Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum

https://tuyengiaokontum.org.vn


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Một kỳ tích trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc

Cho đến ngày nay, ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.
Hình minh họa trên Internet
Cách đây tròn 76 năm, ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể Nhân dân Việt Nam nhất thể đứng dậy làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, đó là một kỳ tích trong giải phóng dân tộc.
Đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Ở trong nước, quân Nhật hoang mang, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim rệu rã, phong trào cách mạng của Nhân dân phát triển rộng khắp, là thời điểm phong trào kháng Nhật diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Đây chính là thời cơ thuận lợi để chúng ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945. Hội nghị đã chủ trương thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc để chỉ huy kháng chiến. Ngay trong đêm, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, kêu gọi quân dân toàn quốc đứng lên giành lấy chính quyền trước khi quân đồng minh tiến vào Đông Dương. Trong tình hình hết sức khẩn trương, gấp rút đó, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã họp tại Tân Trào trong 02 ngày 16 và 17-8-1945, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng 5 cánh và chọn bài hát Tiến quân ca làm quốc ca;  quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Việc thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam là quyết định đúng đắn, kịp thời của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình cách mạng lúc bấy giờ, là bước chuẩn bị về mặt tổ chức cho việc thành lập Chính phủ mới của Nhân dân Việt Nam.
Ngay sau Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chiều ngày 16-8-1945, một đơn vị Quân Giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tiến về giải phóng Thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho Cách mạng Tháng Tám. Tiếp theo Thái Nguyên, ngày 18-8-1945, Nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền. Đây là những tỉnh giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước. Sáng ngày 19-8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo về Quảng trường Nhà Hát Lớn. Cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng đã diễn ra, trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm Sứ, Trại Lính Bảo an và các cơ sở của Chính phủ bù nhìn. Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa, binh lính và cảnh sát ngụy cũng bất lực và cuối cùng ngã theo cách mạng. Hà Nội giành được chính quyền. Từ đó, ngày 19-8 đã đi vào lịch sử của dân tộc, ngày khởi nghĩa ở Hà Nội, ngày đánh dấu cao trào Tổng khởi nghĩa trong cả nước, ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã có tiếng vang trong cả nước, có tác dụng cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh, thành khác giành chính quyền và làm tăng thêm cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước nhanh chóng giành thắng lợi. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thực hiện trên cả nước. Ngày 23-8, Huế giành được chính quyền. Trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào tỉnh Thừa Thiên Huế, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và giao nộp ấn, kiếm cho Chính phủ lâm thời. Trong tuyên bố thoái vị có đoạn ghi: “Trẫm trong 20 năm ngai vàng bể ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay, Trẫm lấy làm vui mừng được làm người dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia mà lung lạc dân chúng”. Ngày 25-8, Sài Gòn giành được chính quyền. Đồng Nai Thượng và Hà Tiên là 02 địa phương cuối cùng giành chính quyền vào ngày 28-8-1945.
Đứng trước tình hình cấp bách, cần phải sớm ổn định tình hình, bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, cũng trong ngày 28-8-1945, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, một cuộc mít tinh khổng lồ đã diễn ra của hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể thế giới và quốc dân đồng bào về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chấm dứt sự tồn tại và hoạt động của chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nền thống trị, áp bức của bọn đế quốc Pháp, Nhật và chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng nghìn năm đã bị lật đổ hoàn toàn. Chính quyền thuộc về Nhân dân. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thành tựu rực rỡ của tinh thần, ý chí, trí tuệ Việt Nam, của truyền thống văn hóa Việt Nam; đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, được thử thách qua các cao trào cách mạng; đó là nghệ thuật của nắm bắt thời cơ và tạo thời cơ, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; đó là thắng lợi của sự kết tinh những truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm chống ngoại xâm và gần một thế kỷ chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân; là thắng lợi của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cho đến ngày nay, ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp. Phát huy tinh thần và truyền thống vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đoàn kết một lòng, tạo thành một khối vững chắc; phát huy sức mạnh toàn dân tộc nhằm đẩy mạnh thực hiện toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đưa  nước ta sớm trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.


Ngô Đức Hải
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây