Trước khi về cõi vĩnh hằng, Người đã để lại cho chúng ta bản Di chúc bất hủ mà ngày 01-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 1426/QĐ-TTg công nhận Bảo vật Quốc gia cho các hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đó “Di chúc" đã được công nhận, cho thấy ý nghĩa và giá trị trường tồn của tác phẩm này. 50 năm đã trôi qua (02/9/1969-02/9/1919) nhưng những giá trị và ý nghĩa của tác phẩm đó vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, tác phẩm là sự kết tinh tinh thần tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hi sinh vì nước vì dân; vạch ra những định hướng mang tính Cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha; là sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Di chúc của Hồ Chí Minh đề cập nhiều vấn đề, nhưng trước tiên Bác nói về Đảng - lực lượng cầm quyền và lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh tới truyền thống đoàn kết của Đảng và căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh
tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau"
[1]
Một mặt, Hồ Chí Minh nói về tập trung dân chủ, nhưng mặt khác, chính Người luôn luôn gương mẫu thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ.
Về đại thể tập trung dân chủ gồm hai vấn đề là “tập trung” và “dân chủ”, trong đó dân chủ là nền tảng, tập trung phải trên cơ sở dân chủ; mở rộng dân chủ thì mục tiêu thống nhất; tập trung không trên cơ sở dân chủ hoặc thiếu dân chủ là tập trung quan liêu.
Nguyên tắc ấy bao hàm những nội dung mang tính khách quan, được đúc kết từ thực tiễn và được quy định tại Điều 9 - chương II. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành; nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là: (1) Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng đều do bầu cử lập ra. (2) Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. (3). Ban chấp hành đảng bộ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước ban chấp hành đảng bộ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình. (4). Nghị quyết của Đảng phải được chấp hành nghiêm chỉnh. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc, Hội nghị đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. (5). Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải được biểu quyết với sự tán thành của trên một nửa số thành viên trong cơ quan đó. Trước khi biểu quyết, các đảng viên được phát biểu hết ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó, nếu thấy thực tiễn chứng minh là đúng thì tiếp thu. Tổ chức đảng không được phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số. (6). Tổ chức đảng cấp dưới được quyền quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
Thực tế lịch sử cho thấy khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì công việc quản lý đất nước, quan hệ đối nội và đối ngoại của Đảng, của nhà nước ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp. Do đó, việc giữ vững và tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ một cách đúng đắn, nghiêm ngặt càng có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của Đảng và của chế độ. Mặt khác, muốn giữ vững thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu phải khẳng định nguyên tắc xây dựng đảng, nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là tập trung dân chủ.
Nguyên tắc đó vừa bảo đảm quyền chủ động, sáng tạo của mọi thành viên trong tổ chức, vừa bảo đảm thống nhất ý chí và hành động vì sự nghiệp chung, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, bộ phận phục tùng toàn thể, là sự bảo đảm chắc chắn cho sức chiến đấu của toàn Đảng; cho khả năng lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước. Đồng thời nguyên tắc tập trung dân chủ tôn trọng ý kiến cá nhân và thiểu số về quyền bảo lưu và ấn định thời gian xem xét, thẩm định ý kiến bảo lưu ấy.
Tập trung dân chủ đi kèm với tính công khai và minh bạch trong cung cấp thông tin đầy đủ là điều kiện cần thiết để bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của Đảng và nhà nước.
Nguyên tắc và điều kiện nói trên đã được kiểm nghiệm lâu dài, được chứng minh là có hiệu quả đối với cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đảng cả trong khi chưa có chính quyền cũng như trong điều kiện Đảng đã trở thành đảng cầm quyền. Thành tựu to lớn và cả những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng của các đảng cộng sản và đảng công nhân trong phong trào cộng sản quốc tế suốt trong lịch sử ra đời và phát triển cho tới ngày nay, càng chứng minh ý nghĩa khách quan và vai trò quyết định của nguyên tắc tập trung dân chủ. Đánh giá thấp và phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ với tính cách là nguyên tắc xây dựng Đảng và xây dựng nhà nước là biến Đảng từ một tổ chức thống nhất về chính trị tư tưởng và hành động, có sức chiến đấu cao của những người có chung một lý tưởng cộng sản và mục đích phục vụ nhân dân thành một kiểu câu lạc bộ tranh cãi suông, chia rẽ và đối lập, mất khả năng hành động với tư cách là một đảng lãnh đạo xã hội; biến nhà nước của nhân dân thành nơi tranh giành quyền bính của các thế lực thù địch.
Vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ có vai trò là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động tổ chức, sinh hoạt và xây dựng Đảng; xác lập nguyên tắc giải quyết mọi vấn đề trong nội bộ Đảng.
Thực tế qua 89 năm xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn đồng hành và bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Giá trị đích thực của nguyên tắc tập trung dân chủ là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Tập trung dân chủ trong Đảng là nguyên tắc có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Đảng. Thực tiễn đã chứng minh, ở đâu nguyên tắc tập trung dân chủ được cấp ủy, người chỉ huy và cán bộ, đảng viên hiểu một cách đầy đủ, thì ở đó dân chủ được phát triển, tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định. Ngược lại, nếu nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng không được tôn trọng thì sẽ rất nguy hại.
Tổ chức cơ sở Đảng cần tổ chức cho đảng viên thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, nghĩa là mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm lại mình, thấy rõ ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa; đồng thời góp ý cho đồng chí, đồng đội trên tinh thần xây dựng. Do vậy, Đảng không chấp nhận cách nói thiên lệch, một chiều, nói ngoài tổ chức, không đúng với bản chất tập trung để dân chủ và dân chủ để đi đến tập trung.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây cũng chính là những yếu tố bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của Đảng.
Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, thực hiện di huấn của Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ thì mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn hiểu rõ bản chất và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng chính là làm cho Đảng ta luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần vào công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.