1. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, ở mọi cấp, mọi ngành. Song, đây luôn là vấn đề khó, khiến không ít cán bộ, đảng viên đứng trước nhiệm vụ này có tâm lý “ngại”, rồi tránh né, lơ là, đứng ngoài cuộc...
Nói là khó, bởi Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của tư duy khoa học, phản ánh các mối quan hệ bản chất của cuộc cách mạng XHCN, thông qua quá trình khái quát hóa, trừu tượng hóa... Nếu không có năng lực tư duy khoa học, rất khó để mà nghiên cứu, phản ánh, truyền bá các vấn đề lý luận khái quát, trừu tượng đó. Không phải ai và lúc nào, khi đối diện với một vấn đề chính trị - xã hội, cũng có thể làm chủ được quá trình tư duy lý luận về nó. Nếu nhiệt tình nhưng thiếu thông tin, thiếu phương pháp, không có khả năng phân tích, chứng minh cái đúng, phản bác cái sai, mắc bệnh giáo điều, chủ quan, phiến diện trong tư duy... khó mà không dẫn đến nhầm lẫn, phán đoán sai, “phản tác dụng”, gây hại cho Đảng, và bản thân còn có thể trở thành vi phạm kỷ luật đảng. Nên đã có sự “né”, “tránh” tham gia đấu tranh tư tưởng. Trên thực tế đó là một biểu hiện của suy giảm sức chiến đấu ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Có một thực tế là, khi mà giao tiếp trên mạng xã hội đã trở nên phổ biến, đã trở thành nhu cầu của đông đảo người dân và bị các thế lực thù địch lợi dụng để gieo rắc các quan điểm sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước; khi mà thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra phương thức nhanh chóng hiện thực hóa nhiều mục tiêu xã hội, đem lại nhiều tiện ích trong thông tin và truyền thông khiến cho không ai có thể phủ nhận, đứng ngoài. Trong đó, có cơ hội thông qua hệ thống thông tin và truyền thông để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, để nền tảng tư tưởng này thực sự là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và của Nhân dân. Trong bối cảnh đó, như một lẽ tự nhiên, mỗi cán bộ, đảng viên phải trở thành một chiến sĩ trên mặt trận truyền thông, để đưa tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp của chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng.
2. Tuy nhiên hiện nay, trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhiều cán bộ, đảng viên đang gặp phải những khó khăn, thách thức, là lực cản cho việc hoàn thành trách nhiệm của mình:
Về phía chủ quan, năng lực nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn để triển khai truyền bá các nội dung trong nền tảng tư tưởng của Đảng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Kinh nghiệm thực tiễn, sự trải nghiệm, vốn sống có hạn nên khả năng xác định nội dung, kỹ năng thu thập tài liệu, phân tích hiện tượng, đánh giá bản chất về một vấn đề tư tưởng cần bảo vệ, đấu tranh... thông qua các bài nói, bài viết đã không đạt được sức hấp dẫn, thuyết phục cần phải có. Khả năng sử dụng những tiện ích, lợi thế của in-tơ-nét, mạng xã hội của nhiều cán bộ, đảng viên (nhất là người ít sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, người lớn tuổi, ở nông thôn) khá hạn chế, nên khó truy cập sâu rộng để tiếp cận và phát hiện ra các vấn đề được truyền tải có dụng ý xấu, bị che đậy, làm giả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng có lúc rất thụ động, vô hình trung đưa lực lượng đấu tranh vào thế bị động, đấu tranh “chạy theo” các bài viết, bài nói sai trái mà các thế lực thù địch tung ra.
Về phía khách quan, các thế lực thù địch ngày càng có nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn để chủ động chống phá, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Chúng đầu tư tài chính, sử dụng những kẻ có nghề, thông qua các đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt, báo, tạp chí, bản tin, nhà xuất bản tiếng Việt ở nước ngoài và hàng trăm website, blog, fanpage phát tán các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Đặc biệt, chúng lợi dụng những hiện tượng, việc làm sai trái, những hạn chế, khuyết điểm, sơ hở của các tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý xã hội, rồi nâng thành vấn đề có tính phổ biến, quy thành bản chất của Đảng, Nhà nước, của chế độ để tung tin gây nghi ngờ, làm mất niềm tin của nhân dân. Khi các sự việc, hiện tượng đó chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thì rất khó cho cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền cho nhân dân thấy được thực chất của vấn đề và chấp hành tốt chủ trương, chính sách. Nguồn tư liệu, tài liệu, thông tin liên quan đến các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin về các tổ chức, các nhóm, các cá nhân thực hiện việc truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch không dễ tiếp cận. Ở chiều cạnh khác, nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên là rất khác nhau, ngày càng đa dạng; khả năng nhận thức của từng nhóm đối tượng cũng không đồng đều. Do vậy, để tạo nên nhận thức sâu sắc về nền tảng tư tưởng của Đảng thì việc vận dụng các phương pháp truyền bá, cách thức đấu tranh tư tưởng phải rất linh hoạt, khéo léo, song không phải cán bộ, đảng viên nào cũng đáp ứng được.
3. Cần khắc phục tình trạng đó sớm nhất, bằng các biện pháp sau:
Một là, xác định rõ trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên để có quyết tâm và nỗ lực hơn trong công tác đấu tranh tư tưởng. Đại hội XIII của Đảng xác định "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng", trong đó yêu cầu “các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, là công việc phải thực hiện tự giác, thường xuyên của của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Vì vậy, thông qua phương thức công tác tư tưởng, cán bộ, đảng viên phát huy vai trò của mình trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống; coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng theo tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội XIII, với biện pháp “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Hai là, biết quan sát, phát hiện và xử lý vấn đề. Chủ động, trách nhiệm và thường xuyên sử dụng mạng xã hội, trực tiếp tham gia làm thành viên am hiểu và tỉnh táo của hệ thống mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay như Facebook, Zalo, Youtube. Trước tiên, đóng vai “người quan sát” để đọc, xem, tìm hiểu về những gì liên quan đến lĩnh vực tư tưởng hiển thị trên đó. Khi phát hiện một tình huống có vấn đề, một nội dung được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ, bàn luận nhiều thì mở rộng phạm vi đọc, xem ở các bình luận (comment), các bài chia sẻ, đường dẫn liên quan, tự mình đánh giá, nhận xét và dự kiến phương án xử lý (ủng hộ hay phản bác). Tiếp tục mở các trang thông tin, báo, tạp chí chính thống (của Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các trang thông tin phục vụ công tác đấu tranh tư tưởng...), tìm các bài viết, đối chiếu cách tiếp cận và hướng xử lý, so sánh với đánh giá, xử lý của mình, rút ra những kết luận và kinh nghiệm cần thiết. Đây là phương thức tự học, tự vũ trang kiến thức thiết thực trên môi trường mạng. Thực tiễn cho thấy, dù đã nắm vững lý luận của Đảng, thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh còn phải gắn mình với thực tiễn, làm chủ thông tin mới đủ năng lực để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mới đủ sức thuyết phục cư dân mạng, mới đủ trí tuệ, bản lĩnh để phê phán các quan điểm và hành vi sai trái, thù địch.
Ba là, nghiên cứu để kế thừa các bài học kinh nghiệm của các lực lượng chuyên nghiệp trong đấu tranh tư tưởng, lý luận nhiều năm qua. Đó là bài học về sự kiên định, kiên trì thực hiện nguyên tắc tính đảng trong công tác tư tưởng; bài học về mở rộng, phát huy vai trò của nhiều lực lượng cùng đồng loạt đấu tranh; bài học về sử dụng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh trên khắp các mặt trận tư tưởng, từ lý luận đến tuyên truyền, cổ động, văn hóa - văn nghệ... Trong đó, việc giữ vững nguyên tắc tính đảng là bài học quan trọng nhất. Dù bất cứ khó khăn, phức tạp, dù chịu tác động tiêu cực cả về tinh thần lẫn vật chất do điều kiện khách quan, chủ quan và sự chống phá của các thế lực thù địch, thì vẫn phải luôn kiên trì với mục tiêu đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Luôn bám sát phương châm phải gắn “xây” với “chống”, trong đó “xây” là quan trọng, là đích cuối cùng, “chống” phải trên cơ sở khoa học - gắn lý luận với thực tiễn. Những tấm gương tử tế, những hành động hy sinh, những nỗ lực vượt khó, những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng khi được cán bộ, đảng viên lan tỏa đúng lúc, đúng thời điểm sẽ là vũ khí sắc bén nhất để chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Bốn là, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ đạo của cấp ủy, các cơ quan tham mưu của cấp ủy cấp trên. Tích cực tìm kiếm, đề xuất để được tham gia các chương trình đào tạo (cả trực tiếp và trực tuyến), nâng cao năng lực nghiên cứu và truyền bá lý luận; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tư tưởng, công tác dân vận; bồi dưỡng kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, kỹ năng viết báo, tuyên truyền miệng... Xây dựng kế hoạch công tác từ sớm, trình cấp có thẩm quyền để được tạo điều kiện tham gia các diễn đàn đấu tranh tư tưởng. Phối hợp, tạo mối quan hệ gắn bó với các cơ quan chức năng, với hệ thống ban chỉ đạo 35 ở các cấp để được cung cấp đầy đủ, kịp thời, cập nhật các thông tin, tư liệu, tài liệu phục vụ cho công tác đấu tranh tư tưởng.
Chỉ khi có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về trách nhiệm của người đảng viên, có trình độ lý luận chính trị cao, có kỹ năng nắm bắt, sàng lọc, xử lý thông tin tốt, có tâm huyết và bản lĩnh chiến đấu của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, thì mỗi cán bộ, đảng viên sẽ không còn phải e ngại, mà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự chống phá của các thế lực thù địch.
Bài, ảnh: TS. Trương Thị Bạch Yến
(Học viện Chính trị khu vực III)