Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Đã 50 năm Bác đi xa nhưng cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Bác cũng đặt lợi ích của tổ chức, của cách mạng trên hết. Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước, Bác tâm sự: Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui… Ở cương vị Chủ tịch nước, Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng, mà chỉ ở ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho Toàn quyền thời đó. Và những lần sinh nhật Bác cũng rất đỗi giản dị, đúng như bản chất: Thanh tao, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, đạt đến độ mẫu mực, cảm hóa được tình cảm của con người.
Ngày 19/5/1946 - lần đầu tiên tổ chức mừng sinh nhật Bác như để biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: Thật ra, mọi người ở đây tổ chức sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình.
Những năm sau đó, thường cứ đến dịp sinh nhật, Bác lại thực hiện những chuyến công tác xa để tránh chúc tụng, lễ hội. Bác không muốn cái gì riêng cho mình. Đời Bác đã hóa thân tất cả vào dân tộc và nhân loại.
Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của mình, lần đầu tiên Bác viết: Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp các cụ Các Mác, Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và các đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.
Ba năm sau, tình trạng sức khỏe của Bác giảm sút, Người đã nhiều lần sửa đi sửa lại và đặt bút viết câu mở đầu vào tài liệu: “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau. Sinh nhật lần thứ 78 của mình, Bác không “vắng nhà” như các năm trước, mà dành tất cả thời gian, tập trung suy nghĩ, sửa chữa bản “Di chúc”. Bác viết thêm một số nội dung cụ thể, căn dặn những việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, chăm lo đời sống của nhân dân…
Đến tháng 5/1969 khi đó Bác Hồ 79 tuổi, Trung ương có ý định tổ chức mừng thượng thọ Bác 80 tuổi vào năm 1970, Bác nói: Đừng tổ chức sinh nhật cho Bác, Bác yếu lắm rồi. Bác chẳng còn biết được bao lâu nữa, tổ chức bày vẽ làm gì, tốn kém ra. Khi miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, Bác ăn không ngon, ngủ không yên, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng cả....
Bác đã đi xa, song những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.
Ngô Thế Quỳnh (tổng hợp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn