Cách đây 90 năm, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng - tổ chức tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay đã ra đời. Cùng năm ấy, tại tỉnh Kon Tum, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum (Chi bộ binh) được thành lập vào cuối tháng 9 năm 1930, sau thời gian đồng chí Ngô Đức Đệ - đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam bị giam ở Nhà lao Kon Tum tiến hành công tác tuyên truyền, cảm hoá, huấn luyện, thử thách và kết nạp đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), cai Liễu (Huỳnh Liễu), cai Cừ (Nguyễn Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi thành lập Chi bộ binh, các đồng chí tiếp tục bắt mối, bí mật thành lập thêm chi bộ ngoài nhà lao, còn gọi là Chi bộ đường phố thị xã Kon Tum (đầu năm 1931). Hai Chi bộ tích cực hoạt động tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng trong binh lính và Nhân dân thị xã Kon Tum. Đặc biệt là tổ chức phong trào đấu tranh của tù chính trị tại nhà lao để phản đối chính sách cai trị của thực dân Pháp. Mặc dù chỉ sau thời gian ngắn (đến giữa năm 1931 bị thực dân Pháp khủng bố làm tan rã), sự ra đời và hoạt động của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Kon Tum là kết quả của việc truyền bá tư tưởng cộng sản trong hoàn cảnh hết sức đặc thù và đã để lại dấu ấn sâu sắc về con đường đấu tranh cách mạng của Đảng trong các tầng lớp Nhân dân Kon Tum. Để rồi sau này họ tự giác đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cuối tháng 6 năm 1946, khi thực dân Pháp tái chiếm Kon Tum lần thứ 2, tình hình cách mạng ở Kon Tum gặp rất nhiều khó khăn, các tổ chức Đảng, chính quyền, cơ sở cách mạng vừa mới được gây dựng chưa đầy 1 năm đã bị tan rã. Các cán bộ, chiến sỹ Đội vũ trang tuyên truyền dưới sự chỉ đạo của Phân Ban quốc dân thiểu số miền Nam Trung bộ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, bằng sự nhiệt tình và khéo léo của mình đã tuyên truyền vận động giúp Nhân dân sớm ổn định lại tư tưởng, an tâm sản xuất làm ăn, sinh hoạt; gây dựng, phát triển lại những cơ sở cách mạng; từng bước tạo dựng, mở rộng vùng căn cứ, làm bàn đạp thuận lợi cho việc phát triển phong trào cách mạng của tỉnh đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1954. Đó là thành công của công tác tuyên truyền, tác chiến ở một địa bàn rộng lớn, giao thông cách trở, đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết còn mù chữ, lại bị ách thống trị của thực dân Pháp với âm mưu thâm độc, thực hiện văn hoá ngu dân, yếu tố thần quyền tôn giáo mê hoặc.
Từ tháng 8-1954, thi hành Hiệp định Giơnevơ, phần lớn cán bộ, bộ đội ta rút xuống đồng bằng, tập kết ra miền Bắc, bàn giao địa bàn cho đối phương quản lý. Đầu tháng 9-1954, địch tiếp quản tỉnh Kon Tum. Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của tỉnh nhà, Ban cán sự Đảng tỉnh đã phân công 130 cán bộ cốt cán của Đảng cùng với số cán bộ cơ sở tại chỗ trụ bám địa bàn hoạt động. Mặc dù có sự phân công trong Ban cán sự, song do ít người, công việc lại nhiều, vì vậy một cán bộ phải kiêm nhiều công việc. Các Đội công tác xây dựng cơ sở (còn gọi là Đội công tác phía trước) được thành lập bao quát cả công tác tuyên truyền, dân vận, xây dựng cơ sở cách mạng - là những người đi đầu, làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước của đồng bào các dân tộc Kon Tum. Đến tháng 5-1960, khi Ban Tuyên huấn Khu ủy V ra đời, Khu uỷ V điều động đồng chí Phạm Trọng (Nhớ) về công tác chiến trường Kon Tum, bổ sung Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được phân công phụ trách công tác huấn học và tuyên văn giáo. Trong thời gian từ năm 1961 đến năm 1968, với sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam, hàng trăm cán bộ tư tưởng, huấn học, văn hóa văn nghệ, giáo dục, báo đài được cử vào chiến trường, bổ sung cho bộ phận tuyên huấn các cấp. Trong số đó, có nhiều đồng chí được điều về làm nhiệm vụ công tác huấn học, tuyên văn giáo tại Kon Tum như: Đồng chí Phạm Chẩm, Đỗ Kim Tấn, Lê Văn Ba… Cuối năm 1966, bộ phận huấn học và tuyên văn giáo sáp nhập thành Ban tuyên huấn của Tỉnh ủy theo Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng (tháng 10) nhằm thống nhất mặt trận công tác tư tưởng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ. Ban Tuyên huấn tỉnh gồm các tiểu ban: Tiểu ban Tuyên truyền - thông tin, Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Văn hóa - Văn nghệ (đến năm 1972 có bộ phận điện ảnh), Tiểu ban Giáo dục (thành lập cuối năm 1966), Trường Đảng tỉnh phụ trách mở các lớp chỉnh huấn, các lớp đào tạo lý luận trình độ sơ cấp cho cán bộ các huyện và Trường Bổ túc văn hóa, phổ cập kiến thức cho cán bộ các cơ quan. Trực thuộc Ban Tuyên huấn các huyện có trường Đảng huyện và Trường bổ túc văn hóa huyện. Đến thời điểm năm 1973, bộ máy tổ chức ngành đã cơ bản kiện toàn từ tỉnh đến huyện, xã.
Những năm tháng ấy, từ chính sách tố cộng, diệt cộng - tìm diệt Cộng sản, đàn áp phong trào cách mạng (1955-1959) đến các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”,... Mỹ - Ngụy đã gieo rắc biết bao tội ác trên mảnh đất Kon Tum, làm cho tinh thần, tư tưởng của không ít cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và quần chúng nhân dân Kon Tum lo sợ, dao động, có lúc gần như chùng bước. Các cán bộ được phân công ở lại khéo léo bí mật hoạt động, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hòa xương máu với Nhân dân để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng, hướng dẫn Nhân dân đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp phá âm mưu tố cộng, diệt cộng của địch, đi từ đấu tranh chính trị đến vũ trang đồng khởi, nổi dậy giải phóng từng vùng, xây dựng căn cứ kháng chiến. Trong quá trình đấu tranh, trước yêu cầu cần kíp của chiến trường, hệ thống ngành Tuyên huấn tỉnh dần được củng cố và phát triển. Lực lượng cán bộ ngành Tuyên huấn nói riêng và cán bộ làm công tác tuyên truyền nói chung ngày càng được tăng cường, bổ sung và sẵn sàng xông pha trên mọi trận tuyến chống quân thù. Họ đã nhanh nhạy và kịp thời đưa những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng đến với mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và Nhân dân của tỉnh để xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao lập trường, tư tưởng cách mạng. Họ đã đem những vần thơ yêu nước, cách mạng, cùng với những lời ca, tiếng hát lấn át tiếng bom để cổ vũ tinh thần những chiến sỹ tiên phong, những đoàn dân công xông pha trận tuyến; động viên, cổ vũ Nhân dân tăng gia sản xuất, ổn định đời sống, phục vụ tiền phương. Họ đã mang những con chữ i, tờ (i, t,...) đến từng bản làng heo hút, để rồi tranh thủ mọi lúc, mọi nơi trên những nương rẫy, khóm rừng, bên ánh lửa xà nu bập bùng dạy cho đồng bào những cái chữ người Kinh, những tương đồng ngôn ngữ, nâng cao sự hiểu biết, tăng cường tình đoàn kết Kinh-Thượng, lương-giáo,... tạo dựng niềm tin, xóa dần tính tự ty, mặc cảm cho đồng bào các dân tộc. Họ luôn đi sát trong những chiến dịch lớn, những trận đánh nhỏ để cổ vũ, động viên, khích lệ những đoàn quân xung trận. Chặng đường 21 năm trường kỳ gian khổ đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đội ngũ cán bộ Tuyên huấn, những lực lượng làm công tác tuyên truyền ngày càng nâng cao được bản lĩnh, kinh nghiệm và trưởng thành, đã đóng góp tích cực, cùng với các ngành, các lực lượng quân, dân trong tỉnh đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, góp phần giải phóng tỉnh Kon Tum, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai sáp nhập thành tỉnh Gia Lai- Kon Tum, Ban Tuyên huấn hai tỉnh được sáp nhập và đến ngày 25-5-1977, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum được thành lập. Những năm đầu sau giải phóng, đội ngũ cán bộ ngành Tuyên huấn đã tích cực tham mưu cho tỉnh chỉ đạo công tác tuyên truyền ổn định đời sống Nhân dân, vận động Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tăng gia lao động sản xuất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; đấu tranh chống bọn ngoan cố chống đối cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Kon Tum bắt đầu xuất phát từ trình độ dân trí thấp, cơ sở vật chất không có gì, lại bị các thế lực thù địch tìm cách chống phá; thêm vào đó những tư tưởng thỏa mãn cầu an, quan liêu, mệnh lệnh của không ít cán bộ, đảng viên đã gây cản trở trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những năm 1976-1985, ngành Tuyên huấn (tuyên giáo) tỉnh đã tích cực trong công tác tham mưu quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng lập trường, quan điểm đúng đắn, góp phần cổ vũ, động viên phong trào toàn tỉnh tăng gia lao động sản xuất, định canh định cư, khai hoang xây dựng cánh đồng tạo ra những cơ sở vật chất ban đầu để ổn định đời sống. Cũng trong giai đoạn này, các thế lực phản động, thù địch âm mưu gây chiến tranh biên giới Tây Nam và chống phá ta trong nội địa thông qua tổ chức phản động FULRO. Từ kinh nghiệm trong chiến tranh, ngành Tuyên huấn (tuyên giáo) tỉnh đã tích cực trong công tác tham mưu, cùng với các cấp, các ngành tuyên truyền vận động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của địch, đem lại bình yên cho Nhân dân. Những năm 1986-1991, bắt đầu giai đoạn đổi mới đất nước theo tinh thần nghị quyết Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), cũng là lúc tình hình thế giới có nhiều biến động, mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu sụp đổ đã tác động trực tiếp đến cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh chung, ở Kon Tum đã có không ít cán bộ, đảng viên có tư tưởng hoang mang, dao động, Nhân dân không khỏi lo âu. Trước tình hình đó, ngành Tuyên giáo tỉnh đã tích cực tham mưu quán triệt, học tập chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nâng cao bản lĩnh lập trường, đổi mới tư duy trong nhận thức và hành động; từng bước khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, tạo đà cho sự chuyển biến mới, góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của tỉnh.
Năm 1991, tỉnh Kon Tum được thành lập lại, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum được thành lập. Đến nay, toàn tỉnh có 10 ban tuyên giáo huyện ủy, thành ủy và 04 ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy. Lực lượng làm công tác tuyên giáo các xã, phường, thị trấn cũng từng bước được quan tâm xây dựng. Các xã, phường, thị trấn đã bố trí 01 đồng chí cấp ủy viên kiêm nhiệm công tác tuyên giáo, tham mưu giúp cấp ủy cơ sở về công tác tư tưởng và thành lập đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở.
Trong giai đoạn 1991-2020, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thì tình hình trong nước, trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, các thế lực phản động, thù địch âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngành Tuyên giáo tỉnh đã nhạy bén nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu cho tỉnh chỉ đạo tổ chức quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; phối hợp với các cấp, các ngành, các binh chủng tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh năm 2011 (bổ sung sửa đổi)); tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo tỉnh Kon Tum ngày càng được rèn luyện, trưởng thành, đủ sức tham mưu giúp cấp ủy các cấp định hướng, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác (công tác lý luận chính trị, tuyên truyền, khoa giáo, lịch sử Đảng,...). Bên cạnh việc tham mưu định hướng chỉ đạo các hoạt động tuyên giáo thường xuyên, giai đoạn 1991-2020, Ngành Tuyên giáo tỉnh đã có những đổi mới trong công tác, tập trung hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của dân để tham mưu cấp ủy giải quyết vấn đề “điểm nóng” xảy ra ở cơ sở; kịp thời tham mưu định hướng tuyên truyền chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch nhằm thành lập nhà nước “Đê ga” tự trị những năm 2001, 2004; tham mưu Tỉnh ủy tổ chức các cuộc mít tinh, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và của tỉnh; những đổi mới trong công tác tuyên truyền cung cấp thông tin, tuyên truyền…
90 năm qua, Ngành Tuyên giáo Kon Tum luôn đi trước, đi cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ; bám sát, chủ động, kịp thời, toàn diện, phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả khi xây dựng, củng cố vững chắc niềm tin cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo trên địa bàn không ngừng được xây dựng, phát triển có bản lĩnh, tri thức và phương pháp làm việc khoa học; nỗ lực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, định hướng thực hiện tốt công tác tư tưởng, góp phần nâng cao ý thức, tinh thần tự tôn dân tộc, xác định rõ lập trường, quan điểm trong cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, chung sức chung lòng, đoàn kết xây dựng Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển.
Hiện nay, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng; cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, công tác tư tưởng bên cạnh những thuận lợi sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức. Công tác tuyên giáo không đơn thuần là một nghề nghiệp như trong lao động sản xuất, trong nghiên cứu khoa học mà là một loại hình hoạt động xã hội thiên về định hướng tư tưởng chính trị. Đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo giữ vững và phát huy những phẩm chất cao đẹp: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; trung thực, có ý thức trách nhiệm cao và tinh thần làm việc sáng tạo; thường xuyên học tập để nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực nghiệp vụ, bổ sung những kiến thức mới đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng khoa học - công nghệ; có đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh; bám sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe ý kiến Nhân dân… Có như vậy mới đảm đương được nhiệm vụ mà Đảng, Nhân dân giao phó.
Tự hào truyền thống vẻ vang 90 năm Ngành Tuyên giáo tỉnh Kon Tum, chúng tôi - những người làm công tác tuyên giáo hôm nay tự nhắc nhở bản thân không ngừng tự học, tự rèn, tự tu dưỡng để nâng cao năng lực, phẩm chất, xứng đáng là thế hệ tiếp bước cha anh.
Trần Thị Sáu