Hướng đến Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ VII và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015, chúng ta nhớ lại và thực hiện tốt lời dạy về công tác thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách đây 69 năm, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến này, vào ngày 11/6/1946, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người kêu gọi: “Bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua nhau: làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”. Từ lời kêu gọi đó, phong trào thi đua đã được phát động sôi nổi và rộng khắp trong toàn dân, toàn quân đến các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện..., với tinh thần “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”. Sau một năm phát động, trong buổi sơ kết phong trào thi đua, Hồ Chí Minh đã biểu dương những kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế của phong trào. Người nói: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính” và Người đưa ra khẩu hiệu thi đua của lúc này là “Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”. Lời kêu gọi thi đua và lời giáo huấn của Người là mong muốn, là mục tiêu trong sự nghiệp cách mạng của Người. Người dạy: Thi đua là cách tốt nhất để làm cho mọi người tiến bộ; thi đua giúp cho sự đoàn kết thêm chặt chẽ hơn. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi. Thi đua, không có nghĩa là ganh đua, tìm cách dìm nhau, hại nhau, thôn tính lẫn nhau khi thấy đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp của mình và các cơ quan, đơn vị bạn hơn mình thì mình tỏ ra xấu hổ, ganh tị rồi tìm cách dùng thủ đoạn xấu xa để hại nhau, hạ bệ nhau, làm mất uy tín của nhau… Đây là những tư tưởng nhỏ nhen, cục bộ, hẹp hòi mà chúng ta cần phải lên án để loại khỏi đời sống xã hội. Thực tiễn hiện nay, trong nền kinh kế thị trường, đời sống kinh tế- xã hội của các giai tầng xã hội bị tác động, chi phối bởi các giá trị vật chất, bởi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ… nên xuất hiện tình trạng chạy theo thành tích của các cá nhân, tập thể, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện công tác thi đua không đúng với bản chất, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo quan điểm của Đảng, Nhà nước. Việc chạy theo thành tích “làm láo- báo cáo hay”, tô hồng, bôi đen, phản ảnh sự việc, con người không trung thực, khách quan, công tâm… đã làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào công tác thi đua hiện nay, làm giảm sút ý chí chiến đấu, ý chí thi đua trong các đối tượng này. Hơn nữa, do đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ lên trên lợi ích tập thể, lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc nên một bộ phận các giai tầng xã hội đã bất chấp đạo đức, pháp luật, dư luận xã hội thực hiện những hành vi thấp hèn nhằm nâng cao vị thế của mình trong xã hội, trong mắt lãnh đạo để đạt được mục đích về vật chất, tinh thần. Đây thực sự là vấn nạn mà Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cần sớm nhận ra để có biện pháp “đặc trị”, loại chúng ra khỏi đời sống xã hội, xây dựng phong trào thi đua trong sạch, lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Đồng thời, cần xác định rõ tiêu chí, mục đích thi đua trong từng ngành, lĩnh vực để từng đối tượng nắm rõ và thực hiện có hiệu quả, như: Trong hoạt động sản xuất, thi đua tốt, lành mạnh sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bởi nó sẽ tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và cạnh tranh được với các sản phẩm hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, thi đua tốt sẽ tạo yếu tố tích cực trong việc nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, hạn chế, loại dần những đối tượng không đủ trình độ, năng lực ra khỏi bộ máy, qua đó loại bỏ được tính quan liêu, tiêu cực, nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý. Với vấn đề này, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện công cuộc cải cách hành chính, việc đẩy mạnh công tác thi đua đến từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị và từng lĩnh vực là hết sức cần thiết. Nếu thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, chúng ta không những làm trong sạch bộ máy hành chính, cúng cố niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà còn nâng cao được vị thế, niềm tin của nước ta đối với bạn bè quốc tế. Để phong trào thi đua thật sự phát huy được hiệu quả và bản chất tốt đẹp của nó trong các đối tượng và ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và từng lĩnh vực, thiết nghĩ Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ về công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bởi xét đến cùng, mục đích của thi đua là tạo nên những giá trị, yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển; đồng thời khen thưởng là việc ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, tập thể thực hiện có hiệu quả vấn đề này, qua đó tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua được tốt hơn. Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, cần quan tâm, chú ý vấn đề sản xuất và tiết kiệm. Tiết kiệm cả về nhân lực, vật lực và thời gian. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là phải kiên quyết chống “bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”. Đoàn kết toàn dân thi đua yêu nước là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc kiến quốc. Người nói: “Thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ”. Vấn đề này được Người thể hiện rõ trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, cụ thể để giúp đồng bào miền Nam đang chịu nhiều hy sinh, mất mát, Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào miềm Bắc hãy ra sức thi đua “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, cả nước dấy lên một phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, như: Quân đội có phong trào thi đua “Quyết thắng”; Phụ nữ có phong trào thi đua “Ba đảm đang”; Thanh niên có phong trào thi đua “Ba sẵng sàng”; Trí thức có phong trào thi đua “Ba quyết tâm”; Phụ lão có phong trào thi đua “Ba giỏi”… Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết thi đua thực hiện thành công lời dặn của Người: Đánh cho “Mỹ cút”, đánh cho “Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30- 4- 1975). Thiết thực hướng đến Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ VII và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015, mà đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và quần chúng nhân dân trong tỉnh ra sức phấn đấu thi đua thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng… mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. |
Lê Văn Châu |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn