Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh thời gian qua

Qua gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần giúp cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn kiến thức lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương; góp phần bồi dưỡng, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.
Đoàn Kon Tum dự Hội thảo cấp quốc gia về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trương Quang Trọng tại Quảng Ngãi
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam" (viết tắt Chỉ thị 15), ngày 18-01-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW  “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng" (viết tắt Chỉ thị 20). Chỉ thị 20 khác với Chỉ thị 15 ở nội dung cơ bản là, Ban Bí thư đã đưa công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử là một nhiệm vụ song song, ngang tầm với với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Theo đó, ngày 17-10-2018, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum đã ban hành Kế hoạch 73-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 20. Trong đó, Ban Thường vụ chỉ đạo: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng, nhất là lịch sử đảng bộ địa phương trong hệ thống Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Trung tâm chính trị các huyện, thành phố và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử của tỉnh, tiến hành rà soát, bổ sung Tài liệu giáo trình giảng dạy lịch sử địa phương.
Qua gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 20 và Kế hoạch 73 của Tỉnh ủy, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật.
Đối với công tác tuyên truyền lịch sử, Ban Thường vụ đã chủ trì tổ chức một số hội thảo khoa học, vừa có ý nghĩa nghiên cứu chuyên đề, vừa có tác dụng trong việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử. Điển hình như: Đã phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trương Quang Trọng tại Quảng Ngãi (năm 2018); phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022) với chủ đề “Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” tại tỉnh Kon Tum (năm 2022). Đồng thời, tham gia tham luận tại các Hội thảo như: 50 năm cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968-2018) do Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức (năm 2018); Hội thảo “Chiến thắng Tây Nguyên - mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975” với chủ đề “Quân và dân Kon Tum trong chiến dịch Tây Nguyên” do Quân đoàn 3 tổ chức (năm 2020)...
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tổ chức các lễ kỷ niệm, như: Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum (25/9/1930 - 25/9/2020)”, thu hút 6.396 bài dự thi viết và 27.909 thí sinh dự thi trắc nghiệm; tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum (25/9/1930 - 25/9/2020) với sự tham dự của trên 400 đại biểu là cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên trong tỉnh; tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931 - 12/12/2021)” với tổng số 20.853 thí sinh tham gia dự thi trắc nghiệm và 12.543 bài dự thi viết; Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913 - 09/02/2023), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trong đó giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Kon Tum - 110 năm xây dựng và phát triển” với hình thức thi viết và thi trắc nghiệm (từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022)... Đến nay, đã tổ chức thi trắc nghiệm xong Tháng 9, Tháng 10, đang triển khai thi trắc nghiệm Tháng 11 và thi viết.
Hằng năm, các cấp, các ngành đã triển khai công tác tuyên truyền lịch sử bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền cổ động nhân các dịp lễ, ngày kỷ niệm lịch sử của đất nước, của tỉnh; thông tin, tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ; qua các kênh sinh hoạt chi bộ, mạng xã hội, các loại hình truyền thông; tổ chức các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phê phán, phản bác các thông tin sai lệch, các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng ta; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị công trình lịch sử trên địa bàn kết hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu di tích cho cán bộ và Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Công tác giáo dục lịch sử Đảng cũng đã được các cấp uỷ, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh triển khai thực hiện. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị biên soạn giáo án, bài giảng chính trị đưa vào chương trình huấn luyện cho các đối tượng; thường xuyên đưa nội dung lịch sử địa phương vào giáo dục cho các đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện đã đưa nội dung giảng dạy lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.
Các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân thông qua việc đa dạng hoá phương pháp dạy như dạy tích hợp, liên môn, lồng ghép nội dung chương trình với các hoạt động ngoại khoá, tổ chức chiếu phim tư liệu văn hoá và lịch sử, đưa học sinh đi tham quan các di tích, đài tưởng niệm, các làng nghề truyền thống, dạy hát các làn điệu dân ca, liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề... Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn việc triển khai giảng dạy Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6; đối với học sinh học chương trình hiện hành tiếp tục thực hiện việc lồng ghép nội dung giảng dạy lịch sử. Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đã tổ chức giảng dạy lịch sử Đảng trong chương trình chính khoá ở tất cả các chuyên ngành đào tạo. Trong năm 2020, nhà trường đã chỉ đạo Bộ môn Lý luận chính trị (thuộc Khoa học cơ bản) nghiên cứu biên soạn, thẩm định và ban hành 4 bộ chương trình, giáo trình phục vụ giảng dạy lịch sử Đảng cho học sinh, sinh viên.  Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 1, lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 3 và đang tiến hành hoàn tất các bước thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 7, lớp 10 đưa vào chương trình học chính thức từ năm học 2022-2023.
Qua công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đã giúp cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên trên địa bàn tỉnh, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn kiến thức lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương; góp phần bồi dưỡng, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.


Bài, ảnh: Trần Thị Sáu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây