Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thực hiện Kết luận 100-KL/TW, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 100-KL/TW; Quyết định thành lập mạng lưới Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, gồm đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; ban hành Quy chế hoạt động của đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh; ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện công tác dư luận xã hội theo Kết luận 100-KL/TW.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã triển khai tuyên truyền, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức qua các cuộc họp, hội nghị, chào cờ đầu tuần ở địa phương, đơn vị mình; một số địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Kết luận 100-KL/TW ở địa phương, đơn vị, như: Thành ủy Kon Tum; các huyện ủy: Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Ia H’Drai; Đảng ủy công an tỉnh; một số đảng ủy do đặc thù công việc, không xây dựng chương trình, kế hoạch riêng mà đưa nội dung Kết luận 100-KL/TW vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác năm, nhiệm kỳ của đơn vị để triển khai thực hiện, như các đảng ủy: Biên phòng, Quân sự, Khối Các cơ quan tỉnh, Khối Doanh nghiệp tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và người đứng đầu cấp ủy cơ sở làm công tác dư luận xã hội ở địa phương, đơn vị. Một số đơn vị, như Đảng ủy Công an tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã thành lập mạng lưới công tác viên dư luận xã hội của ngành mình, nên công tác dư luận xã hội được thực hiện hiệu quả, chất lượng.
Mặc dù, nhiều địa phương, đơn vị chưa thành lập mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, nhưng các địa phương, đơn vị đã thành lập, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tổ chức lực lượng tham gia vào công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội ở địa phương, đơn vị mình; cử lãnh đạo ban tuyên giáo, tuyên huấn của địa phương, đơn vị tham gia Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh để nắm bắt, điều tra, nghiên cứu, phản ảnh tình hình tâm trạng tư tưởng và dư luận xã hội của địa phương, đơn vị cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo công tác tư tưởng trong tỉnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ thành lập đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh; ban hành Quy chế hoạt động Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã phân công đồng chí Trưởng ban tuyên giáo, tuyên huấn (phòng công tác chính trị) phụ trách công tác dư luận xã hội ở địa phương, đơn vị và tham gia Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh.
Từ khi triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW, với việc thành lập đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, việc nắm bắt, tập hợp, phản ảnh tình hình dư luận xã hội được đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội thực hiện kịp thời, hiệu quả. Hàng tuần, hàng tháng và khi có vấn đề, vụ việc xảy ra trên tất cả các lĩnh vực tạo sự quan tâm, lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh đã nắm bắt, tập hợp, phản ảnh kịp thời về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để phân tích, tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy lãnh chỉ đạo kịp thời. Nội dung thông tin về dư luận xã hội phong phú, khách quan, sát thực tế; các cộng tác viên đã có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp phù hợp trên từng lĩnh vực để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh chỉ đạo có hiệu quả công tác tư tưởng ở từng địa phương, đơn vị. Đây là kết quả tích cực của công tác dư luận xã hội sau khi đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh được thành lập. So với trước khi có Kết luận 100-KL/TW, công tác dư luận xã hội chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm chú ý, đội ngũ làm công tác dư luận xã hội chỉ có ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nên thông tin dư luận xã hội không được phong phú, đa dạng, sâu rộng trong các giai tầng xã hội, vì vậy mà hiệu quả chưa cao.
Ngoài việc nắm bắt, tập hợp, phản ảnh dư luận xã hội hàng tuần, hàng tháng của đội ngũ Cộng tác viên và cán bộ phụ trách công tác dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; định kỳ 06 tháng, 01 năm và đối với những vấn đề, vụ việc đột xuất xảy ra trên các lĩnh vực tạo sự quan tâm, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức điều tra dư luận xã hội định kỳ và chuyên đề, với phương thức phát phiếu thăm dò nhiều đối tượng, trên phạm vi rộng để thu thập thông tin dư luận xã hội trên tất cả các lĩnh vực, qua đó tổng hợp, phân tích, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh lãnh chỉ đạo kịp thời công tác tư tưởng trong tỉnh.
Nhiều địa phương, mặc dù chưa thành lập đội ngũ Cộng tác viên dư luận xã hội cấp mình, nhưng hàng năm đều tổ chức 01 cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh,... bằng phương thức phát phiếu cho nhiều đối tượng ở địa phương, như huyện: Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Đăk Glei. Đồng thời triển khai các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội định kỳ (06, 01 năm, chuyên đề) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức trên địa bàn. Kết quả các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức và phối hợp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện, thông tin thu được rất phong phú, đa dạng, được cấp ủy đánh giá cao, phục vụ có hiệu quả cho công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Với việc đa dạng phương thức nắm bắt dư luận xã hội, công tác dư luận xã hội đã góp phần cùng với công tác tuyên giáo nói riêng, công tác của cả hệ thống chính trị nói chung, tham mưu kịp thời, có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác lãnh đạo, quản lý, ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ công tác tuyên giáo, công tác dư luận xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyên giáo, công tác dư luận xã hội ở các huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đều được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quan tâm tổ chức hàng năm. Bình quân, mỗi lớp tập huấn nghiệp vụ, có khoảng 70 cán bộ, công chức tham gia. Các lớp tập huấn nghiệp vụ đã góp phần cung cấp kiến thức về chuyên môn công tác tuyên giáo, công tác dư luận xã hội cho các đối tượng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo, công tác dư luận xã hội trong thời gian qua trong tỉnh.
Bài học kinh nghiệm được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rút ra sau 5 năm thực hiện Kết luận 100-KL/TW, đó là:
Thứ nhất, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, kịp thời và sự đầu tư thích đáng của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể là nhân tố quyết định thắng lợi trong việc thực hiện Kết luận 100-KL/TW.
Thứ hai, nhận thức và sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên của các địa phương, đơn vị và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị trong công tác dư luận xã hội là yếu tố quan trọng để thực hiện có hiệu quả Kết luận 100-KL/TW.
Thứ ba, tinh thần trách nhiệm và trình độ, năng lực về công tác tuyên giáo, công tác dư luận xã hội của đội ngũ cán bộ tuyên giáo nói chung, cán bộ làm công tác dư luận xã hội nói riêng được nâng lên góp phần quan trọng vào chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Kết luận 100-KL/TW trong thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh.
Lê Văn Châu