Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Kon Rẫy: Sơ kết 01 năm thực hiện Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 14-4, Huyện ủy Kon Rẫy tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Thị Mỹ Hảo - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành đoàn thể huyện.
Quang cảnh Hội nghị
Thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, qua 01 năm thực hiện trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, bước đầu mang lại hiệu quả trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhằm tuyên truyền các nội dung của Cuộc vận động kịp thời đến với các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn, trong năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận huyện phối hợp với các tổ chức thành viên và Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn bám sát địa bàn triển khai thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về mục đích và ý nghĩa của Cuộc vận động, phù hợp với tình hình điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở. Chú trọng tuyên truyền cho bà con dân tộc thiểu số về những nội dung thực hiện Cuộc vận động như: những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện ủy, nhất là các lĩnh vực: đất đai, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội; các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương đồng bào dân tộc thiểu số điển hình trong lao động sản xuất nhằm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất, biết triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao gắn với Đề án mỗi xã một sản phẩm; vận động Nhân dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dược liệu, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; tích cực tham gia trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ và quản lý rừng… Qua đó, đến nay đã có nhiều mô hình được triển khai bước đầu có hiệu quả như: UBND huyện đã chủ động tổ chức thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, đề án… liên quan đến hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng các mô hình; chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND xã Đăk Tờ Re triển khai thực hiện mô hình áp dụng khoa học công nghệ để trồng cây ăn quả (cây mít Thái và Sầu Riêng) cho 04 hộ gia đình là người dân tộc thiểu số từ nguồn vốn ứng dụng khoa học công nghệ; Ủy ban Mặt trận huyện đã phối hợp triển khai xây dựng mô hình  “Vệ sinh môi trường và cải tạo vườn tạp” tại thôn Kon Đó - xã Đăk Kôi cho 03 hộ nghèo, cận nghèo tham gia cải tạo vườn tạp; Hội LHPN huyện triển khai mô hình “Giỏ nhựa đi chợ” tại thôn Kon SRệt - xã Đăk Ruồng và mô hình Tổ liên kết “Sản xuất lúa sạch” tại thôn Kon Rlong - xã Đăk Kôi; Ủy ban Mặt trận các xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành liên quan cùng cấp kịp thời triển khai xây dựng 07 mô hình điểm cấp xã, đảm bảo phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế tại địa phương (mô hình “Trồng và chăm sóc cây chuối” tại thôn 5 - thị trấn Đăk Rve; Mô hình vệ sinh môi trường tại thôn 2 - xã Đăk Kôi; Mô hình “Chổi đót” tại Thôn 7 - xã Đăk Tơ Lung; Mô hình “Vệ sinh môi trường và vườn, ao, chuồng” tại thôn 8 - xã Đăk Ruồng; Mô hình “Vệ sinh môi trường” tại thôn 2 - xã Đăk Pne; Mô hình “Khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường” tại thôn 5 - xã Tân Lập; Mô hình “Tiết kiệm nuôi heo đất - San sẻ yêu thương” tại thôn 3 - xã Đăk Tờ Re).
Nhìn chung, qua 01 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động ở Kon Rẫy, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Tin, ảnh: Trần Quốc Vy
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây