Thực tiễn lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, với nguyên tắc tập trung dân chủ, nhiều Đảng Cộng sản đã xây dựng mình thành đội tiền phong chiến đấu có tổ chức chặt chẽ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách khốc liệt, lãnh đạo cách mạng giành những thắng lợi to lớn. Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy Đảng Cộng sản nào lơi lỏng, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ thì sẽ bị suy yếu, khó khăn, thậm chí tan rã, như Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây.
Là một đảng cách mạng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, ngay từ tháng 10 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam (khi đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã quy định cách tổ chức của Đảng trong Điều lệ: Đảng “tổ chức theo lối dân chủ tập trung”(1). Từ đó đến nay, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nhờ được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta đã có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công và ngày càng phát triển. Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc, bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ hòng làm cho đảng viên hoang mang, hoài nghi, muốn từ bỏ nguyên tắc. Đó thực chất là một trong những hoạt động “diễn biến hòa bình” làm cho chính những đảng viên của Đảng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm cho tổ chức đảng mất sức chiến đấu, tê liệt, suy yếu và để chúng dễ bề thực hiện mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Vì vậy, chỉ khi nào nguyên tắc tập trung dân chủ được hiểu đúng và tổ chức thực hiện nghiêm túc thì mỗi tổ chức đảng, đảng viên mới có thể hành động tự giác và không bị lung lay trước những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch về nguyên tắc này, luôn kiên định tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, không thể đổi thay.
Vượt qua những khó khăn, thử thách trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta luôn giữ vững và có nhiều tiến bộ trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững. Những quyết định lớn của Đảng đã được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở trở lên. Sinh hoạt của các cấp ủy và tố chức đảng được tiến hành dân chủ cởi mở hơn, các cấp ủy viên mạnh dạn trình bày ý kiến riêng của mình, tăng cường các hình thức giao ban, hội thảo tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ chủ chốt với đảng viên và nhân dân. Dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị và dân chủ trong xã hội có bước khởi sắc. Công tác tổ chức và cán bộ, nhất là đánh giá tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ được tiến hành công khai, dân chủ. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong cán bộ được chấn chỉnh kịp thời hơn, những tổ chức cá nhân vi phạm bị xử lý kịp thời… Những tiến bộ và kết quả thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng đã góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo cách mạng nước ta giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đổi mới.
Tuy nhiên, trong Đảng vẫn còn hiện tượng chưa thống nhất cao với đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, dao động, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Còn tình trạng tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo cáo không trung thực. Dân chủ trong Ðảng và trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực không nghiêm. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo thiếu tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới; cán bộ lãnh đạo ở một số nơi gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, dẫn đến khi có sai sót, khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm...
Nguyên nhân chủ yếu của những khuyết điểm nêu trên là do: Một số cấp ủy và cán bộ đảng viên chưa có nhận thức đúng về nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập trung dân chủ chưa được cụ thể hóa một cách đầy đủ, chính xác thành những tiêu chuẩn, quy định như là một cơ chế bắt buộc mọi tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành; còn thiếu những quy chế cụ thể bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ; một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt tuy có nhận thức đúng về nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng không gương mẫu hoặc cố tình thực hiện sai lệch nguyên tắc này vì vụ lợi cá nhân; công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều tổ chức đảng bị buông lỏng, việc thi hành kỷ luật đối với những vi phạm chưa nghiêm túc, dẫn đến tình trạng coi thường kỷ cương, kỷ luật, cố tình vi phạm nguyên tắc này...
Trong thời gian tới, để giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, ngăn chặn mọi mưu toan xa rời, xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ.
Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập nắm vững nội dung, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ, đặc biệt là nắm vững quy định của Điều 9 Điều lệ Đảng khóa XI về nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ và các Quy định, Hướng dẫn của Trung ương Đảng về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; nghiên cứu làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng.
Vừa qua, do thiếu những quy định cụ thể bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong Đảng nên tình trạng lúng túng hoặc vận dụng thực hiện tuỳ tiện còn xảy ra ở không ít nơi, vì vậy, Đảng chủ trương phải "tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, quy chế hoá nguyên tắc tập trung dân chủ"(2).
Việc xây dựng những cơ chế cụ thể có hiệu lực, những quy định cụ thể để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ cần được tiến hành từ Trung ương đến cơ sở, nhưng trước hết là từ Trung ương Đảng. Phương hướng chung là hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng.
Ba là, mở rộng dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Xây dựng các thiết chế, cơ chế cho phép phát huy thật sự mạnh mẽ dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Đồng thời với mở rộng dân chủ phải củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Không để bất cứ ai lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của đồng chí mình, gây mất đoàn kết nội bộ.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện đúng nguyên tắc là vấn đề rất cần thiết. Cần quy định rõ chế độ báo cáo, tự phê bình của các cơ quan lãnh đạo. Công khai hoá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình, thủ tục công tác của các cơ quan lãnh đạo, các chức danh công tác. Tăng cường tổ chức thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra chuyên đề, chú trọng nội dung thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, xử lý nghiêm minh, kịp thời những đảng viên, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Mọi thành công hoặc thất bại trong cuộc đấu tranh để xây dựng tổ chức, thực hiện mục đích lý tưởng của Đảng, đều tùy thuộc vào nhận thức và hành động đúng hay không đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Do đó, cần phê phán mọi mưu toan xa rời, xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời kiên quyết khắc phục những khuyết điểm, tổ chức thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Bảo vệ và kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng luôn luôn là nhiệm vụ sống còn của Đảng, không thể coi nhẹ, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng.
Ths. Nguyễn Lương Thủy
(Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)
-----------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr.119.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, tr.289.