướng dẫn phương pháp bảo vệ an ninh trật tự cho lực lượng tự vệ của các Nông trường, nhà máy cao su. Cách phòng chống trộm cắp, buôn bán mủ cao su trái phép, phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn.

Còn đối với các Nông trường phối hợp với các đồn Biên phòng tham giúp đỡ nhân dân phát triển KT,VH, XH, xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng các công trình dân sinh góp phần cải thiện đời sống cho người dân ở khu vực biên giới. Tham mưu cho chính quyền địa phương đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn các Nông trường trồng cao su đứng chân, từ năm 2017 trở đi tập trung đầu tư kinh phí xây dựng điểm một thôn (làng) trong xã biên giới.

* Chiều 14-6, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp Đại học cho 176 tân cử nhân, tân kỹ sư được đào tạo tại Phân hiệu từ năm 2012 đến năm 2017.

Trong 176 tân cử nhân, tân kỹ sư được trao bằng đợt này có hơn 60 tân cử nhân, tân kỹ sư được đào tạo hệ chính quy; còn lại được đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học với các chuyên ngành được đào tạo: Xây dựng cầu đường, Kinh tế xây dựng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Công nghệ sinh học, Luật và Công nghệ thông tin.

Nhân dịp này, Phân hiệu đã trao thưởng cho sinh viên thủ khoa các ngành đào tạo và Ban cán sự lớp có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, tổ chức lớp học.

* Ngày 15-6, Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của tỉnh do đồng chí Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại các hội đồng thi và điểm thi trên địa bàn 4 huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi và Đăk Glei.

Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh đã làm việc với cán bộ quản lý các trường: THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Đăk Hà), THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Đăk Tô), THPT Nguyễn Trãi (Ngọc Hồi), THPT Lương Thế Vinh (Đăk Glei) và hệ thống trường PTDTNT ở các địa phương được trưng tập cơ sở vật chất, phòng học để đặt điểm thi.

Nhìn chung, các trường chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng tích cực việc phục vụ kỳ thi như: bố trí đầy đủ phòng thi và khu ký túc xá, bếp ăn tập thể của thí sinh, phụ huynh đưa đón con em; nơi tiếp nhận bảo vệ hồ sơ tài liệu thi, sinh hoạt của cán bộ, nhân viên coi thi, bảo vệ an ninh, y tế….

Sau khi đi kiểm tra thực tế, đồng chí Nguyễn Phúc Phận đã chỉ đạo các trường học được giao nhiệm vụ phục vụ kỳ thi cần thực hiện nghiêm túc công tác phân công trực. Đặc biệt, các trường PTDTNT ở 4 địa phương tổ chức hoạt động ăn ở, nội trú cho thí sinh trước, trong và sau khi hoàn thành công tác thi đảm bảo an ninh; tổ chức ăn uống hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, trước ngày 20/6 hoàn tất công tác cử cán bộ, nhân viên theo dõi, kiểm tra hệ thống điện, nước sinh hoạt, cơ sở vật chất khác để bàn giao cho các điểm thi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 theo kế hoạch đề ra. 

Theo số liệu tổng hợp của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, ở các địa phương trên có 1.340/4.077 thí sinh dự thi.

* Ngày 16-6, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi Tuyên truyền lưu động toàn tỉnh năm 2017.

Tham gia Hội thi có 6 đội tuyên truyền lưu động (không quá 10 thành viên/đội) thuộc các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Tô.

Mỗi đội có 45 phút để trình diễn phần thi với các hình thức: xe tuyên truyền lưu động, chương trình biểu diễn thông tin lưu động với 3 phương thức là tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, văn nghệ cổ động.

Đến với Hội thi lần này, đa số các đội thi đều tập trung tuyên truyền về chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hội thi góp phần nâng cao kỹ năng tuyên truyền bằng hình thức lồng ghép các loại hình nghệ thuật một cách lôgic, có tính hấp dẫn nhằm chuyển tải thông tin nhanh chóng, chính xác về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, thu hút mọi người tham gia thực hiện có hiệu quả.

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba cho các tập thể; trao 6 giải cá nhân tuyên truyền viên xuất sắc, 1 giải về trang trí xe cổ động và bài tuyên truyền lưu động xuất sắc nhất.

* Sáng 17-6, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Khai mạc Hội thao Báo chí tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2017, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2017).

Tham gia Hội thao có trên 40 vận động viên đến từ các cơ quan, Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Kon Tum, Đài PT-TH tỉnh, Chi hội Nhà báo các huyện, thành phố, CLB Nhà báo cao tuổi và Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 3 môn: Bóng bàn, cầu lông và cờ tướng, với các nội dung bóng bàn, cầu lông đơn nam, đơn nữ; đôi nam, đôi nữ, đôi nam – nữ phối hợp. Riêng môn cờ tướng có 8 vận động viên chia làm 2 bảng, chọn ra 2 vận động viên nhất, nhì mỗi bảng vào tứ kết, bán kết và chung kết.

Đây là dịp để các hội viên Hội Nhà báo trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu chào mừng ngày hội lớn của báo giới cả nước và địa phương; thúc đẩy phong trào thi đua tập luyện thể thao, làm theo gương Bác Hồ để nâng cao sức khỏe trong cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

2. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI CỦA TỈNH TRONG TUẦN:

* Ngày 10/6/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1493/UBND-NC yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm vụ việc đánh nhau và gây rối trật tự công cộng liên quan đến một số cán bộ, công chức Sở TN-MT vào ngày 16/3/2017 và vụ việc đánh người tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thành phố Kon Tum vào ngày 14/4/2017.

Theo đó, đề nghị Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an thành phố Kon Tum khẩn trương điều tra và kết luận vụ việc cán bộ, công chức Sở Tài nguyên và Môi trường đánh nhau, gây rối trật tự công cộng vào ngày 16/3/2017 và vụ đánh người tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum vào ngày 14/4/2017; thông tin kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/6/2017.

Yêu cầu Sở Nội vụ, Sở TN và MT khẩn trương nghiêm túc thực hiện các nội dung theo chỉ đạo tại Công văn số 1024/UBND-TH ngày 17/4/2017 và Công văn số 1241/UBND-NC ngày 12/5/2017 của UBND tỉnh; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/6/2017. Sau khi có kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Kon Tum; tiếp tục xử lý các cán bộ, công chức có liên quan theo đúng quy định.

Yêu cầu UBND thành phố Kon Tum nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1241/UBND-NC ngày 12/5/2017; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/6/2017.

* Ngày 12/6/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1498/UBND-NC chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Kết luận số 405/KL-TTCP ngày 28/02/2017 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nội dung: (1) Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân thường xuyên cũng như định kỳ tại địa phương, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật về tiếp công dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân; (2) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, công khai minh bạch trong việc thực hiện các dự án đầu tư; về tài chính ngân sách; quản lý, sử dụng đất đai; mua sắm tài sản công; đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác và ban hành các quy định về định mức, tiêu chuẩn chế độ làm căn cứ để tổ chức việc thực hành tiết kiệm ở các địa phương, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật; (3) Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm; (4) Tăng cường cơ sở vật chất, bố trí cán bộ có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm việc tổ chức đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết; tiếp tục giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở; (5) Chú trọng công tác giám sát đoàn thanh tra, thẩm định kết quả thanh tra để chấn chỉnh những sai sót về trình tự thủ tục, thời gian hoạt động các cuộc thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật; tập trung thu hồi tiền, tài sản vi phạm pháp luật để nộp ngân sách Nhà nước và xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính kiểm điểm nghiêm túc việc không tiếp công dân định kỳ theo quy định; Chủ tịch UBND các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm điểm nghiêm túc trong việc tiếp công dân chưa đúng quy định; Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch UBND các huyện: Ngọc Hồi, Kon Rẫy kiểm điểm nghiêm túc trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra chưa đạt; Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô thực hiện chi trả, truy lĩnh tiền phụ cấp cho cán bộ tiếp công dân theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 10/7/2017.

UBND tỉnh giao Chánh Thanh tra tỉnh tăng cường công tác tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên toàn tỉnh nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thanh tra Chính phủ trước ngày 20/7/2017.

* Ngày 12/6/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1514/UBND-HTKT về Kết luận kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường đối với việc xây dựng công trình không phép, khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum.

Theo đó, UBND tỉnh thống nhất với Kết luận kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường về một số đơn vị chức năng và chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, khoáng sản tại khu vực Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung, để xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình không phép, khai thác, mua bán tài nguyên khoáng sản trái pháp luật, gây thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường...

UBND tỉnh yêu cầu sở ngành chức năng, UBND thành phố Kon Tum và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, như: Nghiêm túc thực hiện quy trình chuyển đổi mô hình sản xuất gạch thủ công sang gạch không nung, lộ trình giảm dần và xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch bằng lò nung thủ công theo Kế hoạch của UBND tỉnh; rà soát việc chồng lấn diện tích đất trong quy hoạch cụm công nghiệp và quy hoạch khoáng sản (nếu có), đề xuất hướng xử lý; xây dựng và triển khai phương án chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho lao động đang tham gia sản xuất gạch thủ công, đưa các hoạt động tiểu thủ công nghiệp vào hoạt động tại Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung. Đối với việc khai thác, mua bán đất sét trái phép, xây dựng công trình không phép, sử dụng đất không đúng mục đích tại khu vực này, các ngành liên quan và UBND thành phố Kon Tum làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng, đất đai, môi trường, khoáng sản tại khu vực này theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh.

Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Kon Tum thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1489/UBND-HTKT ngày 09/6/2017; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị về việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ công tác chuyên môn giúp UBND thành phố Kon Tum thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan.

* Ngày 12/6/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 515/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Theo đó, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất  thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Kon Tum, cụ thể:

TT

Nội dung và đối tượng thu

Đơn vị tính

Giá tối đa

Dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt

Dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1

Hộ gia đình, cá nhân trong các ngõ xóm, đường hẻm không có xe thu gom rác đi qua

Đồng/hộ/tháng

10.000

 

2

Hộ gia đình, cá nhân trên các tuyến đường có xe thu gom rác đi qua

Đồng/hộ/tháng

12.000

 

3

Hộ kinh doanh buôn bán (trừ kinh doanh ăn uống, thực phẩm, rau quả)

Đồng/hộ/tháng

50.000

8.000

4

Hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng ăn uống, giải khát, rau quả, thực phẩm tươi sống, hoa tươi.

Đồng/hộ/tháng

60.000

9.000

5

Hộ kinh doanh buôn bán VLXD

Đồng/hộ/tháng

120.000

19.000

6

Các trường học, nhà trẻ, nhà trọ, nhà nghỉ; trụ sở làm việc của doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp và các tổ chức cơ sở khác

Đồng/đơn vị/tháng

130.000

20.000

7

Cửa hàng, khách sạn, nhà hàng kinh doanh ăn uống

Đồng/đơn vị/tháng

170.000

27.000

8

Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất

Đồng/m3 rác ép

140.000

22.000

9

Nhà máy, Bệnh viện, Bến xe, Chợ, Siêu thị, Trung tâm thương mại

Đồng/m3 rác ép

160.000

25.000

 

UBND tỉnh giao UBND thành phố Kon Tum tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường để nâng cao chất lượng dịch vụ; tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện nộp giá dịch vụ vệ sinh môi trường đầy đủ và tham gia giám sát chất lượng dịch vụ vệ sinh do các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường thực hiện. Giao Công ty Cổ phần môi trường đô thị Kon Tum có trách nhiệm thực hiện thông báo công khai về đối tượng thuộc diện phải chi trả tiền dịch vụ, mức giá và các thủ tục thu, nộp tiền dịch vụ theo quy định; khi thu tiền phải cấp chứng từ thu cho đối tượng nộp tiền theo quy định và thu đúng theo mức giá đã niêm yết hoặc thông báo; nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định; thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo đúng hợp đồng đã ký kết, cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

* Ngày 12/6/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1516/UBND-NNTN về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh thống nhất thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã và Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng cấp xã, cụ thể: Thành lập 45 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm đối với các xã có nguồn thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 30 triệu đồng/năm và khuyến khích thành lập Quỹ BV & PTR cấp xã đối với các xã còn lại; thành lập Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng cấp xã đối với các xã đang quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn; đối với các xã có diện tích rừng ít, UBND cấp xã tiếp tục quản lý, bảo vệ theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thành lập Quỹ BV & PTR cấp xã và Tổ quản lý bảo vệ rừng cấp xã theo quy định (hoàn thành trong tháng 6 năm 2017).

Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ số tiền 1.370 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp đầu tư phát triển lâm nghiệp ngân sách tỉnh và nguồn Trung ương hỗ trợ  cho UBND các xã có rừng nằm ngoài lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng; đồng thời, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát, hỗ trợ số kinh phí còn lại cho UBND các xã phù hợp với khả năng ngân sách cấp huyện. Từ năm 2018, rà soát lại nguồn sự nghiệp kinh tế đã bố trí cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cho các chủ rừng có diện tích rừng đã được thụ hưởng nguồn dịch vụ môi trường rừng, điều chỉnh giảm kinh phí ngân sách chuyển sang bố trí hỗ trợ cho Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng các xã không có nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.

Đồng thời, UBND tỉnh thống nhất sử dụng nguồn chi phí quản lý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để hỗ trợ thêm cho Tổ quản lý bảo vệ cấp xã của 30 xã nằm trong vùng cung ứng DVMTR có diện tích rừng ít để tổ chức, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; mức hỗ trợ: 100.000 đồng/ha/năm.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố căn cứ hướng dẫn của liên ngành khẩn trương thành lập và bổ nhiệm cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã và Tổ quản lý bảo vệ rừng cấp xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 47/TB-UBND ngày 20/3/2017 (hoàn thành trước ngày 30/6/2017); yêu cầu các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã và Tổ quản lý bảo vệ rừng cấp xã quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và ngân sách được cấp cho công tác quản lý bảo vệ rừng theo quy định.

* Ngày 12/6/2017, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu: "Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban ngành, UBND tỉnh các huyện, thành phố và sự nỗ lực của ngành thuế, công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng; hầu hết các khoản thu đều được quản lý, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN. Đến 31/12/2016, nợ thuế đã giảm 7,8% so với 31/12/2015; nợ có khả năng thu trên tổng thu NSNN năm 2016 thấp hơn 5% theo quy định của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao về thất thu thuế, như: Khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, hoạt động XDCB nhà tư nhân, kinh doanh xăng dầu, hộ kinh doanh, thu thuế hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở… đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành nhằm khai thác nguồn thu, tăng thu NSNN". Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu:

Thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 và tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 theo đúng Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế để triển khai công tác thu NSNN trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được HĐND tỉnh giao năm 2017.

Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố: Quản lý, thu đúng, thu đủ và thu kịp thời các khoản thuế; tăng cường khai thác nguồn thu mới và thu hồi nợ đọng thuế theo quy định, không để gia tăng thêm số nợ mới, phấn đấu đến 31/12/2017 nợ có khả năng thu không vượt quá 5% tổng thu NSNN năm 2017; Đẩy mạnh CCHC, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thuế; tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế; tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời cung cấp thông tin, chính sách pháp luật về thuế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nâng cao chất lượng phục vụ cho người nộp thuế, nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế, công chức thuế; thực hiện tốt công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử theo quy định; Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế của các đối tượng nộp thuế và các khoản phải thu theo các kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước, thanh tra để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; Tăng cường thanh kiểm tra thuế đối với các lĩnh vực, ngành nghề tìm ẩn rủi ro cao về thất thu thuế để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;

Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum: Tiếp tục CCHC trong công tác thu thuế xuất, nhập khẩu; rà soát, khai thác nguồn thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu thuế xuất, nhập khẩu được Trung ương và HĐND tỉnh giao năm 2017; Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và thực hiện thu đúng, thu đủ thuế xuất, nhập khẩu nộp vào NSNN kịp thời;

Sở Tài chính: Phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý thu NSNN; đồng thời, phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát tình hình giá cả đối với các cơ sở hoạt động lĩnh vực xăng dầu, lâm sản, khoáng sản, dịch vụ vận tải..., xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định; Phối hợp cung cấp thông tin cho Cục Thuế tỉnh về kế hoạch vốn, nguồn vốn ứng trước được UBND tỉnh giao cho các chủ đầu tư trước khi thông báo vốn cho các chủ đầu tư để cơ quan thuế theo dõi, đôn đốc thu nợ thuế;

Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan Thuế và Tài chính thực hiện khấu trừ, thu thuế VAT để nộp vào NSNN khi chủ đầu tư đến làm thủ tục thanh toán theo tỷ lệ quy định trên số tiền thanh toán khối lượng công trình, hạng mục công trình XDCB bằng nguồn vốn NSNN, các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng; phối hợp thu hồi nợ đọng thuế theo đề nghị của cơ quan Thuế theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân được thanh toán vốn XDCB còn nợ thuế theo danh sách do cơ quan thuế cung cấp thì Kho bạc Nhà nước thông báo ngay cho cơ quan thuế để phối hợp thu nợ đọng thuế; Xử lý kịp thời các khoản ghi thu, ghi chi NSNN; kịp thời cung cấp thông tin về số ngày chậm nộp, số tiền còn nợ của người nộp thuế và thu tiền tiền chậm nộp đối với các khoản thu từ đất theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum chỉ đạo các tổ chức tín dụng và các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý Thuế và các tổ chức tín dụng theo quy định để thu hồi nợ thuế thông qua tài khoản của các doanh nghiệp nợ thuế; Phối hợp với cơ quan Thuế trong công tác thu thuế qua ngân hàng, chỉ chấp nhận nộp thuế bằng hình thức nộp thuế điện tử đối với các doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử; cung cấp kịp thời thông tin về tài khoản của người nộp thuế; thực hiện phong tỏa, trích tiền từ tài khoản của người nợ thuế bị cưỡng chế nợ thuế nộp vào NSNN theo quyết định của cơ quan Thuế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh trong việc trao đổi thông tin về danh mục dự án đầu tư XDCB trên địa bàn; tình hình hoạt động, đăng ký và cấp mã số doanh nghiệp; thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện cưỡng chế để thu nợ thuế theo quy định của pháp luật; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cung cấp cho cơ quan Thuế việc phân bổ vốn đầu tư phát triển hằng năm theo từng dự án, chủ đầu tư do cấp tỉnh quản lý sau khi UBND tỉnh giao để Cục Thuế tỉnh làm cơ sở thu hồi nợ đọng thuế; Tăng cường công tác hậu kiểm sau đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thành lập trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Tập trung giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến thủ tục giao đất, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo tăng thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Chủ trì rà soát thời hạn thực hiện các hợp đồng cho thuê đất để thực hiện các thủ tục chấm dứt, kéo dài hoặc ký kết hợp đồng cho thuê mới theo quy định; Trao đổi thông tin kịp thời với cơ quan thuế về các quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định thu hồi đất, quyết định gia hạn sử dụng đất đã cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; Phối hợp cơ quan thuế xử lý các trường hợp thuê đất nhưng bỏ địa chỉ kinh doanh, các dự án mà chủ đầu tư không chấp hành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm hoạt động khai thác trái phép, không phép để phối hợp với cơ quan Thuế chống thất thu có hiệu quả; Rà soát đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các điểm mỏ đất, thủ tục đăng ký khai thác đất san lấp; trao đổi thông tin kịp thời cho cơ quan thuế về giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép gia hạn khai thác khoáng sản đã cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để quản lý thuế theo quy định.

Sở Công Thương: Phối hợp với Cục thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động các tổ chức kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh mua xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường tại tỉnh Kon Tum;  tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn cho cơ quan Thuế để quản lý thuế theo quy định; cung cấp thông tin các dự án thủy điện đã được phê duyệt, đầu tư trên địa bàn tỉnh cho ngành thuế; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường kinh doanh; phối hợp tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại; phối hợp với các lực lượng chuyên ngành để kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông xăng dầu trên thị trường; tăng cường kiểm tra sau khi có thông báo thay đổi giá bán của cơ quan chức năng.

Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Cục Thuế tỉnh rà soát, chấn chỉnh việc thu, nộp thuế, phí trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải; chỉ đạo các đơn vị vận tải trên địa bàn báo cáo cơ quan Thuế danh sách các phương tiện vận tải và các thông tin cần thiết liên quan phục vụ cho công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; chỉ đạo Trung tâm đăng kiểm phối hợp khi có đề nghị của cơ quan Thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế.

Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhằm ngăn ngừa chống các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; phối hợp với cơ quan Thuế triển khai thực hiện có hiệu quả biện pháp quản lý thuế đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Sở Xây dựng cung cấp danh sách các công trình do đơn vị cấp phép xây dựng để Cục Thuế kịp thời theo dõi, quản lý thu thuế.

Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thuộc UBND tỉnh: Phối hợp với cơ quan Thuế trong công tác thu thuế các nhà thầu XDCB, các khoản thu từ đất, từ khai thác tài nguyên, khoáng sản; cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển hằng năm chi tiết theo từng dự án, từng gói thầu và từng nhà thầu.

Công an tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc: Cung cấp thông tin về quyền sở hữu các phương tiện vận tải theo đề nghị của cơ quan Thuế để phối hợp thu hồi nợ đọng thuế; chuyển kịp thời các thông tin chủ phương tiện vận tải đăng ký sử dụng mới (kể cả chuyển vùng) làm cơ sở cho cơ quan thuế đối chiếu, so sánh với số người nộp thuế đang quản lý để quản lý thuế; phối hợp với cơ quan thuế xác minh các hành vi có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế; xác minh nhân thân, tài sản, hóa đơn và tình trạng hoạt động của người nộp thuế nợ thuế theo đề nghị của cơ quan Thuế; tăng cường kiểm tra xử lý các phương tiện vận tải thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký, kê khai nộp thuế.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ cơ quan Hải quan trong việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế; phản ánh việc tuyên dương những tổ chức, cá nhân điển hình thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; công tác khai thông tin người nộp thuế, nợ thuế do cơ quan thuế cung cấp theo quy định của Luật Quản lý thuế. Các cơ quan thông tin địa chúng của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thuế tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các chính sách thuế mới trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời thông tin các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nêu gương người tốt, việc tốt nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Chi cục Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn, triển khai các biện pháp khai thác nguồn thu, chống thất thu đối với các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao về thất thu thuế, thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định; định kỳ cung cấp thông tin về diện tích đất nông nghiệp và phi nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ quan Thuế theo dõi, lập bộ quản lý thu thuế; Chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan Thuế quản lý thu thuế hoạt động XDCB nhà tư nhân khi cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

* Ngày 12/6/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 514/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án san ủi mặt bằng, làm hệ thống vòm che nắng, bếp nấu ăn, nhà vệ sinh phục vụ người nhà bệnh nhân và hệ thống điện Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai.

Công trình được đầu tư xây dựng tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai do Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai làm chủ đầu tư.

Với vốn đầu tư 783 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp y tế năm 2016 chuyển nguồn sang năm 2017,  công trình sẽ làm hệ thống mái che, ngăn phòng để làm khu khám bệnh, nhà để xe; Nhà vệ sinh, nhà tắm, chân và bồn nước, nhà bếp đun củi phục vụ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; san ủi mặt bằng phía trước Trung tâm y tế với diện tích khoảng 2.700 m2; kéo đường dây cáp điện vào Trung tâm y tế huyện Ia H’Drai với chiều dài khoảng 850 m.

Dự án nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên Trung tâm trong việc khám, chữa bệnh và sinh hoạt tại Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai.

Thời gian và tiến độ thực hiện dự án trong năm 2017.

* Ngày 13/6/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 526/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án định hướng hội nhập quốc tế của tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tranh thủ tối đa các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh và góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước. Về cụ thể, đến năm 2020, có quan hệ hợp tác với ít nhất 10 địa phương của các nước trong khu vực và trên thế giới; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 550-600 triệu USD; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt kế hoạch đề ra; tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của Kon Tum; bảo vệ an ninh biên giới, toàn vẹn lãnh thổ, phòng chống tội phạm qua biên giới, tội phạm xuyên quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thu hút các nguồn lực quốc tế nhằm xây dựng các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đủ năng lực đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên ở các cấp đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng; tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế nhằm góp phần thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch về văn hóa, lao động, an sinh xã hội, y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường...

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án triển khai với các nội dung cụ thể:

Về hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung vào các giải pháp trọng tâm, như: Đẩy mạnh công tác CCHC, xây dựng thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của tỉnh; không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nguyên và cả nước trong thực hiện hội nhập quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế; kêu gọi, vận động nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và tiếp nhận nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) trên các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Về hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh, tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, đưa quan hệ hợp tác đã được thiết lập đi vào thực chất, hiệu quả và tiếp tục xúc tiến thiết lập quan hệ với một số địa phương của các nước trong khu vực và trên thế giới; triển khai hiệu quả chiến lược hội nhập quốc phòng, an ninh của Chính phủ, đẩy mạnh hợp tác quân sự, biên phòng, an ninh với các tỉnh giáp biên của Lào và Campuchia, cũng như các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế để xâm phạm an ninh, trật tự của đất nước.

Về hội nhập văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác: Đẩy mạnh hợp tác song phương về văn hóa, lao động, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan; Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu tri thức, nhất là tri thức về quản lý và khoa học và công nghệ; tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đến với bạn bè quốc tế; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, văn hóa, thông tin, tuyên truyền; đấu tranh có hiệu quả nhằm hạn chế các tác động tiêu cực về xã hội, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống; nâng cao chất lượng triển khai công tác đối ngoại nhân dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, nguồn nước, động vật, thực vật; tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công tác hội nhập quốc tế.

UBND tỉnh yêu cầu sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào Đề án chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế của ngành mình, cấp mình; giao Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối theo dõi, tham mưu việc triển khai thực hiện Đề án trong từng giai đoạn cụ thể, làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong triển khai công tác hội nhập quốc tế của tỉnh.

* Ngày 13/6/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 527/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 11/02/2015 của UBND tỉnh về ban hành quy định tiêu chí quy mô cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo Quyết định, sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 11/02/2015 của UBND tỉnh Kon Tum về ban hành quy định tiêu chí quy mô cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Cây trồng: Cây lúa, sắn, rau củ quả, mía, cà phê, Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng sâm, Đương quy, nhóm cây làm thức ăn gia súc, trồng rừng.

Diện tích cây trồng sản xuất theo cánh đồng lớn phải tập trung, có quy mô diện tích tối thiểu như sau: Đối với cây lúa 05 ha; đối với cây sắn 30 ha; đối với cây rau, củ, quả 03 ha; đối với cây mía 05 ha; đối với cây cà phê vối 30 ha; đối với cây cà phê chè 20 ha; đối với cây sâm Ngọc Linh 05 ha; đối với cây Hồng Đẳng sâm 05 ha; đối với cây Đương quy 05 ha; đối với nhóm cây làm thức ăn gia súc (cỏ, các cây trồng khác) 10 ha; đối với trồng rừng 50 ha.

Quyết định nêu rõ, các nội dung khác thực hiện theo Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 11/02/2015 của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.

* Ngày 14/6/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1532/KH-UBND chỉ đạo triển khai Đề án "Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn.

Mục tiêu của Kế hoạch là  hướng tới 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách đối với đối với người cao tuổi thuộc diện mở rộng không có lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội của Nhà nước, trẻ em dưới 36 tháng, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Chính phủ; 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành và thực hiện của chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm đội ngũ cán bộ các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực và thực hiện trợ giúp xã hội; đổi mới công tác quản lý Nhà nước về trợ giúp xã hội; thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giải quyết, chi trả trợ giúp xã hội.

Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội. Xây dựng mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện, tiếp tục phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có; hỗ trợ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có đủ điều kiện trợ giúp toàn diện cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lồng ghép các nguồn vốn, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp…

UBND tỉnh giao Sở Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc và định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Nguyễn Phi Em (tổng hợp)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây