Chống “tư duy nhiệm kỳ” từ bài học đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Thứ hai - 07/10/2019 08:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và “tư duy nhiệm kỳ”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân có mặt mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, bên trong mỗi con người và chỉ chờ thời cơ để bộc lộ. Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã căn dặn toàn Đảng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân; bởi theo Người: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô,... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”(1). Cụ thể hơn, “chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác”(2).
Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân đang là bệnh “mẹ” của “tư duy nhiệm kỳ”. “Tư duy nhiệm kỳ” là một khái niệm mới kể cả về nội hàm và ngoại diên. Có thể hiểu, “tư duy nhiệm kỳ” là tầm nhìn ngắn hạn, là cách làm việc siêu hình, thiển cận của một số cán bộ, đảng viên giới hạn trong một nhiệm kỳ mình tại vị. Mục tiêu của họ là chạy theo lợi ích cục bộ, lo thu vén cho lợi ích cá nhân hơn là lo nghĩ cho lợi ích của đất nước, lợi ích tập thể. Trong nhiệm kỳ nắm giữ cương vị lãnh đạo, họ không muốn nghĩ, không muốn trăn trở để tìm tòi hướng đi mới, cách làm hay đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước mà họ tìm mọi cách vơ vét lợi ích cho bản thân, “giữ ghế” an toàn để đến hết nhiệm kỳ thì về hưu hoặc được luân chuyển đi nơi khác có vị trí cao hơn. Về cơ bản, chủ nghĩa cá nhân và “tư duy nhiệm kỳ” có cùng bản chất và được biểu hiện ở các mặt sau:
Một là, chủ nghĩa cá nhân thích hưởng thụ, đòi thỏa mãn ham muốn của cá nhân, của nhóm lợi ích. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chủ nghĩa cá nhân chớm nở, họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”(3). Biểu hiện này giống với “tư duy nhiệm kỳ”, vì những người mắc bệnh “tư duy nhiệm kỳ” cũng thường chạy theo lợi ích cục bộ nhằm đạt được mục tiêu, lợi ích trong ngắn hạn, không quan tâm tới mục tiêu dài hạn, mục tiêu chiến lược, hiệu quả lâu dài mà chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân, hưởng thụ thành quả trước mắt hơn là lo nghĩ cho lợi ích của đất nước. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đó là bệnh cận thị, “không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú việc tỉ mỉ. Thí dụ việc tăng gia sản xuất, việc tiếp tế bộ đội thì không lo đến, mà chỉ lo thế nào để lợi dụng cơm cháy và nước vo gạo trong các bộ đội. Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn”(4). Những người có tư tưởng chủ nghĩa cá nhân và “tư duy nhiệm kỳ” này chủ yếu làm những việc lặt vặt, trước mắt, sắp xếp công việc một cách lộn xộn, thiếu tính lô-gíc khoa học. Người cán bộ, lãnh đạo có “tư duy nhiệm kỳ” sẽ tìm cách sử dụng quyền lực, lợi dụng uy tín, ảnh hưởng, chức vụ của mình trong nhiệm kỳ công tác để tạo ra những ảnh hưởng hoặc ra những quyết định nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Mục đích của những người có “tư duy nhiệm kỳ” là “vụ lợi cá nhân” để hưởng thụ. “Vụ lợi cá nhân” trong trường hợp này cần được hiểu theo nghĩa rộng là nhằm phục vụ lợi ích cho bản thân người cán bộ lãnh đạo, cho gia đình và thậm chí là cho “phe”, “cánh” của người đó.
Sự kết hợp của “tư duy nhiệm kỳ” và chủ nghĩa cá nhân đã tạo ra những biểu hiện tha hóa trong sử dụng quyền lực, phá vỡ trật tự, kỷ cương, làm băng hoại giá trị truyền thống trong các quan hệ xã hội. Hành vi này tạo ra hiện tượng chạy cơ chế, chính sách, chạy quy hoạch, chạy dự án, chạy vốn, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy thành tích và cả chạy tội, chạy án...; làm sai lệch các tín hiệu thị trường, cơ cấu và định hướng phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực quốc gia; làm tăng nợ công và sự bất ổn vĩ mô; làm mất tính nghiêm minh và chuẩn mực của pháp luật; làm giảm sút hiệu quả đầu tư, làm mất cơ hội và sức cạnh tranh trong nền kinh tế.
Hai là, chủ nghĩa cá nhân sinh ra bệnh quan liêu, kiêu ngạo, hình thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu. Kềnh càng. Kiêu ngạo. Chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức”(5). Chủ nghĩa cá nhân sinh ra bệnh kiêu ngạo, tự cao, tự đại, hay lên mặt, ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình, thích sai khiến người khác. Những căn bệnh đó cũng là biểu hiện cụ thể của “tư duy nhiệm kỳ” với các đặc điểm chủ yếu, như động cơ hám danh, hám quyền lực, hám lợi, thích khoe khoang. “Tư duy nhiệm kỳ”, với cách tư duy ngắn hạn, dẫn đến thái độ làm việc tắc trách, không đi sâu, đi sát công việc, và khi đã yên vị trên “ghế” rồi thì dễ dẫn đến quan liêu, kiêu ngạo và bệnh hình thức. Người có biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ” thường đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cao hơn nhiệm kỳ trước, không sát với yêu cầu thực tiễn, từ đó tìm mọi cách để đạt được các ý đồ đã đề ra có lợi cho bản thân, cho nhóm lợi ích của mình; hoặc thực hiện những chỉ tiêu, mục tiêu, dự án, chương trình nhanh thu lợi nhất, có kết quả ngay, để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ mình đương chức, và bỏ bê các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình, dự án khó thực hiện, thực hiện không có lợi, không có hiệu quả ngay, không để lại dấu ấn, viện dẫn lý do ngụy biện để lại cho nhiệm kỳ sau, cho người kế nhiệm. Bệnh quan liêu, hình thức của “tư duy nhiệm kỳ” thể hiện rõ thông qua các công trình hoành tráng, như tượng đài, đình, chùa, nhà văn hóa, sân vận động, cầu cống, đường xá,...; tổ chức các lễ kỷ niệm, lễ hội thật lớn để ghi dấu ấn. Hay bệnh hình thức, thành tích trong chính trị thì biểu hiện ở việc chạy các danh hiệu, như chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động,... trong nhiệm kỳ mình đương chức để phô trương, khuếch đại thành tích tập thể, cá nhân, “đánh bóng tên tuổi”. Hậu quả là lãnh đạo thì trong “men say” của niềm tự hào, kiêu hãnh mà không dựa trên năng lực thực tế của địa phương. Đây cũng là động cơ của những kẻ cá nhân chủ nghĩa trước đây và bây giờ là biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”.
Ba là, chủ nghĩa cá nhân ngại khó khăn, gian khổ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, cục bộ, bè phái. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ...”(6). Mang trong mình chủ nghĩa cá nhân, những người này ngại khó khăn, gian khổ, có lối sống ích kỷ, thực dụng, thường lợi dụng những sơ hở trong chính sách và trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tiến thân, phục vụ cho tham vọng chính trị, lợi ích của mình; đồng thời khi ngon ngọt, khi công kích để, một mặt, cấu kết, bè phái; mặt khác, chống phá, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu, hạ thấp uy tín của Đảng. Khi không thực hiện được ý đồ cá nhân, không thăng tiến được, không kiếm được nhiều lợi lộc hoặc bị kỷ luật, thì sinh ra bất mãn, buông xuôi. Do đó, khi có sự móc nối, lôi kéo của các thế lực thù địch, các phần tử này dễ quay ra chống lại Đảng và chế độ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Đây cũng là biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”, vì cùng có chung một đặc điểm nguy hiểm là thoái thác trách nhiệm, lạm dụng các kẽ hở và ẩn mình trong vỏ bọc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhưng thực chất là nhân danh cái tốt đẹp, lợi ích tập thể, cộng đồng để thu vén cho lợi ích cho cá nhân, gia đình, hoặc “nhóm cánh hẩu” của mình. Sự cấu kết giữa các cá nhân chủ nghĩa với các nhà hoạch định chính sách theo “tư duy nhiệm kỳ” dễ dẫn đến tham nhũng, hoặc trục lợi, thu lợi nhanh nhất cho cá nhân, cho một nhóm người và hệ lụy của nó là phá hỏng thành quả của xã hội, để lại hậu quả cho các nhiệm kỳ sau phải gánh chịu và khắc phục.
Người có “tư duy nhiệm kỳ” thường ý chí hóa cá nhân vào chủ trương lãnh đạo của cấp ủy, nhằm né tránh nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý ở “bình minh nhiệm kỳ” thì hứa hẹn, hô hào, nhưng đến nửa nhiệm kỳ thì nhạt dần và đến cuối nhiệm kỳ thì tỏ ra đối phó, trì trệ, cầm chừng. Với “tư duy nhiệm kỳ”, người kế nhiệm thay vì tiếp tục thực hiện, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kế hoạch “dài hơi” của người tiền nhiệm thì lại đặt ra kế hoạch mới để rồi cũng dang dở khi về hưu, hoặc chuyển công tác. Đặc biệt, ở “hoàng hôn nhiệm kỳ”, họ thường tranh thủ thực hiện “chuyến tàu vét” bằng cách ký kết các dự án kinh tế kém hiệu quả, đề bạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, trong đó có cả những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất... Sự thiếu khách quan và những tiêu cực của nó đã hình thành nên một dàn cán bộ lãnh đạo khóa sau cũng rơi vào chủ nghĩa cá nhân, “tư duy nhiệm kỳ”; làm thui chột động lực học tập, rèn luyện, phấn đấu của những cán bộ tốt; tạo nên dư luận xấu trong nội bộ và đối với cả những cán bộ được đề bạt.
Với những biểu hiện nêu trên, chúng ta thấy chủ nghĩa cá nhân và “tư duy nhiệm kỳ” có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Từ chủ nghĩa cá nhân đã sinh ra “tư duy nhiệm kỳ” - tư duy ngắn hạn, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt. Đồng thời, “tư duy nhiệm kỳ” luôn gắn liền với lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài của đất nước, của nhân dân. Cả hai căn bệnh này đều là “giặc nội xâm”, chúng phá hoại đất nước từ bên trong và nguy hại hơn bất kỳ kẻ địch nào khác. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Còn hiện nay, tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI (ngày 10-10-2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” của cán bộ, đảng viên ở nước ta như một căn bệnh, một tệ nạn trong xã hội cần phải chống. Tại Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta cũng khẳng định, cùng với “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” chính là một trong những rào cản lớn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Vì vậy, Đảng ta chủ trương “Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”(7).
Giải pháp phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” trên cơ sở quét sạch chủ nghĩa cá nhân hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu và không cần phải chống. Vì vậy, “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”(8). Tư duy nhiệm kỳ cũng vậy, một nhiệm kỳ thường có giới hạn về mặt thời gian, do vậy, nhiều cán bộ lãnh đạo muốn tận tâm, tận lực đóng góp công sức của mình nhiều nhất khi còn tại vị để giúp đất nước phát triển, hoặc có thể bảo đảm uy tín tái cử ở nhiệm kỳ sau. Đó là tư duy nhiệm kỳ theo nghĩa tích cực, rất đáng hoan nghênh. Điều cần lên án và phòng, chống ở đây là chủ nghĩa cá nhân làm ảnh hưởng đến “tư duy nhiệm kỳ” tiêu cực.
Ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa cá nhân và “tư duy nhiệm kỳ” trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý diễn ra với tính chất ngày càng tinh vi, mức độ ngày càng nghiêm trọng với những biểu hiện, biến thái khác nhau. Những hiện tượng giàu bất thường của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm việc ở những lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, dự án, vật tư, nguyên, vật liệu quý hiếm và ngay cả trong công tác tổ chức cán bộ; việc hình thành các “nhóm lợi ích” gồm những người thân tín trong gia đình, quen biết, cánh hẩu... xảy ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương. Tham nhũng vẫn hiện diện ở nhiều nơi, nhiều tổ chức, cơ quan và đơn vị từ Trung ương đến địa phương mà vẫn chưa được ngăn ngừa, xử lý kịp thời, dứt điểm. Tất cả những hiện tượng trên có nguồn gốc từ chủ nghĩa cá nhân và “tư duy nhiệm kỳ”. Do vậy, để loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, cách thức, không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác, mà cần phải kết hợp cả cơ chế, chính sách, sự kiểm soát của Nhà nước và trên cơ sở nâng cao đạo đức cách mạng để làm lợi cho tập thể, cho xã hội, cụ thể:
Thứ nhất, các tổ chức đảng cần đề cao tự phê bình và phê bình trên cơ sở dân chủ, nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng bản chất, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”(9). Phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén và rất cần thiết để chống chủ nghĩa cá nhân cũng như “tư duy nhiệm kỳ”. Đó cũng là phương thuốc hữu hiệu nhất, giúp cho toàn Đảng và mỗi đảng viên sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng, ngày một mạnh thêm. Tuy nhiên, tự phê bình và phê bình phải có tình đồng chí thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, thấu lý, đạt tình; tự phê bình và phê bình phải ráo riết, triệt để, không nể nang, không thêm, không bớt, không dùng những lời mỉa mai, cay độc, châm chọc, phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm; phê bình căn cứ vào việc làm chứ không suy diễn, quy kết. Trong quá trình tự phê bình và phê bình cần tránh: “Thái độ nể nang, hữu khuynh, “im lặng là vàng”, hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ”(10); hoặc: “Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng”(11). Đồng thời, cần mở rộng dân chủ trong tự phê bình và phê bình cũng như trong đánh giá năng lực, sở trường của cán bộ, đảng viên trên cơ sở lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực là tiêu chí chuẩn để đề bạt, bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ hợp lý; có cơ chế trả thù lao thỏa đáng, kích thích tài năng và sự sáng tạo của cá nhân trong công việc.
Thứ hai, tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của người cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp nhằm thiết lập nền tảng tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho hành động, tạo dựng cái nền, cái gốc của toàn Đảng và cho mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để làm tròn sứ mệnh của mình, mỗi đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhằm cung cấp cho cán bộ, đảng viên phương pháp tư duy biện chứng, tư duy chiến lược, loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ” mang tính siêu hình, thiển cận của mội bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Đồng thời, đấu tranh loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ” chỉ thực sự có hiệu quả khi cán bộ, đảng viên được củng cố lập trường giai cấp vô sản, nắm vững những quy luật của cách mạng Việt Nam, luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản, một lòng, một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng, của Tổ quốc và nhân dân.
Ngoài việc giáo dục lý tưởng cộng sản, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đội ngũ cán bộ đảng viên. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để góp phần loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, nâng cao đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”(12).
Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trước hết. Muốn làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Bởi lẽ, những giải pháp từ phía Đảng, Nhà nước đều là những giải pháp mang tính “ngoại lực”. Những giải pháp này chỉ có thể phát huy được tác dụng khi chính bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý thức phấn đấu, học tập, rèn luyện vươn lên để hoàn thiện bản thân. Thiếu sự phấn đấu, học tập, rèn luyện vươn lên của chính họ, những giải pháp từ phía Đảng, Nhà nước, đoàn thể sẽ ít mang lại hiệu quả. Hơn nữa, người cán bộ, đảng viên cần tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để hình thành nên tư duy sáng tạo, tư duy chiến lược, đồng thời tạo ra sự miễn dịch trước những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.
Thứ tư, Đảng, Nhà nước cần hoàn thiện một số quy định về phòng, chống đặc quyền, đặc lợi trong Đảng, trong các chức vụ lãnh đạo, quản lý của Nhà nước; cụ thể hóa quy định xử lý trách nhiệm người lãnh đạo, quản lý tổ chức, đơn vị để xảy ra ảnh hưởng tiêu cực của “tư duy nhiệm kỳ”, như tham nhũng, lãng phí, thoái hóa, biến chất, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm...; cụ thể hóa bằng những văn bản quy phạm pháp luật về từ chức hoặc miễn nhiệm nếu bị ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ”; cụ thể hóa quy định về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý không để người thân lợi dụng vị trí công tác để trục lợi. Ngoài ra, Đảng cũng nên có những quy định cụ thể hơn, như quy chế tranh cử trong sạch, lành mạnh; quy định về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý phải báo cáo công việc cá nhân (tình hình xây dựng, mua, bán, cho thuê nhà, việc vợ (chồng), con, người thân kinh doanh...).
Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu của “tư duy nhiệm kỳ” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân họ sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước nhân dân. Vì vậy, loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ” cần phải gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân và phải coi đó là nhiệm vụ thường xuyên trong suốt cuộc đời mỗi người cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cuộc đấu tranh loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ” là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ, bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân và “tư duy nhiệm kỳ” là những kẻ thù không lộ nguyên hình mà ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ của mỗi cá nhân và hành vi của mỗi cá nhân đó. Do đó, đấu tranh với ảnh hưởng tiêu cực của “tư duy nhiệm kỳ” là vấn đề mang tính chiến lược, cấp bách, song không hề dễ dàng, cần đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất, trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự ủng hộ và tham gia của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân./.
-----------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 90
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 156
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 605
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 297 - 298, 624
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 547
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 213
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 610
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 140
(10), (11) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 99, 102
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 636