Sau Đại hội hợp nhất ở Gô-ta, trình độ lý luận của Đảng dân chủ-xã hội Đức nói chung bị hạ thấp rõ rệt. Ảnh hưởng của những quan điểm tiểu tư sản Lát-xan ngày một trầm trọng. Trên những trang báo cơ quan ngôn luận trung ương xuất hiện những bài viết của những tác giả mang những quan điểm sai lầm, dốt nát.
Trong bức thư gửi Bê-ben ngày 15 tháng 10 năm 1875, Ph.Ăng-ghen đã nhận xét về những bài viết đó như sau: “sự dốt nát về kinh tế học, cũng như những quan điểm sai lầm, sự thiếu hiểu biết về sách báo xã hội chủ nghĩa của họ là phương cách tốt nhất để hoàn toàn xóa bỏ ưu thế lý luận mà từ trước đến nay vẫn là đặc trưng của phong trào ở Đức”.
Tháng 9 năm 1876, trước yêu cầu của ban lãnh đạo đảng dân chủ-xã hội Đức, được sự ủng hộ của Mác, Ăng-ghen đã tạm ngưng mọi công việc khác (trong đó có việc biên soạn cuốn sách Biện chứng tự nhiên) để tiến hành cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận với Đuy-rinh…Trong đó, Ph.Ăng-ghen đã trình bày toàn diện lịch sử và lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học
1. Những tiền đề lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học
Đuy-rinh đã có thái độ phủ định sạch trơn đối với chủ nghĩa xã hội không tưởng, “đưa ra những lời khẳng định hoàn toàn bịa đặt” đối với các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng, đặc biệt là đối với Xanh-xi-mông, Phu-ri-ê, Ô-oen. Theo Ph.Ăng-ghen, thái độ này là do sự “không hiểu biết kinh khủng” của Đuy-rinh về các tác phẩm của ba nhà không tưởng kể trên.
Và, Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra những mầm mống ý tưởng thiên tài của các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng:
+ Xanh-xi-mông: (i) “Ngay trong tập “Những bức thư từ Giơ-ne-vơ của mình Xanh-xi-mông đã đề ra nguyên tắc: “mọi người đều phải lao động”[tr.359] (ii) “Nhưng năm 1802 hiểu được rằng cách mạng Pháp là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp quý tộc, giai cấp tư sản và những người không có của, thì đó là một phát hiện hết sức thiên tài”[tr.359] (iii) “Năm 1816, Xanh-xi-mông tuyên bố rằng chính trị chỉ là khoa học về sản xuất và báo trước rằng chính trị sẽ bị kinh tế hoàn toàn nuốt hết. Nếu ở đây nhận thức cho rằng tình hình kinh tế là cơ sở của các thiết chế chính trị, chỉ mới bộc lộ ra dưới hình thức mầm mống, thì trái lại, tư tưởng cho rằng việc quản lý người về chính trị phải biến thành việc quản lý vật và thành việc chỉ đạo quá trình sản xuất, nghĩa là tư tưởng “xóa bỏ nhà nước”…, - tư tưởng ấy đã được nêu lên một cách hoàn toàn rõ rệt”[tr. 359-360]
+ Phu-ri-ê: (i) “Ở Phu-ri-ê chúng ta lại thấy có một sự phê phán đối với chế độ xã hội đương thời…Ông thẳng tay vạch trần sự nghèo nàn về vật chất và về tinh thần của thế giới tư sản”[tr.360] (ii) “Ông là người đầu tiên đã tuyên bố rằng trong một xã hội nhất định, trình độ giải phóng phụ nữ là cái thước đo tự nhiên của sự giải phóng chung”[tr.361] (iii) “Sự vĩ đại của Phu-ri-ê bộc lộ ra rực rỡ nhất là trong quan niệm của ông về lịch sử xã hội. Ông chia toàn bộ tiến trình từ trước tới nay của lịch sử xã hội thành bốn giai đoạn phát triển: giai đoạn mông muội, giai đoạn gia trưởng, giai đoạn dã man và giai đoạn văn minh; giai đoạn sau cùng này ăn khớp với cái hiện nay gọi là xã hội tư sản …, ông chỉ ra rằng văn minh vận động trong “vòng luẩn quẩn”, trong những mâu thuẫn không thể khắc phục được và luôn luôn tái sinh, thành thử nền văn minh bao giờ cũng đạt tới những kết quả trái với điều mà nó mong muốn hay giả vờ mong muốn đạt tới. Chẳng hạn như: “trong nền văn minh, sự nghèo khổ sinh ra từ chính sự dồi dào””[tr. 361]
+ Ô-oen: (i) “Rô-bớc Ô-oen đã tiếp thu học thuyết của các nhà duy vật khai sáng cho rằng tính cách của con người , một mặt là sản phẩm của cơ thể bẩm sinh của con người, và mặt khác, là sản phẩm của hoàn cảnh xung quanh con người trong suốt cuộc đời của họ, nhất là trong thời kỳ phát triển của họ”[tr.362-363] (ii) Ô-oen không những đã tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, mà còn hiện thực hóa tư tưởng cộng sản chủ nghĩa trong thực tế
Tất nhiên, những ý tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng là sự phản ánh trạng thái chưa trưởng thành của chủ nghĩa tư bản. Ph.Ăng-ghen cũng đã chỉ ra nguyên nhân của sự chưa chín muồi của những ý tưởng về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa xã hội không tưởng: “Tương ứng với một trạng thái chưa trưởng thành của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, với những quan hệ giai cấp chưa trưởng thành, là những lý luận chưa trưởng thành. Việc giải quyết những nhiệm vụ xã hội còn ẩn giấu trong những quan hệ kinh tế chưa phát triển, phải được sản sinh ra từ đầu óc con người…”[tr.358]
Đánh giá một cách khách quan những cống hiến và những hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng, Ph.Ăng-ghen đã khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội lý luận Đức sẽ không bao giờ quên nó là sự tiếp nối Xanh-xi-mông, Phu-ri-ê và Ô-oen” và nhấn mạnh, chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời không phải là không có cơ sở, mà “trước hết phải xuất phát từ những tài liệu tư tưởng đã tích lũy từ trước, mặc dù gốc rễ của nó nằm sâu trong những sự kiện kinh tế” [tr.30], trong đó có chủ nghĩa xã hội không tưởng, là một trong những tiền đề của chủ nghĩa xã hội khoa học.
2. Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học
Về nội dung thì nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội bắt rễ sâu xa từ những sự kiện kinh tế. Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời là kết quả nghiên cứu trên hai mặt. Một mặt là sự đối lập giai cấp giữa hai giai cấp cơ bản trong xã hội tư bản: công nhân làm thuê và nhà tư sản, giữa hai tầng lớp xã hội chủ yếu: tầng lớp người có của và tầng lớp người không có của.
Chính vì xuất phát trên cơ sở hiện thực nên chủ nghĩa xã hội đã chuyển biến từ không tưởng trở thành khoa học. Nói cách khác, việc nhận thức quá trình lịch sử của sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, phân tích những mâu thuẫn và xung đột cơ bản chứa đựng trong chế độ đó, đã giúp chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời. Ph.Ăng-ghen viết: “Chủ nghĩa xã hội hiện đại chẳng qua chỉ là sự phản ánh của sự xung đột có thật ấy vào trong tư duy, là sự phản ánh trên ý niệm của sự xung đột ấy, trước hết trong đầu óc của giai cấp trực tiếp chịu đau khổ vì sự xung đột ấy, tức là giai cấp công nhân”[tr.372-373]
Và, đi đến kết luận đánh giá Đuyrinh là: “Giờ đây, một khi mà triết học, kinh tế chính trị học và xã hội xã hội chủ nghĩa đã lùi lại ở phía sau rồi và trước mắt chúng tôi là bức tranh toàn thân của nhà văn mà chúng tôi đã phải đánh giá từng quan điểm riêng biệt, - thì những ý kiến liên quan đến ông ta như là một con người lúc này có thể là quan trọng nhất; bây giờ chúng tôi có thể tự cho phép mình lấy những phẩm chất cá nhân của ông ta để giải thích nhiều điều lầm lạc và sự tự cao tự đại về khoa học của ông ta và có thể tóm tắt sự phán đoán chung của chúng tôi về ông Đuy-rinh bằng những chữ sau đây: Tình trạng không có khả năng chịu trách nhiệm vì bệnh cuồng thích làm vĩ nhân” [tr.450]
3. Ý nghĩa
Tác phẩm chống Đuy-rinh là một công trình hệ thống hóa toàn bộ chủ nghĩa Mác nói chung với ba bộ phận cấu thành: triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, và trình bày toàn diện lịch sử và lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng.
Đây là một kiểu mẫu về "luận chiến" đấu tranh chống mưu toan tầm thường hóa chủ nghĩa Mác, chống các dạng biến tướng của chủ nghĩa cải lương.
Chính thái độ khách quan, khoa học trong việc xem xét các sự vật, hiện tượng, trong việc đánh giá quá khứ và dự báo tương lai đã làm cho tác phẩm “Chống Đuy-rinh” trở thành điển hình của tinh thần luận chiến khoa học, bảo vệ và phát triển các giá trị của chủ nghĩa Mác trong điều kiện phức tạp của đời sống xã hội hiện đại.
TS. Ngô Hoàng Anh - Nguyễn Anh Định
(Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)