Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Kết quả trong công tác quản lý biên giới năm 2018 trên địa bàn tỉnh

Là địa phương có đường biên giới quốc gia dài 292,522 km (trong đó tuyến biên giới với Nước CHDCND Lào dài 154,222 km, với Vương quốc Campuchia dài 138,3 km) do đó tỉnh Kon Tum xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tham gia vào công tác quản lý biên giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường quốc phòng- an ninh; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng.
Cán bộ đồn Biên phòng Ia Lân hướng dẫn, giúp nhân dân xã Mô Rai trồng cao su tiểu điền
Bám sát chủ trương của Tỉnh ủy, năm 2018 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tập trung định hướng các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai công tác tuyên truyền về phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền; phát triển kinh tế- xã hội các xã biên giới kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại; phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu tuyên truyền phản động; vận động nhân dân khu vực biên giới tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, phòng chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khu vực biên giới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, các Đồn biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới triển khai công tác tuyên truyền vận động nhân dân dọc theo biên giới nâng cao ý thức bảo vệ biên giới; thực hiện đúng quy chế biên giới của mỗi nước và các thỏa thuận chung của hai Chính phủ; vận động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên, khai thác gỗ lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm qua biên giới. Tổ chức phát động triển khai phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới, tự quản an ninh, trật tự thôn làng, xây dựng thôn làng văn hóa, tổ chức làm kinh tế giỏi; ký kết phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (trong năm 2018 có 50 tập thể, 190 hộ gia đình, 300 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 277,7/292,522 km đường biên và 84 cột mốc).
Các huyện biên giới, đồn biên phòng đã làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, thường xuyên có các cuộc gặp gỡ trao đổi đoàn qua lại; thăm, chúc mừng nhân dịp Lễ, Tết cổ truyền dân tộc hai bên; duy trì chương trình kết nghĩa giữa các đồn biên phòng tỉnh Kon Tum với lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện của Lào, kết nghĩa Bản-Bản hai bên biên giới; tạo điều kiện cho nhân dân thăm thân, trao đổi hàng hóa. Phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn tổ chức tuần tra song phương; tuyên truyền vận động nhân dân khu vực biên giới của hai bên tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, phòng, chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới; triển khai các hoạt động giúp nhân dân khu vực biên giới phía đối diện của Lào và Campuchia phát triển kinh tế, khám, chữa bệnh... Các phương tiện truyền thông của tỉnh tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối, các quy định của pháp luật về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới…Báo, đài duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”; tích cực giới thiệu, biểu dương những tấm gương, tập thể có thành tích trong công tác bảo vệ biên giới, lãnh thổ và phát triển kinh tế vùng biên; nhiều bài viết, phóng sự phản ánh quan hệ hữu nghị, đoàn kết, giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh của Lào và Campuchia.
Các hoạt động tích cực trên đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ của Tổ quốc, đặc biệt là Nhân dân khu vực biên giới trong việc tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc và đấu tranh tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Đời sống nhân dân khu vực biên giới vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, địa hình rộng, sống phân tán gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; lực lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng dân cư đa số kiêm nhiệm nhiều công việc, nên việc triển khai đi xuống các thôn, làng còn hạn chế;...
Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế thời gian qua đòi hỏi các cấp, các ngành cần thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là: Ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới; hỗ trợ vốn vay cho nhân dân phát triển kinh tế; tạo việc làm cho lao động nông thôn tham gia lao động sản xuất trong doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, nhằm nâng cao mức thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân các xã biên giới.
Hai là: Đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thường xuyên phát động triển khai phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới, tự quản an ninh, trật tự thôn làng, xây dựng thôn làng văn hóa, tổ chức làm kinh tế giỏi. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia.
Ba là: Tăng cường công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với lực lượng biên phòng; phát huy vai trò uy tín của già làng, trưởng thôn trong cộng đồng dân cư khu vực biên giới để thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đồng thời tham gia quản lý đường biên, cột mốc.
Bốn là: Duy trì tốt công tác đối ngoại nhân dân với chính quyền và nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới của Lào và Campuchia; phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn tổ chức tuần tra song phương; tuyên truyền vận động nhân dân khu vực biên giới của hai bên tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, chống vượt biên, chống xâm nhập, lấn chiếm biên giới, xâm canh, xâm cư và phòng, chống tội phạm.
Năm là: Kết hợp linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua sách, báo, tài liệu, pa nô, áp phích, tờ rơi; chú trọng tổ chức tuyên truyền phù hợp như: tuyên truyền miệng, hệ thống loa truyền thanh không dây ở cơ sở. Chủ động nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời phát hiện và uốn nắn những biểu hiện lệch lạc; đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc.

Bài, ảnh: Đặng Trần Chung
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây