Ý nghĩa to lớn của thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945 

Ý nghĩa to lớn của thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945

Chủ nhật - 18/08/2019 06:00
Cách đây tròn 74 năm, toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, mở ra một trang sử mới cho lịch sử dân tộc. Đồng hành với thắng lợi ấy là sự ra đời và phát triển của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Hình minh họa trên Internet
Hình minh họa trên Internet
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã làm rung chuyển và chấn động hệ thống thuộc địa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ vận mệnh đất nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc Việt Nam đã góp phần đẩy nhanh quá trình sụp đổ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ trên phạm vi quốc tế.
Thành quả to lớn đó trước hết thuộc về sự nghiệp cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó, vai trò của Hồ Chí Minh là tiền đề và hết sức quan trọng. Để có được thắng lợi vĩ đại đó, Hồ Chí Minh đã phải bôn ba khắp năm châu bốn biển, đúc kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, lựa chọn con đường cách mạng vô sản duy nhất đúng cho dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nhận định đúng đắn lúc thời cơ chín muồi cùng toàn Đảng, toàn dân tộc tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vĩ đại. Bài học kinh nghiệm cho thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đó chính là bài học về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa “ý Đảng với lòng dân”, như một quy luật lịch sử tất yếu khách quan.
Nhận định được tầm quan trọng của lực lượng cách mạng, cho nên, ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú ý xây dựng lực lượng cách mạng với các hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, phù hợp, khẳng định con đường kiên quyết sự dụng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và giải phóng dân tộc. Trong đó, Đảng đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang để chống địch khủng bố, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và phong trào cách mạng, chuẩn bị giành chính quyền khi thời cơ đến.
Mở đầu cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cuộc bãi công của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc tỉnh Bình Phước) nổ ra ngày 3-2-1930, lần đầu tiên hình thành “Xích vệ đội”. Đây là hình thức tổ chức vũ trang đầu tiên có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cuộc đấu tranh của công nhân.
Trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931, đã có nhiều người hăng hái, dũng cảm nhất tham gia vào các đội Tự vệ cảm tử, Tự vệ oanh liệt hay còn gọi là Xích vệ, Tự vệ đỏ. Các tổ chức này đã trừng trị những tên cường hào, gian ác ở địa phương, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền Xô viết và phong trào cách mạng.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao, Trung Quốc từ ngày 27 đến 31-3-1935, đã có riêng một Nghị quyết về Đội tự vệ, trong đó chỉ rõ: “Đối đầu với khủng bố trắng thì vấn đề hộ vệ quần chúng hằng ngày và trong các cuộc tranh đấu là vấn đề cần thiết quan trọng cho cách mạng tiến hành. Đảng Cộng sản đã có chủ trương và thực hành tổ chức tự vệ đội của công nông. Hiện nay làn sóng cách mạng mới đã tràn khắp Đông Dương, thì vấn đề tự vệ đội là vấn đề hiện tại cần phải giải quyết ngay, hướng theo ánh sáng của kinh nghiệm cách mạng vận động trong xứ và toàn thế giới”. Nghị quyết này đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Đảng trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng ở cơ sở, những vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng Đội tự vệ được đề cập một cách cơ bản và có hệ thống. Trong bối cảnh phong trào cách mạng vừa qua đợt khủng bố trắng của kẻ thù, hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng mới được khôi phục, những nghị quyết mà Đại hội lần thứ nhất của Đảng thông qua, trong đó có Nghị quyết về Đội tự vệ chứng tỏ Đảng ta luôn kiên định lập trường giai cấp, thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, sớm nhận thức vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng lực lượng bảo vệ cách mạng.
Sau cuộc khủng bố trắng của bọn thực dân và phong kiến, cách mạng Việt Nam chuyển sang cao trào vận động dân tộc, dân chủ rộng lớn, công tác bảo vệ cách mạng, chống địch khủng bố tiếp tục được tăng cường. Thời kỳ này, các cuộc đấu tranh, biểu tình, bãi công ở thành phố, nhà máy, hầm mỏ; các cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng, các cuộc rải truyền đơn, dán khẩu hiệu… đều có đội tự vệ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ. Đó là hoạt động chuẩn bị lực lượng quan trọng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, khởi nghĩa giành chính quyền.
Các đội xích vệ, tự vệ được hình thành qua các cao trào cách mạng của quần chúng chính là các tổ chức tiền thân của lực lượng Công an nhân dân đã đáp ứng đòi hỏi tất yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng và hỗ trợ cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám.
Trong thời kỳ 1939 -1945, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của quần chúng dâng cao trong toàn quốc, Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đội tự vệ được xây dựng ở khắp các căn cứ cách mạng ba miền với nhiều hình thức, phương thức hoạt động phong phú, đa dạng. Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Các cấp bộ Đảng đã cử cán bộ, đảng viên trung kiên trực tiếp phụ trách các tổ chức chuyên chính này. Những quần chúng tốt, những thanh niên hăng hái của các đoàn thể cứu quốc được lựa chọn vào các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an.
Trong lúc tình hình chính trị kinh tế đang gặp khó khăn, ngày 25 - 11 - 1945, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị "kháng chiến kiến quốc". Quán triệt chỉ thị của Đảng ngành Công an đã anh dũng mưu trí kịp thời khám phá các âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn đặc vụ Tưởng, bọn mật thám Pháp câu kết với các loại phản động trong các đảng phái chính trị phản động, tiêu diệt các sào huyệt gây tội ác giết người của chúng, kịp thời đập tan âm mưu gây rối, gây bạo loạn hòng lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ thắng lợi chính quyền cách mạng non trẻ. Theo chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 21-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23-SL thống nhất các lực lượng liêm phóng, cảnh sát, trinh sát, quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành "Việt Nam công an vụ". Đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ giữ chức Giám đốc Việt Nam Công an vụ đầu tiên. Tiếp đó ngày 18-4-1946 Bộ Nội vụ ra quyết định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ. Nghị định quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp: Nha công an Trung ương, Sở công an kỳ, Ty công an tỉnh. Thực hiện Sắc lệnh số 23-SL và Nghị định 121-NĐ, lực lượng Công an đã được triển khai thống nhất trên tất cả các địa phương trong cả nước.
Trong chín năm kháng chiến gian khổ, hi sinh, lực lượng Công an nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt, đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động gián điệp, do thám của thực dân Pháp xâm lược; đập tan âm mưu hoạt động đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn các căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân; đấu tranh bài trừ bọn lưu manh, trộm cướp, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống của nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an nêu cao khí phách kiên cường, dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu như: Bùi Thị Cúc (Công an Hưng Yên), Võ Thị Sáu (Công an huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Xuân Thưởng (Công an Thừa Thiên - Huế)...
Ngày 16-2-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi Nha công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an. Trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 27-29 tháng 8-1953, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã quyết định đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.
Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết thực hiện âm mưu sử dụng bọn tình báo, gián điệp móc nối với tàn quân phỉ và bọn phản động trong nước tiến hành các hoạt động chống phá công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, hòng gây chia rẽ, bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng. Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và hành động, tiến hành đấu tranh dập tắt các vụ nhen nhóm phản động và hoạt động gây bạo loạn của bọn phản cách. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình văn hoá - xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân. Tổ chức cho nhân dân đi sơ tán khỏi vùng có chiến sự ác liệt. Đấu tranh trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm; làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra, góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, lực lượng Công an miền Bắc chi viện cho An ninh miền Nam; sát cánh cùng với lực lượng An ninh miền Nam tiến hành công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và khu căn cứ cách mạng, tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt địch ngay trong sào huyệt của chúng, trấn  áp bọn phản động, trừng trị bọn ác ôn; phá tan nhiều kế hoạch tình báo của Mỹ - Ngụy. Đồng thời, làm tròn nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, bờ biển, biên giới, hải đảo, góp phần đánh thắng các kế hoạch xâm nhập, gián điệp, biệt kích của Mỹ Ngụy.
Lực lượng điệp báo, tình báo Công an nhân dân đã dũng cảm, mưu trí xâm nhậm vào hang ngũ của địch, thu thập, cung cấp nhiều tin tức tình báo có giá trị chiến lược, chiến thuật, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hoá chiến tranh.” của đế quốc Mỹ, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những thành tích, chiến công của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi tiếp vào truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân những trang sử vàng oanh liệt; hàng trăm tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ Công an được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tiêu biểu như: Hồ Bá Thọ (Công an Quảng Bình), Nguyễn Thị Lý (Công an Quảng Trị),...
Sau ngày đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta hoà bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã tích cực vào nhiệm vụ củng cố chính quyền cách mạng, truy quét, bóc gỡ nhiều mạng lưới gián điệp.
Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, Điều 11, Chương 1 của Luật quy định: "Ngày 19 tháng 8 hằng năm là ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"".
Có thể thấy, từ khi ra đời cho đến nay, lực lượng Công an nhân dân đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện, trải qua nhiều khó khăn, thử thách, chiến đấu và phát triển, phát huy truyền thống của lực lượng Công an cách mạng, tô thắm trang sử vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói riêng và lực lượng vũ trang của Đảng nói chung. Lực lượng công an được xây dựng ngày càng lớn mạnh, trở thành công cụ chuyên chính, sắc bén của Đảng, vững vàng về chính trị, tư tưởng, chặt chẽ về tổ chức, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Trải qua 74 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã có nhiều tấm gương anh dũng hi sinh để bảo vệ thành quả của cách mạng, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trong bối cảnh mới của sự nghiệp cách mạng, Công an nhân dân Việt Nam tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.

Lê Minh Phượng
(Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)

Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

CT.16.UBND

về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Lượt xem:385 | lượt tải:40

QĐ.1309.TU

về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Lượt xem:652 | lượt tải:34

QĐ.1308.TU

Thành lập các Tổ chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:90 | lượt tải:47

TÀI LIỆU

giao ban báo chí tháng 8-2024

Lượt xem:805 | lượt tải:77

CV.2598.BTGTU

V/v hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024

Lượt xem:285 | lượt tải:139

CV.2594.BTGTU

Mời dự Hội nghị Báo cáo viên (trực tuyến) tháng 8-2024

Lượt xem:1321 | lượt tải:66

HD.163.BTGTW

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các Hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030.

Lượt xem:324 | lượt tải:52
 
pxyk2024
 
bao chi
bacho 2
truongsa

sls
Đăng nhập
Hãy đăng nhập tài khoản để sử dụng tài liệu Báo cáo viên
Thống kê
  • Đang truy cập239
  • Hôm nay12,016
  • Tháng hiện tại333,573
  • Tổng lượt truy cập32,996,230
Thăm dò ý kiến

Bạn có thường xuyên truy cập trang web này không?

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trang web có cần bổ sung, điều chỉnh nội dung gì không?

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY KON TUM
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020
Chịu trách nhiệm: ông Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Địa chỉ: 67 Bà Triệu, P. Thắng Lợi, Tp. Kon Tum
SĐT: 0260.3862301     Fax: 0260.3865464
Email: bantuyengiaotinhuykt@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây