Ngay sau khi Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” (gọi tắt là Chỉ thị) được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 28-KH/TU, ngày 25-4-2008 để triển khai thực hiện; tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị trong toàn Đảng bộ đã đạt được những kết quả nhất định. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ cấp tỉnh đến cơ sở thường xuyên được cấp ủy các cấp chủ động thành lập, củng cố, kiện toàn và phát triển; nhất là sau Đại hội Đảng bộ các cấp (toàn tỉnh có 2333 đồng chí; trong đó: cấp tỉnh là 50 đồng chí; cấp huyện là 301 đồng chí; cấp cơ sở là 1982 đồng chí); có cơ cấu hợp lý, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định; nhiều đồng chí có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công theo địa bàn phụ trách và theo lĩnh vực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng được cấp ủy các cấp chú trọng. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Trường Chính trị tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp, định hướng thông tin cho báo cáo viên các cấp. Ban Tuyên giáo cấp huyện phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ gắn với đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên cơ sở; việc cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo cho các báo cáo viên được thiết lập và đăng tải lên Trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thông qua Hội nghị báo cáo viên định kỳ 01 tháng/01 lần do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, mời các chuyên gia đầu ngành về thông báo thời sự, thông tin chuyên đề cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; chế độ, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được đảm bảo, kịp thời, đúng quy định.
Các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên như: chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng; kết hợp các phương pháp truyền thống như nói chuyện trực tiếp, vận động từng người, từng nhóm người với việc sử dụng và huy động các phương tiện hiện đại để tăng cường các hoạt động tuyên truyền; huy động các già làng và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tại các thôn, làng tham gia công tác tuyên truyền miệng; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đi vào hoạt động khá bài bản, đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời thường xuyên nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của mọi giai tầng trong xã hội; phản ánh kịp thời với cấp uỷ cấp trên để có hướng chỉ đạo. Góp phần làm cho chất lượng tuyên truyền miệng của tỉnh được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu thực tế, mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền miệng của toàn Đảng bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc tổ chức phổ biến, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị ở một số nơi chất lượng còn thấp; trình độ, năng lực của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, chất lượng hoạt động không đều; nội dung và phương thức tuyên truyền miệng tuy đã có sự đổi mới nhưng vẫn còn chậm; chế độ phụ cấp cho đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở còn thấp.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) và Kế hoạch 28-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới các cấp ủy Đảng cần thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng đa dạng hóa, tăng tính thuyết phục, thiết thực, phù hợp và sát cơ sở, sát đối tượng.
Hai là, kịp thời định hướng dư luận khi có sự kiện xảy ra với nhiều thông tin trái chiều; phát huy việc truyền đạt bằng tiếng địa phương khi tuyên truyền ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Phát huy vai trò, trách nhiệm của ban tuyên giáo các cấp trong việc tham mưu giúp cấp ủy tổ chức quản lý và điều hành hoạt động báo cáo viên.
Trần Thị Thu Huyền