Là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện địa lý, tự nhiên khắc nghiệt, để sinh tồn và phát triển đòi hỏi các dân tộc Kon Tum phải đoàn kết, thống nhất để cùng vượt qua khó khăn. Đoàn kết trở thành yêu cầu thiết yếu để Nhân dân các dân tộc Kon Tum chống lại thiên tai, địch họa, xây dựng và phát triển quê hương…Tinh thần đoàn kết của Nhân dân các dân tộc Kon Tum được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau.
Trước hết là tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Tỉnh Kon Tum là nơi quy tụ của 43 thành phần dân tộc cùng sinh sống với dân số khoảng trên 583.500 người (tính đến thời điểm hiện nay). Trong đó có 7 dân tộc tại chỗ từ lâu đời là dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Mâm, H,rê. Kon Tum cũng là địa bàn có nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động như: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài…với số lượng tín đồ khá đông. Mặc dù vậy, trong tiến trình lịch sử, Nhân dân các dân tộc Kon Tum luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, bình đẳng thực sự, hỗ trợ lẫn nhau giữa dân tộc Kinh với dân tộc thiểu số tại chỗ; giữa các dân tộc người thiểu số với nhau và giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo và người không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tuyệt đối không có biểu hiện tư tưởng dân tộc lớn, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tự ti, ỷ lại. Thực tiễn đã diễn ra và trở thành lịch sử về một khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của nhân dân Kon Tum dưới sự lãnh đạo Đảng, tạo nên sức mạnh to lớn để lập nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay.
Tinh thần đoàn kết của Nhân dân Kon Tum còn thể hiện qua mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với Đảng. Từ khi ra đời đến nay, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt phương châm bám dân, bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hòa mình với dân để tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng, ủng hộ, tham gia cách mạng. Từ những đội vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở, những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp hay những cán bộ được Đảng phân công bí mật ở lại hoạt động năm 1954, Đảng đã vận động nhân dân tham gia các đội dân quân, du kích, đóng góp lương thực, thực phẩm để ủng hộ kháng chiến đến ngày toàn thắng. Đến những năm gần đây, Đảng bộ luôn chú trọng công tác dân vận, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức công tác vận động quần chúng theo hướng bảo đảm thiết thực, đi sâu, đi sát cơ sở để đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống và ngược lại nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; thường xuyên cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo để Nhân dân được tham gia tích cực vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Mối quan hệ đoàn kết giữa Nhân dân với Đảng và giữa Đảng với Nhân dân được xây dựng từ hai chiều. Đảng bộ có trách nhiệm trước Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Và ngược lại, Nhân dân các dân tộc Kon Tum luôn tin tưởng tuyệt đối vào Đảng bộ, yêu thương, che chở, đùm bọc cán bộ, đảng viên. Những năm tháng kháng chiến, Nhân dân Kon Tum không sợ gian khổ, không sợ hi sinh, bí mật che chở, bảo vệ cán bộ, đảng viên trước sự truy lùng gắt gao, tàn bạo của quân thù. Có những người như bà mẹ Nố Nể, như anh Đinh Gió, như Bà mẹ Việt Nam anh hùng Y Hleo và rất rất nhiều người dân Kon Tum không thể kể tên, đã không quản đến tính mạng để bảo vệ cán bộ cách mạng, để cán bộ ở lại cùng nhân dân kháng chiến. Ngày nay, tinh thần trách nhiệm của Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo được thể hiện thông qua việc ủng hộ, hiện thực hoá chủ trương, chính sách của Đảng; bằng việc chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước để cùng Đảng nỗ lực xây dựng, phát triển quê hương thời kỳ mới.
Tinh thần đoàn kết của Nhân dân các dân tộc Kon Tum còn thể hiện trên phương diện đoàn kết quốc tế. Xuất phát từ đặc điểm Kon Tum là tỉnh có vị trí địa lý, chính trị rất quan trọng đối với khu vực và cả nước, nơi giáp ranh với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Trong tiến trình lịch sử, Nhân dân các dân tộc Kon Tum đã phát huy tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt với nhân dân các tỉnh nước bạn Lào và Campuchia trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc hiện nay. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có những làng của nước bạn Lào đã di chuyển sang Việt Nam như làng Mang Tách, Đăk Xây (nay thuộc địa bàn xã Đăk Long, huyện Đăk Glei), làng Đăk Mế (nay thuộc xã Pờ Y) hay làng Le (nay thuộc xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) di chuyển từ bên kia biên giới Campuchia sang cùng nhân dân Kon Tum đoàn kết kháng chiến. Ngược lại, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có những làng như Kà Ta, Măng Khôn (nay thuộc xã Pờ Y); Đăk Vang, Bun Ngai (nay thuộc xã Sa Loong); Nông Nội, Nông Nhầy (xã Đăk Nông, nay thuộc huyện Ngọc Hồi).v.v. đã có thời gian lùi sâu về phía đất bạn Lào để lập làng chiến. Nhân dân Kon Tum và nhân dân các tỉnh bạn đã đoàn kết, nỗ lực, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ tuyến hành lang Bắc - Nam, con đường vận chuyển nhân, vật lực từ miền Bắc vào miền Nam để kháng chiến chống đế quốc Mỹ đến ngày toàn thắng. Đến những tháng cuối năm 1975, hàng trăm người dân huyện Von Xay và Tà Veng của tỉnh Ratanakiri, Campuchia đã chạy sang địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy để tránh nạn diệt chủng. Nhân dân Mô Rai dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, song đã sẵn lòng sẻ chia, đùm bọc cho những người dân nước bạn. Lịch sử mãi mãi không quên tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt mà nhân dân Kon Tum, Việt Nam đã dành cho nhân dân các tỉnh của nước bạn CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia, và ngược lại.
Tinh thần đoàn kết là truyền thống quý báu và là yếu tố hết sức quan trọng để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đoàn kết là sức mạnh vô cùng to lớn để chống lại kẻ thù vô hình và hữu hình, là nguyên lý gốc rễ để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước triển bền vững.
Trần Thị Sáu