Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Suy nghĩ về đạo đức người thầy trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong hệ thống tư tưởng của Người, nổi bật và xuyên suốt là tư tưởng về đạo đức của nhà giáo.
Hình minh họa trên Internet
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi". Trong hệ thống tư tưởng của Người, nổi bật và xuyên suốt là tư tưởng về đạo đức của nhà giáo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thầy, một nhà giáo dục vĩ đại. Cả cuộc đời, Người đã đào tạo biết bao thế hệ cán bộ, những chiến sĩ ưu tú cho cách mạng và dành nhiều tình cảm, quan tâm đối với những người thầy. Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò đạo đức của người thầy, theo Người chuyên môn là tài, có tài mà không có đức là hỏng, hay “chính trị là linh hồn, chuyên môn là xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn[1].
Có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của nhà giáo ở  một số vấn đề như sau:
1. Phẩm chất đầu tiên cũng là phẩm chất rất quan trọng, đó là phục vụ Tổ quốc gắn liền với phục vụ nhân dân. 
2. Kính trọng nhân dân, tin vào sức mạnh của nhân dân.
3. Người cách mạng nói chung và nhà giáo nói riêng phải có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những phẩm chất không thể thiếu được đối với người làm thầy.
4. Phẩm chất nhà giáo còn phải thể hiện ở tình yêu thương học trò và yêu nghề. Đối với nhà giáo, phẩm chất đạo đức thương yêu học trò và yêu nghề có mối quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ nhau.
5. Tinh thần đoàn kết, phẩm chất đạo đức quan trọng của nhà giáo.
6. Phải gương mẫu về đạo đức, sự gương mẫu ở đây là người thầy thực hiện trước hết những điều mình dạy học trò.
7. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phải thường xuyên suốt đời.
Trong tư tưởng của Người, việc chăm lo cho thế hệ trẻ - lớp “công dân đặc biệt” của đất nước, luôn được thể hiện trong phong cách sống, suy nghĩ, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Hồ Chí Minh. Vấn đề này có thể thấy rất rõ trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ còn vô vàn khó khăn nhưng Bác vẫn yêu cầu Đảng, Nhà nước phải chọn cử những hạt giống đỏ của Miền Nam đưa ra Bắc học tập để sau này đất nước thống nhất đưa về để lãnh đạo nhân dân.
Quan điểm của Người trong công tác bồi dưỡng thế hệ kế cận cho tương lai, vai trò của người thầy là rất quan trọng bởi người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, khơi nguồn sáng tạo mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo qua từng giờ lên lớp. Người thầy là những người “đạo cao”, “đức trọng”, người rất có uy tín, luôn được cả xã hội tôn trọng. Có thể khẳng định, ở xã hội nào cũng vậy, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Với tư cách là vị lãnh tụ có tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta[2], nên đã nhấn mạnh nhiệm vụ vẻ vang của người thầy: “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục[3]. Chính vì vậy, nhiệm vụ của người thầy “nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang” và có vai trò quyết định chất lượng giáo dục. Người thầy là người ươm mầm cho tương lai của đất nước: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là: chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà"[4]. Người từng nói vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội  ngũ  đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Trong tư tưởng của Người, để hoàn thành nhiệm vụ người thầy, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật - tức là “tài”, người thầy phải “không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng” - tức là đức, “phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc”, nghĩa là khó khăn thì chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”[5]. Theo quan điểm của Người, nhân cách con người bao gồm cả đức và tài, trong đó đức là gốc, tài là quan trọng. Hồ Chí Minh coi: “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà được hình thành và phát triển, củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Người thầy chẳng những là người cán bộ cách mạng mà còn là người đào tạo những cán bộ cách mạng cho tương lai đất nước nên càng phải có đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dạy sớm mà giáo viên thì trưa mới dạy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu”[6]. Người thầy có ý thức về sự gương mẫu của mình tức là đang tự hoàn thiện mình. Bởi người thầy dạy học trò về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thương yêu lẫn nhau; đoàn kết nội bộ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gương mẫu về lĩnh vực đó, nghĩa là người thầy đang trên con đường xây dựng đạo đức cho mình. Người thầy giáo - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hoá giáo dục chẳng những phải rèn  luyện  cho  mình có đầy đủ những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức mà còn phải luôn luôn thực hành nó qua từng lời nói, việc làm cụ thể của mình, chứ không được “nói mà không làm” hoặc “nói một đằng làm một nẻo” như thế sẽ không những làm giảm tác dụng, hiệu quả của giáo dục, mà còn ở góc độ nào đó nó là phản giáo dục, gây hậu quả khôn lường, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của người thầy. Theo Hồ Chí Minh, trong mỗi người ai cũng có điểm hay điểm dở, có cái thiện có cái ác. Hai mặt này luôn luôn mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh đó là lâu dài và nhiều gian khổ. Do không chú ý điều này nên có người ở trong hoàn cảnh này thì tốt, nhưng sang hoàn cảnh khác không tiếp tục phấn đấu, rèn luyện lại rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất. Cho nên, việc tu dưỡng đạo đức của người thầy phải thường xuyên suốt đời, kiên trì bền bỉ, không được chủ quan, tự mãn; phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như đối với công việc, quan hệ đồng nghiệp, học trò, cha mẹ học trò, các tổ chức đoàn thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết thống nhất và coi đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Trong môi trường sư phạm, đoàn kết sẽ tạo ra bầu không khí vui vẻ thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu; đồng thời sẽ tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được khả năng của cá nhân và sức mạnh của tập thể, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, Người luôn giáo dục tinh thần đoàn kết trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo. Người căn dặn: Phải xây dựng “quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ, giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò…giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với nhân dân”. Chỉ có rèn luyện công phu như vậy, người thầy mới có được những phẩm chất tốt đẹp cho các thế hệ học trò noi theo.
Một người thầy chân chính là người phải quan tâm, chăm sóc học trò với tình cảm yêu thương, song cách thể hiện phải phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học. Ở bậc mẫu giáo và tiểu học, người thầy phải dành cho học trò một tình thương đặc biệt như tình cảm của cha mẹ với các con. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ, dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt"[7]; “Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu[8]. Có thể thấy rằng, đạo đức của người thầy trong tư tưởng Hồ Chí Minh nêu ra không chỉ có ý nghĩa với hiện tại mà còn có ý nghĩa với tương lai, sức sống lâu bền đã được kiểm nghiệm. Lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thấm nhuần những lời Bác dạy chúng ta tự hào vì những năm qua, các nhà giáo đã tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo với công việc, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, không ít người thầy không màng công danh, vật chất,  suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Có những giáo viên đã vì lợi ích chung mà hy sinh lợi ích riêng, chia sẻ phần thu nhập ít ỏi của mình để giúp học sinh nghèo, học giỏi. Nhờ những tấm gương sáng đó mà sự nghiệp giáo dục của nước nhà ngày càng có những bước tiến đáng mừng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, cùng với đời sống còn nhiều khó khăn, nên một số giáo viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, xói mòn lương tâm nghề nghiệp. Thậm chí có những giáo viên bị cuốn theo lối sống thực dụng, vì lợi ích cá nhân không quan tâm đến chất lượng giảng dạy trên lớp mà chỉ lo đến việc dạy thêm, thậm chí có giáo viên vi phạm rất nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Do vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29- NQ/TW) với nội dung “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã đánh giá: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Và trong 9 nhóm giải pháp để “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” thì nhóm giải pháp thứ 6 là phải “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” với những nội dung cụ thể như: kiên quyết đẩy lùi với bệnh thành tích trong giáo dục; Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo; Nói không với việc ngồi nhầm lớp. Thực hiện tốt những điều này, nhà quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên mới có thể đảm đương được nhiệm vụ vẻ vang của mình như lời Người đã từng căn dặn: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất”.

Chu Mai Phong
(Trường Chính trị tỉnh)
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.269
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập XV, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.508
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.345
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.388
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập XIV, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.402-403
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.269
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.286
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.185-186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây