Theo đó, Quy định 489 nêu rõ về xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng: (1) Kế hoạch quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, tài liệu, thời gian, địa điểm tổ chức, thành phần, báo cáo viên; yêu cầu về xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; xác định nhiệm vụ tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan. Đối với từng nghị quyết, chỉ thị, phải xác định rõ hình thức là quán triệt hay phổ biến. Cấp ủy cấp huyện và cấp ủy cơ sở không xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đồng thời, căn cứ kế hoạch của cấp tỉnh để ban hành công văn triệu tập hội nghị ở cấp mình. (2) Đối với Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng do Trung ương (Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng) ban hành: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai đến cơ sở. Văn phòng Tỉnh ủy thừa lệnh triệu tập thành phần dự hội nghị do Trung ương hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức. Thường trực cấp ủy cấp huyện, cấp ủy (chi bộ) cơ sở thông báo cho thành phần ở địa phương, đơn vị mình dự hội nghị do Trung ương hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức; triệu tập các thành phần dự hội nghị do cấp mình tổ chức. (3) Đối với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn việc quán triệt, triển khai đến cơ sở; tùy điều kiện cụ thể, tham mưu (hoặc chủ trì) tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai ở cấp tỉnh. Cấp ủy cấp huyện, cấp ủy (chi bộ) cơ sở thông báo cho thành phần ở địa phương, đơn vị mình dự hội nghị do Thường trực Tỉnh ủy (hoặc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) tổ chức; triệu tập các thành phần dự hội nghị do cấp mình tổ chức. (4) Đối với các nghị quyết, chỉ thị và văn bản do cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở ban hành thì thường trực cấp ủy cấp huyện và cấp ủy cơ sở chỉ đạo quán triệt, triển khai. (5) Ban Tuyên giáo cấp ủy là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp tài liệu và hướng dẫn quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Về xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng: (1) Chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng là văn bản của cấp ủy các cấp nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong nghị quyết, chỉ thị của Đảng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị. Chương trình, kế hoạch thực hiện phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện đối với từng nội dung; về công tác kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết. Đối với nghị quyết của cấp trên: Xây dựng Chương trình thực hiện. Đối với chỉ thị, kết luận của cấp trên: Xây dựng Kế hoạch thực hiện. Tùy nội dung cụ thể có thể ban hành thể loại văn bản khác như: Đề án, Công văn...(2). Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải do một đồng chí trong thường trực cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản của cấp ủy. Chương trình, kế hoạch của cấp ủy thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải được cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy thảo luận, quyết định theo thẩm quyền. (3). Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy chỉ xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên trực tiếp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp mình. Trong đó, đối với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: Tỉnh ủy ban hành Chương trình thực hiện. Trên cơ sở Chương trình của Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện và cấp ủy (chi bộ) cơ sở rà soát, bổ sung nhiệm vụ đối với chương trình thực hiện nghị quyết đại hội của cấp mình nếu thấy cần thiết (không ban hành Chương trình riêng). Đối với nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng: Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình (kế hoạch) thực hiện. Tùy vào nội dung của văn kiện và yêu cầu của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện, cấp ủy (chi bộ) cơ sở xây dựng chương trình (hoặc văn bản phù hợp) để thực hiện ở cấp mình đối với những nội dung có liên quan. Đối với các văn bản lãnh đạo khác của Đảng: Thường trực Tỉnh ủy quyết định thể loại văn bản triển khai thực hiện. Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy để xác định và giao nhiệm vụ cho đơn vị chủ trì tham mưu.
Về tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng: (1) Chỉ đạo và chủ trì hội nghị: Ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo và chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết và các văn bản lãnh đạo khác do Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành. Thường trực cấp ủy chỉ đạo và chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cho ý kiến kết nối các điểm cầu đối với hội nghị do Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Ban tuyên giáo cấp ủy chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, văn bản lãnh đạo khác của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của cấp ủy cấp mình theo ủy quyền của Thường trực cấp ủy; chỉ đạo, hướng dẫn việc phổ biến nội dung nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải đảm bảo kịp thời theo chỉ đạo của Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy. Định kỳ hằng quý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu, đề xuất việc tổ chức Hội nghị quán triệt ở cấp tỉnh hoặc hướng dẫn việc quán triệt ở cấp huyện và cơ sở. (2) Hình thức tổ chức hội nghị chủ yếu bằng trực tuyến từ Trung ương hoặc từ tỉnh đến cơ sở. Tùy vào tính chất, nội dung của nghị quyết, chỉ thị và điều kiện thực tế, các cấp ủy, tổ chức đảng có thể tổ chức một số hội nghị trực tiếp để phổ biến, quán triệt chuyên sâu nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đối với quần chúng Nhân dân, tổ chức phổ biến, tuyên truyền thông qua các cuộc họp của tổ chức chính trị-xã hội, sinh hoạt khu dân cư, trên phương tiện thông tin đại chúng và qua mạng xã hội. (3) Thành phần tham dự hội nghị theo phân cấp quản lý cán bộ, cụ thể: Đối với hội nghị toàn quốc, hội nghị cấp tỉnh, thành phần triệu tập gồm các đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đối với hội nghị cấp huyện, thành phần triệu tập gồm các đồng chí thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý (trừ trường hợp đã tham gia hội nghị toàn quốc và cấp tỉnh). Đối với hội nghị ở cấp cơ sở, thành phần triệu tập là cán bộ, đảng viên thuộc đảng bộ, chi bộ cơ sở quản lý (trừ các trường hợp đã tham gia hội nghị do cấp trên tổ chức). Thường trực cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, mở rộng thành phần tham dự hội nghị trực tuyến do cấp trên tổ chức, đảm bảo phù hợp, khoa học và chủ động tổ chức quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở cấp mình, mọi cán bộ, đảng viên đều được quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng (trừ trường hợp nghị quyết, chỉ thị của Đảng có giới hạn thành phần cụ thể). (4) Chuẩn bị các điều kiện tổ chức hội nghị: Đối với hội nghị toàn quốc và các hội nghị do ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy chỉ đạo và chủ trì: Văn phòng cấp ủy có trách nhiệm ban hành công văn triệu tập và chuẩn bị các điều kiện vật chất phục vụ hội nghị; ban tuyên giáo cấp ủy chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu phục vụ hội nghị. Đối với các hội nghị do Thường trực cấp ủy ủy quyền thì do ban tuyên giáo cấp ủy triệu tập và chuẩn bị nội dung, điều kiện vật chất. Tài liệu phục vụ hội nghị chủ yếu là tài liệu điện tử (trừ văn bản có độ "Mật"), bao gồm: Nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đề cương của báo cáo viên; chương trình, kế hoạch của cấp ủy thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng (nếu có). Đối với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng có độ "Mật", văn phòng cấp ủy các cấp có trách nhiệm sao lục gửi đến ban tuyên giáo cấp ủy cùng cấp và người đứng đầu cấp ủy cấp dưới trực tiếp để làm tài liệu quán triệt, triển khai. Tùy vào nội dung nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn tài liệu phổ biến, tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân.
Về theo dõi, đánh giá công tác quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng: Văn phòng cấp ủy các cấp có trách nhiệm xác nhận cán bộ, đảng viên tham gia hội nghị quán triệt theo công văn triệu tập. Ban tuyên giáo cấp ủy tỉnh và huyện, thường trực cấp ủy cơ sở có trách nhiệm theo dõi, giúp cấp ủy đánh giá công tác quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở cấp mình; tham mưu phiếu lấy ý kiến kết hợp với điểm danh tại các hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trước khi tổ chức hội nghị 01 ngày, các đơn vị có thành phần dự hội nghị báo danh sách về văn phòng cấp ủy hoặc ban tuyên giáo cấp ủy (nếu thường trực cấp ủy ủy quyền) để tổng hợp, báo cáo thường trực cấp ủy. Sau 07 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc đợt quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng (tính từ sau ngày hoàn thành ở cấp cơ sở, được ghi trong kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), ban tuyên giáo cấp uỷ cấp huyện báo cáo kết quả tổ chức quán triệt, triển khai ở địa phương, đơn vị về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ). Hồ sơ quản lý các hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng bao gồm: Văn bản chỉ đạo (kế hoạch, công văn triệu tập, phân công báo cáo viên); Phiếu tổng hợp số lượng cán bộ, đảng viên tham gia hội nghị; báo cáo đánh giá kết quả chỉ đạo quán triệt, triển khai của ban tuyên giáo cấp ủy. Cấp nào tổ chức hội nghị thì ban tuyên giáo cấp ủy cấp đó quản lý hồ sơ.
Lê Văn Châu (lược trích)