Qua hơn 22 năm thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng” và đặc biệt sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị đã được gắn với việc tiêu chuẩn hóa đối với cán bộ, đảng viên và gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…
Bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch ra sức phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận những thành quả cách mạng của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong sự nghiệp đổi mới. Thêm vào đó, Đảng ta khẳng định tình trạng suy thoái đạo đức chính trị, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ làm cho tình hình càng phức tạp và đã xuất hiện những cán bộ, đảng viên lợi dụng việc góp ý kiến để vào hùa với họ ngay cả những cán bộ trước đây có nhiều đóng góp cho nước nhà.
Nhằm giúp nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước…việc phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên là việc làm khẩn thiết, thường xuyên và liên tục.
Trong hơn 91 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng đi sâu nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và thời đại; nhờ đó đã đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, vượt qua mọi thác ghềnh, vượt qua những thời điểm hiểm nghèo của cách mạng.
Từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, chống phá chế độ XHCN ở nước ta. Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thì cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức đó, một mặt, do những vấn đề mới, những mâu thuẫn mới nảy sinh trong quá trình đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu; mặt khác, do những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm chưa được khắc phục kịp thời, đồng thời cộng với tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tình hình khách quan đó đã tác động đến nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, bản lĩnh chính trị không vững vàng nên có sự dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng XHCN và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của nước ta, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong số những người phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ có các thế lực thù địch, cơ hội chính trị mà có cả một số cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên này có sự dao động về ý thức hệ, về niềm tin, về lý tưởng XHCN. Có người kiến nghị đòi sửa đổi Cương lĩnh của Đảng theo hướng đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng (chỉ giữ lại “học thuyết Hồ Chí Minh”), chỉ giữ lại mục tiêu độc lập dân tộc, bỏ mục tiêu XHCN. Đây chính là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Đúng như nhận định của Đảng ta tại các văn kiện Đại hội: Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong những biểu hiện đó, có những biểu hiện thuộc về suy thoái trong nhận thức, thái độ, hành vi đối với nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, thậm chí “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây chính là sự dao động về nền tảng tư tưởng, về ý thức hệ của Đảng, từ đó có thể dẫn đến phản bội lại mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Điều nguy hại là những sự dao động này lại nằm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người có chức, có quyền.
Bài học về sự sụp đổ của mô hình XHCN Xô Viết, sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô cho chúng ta thấy tác hại khôn lường của sự xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy ngày 22/10/2018 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về "tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" trong đó đề ra nhiệm vụ phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có nhiệm vụ phải kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh mới của tình hình thế giới và trong nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018, của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới và tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng ta xác định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, và, một trong năm bài học mà Đại hội XII Đảng ta xác định là: "trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái cũng là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì thế trong điều kiện tình hình phức tạp hiện nay, nhất là thời điểm "nhạy cảm chính trị" khi chúng ta đang tiến hành năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Quốc Hội khóa XV và chống chọi dịch bệnh Covid-19 đang lây lan phức tạp, khó lường...thì cuộc đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc đấu tranh quyết liệt và phức tạp, không chỉ đơn thuần về mặt nhận thức, mà còn mang tính chính trị sâu sắc.
Đảng ta đã sớm xác định và chỉ đạo kịp thời cuộc đấu tranh này, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thống nhất về tư tưởng và hành động, tiếp tục bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - vũ khí đã đem lại những thành tựu đáng tự hào của chúng ta. Đại hội XIII Đảng ta khẳng định: “với tất cả sự khiêm tốn chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Bên cạnh việc cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ thù; kiên định đường lối, bảo vệ nền tảng tư tưởng, chúng ta cần tăng cường đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái bằng nhiều con đường, phương thức khác nhau. Phải tiến hành đấu tranh chống các quan điểm sai trái ở từng cơ quan, từng ngành, coi đó là phương pháp tự bảo vệ mình, qua đó hình thành một mặt trận chung của nhiều ngành, nhiều cơ quan tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, lên án, chỉ ra "chiêu trò" thâm độc này, đề cao cảnh giác và đấu tranh chống các quan điểm sai trái để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là việc làm khẩn thiết.
TS Ngô Hoàng Anh và Th.S Trần Thị Thương
(Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)