Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Chỉ thị 05) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng đến mọi giai tầng trong toàn xã hội. Việc lựa chọn từng nội dung của Chỉ thị 05 để học tập, làm theo cho phù hợp với từng giai tầng, đối tượng cụ thể ở từng địa phương, đơn vị là rất cần thiết, qua đó phát huy hiệu quả cao nhất của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu về nội dung học tập, làm theo tác phong Hồ Chí Minh để cùng tham khảo học tập, làm theo. Sinh thời, trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh luôn quan tâm chú ý đến cả ba mặt: Tư tưởng, đạo đức và tác phong. Bởi, ba mặt tư tưởng, đạo đức, tác phong có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bao quát cả lý trí và tình cảm, nhận thức và hành động thực tiễn của mỗi con người. Tư tưởng chi phối đạo đức, tác phong, đồng thời qua hoạt động thực tiễn của mỗi con người, đạo đức, tác phong lại là sự hiện thực hóa tư tưởng. Hồ Chí Minh xem trọng tư tưởng, đạo đức, nhưng không xem nhẹ tác phong. Về mặt tác phong, Hồ Chí Minh chú ý giáo dục cán bộ, đảng viên trên cả ba lĩnh vực: Công tác, lãnh đạo và sinh hoạt hàng ngày; trong cả ba mối quan hệ, là đối với việc, đối với người và đối với bản thân mình. Hồ Chí minh giáo dục cán bộ, đảng viên không chỉ qua lời nói, bài viết, mà qua hành động thực tiễn của Người để chứng minh cụ thể cho lời nói, bài viết của mình. Hồ Chí Minh đã thực hiện trước hết và hơn ai hết câu “Nói phải đi đôi với làm”. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh đã làm nhiều hơn những điều Người nói và viết, chính những điều đó đã làm nên sự vĩ đại của Người, tạo nên niềm tin và sự tôn kính ở tất cả mọi người. Tác phong Hồ Chí Minh, là một tác phong hoàn chỉnh, mẫu mực bao gồm nhiều nội dung phong phú như: Tác phong quần chúng: Đây là điểm nổi bật nhất trong tác phong Hồ Chí Minh. Tác phong quần chúng, được Hồ Chí Minh thể hiện ở sự sâu sát, tin yêu và tôn trọng quần chúng. Đó là tác phong, vừa lãnh đạo quần chúng, vừa không ngừng học hỏi quần chúng; tôn trọng, chú ý lắng nghe ý kiến quần chúng, nhưng không theo đuôi quần chúng; giản dị, gương mẫu trước quần chúng, luôn quan tâm đến đời sống của quần chúng. Hồ Chí Minh thường dạy cán bộ, đảng viên: Chúng ta phải “từ nơi quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”. Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân”, không xứng đáng là người đầy tớ, học trò của nhân dân. Những thói mệnh lệnh, cửa quyền đối với quần chúng, cưỡng bức, ức hiếp quần chúng, không tôn trọng, chú ý lắng nghe ý kiến góp ý, phê bình, kiến nghị của quần chúng, bỏ mặt không xem xét những yêu cầu, khiếu nại của quần chúng là hoàn toàn xa lạ với quan điểm và tác phong Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người: “Chúng ta phải yêu dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Làm cho dân tin, dân yêu, dân kính phục là vấn đề thuộc về lòng người. Uy quyền có thể làm người ta sợ, chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của mọi người. Quần chúng chỉ tin yêu, kính phục những cán bộ, đảng viên hết lòng vì nước, vì dân mà phục vụ; căm ghét và lên án những cán bộ, đảng viên quan liêu, hách dịch, cửa quyền, thoái hóa, biến chất. Tác phong quần chúng của Hồ Chí Minh còn là sự giản dị như chính bản thân và cuộc sống của Người. Đối với Người, mọi nghi thức đều trở nên thừa, nếu phải chấp nhận thì đó chỉ là sự miễn cưỡng. Hồ Chí Minh đến với quần chúng nhân dân như đến với những người thân thích, ruột thịt, bao giờ Người cũng đem đến cho mọi người sự gần gũi, ấm cúng, niềm lạc quan tin tưởng, sự động viên khích lệ lớn lao và sự bao dung, độ lượng vô bờ. Tác phong tập thể, dân chủ: Đây là tác phong quan trọng trong công việc và lãnh đạo của Người. Nó xuất phát từ quan điểm chủ nghĩa tập thể của Chủ nghĩa Mác-Lênin và từ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta. Với tác phong này, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng được cho mình trong công tác và trong hoạt động lãnh đạo. Gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, tinh thần ấy thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của mỗi người, sẽ giúp cho mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên tránh được nhiều khuyết điểm, sai lầm trong công việc. Đối với người lãnh đạo, tác phong tập thể, dân chủ đòi hỏi phải mở rộng dân chủ nội bộ, dân chủ quần chúng; phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi người; biết tôn trọng, lắng nghe và khơi gợi ý kiến góp ý của cấp dưới và quần chúng nhân dân. Thực hiện tác phong này, sẽ tạo được môi trường làm việc dân chủ, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của từng thành viên trong tập thể. Ngược lại, nếu người lãnh đạo, không thực hiện đúng tác phong dân chủ, không xem trọng tập thể, mà độc đoán, chuyên quyền thì sẽ tạo một môi trường làm việc nặng nề, gượng ép, người có ý kiến hay không dám góp ý, người muốn phê bình không dám phê bình để xây dựng, vấn đề này sẽ tạo hố sâu ngăn cách giữa cấp trên với cấp dưới, quần chúng xa rời Đảng, không phát huy được sáng kiến, không huy động được sức mạnh tổng hợp tập thể, từ đó nhiệm vụ cách mạng sẽ không hoàn thành. Tác phong khoa học: Việt Nam chúng ta xuất phát từ một nước nông nghiệp và sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội, nên tác phong nông nghiệp đã để lại dấu ấn đậm nét trong cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đó là những thói quen xấu, lạc hậu, như: Tự do, tùy tiện, thiếu ý thức, thiếu kỷ luật, thiếu kế hoạch, lượm thượm, lề mề, không xem trọng thời gian, bảo thủ, trì trệ, độc đoán, chuyên quyền… Những thói hư, tậy xấu này, ngày nay vẫn còn tồn tại trong tác phong làm việc, cuộc sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó làm giảm đi hiệu quả công việc, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước đối với quần chúng nhân dân. Đối với Hồ Chí Minh, Người rất nghiêm khắc vấn đề này, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải kiên quyết đấu tranh khắc phục cho bằng được. Tác phong khoa học mà Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi người cán bộ, đảng viên phải có, đó là: Làm việc phải có kế hoạch, có chương trình, có giờ giấc; làm việc phải có điều tra, nghiên cứu nắm chắc tình hình, nắm chắc vấn đề mới đi đến quyết định. Đối với người phụ trách, người lãnh đạo phải có cách thức, biện pháp cụ thể, phù hợp để sử dụng bộ máy, sử dụng những cộng sự để họ giúp mình có những thông tin cần thiết và xác thực, đặc biệt là biết sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo, vấn đề sai sự thật để làm sáng tỏ từng vấn đề đem lại hiệu quả cao nhất. Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán bệnh “hữu danh vô thực”, “làm việc không thiết thực, khộng tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch”, thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. “Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm” (HCM toàn tập, t4, tr 472-473, NXBST, HN 1984). Tác phong khoa học còn đòi hỏi cán bộ, đảng viên làm việc phải sâu sát; lãnh đạo chung kết hợp với chỉ đạo riêng; làm nhiều phải nghĩ nhiều; phải có sự đôn đốc và kiểm tra. Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ, đảng viên là phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; không được lãnh chỉ đạo chung chung. Sự sâu sát sẽ giúp cho người lãnh đạo thấy được tình hình cụ thể, từ đó kịp thời có những quyết định chính xác, hiệu quả. Còn rất nhiều tác phong chuẩn mực của Hồ Chí Minh mà đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tiếp tục nghiên cứu, học tập và làm theo như: Tác phong dân chủ; tác phong viết và nói ngắn gọn, súc tích; tác phong giản dị trong sinh hoạt và quan hệ với mọi người… Kế thừa, học tập, làm theo tác phong của Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ xây dựng được một tác phong làm việc cách mạng, khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính Nhà nước hiện nay; góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đặc biệt, góp phần to lớn trong việc xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay. |
Bài, ảnh: Lê Văn Châu |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn