Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, Kết luận số 50-KL/TW, ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã ban hành các Kế hoạch tổ chức thực hiện, với mục tiêu phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, qua đó nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Đoàn Trọng Đức - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay: “Thời gian qua, việc triển khai đề tài, dự án đã bám sát định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN của tỉnh. Từ đó, nâng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt 583,312 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,16% tổng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh; trong giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động tăng bình quân 5,68%/năm; đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 35,95%. Qua đó, đã thể hiện rõ những ưu điểm vượt trội của phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao so với sản xuất nông nghiệp truyền thống”.
Từ năm 2013 đến nay, có 75 đề tài, dự án cấp tỉnh được bàn giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân để triển khai ứng dụng vào sản xuất và hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm 57,3%; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, y dược 20%; lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin 22,7%.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tích cực đẩy mạnh hoạt động ứng dụng các thành tựu mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa… vào sản xuất và đời sống; phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới quản lý và cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, tạo sản phẩm và thương hiệu địa phương. Đến nay, đã đăng ký bảo hộ 02 chỉ dẫn địa lý, “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, “Đăk Hà” cho các sản phẩm cà phê Đăk Hà và 11 Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ trên 100 nhãn hiệu và một số sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao từng bước được quan tâm, chú trọng. Đến nay, số nhân lực trong mạng lưới tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh là 653 người; trong đó có 24 tiến sĩ; 141 người có trình độ thạc sĩ, 371 người trình độ Đại học và cao đẳng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương về KH&CN chưa đúng mức, chưa xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; việc triển khai ứng dụng, nhân rộng các thành tựu KH&CN nói chung và kết quả sau nghiên cứu vẫn còn hạn chế; nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và bình quân chỉ đạt 0,65% năm.
“Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò và động lực KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống để các thành phần kinh tế cùng tham gia vào hoạt động KH&CN. Ưu tiên các công nghệ cốt lõi trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năng lượng sạch, công nghệ môi trường theo định hướng chuyển đổi số; đồng thời gắn nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mỗi địa phương, đơn vị” - ông Đoàn Trọng Đức nói.
Bài, ảnh: Trần Quang Mạnh